Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Niềm Tin và sự Sợ hãi


Người Yêu Nước (Danlambao) - Nhiều người khi mới tham gia biểu tình chống TQ đều luôn lo sợ nếu bị công an bắt. Sự sợ hãi của họ không chỉ là vì sợ bị đánh đập, bị xúc phạm thân thể, mà còn là sự sợ hãi vì bị chính quyền gây khó dễ việc làm ăn sinh hoạt, hoặc lo sợ bị chính quyền vu cáo này nọ, bị xung quanh ruồng bỏ, hoặc gia đình bị liên lụy.

Hai anh em Đoàn Văn Vươn, rồi bà con nông dân Văn Giang, Vụ Bản, khi quyết tâm chống bọn cướp đất, họ chẳng còn đường nào để lùi, nếu chống người thi hành công vụ mà bị bắt thì cũng chết, nhưng không chống lại để bị mất đất làm ăn thì cũng chết. Do đó họ không hề có cảm giác Sợ hãi. 

Nhưng với những người đấu tranh dân chủ, hay những người muốn tham gia biểu tình chống TQ xâm lược, trước tiên họ luôn phải tự đấu tranh với bản thân họ: "Tham gia biểu tình thì cũng hơi sợ đấy, mà nếu mình không tham gia thì có lẽ đâu có sao". 

Chính vì thế nên mùa hè năm ngoái và năm nay chưa có nhiều người tham gia các cuộc biểu tình chống TQ. Mặc dù nếu làm phép tính cộng, con số những người thể hiện trên mạng sự bức xúc cực độ với các hành động xâm lược bành trướng của TQ ở Biển Đông có thể lên đến hàng chục hàng trăm ngàn, nếu chỉ một phần trong đó là người Hà Nội thì cũng đã là nhiều ngàn rồi, nhưng mỗi sáng Chủ nhật mùa hè chỉ có đôi ba trăm người tuần hành bên Hồ Gươm. 

Vợ chồng ông chú tôi, là sĩ quan quân đội về hưu, rất chăm theo dõi tin tức trên mạng, bà thím nhiều lần nói: "Chủ nhật tới mà có biểu tình chống TQ, chú mày thế nào cũng ra Bờ Hồ, chú căm bọn nó lắm, mà có khi thím cũng đi theo chứ sợ gì". Tôi vẫn thường đến chơi với chú thím, nhưng mấy tháng hè qua, Chủ nhật nào chú thím cũng có khách hoặc có việc gia đình quan trọng: cưới, tang, giỗ. họp bạn bè...(?) 

Chẳng lẽ mọi người lại cứ sợ mãi thế? KHÔNG, tôi không tin, tôi biết rằng "sự Sợ hãi dần sẽ qua đi và được thay thế bằng Niềm tin". Không phải tôi là người phát minh ra câu này, mà là của ai đó trong số những người hoạt động cách mạng trước năm 1945 đã nói. 

Trước hết là niềm tin vào Chính nghĩa: khi TQ thành lập thành phố Tam Sa, đưa hàng vạn tàu của họ vào biển Đông đánh cá, bắt ngư dân của ta nộp tiền chuộc, chào thầu dầu khí trên biển Nha Trang... thì chính quyền ta, nếu đàn áp biểu tình chống những điều đó một cách quá bạo lực, thì họ sẽ không còn tính chính danh. Vì vậy họ không thể làm mạnh tay hơn là việc dùng xe bus bắt mọi người sang Đông Anh hay về Mỹ Đình, hỏi vớ vẩn rồi... thả. 

Các bài viết của các biểu tình viên sau khi trở về từ Đông Anh, Mỹ Đình đều luôn tràn ngập sự lạc quan tin vào chính nghĩa, và bất cứ ai sau một lần làm việc với CA thì sẽ thấy sự Sợ hãi kia tan biến. Thậm chí nhiều bài viết còn khá là vui vẻ hài hước kể về các hành động đàn áp của công an. Thử xem lại các bài viết trên mạng về Biểu tình mùa hè mà xem, sau cuộc biểu tình trong cái tuần lễ mà tướng Nhanh tuyên bố "chính quyền không chủ trương đàn áp", thì số bài viết ít hẳn, nếu so với những tuần có sự đàn áp, bắt bớ, đặc biệt là so với tuần có sự kiện "khiêng bốn chân" hoặc "đạp mặt" thì sự bàn luận rất rôm rả, vui vẻ, cả thơ, nhạc, ảnh... Chàng trai họ Đào gì đó, con bác Đào Tiến Thi, còn viết được một loạt những bài rất chân thật, sống động và rất chững chạc, về những trải nghiệm "lần đầu tiên "được" bị đàn áp vì biểu tình". Chị Bùi Hằng sau gần năm trời bị "giam giữ cải tạo" trở về nhà lại còn hoạt động hăng hơn trước, chẳng còn chút Sợ hãi nào. 

Tiếp theo là niềm tin vào Chân lý, toàn những Chân lý do... Đảng dạy trong nhà trường: "Có đàn áp áp bức là sẽ có đấu tranh"; "Chính quyền cướp đất của Dân, Dân sẽ chống lại"; "Giặc xâm chiếm đất liền, biển đảo, cả dân tộc sẽ đứng lên bảo vệ non sông"; "Bọn cường hào ác bá tham nhũng làm nghèo đất nước, Dân sẽ làm cách mạng quét sạch chúng"; … Nếu ta tin rằng chúng ta làm đúng Chân lý, sự Sợ hãi sẽ trở nên nhỏ bé. 

Và tiếp theo nữa là tin vào số lượng. Ngày hôm qua, Công an có thể đặt chốt mỗi nơi vài chú trước cửa nhà của những người tham gia biểu tình, nhưng ngày mai liệu họ có còn đủ người hoặc còn tiếp tục mãi như vậy được không, khi mà con số người muốn biểu tình cứ dần tăng lên. Đấy là không kể chính các công an viên bị bắt làm việc đó càng ngày càng có nhiều người biết rằng đó là điều vô lý và bất nghĩa, thậm chí vô duyên (trong trường công an dạy các cách bí mật theo dõi đối tượng, nhưng ở đây cứ phải ngang nhiên ngồi lỳ trước cửa nhà người ta). 

Một ông bác của tôi, vốn là trung tá công an về hưu, giờ đang làm Bí thư Đảng ủy phường, tôi chả bao giờ dám bàn chuyện chính trị với ông, nhưng chính ông có lần đã nói với bố tôi: "Bây giờ lòng tin vào Đảng ở phường này xuống thấp lắm rồi. Đến trưởng CA phường khi được yêu cầu cắt cử người canh giữ ông biểu tình viên trên địa bàn phường, cũng phản ứng ra mặt: bao nhiêu yêu cầu trên bắt phải làm, quân đâu đủ mà đi gác, nhưng rồi gác đến suốt đời chắc?". 

Và điều rất quan trọng, đó là mọi người đấu tranh đều Tin vào công nghệ hiện đại. Ngày xưa các Đảng viên CS phải liều mình đi rải truyền đơn chống chính quyền cũ, nhưng nếu không bị bắt thì cũng chỉ có vài tờ truyền đơn đến được với Dân. Còn bây giờ, mỗi ngày có hàng trăm bài"truyền đơn on-line" đến với hàng ngàn vạn người, mấy trang DLB, QLB sau khi được TT Dũng quảng cáo miễn phí, thì lại được cả triệu người đọc mỗi ngày. Chính quyền nào ngăn nổi sự rải "truyền đơn" đó, đánh phá trang này thì hàng chục hàng trăm trang mới ra đời, công việc của CA mạng chỉ là "dã tràng xe cát". Giờ Chính quyền muốn chấm dứt làn sóng phản đối trên mạng, thì chỉ còn mỗi cách duy nhất là học tập Bắc Triều: "Không Internet - Không Điện thoại di động". 

Sẽ còn nhiều Niềm Tin nữa đến thêm với những người dám tranh đấu, để xua tan đi sự Sợ Hãi, như ai đó đã từng nói "Gió Tây thổi bạt Gió Đông". 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét