Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Thái tử đảng qua các triều đại


Mao tân Vũ

- NgyThanh

Thái tử đảng là gì?
Vào một buổi chiều mát trời tháng Hai năm 2011 ở thủ đô Bắc Kinh, một thanh niên 23 tuổi mặc tuxedo lái chiếc Ferrari đỏ tươi màu máu như màu cờ Trung Quốc để đưa người đẹp từ điểm hẹn hò tới tiệm ăn. Nàng là Liz Huntsman, con gái của đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh ông Jon Huntsman, người có tên Tàu là Hồng Bác Bồi (???). Chàng là Bạc Qua Qua, con một của Bạc Hy Lai, người từng là thị trưởng thành phố Đại Liên, đến Bộ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc, và đang là bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Trùng Khánh - một trong những hạt giống đỏ, thế hệ lãnh đạo thứ năm của Cộng đảng TQ. Việc chọn loại xe thể thao đắt tiền của chàng là một quyết định làm nhiều người giật mình, vì ông bố của chàng đang lao đao trong một chiến dịch để phục hưng tinh thần Mao Trạch Đông bằng chuỗi dài đàn ca xướng hát các nhạc phẩm “hồng ca” thời cách mạng. Đẩy mạnh chiến dịch này, Bạc Hy Lai ra lệnh sinh viên và công nhân viên phải gắn bó với trách nhiệm của mỗi người nhằm tái quan hệ với nông thôn. Trong khi đó, con trai của người chễm chệ trên một chiếc xe hơi trị giá 230 ngàn đô, khi thu nhập trung bình của người dân là 3.300 đô mỗi năm. Trước khi bị đàn em Vương Lập Quân khui chuyện bà vợ giết doanh nhân người Anh Neil Heywood để bị thất sủng, lương năm của ông bí thư Thành ủy Trùng Khánh không quá 20.000 đô. Vậy mà với đồng lương khiêm tốn này, ông vẫn đủ sức cho cậu ấm Bạc Qua Qua theo học trường đại học tư Harrow ở Luân Đôn với học phí 48 ngàn/năm. Tiếp theo, ông lại chuyển chàng qua trường Oxford chuyên dành cho học sinh quốc tế, riêng khoản tiền học là 25 ngàn đô/năm, trước khi vào trường Kennedy, nơi mỗi sinh viên cần khoảng 70 ngàn đô/năm để vừa học vừa ăn uống tiêu dùng.
Khúc đoạn xã hội vừa kể là “chuyện thường ngày ở huyện”, một tình trạng thoái hóa đạo đức hiện đang là một biểu tượng của sự thử thách quất vào mặt của đảng Cộng sản TQ vào đúng lúc mà nó vẫy vùng tìm phương thuốc thần để bảo tồn vị trí trong một xã hội càng lúc càng phân hóa, dày đặc thông tin, và ngụp lặn nhu cầu. Con cái của các lãnh tụ đảng, thành phần đang được gọi bằng danh từ “thái tử đảng” mới phát sinh, gồm những nhân vật đang trở thành các đề tài nổi bật vì hai yếu tố: bành trướng các thương vụ làm giàu và khoe mẽ sự sang giàu xa xỉ trong bối cảnh căm giận của quần chúng vì người dân biết rõ nạn tham nhũng lan rộng trong chính quyền song song với sự lạm dụng quyền lực.
Danh từ tiếng Anh “princelings” (thái tử đảng) mới do báo chí phương Tây chế ra gần đây, nhưng đối với người Tàu, người Nhật, người Đại Hàn và người Việt Nam, thái tử và đảng là hai loại bệnh dịch do phong kiến và do chủ nghĩa Cộng sản sản sinh, mà người dân các nước này đã cắn răng cam chịu từ xa xưa - chỉ riêng người Nhật Bản được trời bao dung không đày đọa bằng chủ nghĩa Cộng sản.
Trong triều đình, các con trai của vua gọi là hoàng tử, còn con trai đầu thông thường là vị hoàng tử sẽ nối ngôi cha, nên danh xưng được đổi thành đông cung thái tử. Ở mọi thời quân chủ, thái tử vẫn là chữ để gọi con trai trưởng, kẻ sẽ được vua truyền ngôi. Ngày nay, khi con người đã mò lên tới Hỏa tinh, chủ nghĩa Cộng sản đã bị đào thải, chỉ trừ một vài quốc gia vẫn duy trì “cộng sản” làm một thứ vũ khí có tác dụng như nhà tù và nhà xác để giúp nhà nước bóc lột, hù dọa và đàn áp công dân mình, như trường hợp Bắc Hàn, Cuba, Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những nơi có các con khỉ ngoi lên tự coi là người đang phục sinh tinh thần con nối cha truyền qua cái mà chúng hãnh diện: hạt giống đỏ, hay tinh trùng cộng sản. Nếu thái tử là một chức tước phong kiến đã trái mùa và hủ lậu, và nếu đảng Cộng sản là một tập hợp đồng nghĩa với thổ phỉ hay bọn cướp cạn, thì danh từ kép thái tử đảng càng là một hiện tượng buồn nôn hơn.
Hoàng đế cuối cùng
Dân tộc Trung Hoa đã bị tạo hóa đọa đày hai giai đoạn sống dở chết dở, dưới triều đại của hai vị thiên tử, thay trời làm chết dân. Một người là Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của nền quân chủ phong kiến, và một người là Mao Trạch Đông, hoàng đế đầu tiên của chế độ quân chủ ngụy trang dưới chiêu bài cộng sản - một thứ chính quyền bình mới rượu cũ, tiếp tục tàn phá xã hội bằng truyền thống thái tử đảng, cha truyền con nối đã qua 5 thế hệ, và đang tiếp tục cho tới nay.
Khi vua Đồng Trị chết không có con, Từ Hi chọn một đứa cháu mới bốn tuổi, em con thúc bá của Đồng Trị, đưa lên ngôi, hiệu là Quang Tự. Tuy Quang Tự làm Hoàng đế, nhưng chỉ là hư vị, vì mọi quyền hành đều ở trong tay Thái hậu Từ Hi. Chính biến Mậu Tuất (1898) xảy ra, Hoàng đế Quang Tự bị giam 10 năm ở Doanh Đài, trong một căn phòng bẩn thỉu, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã cho đến khi chết (1908). Quang Tự qua đời ngày 14 tháng 11 năm 1908 ở tuổi 37 và ở ngôi được 33 năm. Ngày Quang Tự chết, Thái hậu Từ Hi cũng đang trên giường hấp hối, bà này đã cấp tốc quyết định chọn một thằng bé mới 34 tháng tuổi lên nối ngôi, hiệu là Phổ Nghi. Đây là vị hoàng đế cuối cùng của nền quân chủ Trung Hoa.

Với quyết định của Từ Hi, các quan triều đình đã đến nhà để bắt thằng bé đi làm vua. Khi các nội giám bế lên tay, thằng bé đã khóc và chống cự quyết liệt, ông bố ruột cũng chịu thua, chỉ một mình bà vú em Vương Tiêu Thị là người duy nhất có thể dỗ được cậu bé thôi vùng vẫy, nên được theo cậu vào cung. Trong 6 năm tiếp theo, Phổ Nghi không được gặp mẹ mình, mặc dù ông vua nước Tàu là một đứa bé khó nuôi, cứng đầu, và thiếu sức khỏe. Thằng bé trong vai vua đã bắt khoan bắt nhặt, lấy những sai sót vụn vặt làm cớ để đánh đập các hoạn quan nhằm thỏa mãn thú vui sử dụng quyền lực tuyệt đối của mình. Chính nhà vua về sau này kể rằng mỗi lần ông nổi trận lôi đình hoặc khi không vui là lúc các thái giám gặp tai họa. Nếu đột nhiên vua vui hoặc khi nổi cơn đùa nghịch thì các thái giám cũng khổ. Lúc vua khoảng 9 tuổi, có lần ông muốn xem các quan có thực sự tuân lệnh mình không, nên gọi một thái giám, chỉ vào miếng thức ăn bẩn liệng trên mặt đất và bảo ăn. Ông quan kia đã ngoan ngoãn nằm úp mặt xuống đất và ăn miếng thức ăn dơ ấy.
Vua Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt vào lúc kết thúc Thế chiến Thứ Hai. Tới khi Mao đăng quang năm 1949, Phổ Nghi đã viết thư cho Stalin để xin khỏi bị quăng trở lại nước Trung Hoa cộng sản, nhưng để sưởi ấm quan hệ với đồng chí Mao, Statin đã bắt Phổ Nghi hồi hương năm 1950. Về nước, hoàng đế Phổ Nghi lột đủ 10 quyển lịch trong trại cải tạo Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, đến khi hoàng đế được tẩy não xong, Mao Trạch Đông cho ông ra trại về sống 6 tháng kế tiếp trong một căn hộ bình thường ở Bắc Kinh với em gái ông, rồi bị tống vào một phòng khách sạn gò bó.
Qua tới năm 1966, Mao tiến hành Cách mạng Văn hóa, các hồng vệ binh xem Phổ Nghi như một biểu tượng của chế độ phong kiến Trung Hoa cần trừ khử. Dù được công an địa phương bảo vệ, khẩu phần ăn và các đồ dùng cá nhân sang trọng như bàn và ghế bành của Phổ Nghi đã bị tịch thu, bản thân Phổ Nghi bị ảnh hưởng cả về mặt thể chất lẫn tình cảm. Ông đã chết bệnh ở Bắc Kinh trong vòng một năm đầu của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Gần giống như số phận của sĩ quan quân lực VNCH sau khi miền Nam Việt Nam thất thủ, vua Phổ Nghi cũng đi học tập cải tạo tổng cộng 14 năm, nhưng rất may, 5 năm đầu tiên không bị cải tạo bởi chính đồng bào mình. Từ 1945 đến 1950, nằm trong nhà đá Liên Xô, ngục thất của Phổ Nghi có máy thu thanh để nghe, có sách báo TQ để đọc, có bàn mạt chược để giết thì giờ, và có một khoảnh đất nhỏ ngoài sân để thư giãn bằng việc trồng rau. Mỗi ngày tù nhân được ăn ba bữa và buổi tối uống trà Nga và xúm nhau lại cầu cơ xem chừng nào sẽ được phóng thích; đều đặn, bác sĩ và y tá còn đến chăm sóc hay theo dõi sức khỏe. Ngày 31/07/1950, các phạm nhân chiến tranh Mãn Châu trong đó có Phổ Nghi được dồn lên một chuyến xe lửa để trả về TQ. Chuyến xe không đưa tù nhân về với gia đình, mà chở thẳng đến trại cải tạo trung chuyển Phú Thuận 3 tháng, rồi đến cuối tháng Mười thì được đưa đi cải tạo tiếp ở trại Cáp Nhĩ Tân thêm 9 năm. Ngày 17/09/1959, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ ký lệnh đặc xá, nhân vật đứng đầu danh sách được tha là tù nhân Phổ Nghi 54 tuổi. Người đàn ông từng có cả thiên hạ trong tay chỉ sống thêm 7 năm nữa, rồi chết vì bệnh ung thư năm 1967, khi mới vào tuổi 61.
Các hoàng đế cộng sản tiếp nối

Thế hệ thứ nhất, cầm quyền giai đoạn 1949-1979
Người mở đầu kỷ nguyên vua chúa mới theo kiểu cộng sản, là Mao Trạch Đông. Vào thời điểm phong trào sùng bái cá nhân lên tới đỉnh cao, Mao lập kỷ lục bằng cách “đạt” một lúc bốn thứ vĩ đại: người thầy vĩ đại, lãnh tụ vĩ đại, thống soái vĩ đại, người lèo lái vĩ đại. Mao có công thống nhất gần như toàn bộ đất nước, nhưng thống kê cũng cho thấy ông là nhà lãnh đạo đã vừa trực tiếp vừa gián tiếp gây ra cái chết cho 77 triệu người, gần gấp đôi tội ác của tên đồ tể cộng sản Stalin với 43 triệu người.
Về đời tư, Mao có 4 vợ. Đầu tiên là bà La Thị, do gia đình sắp đặt năm 1907 nhưng ông không công nhận và hai người không hề ăn ở hay có con cái với nhau. Năm 1921, Mao kết hôn với Dương Khai Tuệ và có chung 3 người con trai là Mao Ngạn Anh (1922-1950), Mao Ngạn Thanh (1923-2007) và Mao Ngạn Long (1927-1931). Bà Dương Khai Tuệ bị Quốc dân đảng hành quyết năm 1930. Tháng 5/1928, Mao kết hôn với Hạ Tử Trân; bà này sinh nở 6 lần nhưng 5 người con đã chết non hoặc mất tích, chỉ có Lý Mẫn chào đời năm 1936 khôn lớn. Sau đó, Mao kết hôn với Giang Thanh năm 1938, hai người chỉ có 1 con gái là Lý Nạp sinh năm 1940.
Qua đến đời con cháu của ông, Mao Ngạn Anh cưới Lưu Tư Tề, không thấy nói tới con cái. Trong khi con trai út của Mao và Dương Khai Tuệ là Ngạn Long mất tích lúc 4 tuổi, con trai thứ nhì Mao Ngạn Thanh lấy em ruột của Lưu Tư Tề là Thiệu Hoa, năm 1970 sinh ra cháu nội là Mao Tân Vũ; cuối tháng 6/2009, sử gia quân đội Mao Tân Vũ (???) đột ngột được thăng cấp, trở thành vị tướng trẻ nhất của quân đội TQ. Lý Mẫn, con gái của Mao và Hạ Tử Trân, lấy Khổng Lệnh Hoa, sinh được cháu ngoại trai là Khổng Kế Ninh và cháu ngoại gái Khổng Đông Mai. Còn Lý Nạp, con gái của Mao và Giang Thanh, lấy Vương Cảnh Thanh, sinh được cháu ngoại trai là Vương Hiệu Chi. Tân Vũ lập gia đình 2 lần. Người vợ thứ nhất là một cô gái chạy bàn xinh đẹp tên Hác Minh Lị. Họ làm đám cưới tốc hành vào cuối năm 1997, nhưng cô Hác chết sớm vào năm 2003 trong nhà tù chính trị Tần Thành; hai người không có con. Tân Vũ tái hôn cùng năm 2003 với Lưu Tân; hai người sinh được con trai tên Mao Đông Đông, và con gái Mao Điềm Ý. Thiếu tướng Mao Tân Vũ luôn ca ngợi ông nội mình bằng chữ “thượng đế”, hoặc “con người tuyệt đối”.
Điểm lại thế hệ thứ nhất, ngoài trường hợp cháu nội Mao Tân Vũ của chủ tịch Mao Trạch Đông được gắn lon thiếu tướng, chúng ta còn thấy: (1) Lưu Thiếu Kỳ, cố chủ tịch nước, có con trai với bà Vương Quang Mỹ là Lưu Nguyên mang quân hàm trung tướng, ngồi tại Hàn lâm viện Khoa học Quân đội, một chức vụ mà thông tấn xã Reuters nhận xét tương đương với ghế bộ trưởng trong nội các chính phủ. (2) Tập Trọng Huân, Phó thủ tướng TQ từ 1959 đến 1962, và là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông từ 1979 đến 1981; bố của Tập Cận Bình, người sắp nhận chức nguyên thủ quốc gia. (3) Bạc Nhất Ba, Phó Thủ tướng vừa là một người trong nhóm cổ thụ Bát đại Nguyên lão, bố của Bạc Hy Lai; nếu không xảy ra vụ người con dâu Cốc Khai Lai giết doanh nhân người Anh, đà tiến thân trong hàng ngũ đảng và nhà nước của Bạc Hy Lai và cháu nội Bạc Qua Qua còn thăm thẳm không thua gì Tập Cận Bình. (4) Bành Chân, một cây cổ thụ khác của Bát đại Nguyên lão, đã chết năm 1997, nhưng con trai của ông là Phục Dương đứng đầu một trong 10 tổ hợp luật sư quyền thế nhất đại lục TQ tên Khang Đạt Luật sư Sự vụ sở, một hình thức trung gian hối mại quyền thế rập khuôn với tổ hợp luật sư Cốc Khai Lai của bà vợ ông Bạc Hy Lai. (5) Diệp Kiếm Anh, một nguyên soái nhiều con, và đám con đông đảo của ông đều giữ những ghế quan trọng: con cả Diệp Tuyển Bình làm Phó chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân toàn quốc; con trai kế Diệp Tuyển Ninh, Trung tướng, từng là Cục trưởng Liên lạc thuộc Tổng bộ chính trị, ủy viên thường vụ quốc hội; con trai Diệp Tuyển Liêm, ủy viên Chính Hiệp toàn quốc, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty Khải Lợi; con gái Diệp Sở Nam, nguyên là một phó cục trưởng ở Bộ Công nghiệp Cơ khí, vợ của phó thủ tướng Trâu Gia Hoa; con gái Diệp Văn San, chủ tịch hội đồng quản trị công ty đầu tư Hoa kiều Hải Nam, vợ của Dư Phương Phương, con trai trung tướng Dư Thu Lý, Bộ trưởng Bộ Dầu khí. (6) Tăng Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có con trai là Tăng Khánh Hồng; trong tư thế thái tử đỏ của thế hệ một, Tăng Khánh Hồng leo tới chức Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Đảng cộng sản TQ, Bí thư ban Bí thư Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đảng trung ương, và Phó Chủ tịch Nước.

Trong thế hệ cầm quyền thứ nhì, giai đoạn 1979-1993
Nhà nước cộng sản có (1) Đặng Tiểu Bình, nhưng người con trai trưởng của ông với bà Trác Lâm, vợ thứ ba, tên Đặng Phác Phương, đã bị Hồng Vệ Binh làm cho thân tàn ma dại, nên thái tử đảng này chỉ ngồi xe lăn, chẳng hưởng được xơ múi gì từ thế lực bố mẹ. Thời Cách mạng Văn hóa, gia đình Đặng Tiểu Bình bị Mao chụp mũ là “tẩu tư phái”, tức thành phần mở đường tới tư bản, nên bị tấn công tới độ có lần, Bình bị bắt quỳ gối dưới đất, tay trói ngoặc sau lưng, công khai thú nhận trước mặt vợ con mình về tội có suy nghĩ theo lề lối tư bản. Riêng Đặng Phác Phương bị Hồng Vệ Binh cầm tù, tra tấn, và liệng qua cửa sổ tầng lầu thứ ba của viện đại học Bắc Kinh hồi 1968. Được chở tới bệnh viện, Phương bị từ chối cấp cứu vì là con của một tên tư bản. Khi gia đình chở tới một bệnh viện tư, thì đã quá muộn. Phương trở thành người tàn phế. Em gái của Phương là công chúa đỏ Đặng Nam thoát ngọn đòn thù của chế độ, ngoi lên được tới chức Phó Vụ trưởng Khoa học và Kỹ thuật của nhà nước. (2) Chủ tịch Dương Thượng Côn có ba công chúa đảng, nhưng cả ba sống chìm khuất, chỉ trừ một ông con rể là thượng tướng Trì Hạo Điền, làm tới chức bộ trưởng quốc phòng thứ 8 của chính phủ, và một ông rể nữa, ông Vương Hiểu Triều, giám đốc một công ty buôn bán vũ khí lớn của TQ. (3) Phó thủ tướng Vạn Lý mới theo đảng từ năm 1936, nhưng tiến thân khá nhanh. Người con trai thứ tư của ông có cái tên con gái, Vạn Quý Phi, vào đời bằng chức vụ phó bí thư quận ủy Thuận Nghĩa thuộc thủ đô Bắc Kinh, sau đó chuyển ra nắm khu tự trị Trữ Hạ Hồi Tộc; năm 1995 Quý Phi quay về Bắc Kinh giữ chức phó phòng Đặc khu Kinh tế của Hội đồng chính phủ. (4) Con cái ông Triệu Tử Dương sống thầm lặng như cuộc sống bố mình trong những năm bị quản thúc tại gia cho đến ngày chết, nhưng một người con dâu của nhân vật chính trị phản động họ Triệu, là bà Margaret Ren, đã vươn cao trong ngành tài chính. Bà này là nhân viên xuất sắc của Citigroup tại TQ, sau đó bà sang làm cho Merrill Lynch, rồi trở thành giám đốc tổ hợp tài chính BNP Paribas. Gần đây, khi Bank of America gộp Merrill Lynch vào, hệ thống ngân hàng mới này chọn Margaret Ren làm chủ tịch phân bộ Trung Quốc của họ. (5) Tổng bí thư thứ 12 của đảng CSTQ ông Hồ Diệu Bang có người con trai cả Hồ Đức Bình làm phó chủ tịch phòng Tổng quản trị Mậu dịch và Kỹ nghệ TQ, và cháu gái Janice Hồ là giám đốc Quỹ đầu tư TQ ở Ngân hàng Thụy sĩ. (6) Đệ nhất Phó thủ tướng Diêu Y Lâm có con rể là Vương Kỳ Sơn leo tới chức Phó Thủ Tướng Quốc Vụ Viện TQ và Ủy viên Bộ Chính trị.

Qua thế hệ cầm quyền thứ ba, giai đoạn 1989-2003
Chúng ta thấy 6 nhân vật lãnh đạo chính. (1) Chủ tịch kiêm tổng bí thư Giang Trạch Dân có con trai là Giang Miên Hằng giữ chức Viện phó Hàn lâm viện Khoa học TQ cho đến khi bị lột chức hồi tháng 11/2011 vì bị tố tham nhũng, biển thủ quỹ đấu giá cổ phần và chuyển ngân công quỹ trái phép. Miên Hằng còn có tên trong sổ lương của những nhà nghiên cứu về chương trình không gian TQ, kiêm chủ tịch công ty đầu tư Liên Minh Thượng Hải. (2) Lý Bằng, Thủ tướng thứ tư của Quốc vụ viện TQ, có con trai là Lý Tiểu Bằng, cựu chủ tịch tập đoàn Hoa Năng kiêm chủ tịch Công ty điện lực quốc tế Hoa Năng, hiện đang giữ chức phó tỉnh trưởng Sơn Tây. (3) Cựu thủ tướng Chu Dung Cơ có con trai đang là chủ tịch Công ty Tài chính Quốc tế; báo Mỹ Fortune liệt kê tên Chu Vân Lai vào thứ 15 trong danh sách 25 nhà lãnh đạo tài chính có thế lực nhất châu Á. (4) Lý Thụy Hoàn, chủ tịch Toàn quốc Chính hiệp, cơ quan cố vấn chính trị cho chính phủ; ông này có con trai thứ là Jeffrey Lý, mang quốc tịch Hoa Kỳ. Sau khi về nước làm giám đốc tại TQ cho hãng bào chế Novartis 5 năm, tới 2010, Jeff cùng người anh ruột là George Li mở công ty tư chuyên nghiên cứu và phát triển về ngành kỹ nghệ thuốc tây và sinh vật với số vốn đầu tư 430 triệu Mỹ kim. (5) Phó thủ tướng Quốc vụ viện Tăng Bồi Viêm có con trai là Jeffrey Tăng, hiện đứng đầu 4 công ty khác nhau: Công ty máy tính Vạn Lý Trường Thành, Công ty UFIDA, Công ty Thượng Hải AJ, và Công ty Nhu liệu TQ, ngoài ra, ông này còn là giám đốc của một số hãng xưởng khác như AAMA China, Công ty Hậu cần Đặc chế TQ, và Hệ thống Thông tin Điện thoại mạng Hồ Nam. (6) Vinh Nghị Nhân, vị phó chủ tịch nước trước thời kỳ Hồ Cẩm Đào. Khi ông mất vào năm 2005, báo chí quốc tế cho rằng ông là một trong những người giàu nhất châu Á, với tài sản để lại khoảng 1.9 tỉ Mỹ kim. Con trai ông, Vinh Trí Kiện, có tài sản riêng trị giá 2.2 tỉ Mỹ kim vào năm 2007. Bố con ông này được xếp vào hàng ngũ “tư bản đỏ” của thế giới.

Tới thế hệ cầm quyền thứ tư, giai đoạn 2002-2012,
Hồ Hải Phong (trái) và Lý tiểu Bằng

Lịch sử ghi nhận 4 khuôn mặt lớn. (1) Chủ tịch kiêm tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, có thái tử Hồ Hải Phong nắm giữ ghế chủ tịch hãng Nuctech, một công ty với vốn đầu tư được kê khai là của đại học Thanh Hoa, chuyên sản xuất thùng chứa hàng dành cho xe vận tải, đóng toa xe lửa và máy rà kim loại để tìm vũ khí ở phi trường. Năm 2009, hãng Nuctech bị hai chính phủ Namibia và Phi Luật Tân tố cáo tội hối lộ, còn tại Nam Phi, cuộc điều tra cũng liên quan đến hối lộ trị giá 54 triệu Mỹ kim chưa kết thúc. Rể của Hồ Cẩm Đào là một tài phiệt về internet tại lục địa tên Mao Đạo Lâm. (2) Thủ tướng Ôn Gia Bảo với tài sản tổng cộng 2.7 tỉ Mỹ kim được New York Times phanh phui đã được tường thuật ở Thời Báo số trước, xin khỏi nhắc lại ở đây. (3) Ngô Bang Quốc, chủ tịch quốc hội, người đứng hàng thứ nhì trong hàng ngũ lãnh đạo TQ. Sau khi chờ chực suốt một năm để được quốc hội phê chuẩn, nhà máy điện nguyên tử trị giá 1.46 tỉ Mỹ kim được tiến hành vào đầu tháng 7/2009, và cái ghế tổng giám đốc được giao cho Wilson Feng, con rể của Ngô Bang Quốc. (4) Cái tên Lý Trường Xuân, không mấy người nước ngoài biết, nhưng quyền hạn của ông không nhỏ ở Bắc Kinh. Ông là nguyên trưởng ban tuyên huấn của đảng, nhân vật thứ 5 trong Bộ Chính trị Trung ương, và là người nắm cơ quan nội tạng tối cao của đảng, còn Lý Đồng, con gái ông, nắm giữ một ngân hàng cổ phần đầu tư tư nhân ở Hương Cảng với số vốn 3 tỉ Mỹ kim, và con trai ông, Lý Tuệ Đích, là sở hữu chủ của công ty điện thoại di động China Mobile.

Thế hệ cầm quyền thứ năm hiện nay
Khi bài báo này lên máy in, đại hội đảng lần thứ 18 chưa khai mạc ở Bắc Kinh, nhưng mọi người thừa biết là danh sách thế hệ thứ năm cầm quyền đất nước TQ đã hình thành, chỉ chờ chính thức hóa với 3 tên tuổi rực sáng: (1) Tập Cận Bình, sẽ là chủ tịch, người chỉ có một cô con gái, Tập Minh Trạch, đang lẳng lặng mài quần ở Đại học Harvard. (2) Bạc Hy Lai, một vì sao đang lên, bỗng vụt tắt sau khi bà vợ Cốc Khai Lai tống rượu pha thuốc độc vào miệng Neil Heywood để bưng bít những dịch vụ rửa tiền, làm cả vợ lẫn chồng vào chuồng rệp. (3) Lưu Vân Sơn, đương kim trưởng ban tuyên huấn của đảng. Con trai ông, Lưu Nhạc Phi, 39 tuổi, chủ tịch một ngân hàng cổ phần đầu tư tư nhân. Cách đây 6 năm, chàng tuổi trẻ này đã đầu tư 35 tỉ Nhân dân tệ (5.5 tỉ Mỹ kim) vào Lưới điện Miền nam TQ, Ngân hàng Phát triển Quảng Đông, Ngân hàng Tín dụng Citic, và Ngân hàng Dân Sinh. Tiền từ đâu tới? Hỏi, là tự trả lời!

Chờ gì ở đại hội đảng?
Tiến sĩ Lý Thành, một học giả chuyên về vấn đề Cộng đảng TQ của Viện Nghiên cứu Brookings vừa cho phát hành cuốn Thông Vãng Trung Nam Hải Chi Lộ (Đường tới Trung Nam Hải) trong đó tác giả viết đại hội đảng sẽ đóng kín cửa để biểu quyết việc chính thức loại bỏ 2 trong số 9 thành viên chính của Ban Bí thư Trung ương, và ghi nhận danh sách 15 người đầu sổ tập đoàn lãnh đạo gồm: (1) Tập Cận Bình, (2) Lý Khắc Cường, (3) Vương Kỳ Sơn, (4) Lý Nguyên Triều, (5) Trương Đức Giang, (6) Lưu Vân Sơn, (7) Trương Cao Lệ, (8) Uông Dương, (9) Du Chánh Thanh, (10) Lưu Diên Đông, (11) Lệnh Kế Hoa, (12) Mạnh Kiến Trụ, (13) Hồ Xuân Hoa, (14) Vương Hỗ Trữ, (15) Quách Kim Long.
Vào buổi sáng tinh mơ ngày 18/03/2012, lại ở thủ đô Bắc Kinh, và lại một chàng thanh niên trẻ 23 tuổi, lái chiếc Ferrari 458 Spider màu đen trị giá 1 triệu đô đâm vào chiếc cầu gần Viện Đại học Thanh Hoa. Chiếc xe lao quá nhanh với tốc độ thần sầu đã bị đứt khúc làm đôi và nổ tung sau khi bắt lửa cháy. Trên chiếc xe hai chỗ ngồi, người ta đã lấy ra ba xác người. Xác trần truồng của chàng thái tử đảng Lệnh Cốc con ông Lệnh Kế Hoa, và 2 xác thiếu nữ khác, một trần như nhộng và một nửa trần truồng. Báo chí Hương Cảng tường thuật ba người tuổi trẻ vừa phóng xe vừa chơi trò khích dâm nên bị lạc tay lái trên xa lộ vành đai số bốn chạy quanh thủ đô. Bộ Thông tin TQ đục bỏ tất cả thông tin liên quan tới tai nạn, những chữ “Ferrari”, “Thái tử Lệnh”, “làm tình trên xe” hay “Thằng bé họ Lệnh” đã bị chặn đứng trên trang mạng tiếng Hán, nhưng chính phủ khó lòng bưng bít được tất cả các trao đổi của dân. Tai nạn này cũng đã đưa đến việc Lệnh Kế Hoa bị bay chức hồi tháng 8/2012.
Chuẩn bị chương trình nghị sự của đại hội đảng, các nhà lãnh đạo cao cấp nhất đã đồng ý chính thức khai trừ Bạc Hy Lai và Lưu Chí Quân (Bộ trưởng Bộ Đường sắt) ra khỏi đảng. Chuyện ông Bạc thì đã rõ như ban ngày, còn ông Lưu bị bay chức và trở thành đối tượng của cuộc điều tra khởi sự từ tháng 2/2011, sau khi xảy ra vụ xe lửa cao tốc đâm vào nhau hồi tháng Bảy, làm chết 40 hành khách và bị thương 172 người nữa. Chính thông tấn xã Tân Hoa của nhà nước nhìn nhận tai nạn xảy ra do quản lý tồi và có nhiều vi phạm kỷ luật an toàn nghiêm trọng.
Hậu quả của tình trạng con ông cháu cha đang làm băng hoại đất nước là vậy, nhưng làm sao để trừ diệt, khi chính Tập Cận Bình, người sắp là nguyên thủ quốc gia, cũng là một thành phần thái tử đảng giống như Bạc Qua Qua và Lệnh Cốc? Để chấm dứt, chỉ còn hai cách: một là phục hưng chế độ quân chủ như thời Phổ Nghi, hai là quyết liệt thanh toán chủ nghĩa cộng sản, như dân châu Âu đã làm, và làm tận tình, vì cộng sản đúng là một thứ dịch hạch.
NgyThanh
(4/11/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét