Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Thiên nhiên không phải hoàn toàn là vô hại



Kavakava

- Ds Nguyễn Ngọc Lan
- Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh

Lời tác giả: Bài viết này chỉ là những thông tin khoa học tổng quát mà thôi, chớ không có tính cách để chữa bệnh. Mọi thắc mắc hay nghi vấn liên quan đến thuốc thiên nhiên, xin quý độc giả hãy tham khảo trực tiếp với bác sĩ gia đình của mình trước khi sử dụng chúng.
(NNL & NTC)

* * *
Ngày nay phong trào dùng thuốc thiên nhiên đang bành trướng mạnh mẽ ở khắp mọi nơi.
Phải chăng đây là khuynh hướng trở về nguồn của con người?
Tại Canada, thăm dò Ipsos Reid 2010 cho biết trên 72% dân chúng sử dụng thuốc thiên nhiên (herbal medicine, produits naturel). Đây là những loại thuốc được làm từ thực vật, cây cỏ, từ các phần của động vật, côn trùng hoặc từ các loại khoáng chất, v.v...
Thuốc thiên nhiên thường được sử dụng để bồi dưỡng sức khỏe, lọc thận, bổ gan, tẩy độc, tạo thêm sinh lực, trợ dương, tăng sức miễn dịch, phòng trị các bệnh thông thường như ho hen cảm cúm, viêm sưng đau nhức khớp xương hoặc để giúp tăng hay giảm cân.
Đối với người Việt Nam, hiện tượng này không có gì là mới lạ hết... Ngày xưa ở quê nhà, chúng ta cũng đã từng dùng thuốc thiên nhiên rồi. Đó là thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Ta hay còn gọi là thuốc “Vườn”... Sau 75, danh từ “thuốc Dân tộc” đã được dùng để chỉ những loại thuốc được sản xuất và bào chế từ cây cỏ ở Việt Nam.
Thuốc thiên nhiên tại Canada được qui định và chi phối bởi luật Loi et Règlements sur les Aliments et Drogues của Bộ Y Tế Canada. Phần lớn được xếp vào trong nhóm thực phẩm bổ sung (supplément alimentaire) và có thể mua dễ dàng không cần toa bác sĩ trong các pharmacies, trong các tiệm Produits Naturel cũng như Health Food Store, trong các chợ hay qua ngõ bưu điện hoặc Internet...
Qua bài này, tác giả không có chủ tâm đánh giá thuốc thiên nhiên hay thuốc Tây.
Thuốc nào cũng có cái hay cái dở, cái mạnh cái yếu của nó hết.
Một nhận định sai lầm
Thường tình, ai cũng nghĩ hễ thiên nhiên là vô hại.
Các nhà khoa học Tây phương đã cho biết có một số thuốc thiên nhiên kể cả các loại vitamin nếu dùng không đúng cách vẫn có thể gây hại đến cho sức khỏe...
Một vài loại thuốc có thể che lấp một cách tạm thời diễn biến thật sự của bệnh trạng và làm sai lạc kết quả của các test trong phòng thí nghiệm. Chúng cũng có thể làm gia tăng tác dụng của thuốc Tây đến độ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Đôi khi thuốc thiên nhiên cũng có thể hóa giải, hay làm giảm hoặc làm mất tác dụng của một vài loại thuốc Tây nào đó, nếu được dùng chung với nhau.
Tóm lại, tất cả các phản ứng bất lợi vừa nêu trên đều do sự tương tác (interaction) giữa các thứ thuốc dùng chung với nhau, gây ra mà thôi.
Một số thuốc thiên nhiên thông dụng tại hải ngoại
* Nữ lang hay Valériane

Valerian

(Valeriana officinalis, Valerian, Herbe aux chats, Herbe de St George)
Giúp an thần, giảm lo âu bức rức, giảm stress, giảm suy nhược tinh thần, động kinh, giúp tập trung tư tưởng và ngủ ngon...
Không nên sử dụng chung với các loại thuốc ngủ hay thuốc an thần (sédatif) như barbituriques, benzodiazepines (Valium, Librium, Ativan).
Cũng không nên uống chung với các thuốc thiên nhiên có tính an thần như Camomille, Kava và Millepertuis vì tính an thần sẽ bị gia tăng lên gấp bội và bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái mê man.
Cùng một lý do vừa nêu, không nên uống Valériane chung với rượu vì sẽ làm tăng tác dụng của alcool.
Cũng như không nên uống chung một lúc với thuốc trị bệnh mất ngủ vì nó sẽ làm tăng tác dụng của thuốc này.


* Kava-Kava
(Piper methysticum, Tonga, Awa)
Trị lo âu, an thần...
Không nên sử dụng chung với các loại thuốc barbituriques cũng như benzodiazepines, các loại thuốc trị suy nhược tinh thần và thuốc trị bệnh Parkinson.
Kava ảnh hưởng không tốt đối với các loại thuốc gây mê vì nó có thể làm gia tăng tác dụng của thuốc mê Halothane, rất nguy hiểm khi giải phẫu.
Và không nên uống rượu lúc sử dụng thuốc Kava.

* Cúc dại hay Echinacée

echinacea

(Echinacea sp, Cone flower, Hedgehog, Indian Head)
Trị cảm cúm, cảm nhiễm đường hô hấp, tăng cường sức miễn dịch...
Không sử dụng Echinacée nếu đang xài các loại thuốc làm giảm sức miễn dịch (immunosuppresseur) như Cyclosporine sau khi được giải phẫu ghép bộ phận.
Kỵ các loại thuốc corticostéroides (Prednisone, Decadron), các stéroides anabolisants (Winstrol), amiodarone (Cordarone), methotrexate (Rheumatrex) và ketocomazol (Nizoral).
Phụ nữ đang mang thai không nên xài Echinacée.
Những người nào đang mắc bệnh lao, hoặc các bệnh thuộc tự miễn (auto immune disease) như rheumathoid arthritis, systemic lupus erythomatosus cũng không nên sử dụng Echinacée. Chỉ nên uống trong vòng từ 7 đến 14 ngày mà thôi, không nên uống liên tục trong 8 tuần lễ.

* Tỏi
(Allium sativum, Garlic, Nectar of the Gods, Ail)
Trị cảm cúm, tiêu chảy, giúp giảm đường lượng trong máu, giảm cholestérol, giảm áp huyết, ngăn ngừa tình trạng xơ cứng động mạch, ngừa các bệnh thuộc về tim, bổ gan và tăng cường sức miễn dịch.
Thuốc tỏi có khuynh hướng làm loãng máu. Không nên xài thuốc tỏi cùng lúc với các thuốc kháng đông (anticoagulant) như warfarin (Coumadin) hoặc với các thuốc có tính chống kết tụ tiểu cầu (antiplaquettaire) như Aspirine vì có nhiều nguy cơ bị xuất huyết.
Đối với các thuốc trị bệnh tiểu đường thường được gọi là thuốc giảm đường lượng (hypoglycémiant), cũng không nên dùng chung với thuốc tỏi để tránh tình trạng đường huyết bị kéo xuống quá thấp.
* Gừng
(Zingiber officinale, Gingembre, Ginger)
Dùng trong trường hợp muốn nôn mửa, say sóng (motion sickness) và ăn không ngon, không thấy đói...
Gừng kéo dài thời gian chảy máu. Tránh dùng gừng chung với các loại thuốc làm loãng máu như Aspirine, Coumadin. Lạm dụng gừng có thể ảnh hưởng đến các thuốc trị bệnh tim và thuốc trị tiểu đường.
* Camomille hay Cúc La Mã
(Tanacetum parthenium, Feverfew, Wild Chamomile)
Trị tinh thần căng thẳng, nhức đầu, phong thấp, dị ứng, chóng mặt, đau bụng lúc hành kinh...
Một khảo cứu của Nhật Bản đăng trong Journal of Agricultural and Food Chemistry 2008, cho biết uống trà Camomille rất tốt vì nó giúp ức chế tác dụng của 2 chất Sorbitol và enzym ALR2, chính nồng độ cao của 2 chất này trong máu đã dự phần trong việc gây biến chứng của bệnh tiểu đường loại II.
Không nên uống chung với thuốc chống đau nhức làm loãng máu thuộc nhóm anti-inflammatoire non stéroidien như: Tylénol, Aspirine, Ibuprofene (Advil, Motrin), Celebrex.
Cũng không nên uống Camomille chung với thuốc kháng đông (anticoagulant) như Coumadin vì sẽ dễ gây xuất huyết...
Camomille có chứa chất chát tannin có thể ngăn trở việc hấp thụ chất sắt (Fe).
Phụ nữ đang mang thai nên tránh dùng Camomille vì có thể làm tử cung co thắt.

* Millepertuis hay St Johns Wort
(Hypericum perforatum, Goatweed, Herbe de St Jean)
Trị suy nhược tinh thần nhẹ, lo âu, mệt mỏi, ăn không biết ngon, mất ngủ và đau nhức các bắp cơ, tăng sinh lực, giúp ổn định tâm tánh trong thời gian tiền kinh nguyệt...
Khi uống chung với các thuốc trị sida/aids như Indinavir sẽ làm giảm tác dụng của loại thuốc diệt siêu vi này.
Millepertuis cũng ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc trị kinh phong (antiépileptique), thuốc ngừa thai, thuốc làm giảm sức miễn dịch, thuốc chống suy nhược tinh thần (Prozac, Paxil), thuốc chống kết tụ tiểu cầu, thuốc kháng đông (Coumadin), thuốc ngừa sự loại bỏ bộ phận ghép (Cyclosporine), thuốc chống siêu vi agents antirétroviraux (Invirase), thuốc trị bệnh tim digoxine (Lanoxin) và Théophylline.

* Bạch quả
(Ginkgo biloba, Yinhsing, Fossil tree, Kew tree, Maiden hair tree)
Giúp máu lưu thông được dễ dàng, trị viêm phế quản, xơ cứng động mạch, cholestérol cao, bồi dưỡng trí nhớ, giảm chứng bệnh Alzheimer, cải thiện tình trạng chóng mặt, giúp gan và túi mật hoạt động tốt...
Có thể làm xuất huyết nếu xài chung với thuốc kháng đông hoặc thuốc làm máu loãng như Aspirine, vitamin E, Plavix, Persantine và Ticlid. Tạp chí New England Journal of Medicine có đề cập đến một ca xuất huyết trong mắt sau khi bệnh nhân đã thường xuyên uống Ginkgo biloba và Aspirin trong một thời gian dài.
Tránh xài Ginkgo biloba lúc mang thai và lúc cho con bú.

* Nhân Sâm
(Panax ginseng)
An thần, giảm stress, bồi dưỡng sinh lực, tăng sức miễn dịch, giảm đường máu, giảm cholestérol và trợ dương...
Dùng Ginseng chung với thuốc kháng đông có thể gây xuất huyết.
Với thuốc trị suy nhược tinh thần phenelzine (Nardil) sẽ gây nhức đầu, run rẩy.
Với thuốc trị bệnh tim digoxine (Lanoxin) sẽ làm khó đo lường hiệu quả và tác dụng của món thuốc này.
Cũng không nên uống Ginseng nếu đang trị liệu bằng các thuốc tâm thần (antipsychotiques) và thuốc trị suy nhược tinh thần hay trầm cảm (antidepresseurs).
Nếu đang dùng thuốc trị bệnh tiểu đường (Diabeta, Diamicron) thì cũng không nên dùng Ginseng cùng một lúc vì đường lượng có thể bị kéo xuống quá nhanh...
Lạm dụng Ginseng sẽ có nguy cơ làm tăng áp huyết, bồn chồn, mất ngủ, bị tiêu chảy hoặc da nổi đỏ.

* Cây Ma hoàng hay Ephedra/Ephédrine
(Ephedra sinica, Ma Huang-Sea Grape, Yellow Horse, Desert Herb)
Trị suyễn, tăng sinh lực và để giúp làm giảm cân...
Có thể dẫn đến những phản ứng bất lợi như ngạt thở, áp huyết tăng gây hại cho tim.
Sử dụng cùng lúc với thuốc thông mũi (décongestants) có chứa chất Ephédrine như Dristan, Sinutab, Sudafed, Actifed hoặc với các thuốc có caffein: bệnh nhân có thể sẽ bị co giật hay hôn mê hoặc bị đột quỵ tim.
Không nên uống Ephedra trong các trường hợp sau đây: lúc mang thai, lúc cho con bú, khi có bệnh tiểu đường, đang bị bệnh tăng nhãn áp (glaucome) hoặc đang bị chứng cường giáp trạng (hyperthyroidisme).
 
* Sulfate de Glucosamine
Trị đau nhức do thoái hóa khớp (arthrose), bảo vệ sụn khớp...
Có người cho rằng Glucosamine có tính làm tăng đường máu?
Nếu dùng chung với thuốc Insuline có thể sẽ làm giảm tác dụng của thuốc này. Vấn đề trên cũng còn trong vòng tranh cãi giữa các nhà khoa học với nhau.
Nên ngưng uống Glucosamine một tuần trước ngày thử máu để việc đo đường lượng được chính xác hơn.
Không xài Glucosamine đồng thời với thuốc kháng đông warfarin (Coumadin).
Người nào thường hay bị dị ứng với đồ biển thì cũng nên cẩn thận khi uống Glucosamine có hoặc không có phối hợp với Chondroitine, vì cả hai chất này đều có nguồn gốc từ cá mập.
* Dong Quai
(Angelica sinensis, Ginseng pour femme)
Trị mất ngủ, điều kinh, trị đau bụng và giúp giảm thiểu các triệu chứng bất lợi của thời kỳ mãn kinh...
Không nên dùng Dong Quai lúc đang mang thai, hoặc lúc có kinh nguyệt quá nhiều.
Những người đang bị bệnh tiểu đường cần thận trọng vì Dong Quai có thể làm tăng đường huyết.
Với liều lượng cao, Dong Quai làm tăng nhịp tim và làm tăng áp huyết.

* Cam thảo
(Réglisse, Glycyrrhiza glabra, Licorice, Sweetwood)
Trị bệnh đau dạ dày, loét bao tử, loét miệng, ho hen, phong thấp, v.v...
Dùng cùng lúc với các thuốc lợi tiểu (diurétiques) có thể làm giảm chất potassium trong máu. Không nên uống cùng một lượt với thuốc trị bệnh tim như Lanoxin hoặc với các thuốc làm hạ áp huyết.
Tránh dùng Réglisse khi có thai, bị tiểu đường, yếu gan, yếu thận hoặc đang mắc các bệnh chứng về tim mạch hay áp huyết cao...
* Cây cọ lùn hay Saw Palmetto
(Serenoa repens, Cabbage Palm, Sabal, Dwarf Palm, Palmier Nain)
Có tính lợi tiểu. Dùng để trị các bệnh thuộc đường tiết niệu cũng như trong trường hợp tiền liệt tuyến bị triển dưỡng (benign prostatic hypertrophy).
Phản ứng phụ của thuốc là có thể làm giảm sự ham muốn tình dục và gây nhức đầu.
Nó cũng có thể làm thay đổi tác dụng của các thuốc ngừa thai và của các hormones trị liệu khác. Không nên dùng Saw Palmetto lúc mang thai hoặc trong thời gian cho con bú.
 
* Hawthorn
(Crataegus oxycantha, Aubépine, Mayflower, Maybrush)
Trị hồi hộp, tim đập nhanh, lo âu mất ngủ, giảm các cơn đau thắt ngực bằng cách giảm áp huyết động mạch và giảm cholestérol trong máu...
Không nên uống cùng một lúc với các loại thuốc trị bệnh tim như digoxine (Lanoxin) vì nhịp tim có thể bị giảm nhiều.
 
* Hà thủ ô
(Polygonum multiflorum, Radix Polygoni multiflori, Chineese knotweed, Flowery knotweed, Ho shou wu, He shou wu, Zi shou wu, Shou Wu Pian, Fo ti)
Rất phổ biến ở Việt Nam và Bắc Mỹ.
Theo Đông y, Hà thủ ô dùng để bồi dưỡng sức khỏe, bổ gan-thận-huyết, bổ xương, trợ dương, và còn giữ cho râu tóc lâu bạc...
Nhưng theo cơ quan y tế của Anh, Medecine & Health Care Products Regulatory Agency, thì có nhiều khảo cứu nói đến tác dụng độc hại của Hà thủ ô đối với gan như làm vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, ói mửa, đau bụng, biếng ăn và làm cho yếu sức.

* Nha Đam hay Lô Hội
(Aloe vera)
Có tính nhuận trường.
Loại uống để trị viêm, sốt, tiểu đường, hen suyễn, dị ứng...
Loại thoa ngoài da để trị phỏng, làm lành vết thương...
Có khuynh hướng làm giảm chất potassium trong máu (hypokaliémie). Cẩn thận với những thuốc làm hạ potassium chẳng hạn nhóm digoxine (Lanoxin), cũng như những thuốc lợi tiểu nhóm chlorothiazide (Diuril), furosemide (Lasix)... vì sẽ làm trầm trọng hơn là sự sụt mất potassium.


* Nước bưởi
(Jus de pamplemousse, grapefruit juice)
Món giải khát bổ dưỡng chứa nhiều sinh tố...
Có thể tương tác với một số thuốc Tây rất nguy hiểm.
Nước bưởi (grapefruit juice) cũng như bưởi trái có thể làm gia tăng gấp bội mức độ hấp thụ của một số thuốc vào trong máu, đồng thời cũng kéo theo những tác dụng phụ bất lợi, nguy hiểm. Cam và chanh không thấy có ảnh hưởng này.
Vài thí dụ về sự tương tác giữa nước bưởi và một số thuốc Tây như sau:
- thuốc trị cao áp huyết: felodipine (Plendil), nifedipine (Adalat), nimodipine (Nimotop);
- thuốc làm giảm cholestérol: simvastatin (Zocor), lovastatin (Mevacor), atorvastatin (Lipitor);
- thuốc làm giảm sức miễn nhiễm dùng trong những ca ghép bộ phận: cyclosporine (Neoral);
- thuốc trị lo âu, mất ngủ, suy nhược tinh thần: diazepam (Valium), triazolam (Halcion), carbamazepine (Tegretol), trazodone (Desyrel), clomipramine (Anafranil);
- thuốc trị dị ứng: astremizole (Hismanal);
- thuốc trị sida/aids: saquinavir (Fortovase).
* Nấm linh chi
(Ganoderma lucidum, reishi, ling zhi, mannontake)
Giúp tăng sức miễn dịch, giảm huyết áp, giảm cholestérol, bổ thận, bổ gan, ngừa cancer, mất ngủ...
Tương tác với các thuốc thiên nhiên có tính kháng đông hoặc làm loãng máu (panax ginseng, bạch quả, capsicum, camomile, celery, cam thảo, gừng, củ hành, tỏi...) vì có thể làm dễ chảy máu hơn và làm tụt huyết áp.
Sử dụng chung với các thuốc Tây có tính gây loãng máu hoặc chống kết tụ tiểu cầu (antiplaquettaire) như Aspirin, Voltaren, Ibuprofen, Advil, Motrin, Naproxen, Heparin, Warfarin hay Coumadin: nấm linh chi sẽ làm gia tăng tác dụng kháng đông và làm xuất huyết nhiều hơn.
Đối với các thuốc giảm huyết áp như Catopril, Enalapril, Diltiazem, Amlodipine: nấm linh chi làm huyết áp tụt giảm nhanh hơn.
* Kim tảo thảo hay Cúc gai hoặc Milk Thistle
(Silibum marianum, Chardon Marie)
Tính bổ gan, ngừa xơ gan, viêm gan mãn tính, trị ăn mất ngon, cancer tiền liệt tuyến, tiểu đường, trầm cảm...
Trên lý thuyết có thể ức chế enzyme Cytochrome P450 2C9 substrates làm tăng nồng độ các thuốc amitriptyline (Elavil), warfarin (Coumadin), diazepam (Valium)) và cũng làm ức chế enzyme nhóm Cytochrome P450 3A4 substrates (tăng nồng độ Indavir thuốc trị Sida).

* Sâm Ấn Độ Ashwagandha
(Withania sommifera còn gọi là Ajagandha, Amangura)
Rất thông dụng tại Ấn Độ. Tuy không nằm trong nhóm ginseng nhưng công dụng trị liệu cũng tương tợ nên người ta còn gọi Ashwagandha là Indian ginseng. Đây là một adaptogen, nghĩa là một loại thảo mộc có tính năng củng cố sức khỏe toàn diện.
Tính bổ dưỡng, cải thiện khả năng sinh lý, khôi phục sức khỏe sau thời gian bị bệnh, tăng cường sinh lực, cải lão hoàn đồng, chống stress, trầm cảm và lo âu. Quảng cáo còn cho biết Ashwagandha được dùng để trị tiểu đường và ung thư.
Ở liều lượng cao nó có thể gây rối loạn tiêu hóa, nôn mửa và gây xảo thai.
Có thể làm tăng tác dụng của các thuốc nhóm benzodiazepine và CNS depressant như barbiturate. Vậy chúng ta nên cẩn thận.
Ashwagandha xài chung với các thuốc thyroid hormones sẽ làm tăng tác dụng của thuốc này.
* Rau đắng biển (?) Bacopa
(Bacopa monnieri còn gọi là Brahmi jalamimba)
Thông dụng bên Ấn Độ.
Bổ thần kinh, chống co giật epilepsy, bồi dưỡng trí não, trị lo âu. Alzheimer, hen suyễn, phong thấp, đau lưng, lợi tiểu, bổ tim, sex...

* Trà xanh
(Green tea, Camellia sinensis)
Chứa nhiều anti-oxidants... Trị đủ thứ bệnh, ngừa cancer.
Tương tác với các thuốc kháng đông và thuốc chống kết tụ tiểu cầu đưa đến nguy cơ làm gia tăng sự xuất huyết.
Làm giảm hấp thụ chất sắt non heme có nhiều trong thực phẩm thực vật.
Sữa làm giảm tác dụng anti-oxidant của trà xanh.
* Nghệ
(Curcuma longa còn gọi là turmeric, curcuma, curcumen, Indian saffron)
Chứa nhiều anti-oxidants.
Hoạt chất của nghệ là curcumin (diferuloymethane), một sắc tố màu vàng có tác dụng kháng viêm, ngăn chặn sự sinh sản tế bào ung thư bằng cách ức chế sự phát triển mạch máu nuôi ung thư (angiogenesis). Nghệ làm lành vết thương.
Nghệ có tính chống kết tụ máu (antithrombotic), chống oxid-hóa (antioxidant).
Không dùng chung nghệ với các thuốc thiên nhiên có tính làm chảy máu như: dong quai, tỏi, bạch quả, panax ginseng, cam thảo, củ hành, camomille...
Thực phẩm thiên nhiên cho rằng nghệ trị bá bệnh như đau bụng, sình hơi, chậm tiêu, tiêu chảy, vàng da và kể luôn cả cancer.
Ngoài ra, nghệ cũng được dùng làm gia vị trong ẩm thực và là một thành phần trong bột cà ri.
Không sử dụng nghệ nếu đang uống các loại thuốc kháng đông hoặc chống kết tụ tiểu cầu như Aspirin, Clopidogrel (Plavix), Heparin, Warfarin (Coumadin)...

* Riềng
(Alpinia officinarum, catarrh root, China root, chinese ginger, gao liang, India root, gargaut)
FDA liệt kê riềng trong nhóm generally recognized as safe (GRAS). Hoạt chất là gingerols và diaryheptanoids.
Riềng dùng như một chất kích thích, sát khuẩn, bụng đầy hơi, chống viêm sưng, trị sốt nóng.
Có tính làm tăng acid trong bao tử.
Tránh dùng riềng khi sử dụng các thuốc đau bao tử như: cimétidine (Tagamet), ranitidine (Zantac), famotidine (Pepcid), Pepto-Bismol, Gaviscon...

* Rau má
(Centella asiatica, Hydrocotyle asiatica, Gotu kola...)
Tăng trí nhớ, ngừa mệt mỏi, viêm nhiễm đường tiểu, viêm thấp khớp, đau bao tử, kinh phong, giúp vết thương mau lành.
Với liều lượng cao có thể làm tăng huyết áp, tăng glucose, tăng triglyceride, tăng cholestérol và làm lừ đừ (drowsiness), gây độc cho gan (hepatotoxicity).
Làm tăng tác dụng an thần (sedative) và buồn ngủ nếu dùng chung với thuốc thiên nhiên Capsicum, Siberian ginseng, Celery, Kava, St Johns wort, Valerian, Calamus, Calendula...
* Móng quỷ hay Devils claw
(Harpagophytum procumbens, Griffe du diable, Grapple plant)
Trị xơ cứng mạch, viêm khớp, thấp khớp, gout, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, ăn không tiêu, vấn đề kinh kỳ, dùng ngoài da để trị các vết thương...
Giảm hiệu nghiệm đối với các thuốc antacid trị bệnh đau bao tử như: cimetidine (Tagamet), famotidine (Pepcid), pantoprazole (Pantoloc), esomeprazole (Nexium)...
Không dùng chung với warfarin (Coumadin) vì sẽ gây đỏ da purpura.

* Lộc Nhung
(Cervus Nippon, Antler velvet, Bois de velour, Lu Rong, Nokyon, corne servi parvum)
Sử dụng để tăng sinh lực, bổ dương, trị cao máu, giảm cholestérol, loãng xương, chống lão hóa, bổ xương, ngừa viêm sưng...
Lộc nhung có thể làm ức chế tính dung nạp (tolerance) đối với những liều morphine liên tiếp.
Trên lý thuyết, phụ nữ nên tránh xài lộc nhung trong trường hợp họ có bệnh sử gia đình về cancer vú hoặc cancer cổ tử cung.
* Đu đủ
(Carica papaya, papayas)
Dùng để trị rối loạn tiêu hóa, giun lãi, an thần, lợi tiểu, tốt cho tim mạch, ngừa ung thư, v.v...
Hầu như công dụng trị liệu của đu đủ đã được dân gian của rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Á Châu, đã biết đến từ lâu.
Từ 10 năm nay, đu đủ được sử dụng nhiều trong giới thuốc thiên nhiên tại hải ngoại.
Lá đu đủ thường được sử dụng nhiều nhất vì trong mủ (papaya latex) có chứa 2% chất papain và carpain. Hai chất này có thể làm xót da và niêm mạc.
Papain còn có tính làm phân hủy protein (proteolytique), vì thế có hại cho bào thai.
Tiêu thụ số lượng quá lớn papain có thể làm thủng thực quản. Ngoài ra papain có thể gây dị ứng ở những người bị dị ứng với chất latex.
Đu đủ có thể làm gia tăng tác dụng của thuốc kháng đông warfarin (Coumadin).
Hữu hiệu không? Papain có thể hữu hiệu trong ca bị giời leo (herpes zooster) và trong ca viêm sưng yết hầu (pharyngitis).
Còn thiếu thông tin và tài liệu đáng tin cậy về sự hữu hiệu của papain trong những chỉ định khác.
Tin đồn: uống lá đu đủ khô để trị ung thư (?) đã được loan truyền rộng rãi trên internet sau khi khảo cứu của bác sĩ Nam Dang MD, PhD (Nam H. Dang Univ of Florida Shands Cancer Center) được đăng tải trong số 17/2/2010 của tạp chí Journal of Ethnopharmacology. (*)
Khảo cứu đã được thực hiện chung với các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho thấy chiết xuất lá đu đủ thúc đẩy sự tạo ra Cytokine Th1, là một loại protein có ích trong vấn đề miễn dịch và kháng ung thư. Kết quả này rất phù hợp với kết quả có từ trước của Úc Châu.
 
* Củ dền đỏ
(Beta vulgaris L., betterave rouge, red beet)
Xuất phát từ vùng Địa Trung Hải.
Rất giàu các chất vitamin A, B complex, acide folique, vitamine C, sắt Fe, phosphore, magnesium.
Có tính giúp giảm áp huyết, tăng miễn dịch, tẩy độc, giảm nhức đầu và bệnh ngoài da...
Giới thực phẩm thiên nhiên nói củ dền đỏ có tính ngừa ung thư.
Theo các nhà khoa học, chất betaine và bétanin (beetroot Red) tạo nên màu đỏ, là chất chống oxidative stress. (Đây là mức độ tổn thương về phân tử và về tế bào gây nên bởi hiện tượng oxy hóa từ các gốc tự do).
Betaine thúc đẩy việc tạo ra choline giúp vào hoạt động của gan, cải thiện sự biến dưỡng của chất béo, đồng thời ngăn cản bớt tình trạng tích tụ mỡ trong gan, giúp cholestérol lưu thông dễ dàng hơn. Choline cần thiết trong việc tái tạo tế bào gan trong trường hợp gan bị xơ hóa.
Tiêu thụ thường xuyên liều lượng lớn củ dền đỏ có thể dẫn đến tình trạng mất calci trong máu (hypocalcemia) và hư thận vì chất oxaluric acid (Rf Natural Medicines Comprehensive Database).
Củ dền đỏ cũng chứa nhiều nitrate khi vào cơ thể thì chuyển thành monoxide dazote NO, giúp giảm áp huyết.
Tài liệu cho biết, trong những năm 1950, bác sĩ người Hung Gia Lợi là Alexander Ferenczi đã cho bệnh nhân ung thư uống nước ép củ dền đỏ, kết quả rất tốt (?)
Hiệu nghiệm của củ dền đỏ: Natural Medicines Comprehensive Database (sách tham khảo của dược sĩ) cho biết có quá ít tài liệu và thông tin đáng tin cậy về sự hiệu nghiệm của củ dền đỏ.

* Rau Ngò Om hay Rau Ngổ
(Limnophila aromatica)
Đây là loại rau bỏ vô canh cho thơm.
Ngò om thường được dùng để trị đau bụng, chữa vết thương, trị giun sán và sỏi thận, vân vân.
Một nghiên cứu quan trọng được Đại học Dược khoa Mahidol (Thái Lan) và Đại học Y dược Toyama (Nhật Bản) thực hiện chung, nhằm tìm hiểu hoạt tính của nước chiết ngò om bằng methanol và nước chiết bằng tinh dầu essential oil. Kết quả cho thấy nước chiết bằng methanol có hoạt tính antioxidant chống oxy hóa (lipid peroxydation) trội hơn nước chiết bằng tinh dầu...
Rất giàu antioxidant bioflavonoids nevadensin, isothymusin flavones...
Ngò om có hoạt chất bảo vệ tế bào, kháng khuẩn, kháng vi trùng lao, kháng ung thư...
Một khảo cứu khác của Thái Lan thực hiện năm 2009 cũng nói đến đặc tính chống oxy-hóa, kháng khuẩn và kháng ung thư của rau ngò om.
* Cây Chó Đẻ Răng Cưa hay Diệp Hạ Châu
(Phillanthus amarus, P. niruri, Chanca Piedra, Stone Breaker, P. urinaria)
Mọc nhiều tại vùng nông thôn Việt Nam. Cây hằng niên, lá nhỏ, hoa và trái mọc dưới lá.
Trị viêm gan B, kháng virus, kháng khuẩn, lợi tiểu, sỏi thận, giảm áp huyết, kháng sốt nóng, chống co giật (antispasmodic), giảm đường huyết, bảo vệ gan, v.v...
Nhưng không phải tất cả những điều vừa nêu ra đều được khoa học nhìn nhận.
Cẩn thận khi sử dụng diệp hạ châu chung với thuốc trị bệnh tiểu đường vì có thể đường huyết sẽ bị kéo hạ xuống quá nhanh.

Có hai loại diệp hạ châu:
1- Diệp hạ châu đắng (P.amarus, P.niruri) có thân xanh.

2- Diệp hạ châu ngọt (P.urinaria) có thân đỏ.
 Đây là cây hằng niên, cao 60-70cm, nhánh ngắn
 
Rất nhiều khảo cứu tại Ấn Độ cho thấy diệp hạ châu đắng (P.amarus) có dược tính cao hơn diệp hạ châu ngọt (P.urinaria) trong việc chữa trị bệnh viêm gan B.
Một vài khảo cứu về cây chó đẻ răng cưa dùng trị viêm gan B, thực hiện tại Ấn Độ và Thái Lan đã ghi nhận kết quả khích lệ
Tại Bắc Mỹ, muốn uống hoặc muốn trồng cây chó đẻ răng cưa (Diệp hạ Châu), có thể liên lạc:
Contact TROPILAB inc-PO box 48164
St Petersburg Fl 33743-8164 USA
http://www.tropilab.com/shatterst.html
* Hoàng kỳ hay Huỳnh kỳ
(Astragalus membranaceus, Buck Qi Huang Qi, Hwanggi, Milk Vetch)
Rễ dùng làm thuốc.
Trị cảm cúm, tăng sức miễn dịch, trị ung thư, kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm sưng, bảo vệ gan, lợi tiểu, giãn nở mạch giúp hạ áp huyết.
Thường dùng phối hợp với nữ trinh tử ligustrum lucidum (glossy Privet).
Hoàng kỳ có thể tương tác, làm xáo trộn tác dụng của những thuốc giúp giảm sức miễn dịch (immunosuppressive therapy) như Imuran hoặc cyclosporine (Neoral, Sandimmune).
Nói về trị liệu viêm gan B, PGS-TS Nguyên Thi Bay, Trưởng Bộ Môn bệnh học khoa YHCT-ĐH Y dược TPHCM, cho biết: “...Người ta thường phối hợp trị liệu Diệp hạ châu với Huỳnh kỳ (Astragalus membranaceus)-Diệp hạ châu với Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata)-Diệp hạ châu với cây bìm bịp (Clinacanthus mutans)...”
 
* Xuyên tâm liên
(Andrographis paniculata, Bidara, Chiretta, Chuan xin lan, Indian echinacea...)
Rất thông dụng tại Việt Nam.
Trị cảm cúm, dị ứng, yếu sức, còi, phòng bệnh tim mạch, viêm ruột, hạ nhiệt, tiêu chảy, viêm họng, sưng gan, vàng da, sốt rét, vết thương ngoài da, giun lãi, v.v...
Không dùng khi mang thai hoặc đang cho con bú.
Dùng liều lượng cao sẽ gây rối loạn tiêu hóa, không thấy đói, có thể làm tăng enzym ALT của gan.
Sử dụng chung với các dược liệu làm giảm áp huyết như nhân sâm, Thiên ma black cohosh, hạt cần Tây celery seed... có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tuột áp huyết.
Làm gia tăng tác dụng của các thuốc kháng đông, chống kết tụ tiểu cầu và gây xuất huyết...
Làm xáo trộn công hiệu của các thuốc immunosupressants (làm hạ sức miễn dịch) như Imuran, Cyclosporine (Neoral), Sandimmune, Prednisolone...
 
* Hải đới hay tảo nâu hoặc tảo bẹ kombu
(Lamnina japonica, brown algae, horsetail, kelp, kombu, sea girdle)
Đây là một loại rong vùng ven biển và được mệnh danh là vua iode.
Uống để giảm cân, ngừa ung thư cao máu, trường hợp bị táo bón cũng như trường hợp bị nhiễm phóng xạ. Dùng tại chỗ, để vào cổ tử cung để tạo sự giãn nở (trường hợp chẩn đoán, lấy vòng xoắn ra, hay để trị liệu).
Có thể nguy hiểm nếu dùng qua ngõ miệng. Các viên thuốc hải đới có thể chứa trung bình 1000mcg iodine. Uống trên 150mcg iodine/ngày có thể gây nên nhược giáp trạng (hypothyroidism), triển giáp trạng (hyperthyroidism) hay có thể làm trầm trọng hơn tình trạng nhược giáp trạng đang có. Ngoài ra, tảo nâu cũng có thể chứa thạch tín (arsenic). Không nên sử dụng lúc cho con bú.
Vì chứa nhiều potassium, tảo nâu có thể làm gia tăng potassium trong máu (hyperkalemia). Tương tác với các thuốc trị suy tim sung huyết (congestive heart failure) như digoxine (Lanoxin). Tảo nâu làm gia tăng tác dụng của các thuốc này. Tảo nâu cũng có thể làm xáo trộn tác dụng của các thuốc trị nhược giáp trạng và triển giáp trạng. (Theo Natural Medicines-Comprehensive Database-Sixth Edition)

 
Một thị trường hỗn độn
Trên 70% thuốc thiên nhiên bán tại Canada được xếp vào nhóm thực phẩm...
Ngày 1 tháng 1 năm 2004, Bộ Y tế Canada cho áp dụng điều luật mới về thuốc thiên nhiên.
Bộ Y tế Canada gọi tất cả các sản phẩm thiên nhiên với cái tên chung là “Produits de santé naturels PSN”.
Trong nhóm này bao gồm: các dược thảo, rong biển, nấm, vi khuẩn tốt hay probiotics, vitamins, khoáng chất, các acids béo thiết yếu (essential fatty acids) như Oméga-3, các sản phẩm từ thú vật và hải sản, các thuốc Tàu hay thuốc Bắc, Cao đơn hoàn tán, thuốc Nam, thuốc Ấn Độ, các thuốc liệu pháp vi lượng đồng cân (produits homéopathiques)...
Theo luật này, tất cả các nhà sản xuất thuốc thiên nhiên phải có môn bài cấp bởi Bộ Y tế Canada. Nhà sản xuất phải đệ nạp các thông tin như: phải nêu rõ tên sản phẩm, chất gì, nguồn gốc từ đâu, có những hoạt chất nào, ảnh hưởng trên sức khỏe cùng liều lượng và cách sử dụng ra sao, các tài liệu khảo cứu liên hệ, v.v...
Nếu được chấp nhận, Bộ Y tế Canada mới cấp cho sản phẩm một DIN (drug identification number) gồm 8 số, hoặc số NPN (numéro de produit naturel), hoặc số liệu pháp vi lượng đồng cân DIN-HM (homeopathic medecine). Tất cả chỉ dẫn và các điều cấm kỵ (contre-indications, mise en garde) cũng đều phải được ghi rõ bên ngoài hộp thuốc...
Đối với thuốc thiên nhiên sản xuất tại Canada và Hoa Kỳ, nhà bào chế phải tuân theo một số quy tắc làm ăn đàng hoàng gọi là BPF (Bonne Pratique de Fabrication, Good Manufacturing Practice).
Một món thuốc có mang ký hiệu DIN hay NPN hoặc DIN-HM cho biết là nó đã đáp ứng đầy đủ thủ tục cứu xét của cơ quan Y tế Canada...
Thực tế cho thấy kỹ nghệ thuốc thiên nhiên không ngừng phát triển một cách quá nhanh chóng trong một bối cảnh hỗn độn, không có luật lệ rõ ràng để quy định và kiểm soát. Ai muốn bán gì thì bán, nói sao hay quảng cáo sao cũng được hết...
Tạp chí Protégez-Vous đã từng cho điều tra xét nghiệm một số thuốc thiên nhiên bán tại Québec, thì mặc dù có mang ký hiệu DIN đàng hoàng nhưng không ít sản phẩm đã không tôn trọng những điều đã ghi trên hộp thuốc, thí dụ như liều lượng không đúng, thậm chí chất thuốc cũng không tương ứng như những gì đã ghi bên ngoài.
Tại Hoa Kỳ, tất cả các thuốc thiên nhiên đều được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung (dietary supplement) và FDA bắt buộc nhà sản xuất phải ghi trong quảng cáo câu: “Disclaimer-Like all dietary supplements, this product has not been evaluated by the U.S. Food and Drug Administration (FDA) and “is not intended to diagnose, treat, cure, or prevent any disease”.
Chất lượng của thuốc: một vấn đề nan giải
Trước một rừng thuốc thiên nhiên đủ loại, đủ cỡ, người tiêu thụ bị hoa mắt, phân vân và tự hỏi không biết mình nên chọn loại thuốc nào đây? Thôi thì chỉ còn biết tin vào quảng cáo, hình thức và màu sắc bên ngoài của hộp thuốc để mà tự quyết định.
Tại Canada, thuốc thiên nhiên nằm trong vòng kiểm soát của một số nhà bào chế lớn như: Wampole Canada, Swiss Herbal, Quest, Jamieson, Lalco, Adrien Gagnon, Jean Marc Brunet, v.v..... Ngoài ra, cũng có một số nhà bào chế nhỏ chen chân kiếm ăn bên cạnh các nhà bào chế đàn anh.
Bộ Y tế Canada ước lượng thị trường thuốc thiên nhiên tại Canada ở vào lối 4,3 tỷ đô la/năm (so với 10,9 tỷ đô la/năm cho các dược phẩm có brevet).
Còn thị trường thuốc thiên nhiên tại Hoa kỳ là 36 tỷ đô la/năm.
Thuốc thiên nhiên sản xuất theo lối công nghiệp thì đòi hỏi phải có nguồn cung cấp nguyên liệu thật dồi dào. Một số được sản xuất ngay tại Canada hoặc Hoa Kỳ và phần lớn còn lại được nhập cảng từ Á Châu hay từ Nam Mỹ. Hoạt chất của cây thuốc có thể rất thay đổi, tùy theo thời gian tăng trưởng, nơi trồng, cách trồng, tùy theo phần nào của thực vật được sử dụng và cũng tùy theo cây thuốc được gặt hái lúc nào trong năm.
Tại những phương trời xa xôi vạn dặm thì làm sao mà kiểm soát một cách chu đáo tất cả các quy trình sản xuất nguyên vật liệu để bảo đảm có một chất lượng an toàn và trung thực cho được? Và đây cũng là một vấn đề lo nghĩ của những nhà-bào-chế-có-lương-tâm.
Không phải thiên nhiên hoàn toàn là vô hại!
Một số thực vật có thể có hại cho sức khỏe như hư gan, hại thận hay thậm chí còn có thể gây ra ung thư.
Bởi lẽ này, một số chất sau đây bị cấm tại Canada: Aristolochic acid của thực vật nhóm Aristolochia (Birthwort, Snake root, Guang Fang Ji), Coca (Erythroxylum coca), Mã tiền Nux vomica (có Strychnine) và Pau darco (Tabebuia impetiginosa)...
Bộ Y tế Canada thường theo dõi và kiểm soát các loại thuốc thiên nhiên bán trên thị trường, đặc biệt quan tâm đến các loại thuốc nhập cảng từ Á Châu.
Thỉnh thoảng cơ quan này cũng phát giác ra một số thuốc mạo hóa.
Tuy mang danh nghĩa là thuốc thiên nhiên, nhưng nhà sản xuất lại cố tình pha trộn thêm những loại thuốc Tây bán theo toa vào trong đó... Những chất thuốc thường được pha trộn thêm có thể là những stéroides, hormones, các chất thuốc lợi tiểu, các thuốc kháng viêm sưng (anti-inflammatoires), các thuốc trợ dương (aphrodisiaques) và thuốc làm giảm đường huyết (hypoglycémiants), vân vân.
Lại nữa, nhãn hiệu của các thuốc nhập cảng từ Á Châu thường lem nhem không rõ rệt, khó hiểu, không đầy đủ chỉ dẫn cần thiết và cũng không nêu rõ những điều cấm kỵ quan trọng!
Kết luận
Tại Canada, thuốc thiên nhiên mặc dù được sử dụng rộng rãi khắp nơi, nhưng khác với một số nước ở Âu Châu, nó vẫn chưa được giới y-khoa chính thức công nhận.
Dù sao đi nữa, không ai có thể chối cãi những lợi ích của một số thuốc thiên nhiên đã mang lại cho sức khỏe chúng ta, chẳng hạn như nhân sâm và lộc nhung, mà mọi người Việt Nam chúng ta đều đã nghe nói đến...
Trở ngại chính yếu hiện nay của thuốc thiên nhiên là thiếu cơ chế pháp lý quy định rõ rệt để việc kiểm soát loại thuốc này được hữu hiệu hơn. Ngoài ra, vấn đề thiếu tài liệu khảo cứu khoa học giá trị và đáng tin cậy cũng làm giới y khoa e dè chưa thể chính thức chấp nhận thuốc thiên nhiên như một phương pháp y khoa phù trợ (médecine complémentaire) bên cạnh thuốc Tây được!
Vậy: Thiên nhiên không phải hoàn toàn là vô hại!
Collège des Médecins và Ordre des Pharmaciens du Québec khuyên chúng ta không nên sử dụng vitamines với những liều lượng quá lớn, đừng bao giờ mua thuốc thiên nhiên mà nhãn hiệu không rõ rệt, và chỉ sử dụng thuốc thiên nhiên trong thời gian ngắn mà thôi (dưới 3 tháng) vì khoa học chưa biết ảnh hưởng về lâu về dài của món thuốc thiên nhiên đó ra sao!
Cẩn thận với các lời quảng cáo, chẳng hạn như bảo đảm sẽ chữa khỏi bệnh, hoặc có thể ngừa được bệnh, hoặc họ nói đây là một loại thuốc nhiệm mầu đã được người Trung Hoa hay Ấn Độ sử dụng từ cả ngàn năm nay rồi. Nếu hỏi người bán đó là chất thuốc gì, tên gì, mà họ không chịu nói, hoặc nói ấm a ấm ớ thì tốt hơn hết đừng nên mua!
Mỗi khi đi khám bệnh, bạn cần phải nói rõ cho bác sĩ biết bạn đang dùng loại thuốc thiên nhiên nào (nều có). Tốt hơn hết là bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và dược sĩ trường hợp bạn có ý định xài thuốc ngoại khoa!
Lời khuyên của các nhà chuyên môn rất là cần thiết, nếu bạn đang thường xuyên sử dụng các loại thuốc Tây, chẳng hạn như: thuốc chống đông máu, thuốc làm loãng máu, thuốc làm giảm đường huyết, thuốc trị bệnh tim hay lúc bạn đang mang thai hoặc cho con bú cũng như lúc bạn chuẩn bị để được giải phẫu, và cuối cùng nếu bạn lúc nào cũng cảm thấy cần phải... sáng say chiều xỉn hết.
Montreal, 2012
----------------------
Tài liệu tham khảo:
- Health Canada-Natural and health products
 http://www.hc-sc.gc.ca/dhp-mps/prodnatur/index-eng.php
- UF researchers find cancer-fighting properties in papaya tea
 Filed under Health, Research on Tuesday, March 9, 2010
 http://news.ufl.edu/2010/03/09/papaya-2/
- Collège des Médecins du Québec et Ordre des Pharmaciens du Québec-Attention, Parlez-en avec votre Médecin ou votre Pharmacien
http://www.opq.org/fr/media/docs/produitsnaturelscorr..pdf
- Natural Medicines Comprehensive Database - compiled by the Editors of Pharmacists Letter and Prescribers Letter, Sixth edition, 2004
- Ds Trần Việt Hưng và Ds Phan Đức Bình-Rau om nên dùng thường xuyên
http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/12829/ngo-om---rau-thom-nen-dung-thuong-xuyen.html
- Đinh Nguyên – Dùng lá đu đủ nên lưu ý: Đu đủ Papaya và Pawpaw là hai loài cây hoàn toàn khác biệt
http://khoahocnet.com/2012/11/07/dinh-nguyen-dung-la-du-du-nen-luu-y-du-du-papaya-va-pawpaw-la-hai-loai-cay-hoan-toan-khac-biet/
Video: Papaya tea may help fight cancer
http://www.youtube.com/watch?v=YGe1UvF4bBU
Video: Chó đẻ răng cưa, Diệp hạ châu (14 phút)
http://www.youtube.com/watch?v=-tEcIoDidMI
(*) Aqueous extract of Carica papaya leaves exhibits anti-tumor activity and immunomodulatory effects
http://www.pdazzler.com/wp-content/pdf/papaya.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét