Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Đạo diễn Lý An và Cuộc đời của Pi


- Lý Anh
Ngày 13/12/2012, các tài tử Hoa Kỳ Jessica Alba, Megan Fox và Ed Helms công bố danh sách các phim được đề cử tranh giải Quả Cầu Vàng (Golden Globe) lần thứ 70 năm 2013, trong đó phim Cuộc đời của Pi(Life of Pi) được đề cử tranh các giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc và Nhạc phim hay nhất. Các giải Quả Cầu Vàng sẽ được phát vào tối 13/01/2013.

Phim Cuộc đời của Pi do Lý An (người Mỹ gốc Đài Loan) đạo diễn. Nhà viết kịch David Magee (Hoa Kỳ) chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yann Martel (Gia Nã Đại). Tài tử Ấn Độ Suraj Sharma, đóng vai chính Piscine Molitor Patel (gọi tắt là Pi, 16 tuổi), cùng với sự tham gia của các tài tử Ấn Độ khác là: Irrfan Khan (Pi đã trưởng thành), Ayush Tandon (Pi năm 11, 12 tuổi), Gautam Belur (Pi 5 tuổi) Adil Hussain (Santosh Patel, cha của Pi), Tabu (Gita Patel, mẹ của Pi), Vibish Sivakumar (Ravi Patel, anh hai của Pi. 18, 19 tuổi) Ayan Khan (Ravi 7 tuổi), Shravanthi Sainath (Anandi, bạn gái tuổi teen của Pi), cùng tài tử Pháp Gérard Depardieu (đầu bếp), tài tử Anh Rafe Spall (nhà văn), và một số tài tử khác trong các vai thủy thủ, thầy tu …
Đang ở Mễ Tây Cơ để quảng cáo phim Cuộc đời của Pi, khi được giới truyền thông hỏi về cảm tưởng khi nghe tin phim được đề cử tranh 3 giải Quả Cầu Vàng năm 2013, Lý An đã vui vẻ trả lời rằng từ Ngọa hổ tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) năm 2001, đến Brokeback Mountain năm 2006 đã được Quả Cầu Vàng đánh giá cao, bây giờ Cuộc đời của Pi lại được đề cử tranh các giải Phim Hay Nhất, Đạo Diễn Xuất Sắc và Nhạc Phim Hay Nhất, ông vô cùng vui sướng …
Sau khi Cuộc đời của Pi chiếu ở Châu Á và nhiều thành phố trên thế giới, Bộ trưởng Du lịch Ấn Độ Chiranjeevi công bố chính phủ Ấn Độ trao tặng đạo diễn Lý An và tác giả cuốn tiểu thuyết Yann Martel hai giải thưởng đã có công quảng cáo rộng rãi ngành du lịch nước này. Tháng 11/2012, phim Cuộc đời của Pi từng trình chiếu tại Đại hội Điện ảnh Nữu Ước lần thứ 50. Trong buổi chiếu mở màn, Lý An nói đùa với bạn bè: “Phim của tôi có tới bốn yếu tố kinh điển: Các con vật, một chàng trai từ nhỏ đến tuổi trưởng, nước biển với sóng gầm dữ dội và kỹ thuật hiện đại 3D”.

Lý An quay phim Cuộc đời của Pi
Mỗi lần quay một phim mới, Lý An đều muốn có những gì mới lạ để thu hút khán giả. Brokeback Mountainđoạt giải Oscar Phim Hay Nhất năm 2006 kể lại mối tình đồng tính giữa hai chàng trai chăn cừu tại Wyoming đã để lại cho khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc. Khi quay phim Cuộc đời của Pi, Lý An cũng muốn có những điểm mới lạ, mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc khác thường.
Thông qua cuộc mạo hiểm trên biển cả mênh mông của một chàng trai Ấn Độ với một con cọp, Cuộc đời của Pi diễn tả sâu sắc mối quan hệ kỳ diệu giữa loài người và động vật với thiên nhiên hùng vĩ, lòng tin và số phận.
Tiểu thuyết do Yann Martel sáng tác kể về một thiếu niên, một con cọp, một chiếc thuyền phiêu bạt trên đại dương. Những ai xem qua tiểu thuyết Cuộc đời của Pi đều cảm thấy rất khó biến nó thành phim. Khi bắt đầu quay, một số người đặt câu hỏi: Cuộc đời của Pi diễn đạt không thành công, làm sao thỏa mãn được thị hiếu của khán giả? Không hiểu sau khi hoàn thành, phim Cuộc đời của Pi có đạt được những gì Lý An và công ty điện ảnh 20th Century Fox Film Corporation mong muốn hay không?
Trước khi quay, Fox Film Corporation chỉ yêu cầu Lý An xây dựng Cuộc đời của Pi tương tự nhưBrokeback Mountain, thỏa mãn khán giả về mặt tình cảm. Lý An lại muốn dựng Cuộc đời của Pi thành một cuốn phim 3D. Ông nói: “Nếu Fox Film Corporation không đồng ý sử dụng kỹ thuật 3D thì không quay”. Bởi vậy số tiền đầu tư vào cuốn phim này đã nâng từ chục triệu lên đến trên trăm triệu Mỹ kim. Không những thế, trong phim lại không có một tài tử nổi tiếng nào. Fox Film Corporation định mời Tobey Maguire diễn xuất trong Người Nhện (Spider-Man) đóng vai chính, Lý An lại cho rằng “Tài tử nổi tiếng không thích hợp với bộ phim này” kiếm tài tử khác thay thế. Đó là lý do khiến nhiều người nghi ngờ không hiểu sau khi Lý An quay xong, phim Cuộc đời của Pi sẽ ra sao?”
Cuối cùng, hiệu quả thị giác và hình ảnh trong phim Cuộc đời của Pi đã chinh phục được giới truyền thông và những người trong nghề. Chỉ đáng tiếc Lý An đưa vào phim quá nhiều tình tiết về tôn giáo, khiến một số người không bằng lòng, nhưng vẫn khâm phục Lý An lần đầu sử dụng kỹ thuật hiện đại vẫn có thể xây dựng thành công một cuốn phim 3D, không khác gì James Cameron, bậc thầy của loại phim này.

Vài nét về Cuộc đời của Pi
Nhân vật chính trong phim Cuộc đời của Pi là cậu thiếu niên Piscine Molitor Patel, gọi tắt là Pi. Cậu là con trai một chủ vườn thú tại vùng Pondicherry, Ấn Độ. Gia đình cậu tôn sùng tôn giáo, cùng một lúc theo đạo Hindu, đạo Hồi và Thiên Chúa giáo.
Để tránh những biến cố chính trị, gia đình cậu chuyển toàn bộ vườn thú tới Gia Nã Đại trên một con tàu người Nhật Bản. Khi tàu chạy trên biển cả rộng mênh mông, gặp một cơn bão lớn, thân nhân của Pi chìm xuống đáy biển. Cậu sống sót một mình trên chiếc thuyền cứu sinh cùng chú cọp Richard Parker, một con linh cẩu, một con đười ươi và một con ngựa vằn. Để bảo tồn tính mạng, các con vật ăn thịt lẫn nhau, cuối cùng còn lại chú cọp và Pi lênh đênh trên đại dương.
Thoát chết từ vụ đắm tàu đó, cậu thiếu niên 16 tuổi Pi phải lênh đênh trên biển nhiều ngày với bao hiểm nguy khi đối mặt với linh cẩu, ngựa vằn, đười ươi và chú cọp Bengal trên con thuyền. Trước thần chết và sự hung hãn của thiên nhiên, Pi có cơ hội chiêm nghiệm bản ngã cũng như niềm tin tôn giáo. Kẻ cứu mạng Pi chính là chú cọp Bengal. Lúc tàu mới bị đắm, Pi phải chống chọi với đói khát, và trên hết là tìm cách né tránh chú cọp Bengal, có thể “xơi” mình giữa biển cả bất cứ lúc nào. Hoàn cảnh đó khiến cậu thiếu niên quên đi nỗi sợ hãi về thần chết đang rình rập từng giờ.
Tài tử đóng vai Pi tên gọi Suraj Sharma, một thanh niên chưa hề đóng phim đến từ Delhi, được chọn từ trong số 3000 người dự tuyển. Mấy chú cọp tham gia diễn xuất được chọn từ Pháp và Gia Nã Đại. Tuy không có nhiều kinh nghiệm khi diễn xuất, người và vật vẫn khiến cho khán giả vô cùng xúc động. Suraj Sharma đã thành công khi diễn xuất vai Pi ngây thơ, hiền lành, lúc nào cũng sợ hãi. Nhất là tài nhịn ăn của cậu, không cần dùng kỹ xảo cũng trở thành một Pi gầy ốm chỉ còn da bọc xương.
Điều đáng nói hơn nữa là, Lý An đã mạnh dạn thay đổi nguyên bản, thêm nhân vật Pi đã trưởng thành kể lại toàn bộ câu chuyện, với những lời nói tự diễu cợt mình và hài hước, khiến cho phần mở đầu trong nguyên bản tương đối buồn bã tăng thêm nhộn nhịp và sống động.

Kỹ thuật tạo hình 3D
Phim 3D là loại phim dùng kỹ thuật hiện đại làm cho người xem cảm nhận được chiều sâu không gian, nhân vật, và phong cảnh đều thật như cuộc sống ngoài đời, khiến khán giả cảm thấy mình đang sống thực trong phim. 3D là chữ viết tắt của 3 Dimension, có nghĩa là 3 chiều.
Kỹ thuật tạo hình 3D trong phim Cuộc đời của Pi đạt đến đỉnh cao khi tái tạo những con thú lênh đênh giữa biển khơi cùng Pi như thật. Khán giả hài lòng trước mỗi cử động biểu lộ trạng thái tinh thần của từng con thú, và vẻ đẹp của đại dương. Với kỹ thuật hiện đại 3D trong Cuộc đời của Pi, đạo diễn Lý An chứng minh rằng ông không thua kém gì các bậc thầy từng đạo diễn các phim 3D. Có thể nói Cuộc đời của Pi đã thay đổi cách làm phim bình thường, mở đường cho nhiều phim khác chú trọng đến kỹ thuật phim 3D, không khác gì Avatar đạo diễn James Cameron từng thực hiện trước đây. Chỉ tiếc là phim Cuộc đời của Pi đã đem lại cho khán giả ít cảm xúc hơn so với ấn tượng về kỹ thuật hiện đại 3D.
Phần đầu Cuộc đời của Pi quay ở Pondichery (Ấn Độ), với khoảng 5,5 ngàn người được huy động để quay các cảnh quay xa hoa về cuộc sống trên đường phố, những buổi lễ tôn giáo long trọng. Phần tiếp theo kéo dài gần 2 tiếng, diễn ra trên “đại dương sóng to gió lớn”. Để đạt được cảnh trên, Lý An đưa đoàn làm phim về quê hương mình ở Đài Trung, đảo quốc Đài Loan, quay trong một cái bể nước khổng lồ có thể chứa 6,4 triệu lit nước, với các loại máy tạo sóng nhân tạo được chế tạo đặc biệt, tạo ra những cơn sóng dữ không khác gì ở ngoài đại dương.
Hiệu ứng 3D với những con cá nhảy khỏi màn hình, những chuyến du hành dưới đáy sâu đại dương với hàng ngàn con sứa phát sáng và cá voi. Ký giả Christopher Rosen của tờ Huffington Post đánh giá, có thể nói, sau phim Avatar của đạo diễn James Cameron, kỹ xảo 3D phim Cuộc đời của Pi đáng được đánh giá cao.
Tìm thấy những tài tử đóng vai chính và vai phụ, đạo diễn Lý An không sao tìm được chú cọp mang tên Richard Parker. Cuối cùng phải dùng đến xảo thuật tạo hình. Tất cả các đặc tính vật lý quan trọng nhất để tạo ra các hiệu ứng đều dựa trên biểu hiện của bốn chú cọp thật. Huấn luyện viên Thierry Le Portier, từng thành công trong phim Võ sĩ giác đấu, đã tìm thấy ba con cọp ở Pháp và Gia Nã Đại. Đạo diễn Lý An cho biết, chú cọp đực tên King trở thành hình mẫu chính cho Richard Parker, trong khi hai con cái cũng ở Pháp được sử dụng như hình mẫu mọi chuyển động có dáng dấp tấn công, hung dữ nhất của con hổ Richard.
Tờ Hollywood Reporter nhận định, Cuộc đời của Pi tuy chưa hoàn hảo, vẫn được đánh giá là một trong các bộ phim hay nhất năm 2012. Hy vọng Cuộc đời của Pi được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ đề cử tranh giải Oscar 2013.
Đạo diễn James Cameron đánh giá Cuộc đời của Pi là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Ông nói: “Chẳng có gì thú vị hơn khi ngồi trong rạp theo dõi cuộc phiêu lưu được một nhà làm phim bậc thầy như Lý An thực hiện.. Cuộc đời của Pi đẹp một cách kỳ diệu, khiến cho khán giả có cảm giác như bị bao bọc trong câu chuyện. Tôi nghĩ kỹ thuật hiện đại 3D đã đóng góp một phần vào sự thành công của Cuộc đời của Pi…”
Trung tuần tháng 12/2012, Cuộc đời của Pi đã trình chiếu tại các thành phố ở Hoa Kỳ, Gia Nã Đại… mời quý độc giả Thời Báo đi xem thưởng thức kỹ thuật phim 3D của đạo diễn Lý An.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét