Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Bức ảnh tuyệt vời


- Nguyễn đạt Thịnh
Mời quý vị quan sát bức ảnh dưới đây, và tưởng tượng là một thiếu phụ hay một nhà tu ngồi vào chỗ anh cảnh sát viên Larry DePrimo đang ngồi. Với thay đổi đó, bức ảnh vẫn đẹp, nhưng không đẹp bằng. Mọi người chờ đợi lòng nhân ái đến từ một người đàn bà, hay từ một nhà tu, không ai chờ một cảnh sát viên móc tiền túi ra mua giầy, mua vớ cho một người vô gia cư, chỉ vì thời tiết Nữu Ước quá lạnh.

Bức ảnh được post lên trang mạng Facebook của sở cảnh sát New York hôm thứ Ba 11/20, người chụp ảnh là cô Jennifer Foster, một du khách từ Arizona đến thăm Nữu Ước; chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, bức ảnh được mở ra và được chiêm  ngưỡng 47,716 lần; sau đó anh cảnh sát viên DePrimo, 25 tuổi, mất hẳn cuộc sống bình thường của một cảnh sát viên: ngày 8 tiếng lái xe đi loanh quanh để cái xe mang huy hiệu cảnh sát, và ánh đèn xanh tượng trưng kỷ luật lưu thông, giúp duy trì một tối thiểu trật tự trên đường xá Nữu Ước, ngày đêm đông đúc.
Đài CBS NEWS và nhiều người tìm kiếm để hỏi anh về câu chuyện tặng bốt và vớ cho người vô gia cư.
"Tôi mang 2 lớp vớ, bên trong đôi bốt cảnh sát mà chân tôi vẫn lạnh cứng," DePrimo kể lại cảnh anh gặp người đàn ông vô gia cư đêm 14 tháng 11,  bên lề đại lộ  7 gần đường 44. "Ông ta chân không, không giầy, không vớ."
DePrimo nói anh hình dung được cảm giác lạnh khiếp đảm của đôi chân không, rồi đưa người homeless này đến tiệm Skechers, đang bán sale nguyên toàn cả bốt lẫn vớ chống lạnh với giá 75 đồng; anh móc bốp lấy credit card ra, mua thiếu những thứ cần thiết chống lạnh, đem lại cho người đàn ông vô gia cư.
"Chưa bao giờ tôi thấy ai cười vui như ông ta cười," DePrimo kể lại. "Tôi nghĩ giả thử ai cho tôi một triệu mỹ kim chắc tôi cũng không cười vui được như ông ta cười." Sau khi giúp người vô gia cư -và cũng vô danh- mang vớ chống lạnh, mang bốt mùa Đông, anh hỏi xem ông ta có thích một ly cà phê nóng không. Người homeless trả lời là ông ta không còn thiếu thốn gì nữa.
"Có giầy, có vớ là ông ta thỏa mãn, mà tôi cũng vui, tôi nghĩ mọi chuyện ngưng tại đó," DePrimo nói.
Nhưng chuyện tặng bốt cho người đi chân không, không những không ngưng, mà chỉ mới bắt đầu: vài hôm sau đêm 11/14 một người bạn cảnh sát đồng liêu nói với anh về tấm ảnh trên mạng Facebook; anh lo lắng chờ đợi lời đùa cợt chế diễu của bè bạn cùng sở.
Ủy viên cảnh sát Ray Kelly gọi anh lên văn phòng, DePrimo nói anh chỉ hết sợ khi ông Kelly tặng anh bộ khuy gài cổ tay áo sơ mi, và bảo anh, "tôi cũng có một bộ giống y như bộ này."bộ khuy gài cổ tay áo
DePrimo nói trong bụng, "mình phải mua một cái áo dài tay mới để mặc với bộ khuy này." Từ diễn biến đó, anh cảnh sát viên trẻ, mới chỉ có 3 năm thâm niên công vụ, đột ngột trở thành một "nhân vật" của dư luận thủ đô Nữu Ước. Chưa đầy một tuần lễ sau ngày bức ảnh được post lên mạng, đã có đến 1.9 triệu người đọc, trong số đó,  517,000 người nói họ thích tấm ảnh, 187,000 người chuyển tiếp cho thân hữu coi, và 39,000 người viết lời chia xẻ với anh.
Cùng với tấm ảnh, cô Foster viết vắn tắt kể lại câu chuyện, "Tôi đang đi thì một viên cảnh sát rảo bước qua mặt tôi, ngồi xuống bên cạnh người đàn ông homeless, rồi nói với ông ta, 'đôi bốt này size 12, đúng size chân ông đây; giầy đặc chế cho mùa lạnh đó. Mang giầy vào rồi kiếm chỗ ấm áp mà ngủ.'
"Vừa nói, viên cảnh sát vừa phụ  ông homeless mang vớ, mang giầy; tôi lấy điện thoại di động ra chụp cảnh sinh hoạt dễ thương đó." Foster cho biết bố cô cũng là một cảnh sát viên hồi hưu, sau 32 năm công vụ.
Trên màn ảnh NBC, DePrimo xác nhận phần thưởng lớn nhất của anh là anh đã góp phần vào việc ca tụng tình nhân loại. "Nhiều người bảo tôi là việc tôi làm giúp họ tin là tình thương vẫn còn tồn tại giữa mọi người."
Foster nói cô cùng chồng đến Nữu Ước và tình cờ được chứng kiến sinh hoạt lạ lùng giữa một cảnh sát viên và một người homeless. Cô hãnh diện với thành tích chụp được tấm ảnh gây nhiều xúc động, và đề cao tình thương người của anh DePrimo.
"Mua giầy, tặng giầy cho người túng thiếu chỉ là phản ứng rất nhân bản của anh DePrimo," Foster nói trên màn ảnh truyền hình. "Tôi tin là anh không nghĩ gì đến việc được đền đáp."
"Ngay lúc này tôi vẫn không nghĩ những vinh dự đang đến với tôi là đúng," DePrimo nói. "Tôi có làm gì xứng đáng đâu. Người homeless đó quá lạnh, nhiều người cũng làm như tôi nếu họ gặp ông ta."
Anh cũng nói với phóng viên truyền thông là anh tri ân bố mẹ anh đã giáo dục anh trong tình tương lân, giúp đỡ lẫn nhau. "Mẹ tôi khóc khi nhìn tấm ảnh tôi ngồi cạnh ông homeless," anh nói.
DePrimo thích chí, vì hàng xóm không chỉ chào anh mỗi lần họ gặp anh trước nhà, mà họ còn ân cần đến bắt tay anh, và trong sở làm, những bạn đồng nghiệp của anh tại Quận 6 Cảnh Sát Nữu Ước, niềm nở trò chuyện với anh.
Thật ra những việc làm nhân đạo như việc anh cảnh sát DePrimo tặng giầy, tặng vớ cho người vô gia cư không ngày nào không diễn ra trên đất nước Hoa Kỳ, quê hương của những người Mỹ nhiều nhân tính. Chính họ là những người, 37 năm trước, đã mở rộng vòng tay yêu thương, đón mời người Việt Nam tị nạn hội nhập cuộc sống tự do với họ.
Giờ này, những người Việt Nam tị nạn ngày trước, lại đang đem tình nhân loại, tình đồng bào ra nâng đỡ những người Việt Nam tị nạn khác vẫn còn nhu cầu vượt thoát chế độ Cộng Sản hà khắc
Ngay tại Houston, chúng ta cũng đã có một nữ luật sư An Phong, tình nguyện đến sống với người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan trong suốt 18 tháng trời để giúp họ thực hiện hồ sơ xin định cư tại Hoa Kỳ và tại những quốc gia khác.
Nhiều người tị nạn gốc Cồn Dầu còn cất giữ những tấm ảnh cô đi chân không, xách giầy trên tay, ống quần xăn cao tới đầu gối, lội vào khu cống rãnh họ tạm trú để gặp gỡ và giúp đỡ họ.
Nhưng, như giả thuyết nêu lên ở đoạn trên, bức ảnh An Phong lội nước cống, tìm giúp người tị nạn không gây nhiều xúc động bằng bức ảnh anh DePrimo ngồi chồm hổm bên người homeless trong một khu thương xá sáng sủa, ấm áp.
DePrimo, không sẵn tiền mặt trong túi, phải mua chịu bằng credit card một đôi bốt, một đôi vớ với giá 75 mỹ kim để giúp người homeless bớt lạnh; cô An Phong -cũng không có tiền- ký thác 18 tháng tuổi thanh xuân, hy sinh cả tương lai nghề nghiệp của cô, để cứu giúp những  người tị nạn đồng hương và đồng cảnh tị nạn với cô và gia đình cô.
Tính thành tiền, số lợi tức trong thời gian 18 tháng của một luật sư có thể nhiều gấp 1,000 lần con số $75 DePrimo ký nợ.
Tính trên kết quả, giờ này trên 300 triệu người Mỹ, người nào không yêu thương, không kính trọng DePrimo, mặc dù việc anh làm mới toanh, chưa đầy một tháng, và chỉ có giá trị một lần; trong lúc luật sư An Phong đã kiên trì phục vụ người tị nạn từ bao nhiêu năm nay.
Quần chúng Việt Nam có thể đã bất công với An Phong và với hàng ngàn chiến sĩ khác đã và đang chiến đấu cho người Việt vẫn còn nhu cầu vượt thoát, tìm đường tị nạn sau 37 năm mất nước.
Chúng ta quan niệm cô là một thiếu phụ, đối tượng mà chúng ta ràng cột vào công tác từ thiện. Chúng ta không ngạc nhiên, cũng không xúc động nhiều trước những hy sinh vô cùng to lớn của cô,  vì chúng ta chờ cô làm việc đó.
Trong lúc chúng ta không mong chờ DePrimo làm gì cả; và chắc chắn cũng không ai ngạc nhiên nếu anh "hốt" người vô gia cư lên xe đem đi. Tâm trạng "không mong chờ" đó khiến cô Foster xúc động và khiến quần chúng xúc động với câu chuyện DePrimo mua thiếu giầy vớ, rồi bảo người homeless, "'đôi bốt này size 12, đúng size chân ông đây".
Không ai nghĩ đến việc mỗi ngày nữ luật sư An Phong phải ôm eo ếch gần chục anh tài xế xe ôm người Thái, những người đã thẳng tay hãm hiếp đàn bà, con gái Việt Nam trong hai thập niên 1970-1980 khi chúng ta vượt thoát ra khỏi Việt Nam để chối bỏ không chấp nhận cuộc sống Cộng Sản địa ngục.
Cũng không ai để ý đến chi tiết cô là người nữ luật sư duy nhất trên thế giới này hằng ngày đi làm bằng xe ôm.
Chuyện Việt Nam và chuyện An Phong là chuyện dài cay cực đang còn tiếp diễn; chuyện DePrimo là chuyện dễ thương như chuyện kể đêm Giáng Sinh, chỉ xẩy ra một lần, nhưng được một người lắng nghe, tán thưởng và tô điểm cho đẹp hơn.
Chuyện "bức ảnh tuyệt vời" quý vị đang đọc.
- Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét