Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Việt Nam nhất định có cách mạng sớm nếu... (phần 3)


Nguyễn Ngọc Già
Trong 2 phần trước, chúng ta thấy rõ giai tầng công nhân, nông dân, người nghèo là chiếm đa số với những bất công nặng nề mà họ đang gánh chịu hàng ngày, do đó, khả năng họ đứng lên làm cuộc cách mạng là điều hoàn toàn khả thi. Vậy tầng lớp nào sẽ làm công việc hướng dẫn, tổ chức, lãnh đạo họ cho cuộc cách mạng? Không tầng lớp nào khác hơn là trí thức yêu nước và dám dấn thân.
* * *
Bài viết này không có ý định đi tìm một định nghĩa "thế nào là trí thức" nữa, vì đã có rất nhiều bài viết phân tích, tranh luận về đề tài này (nếu bạn quan tâm xin vào google và search). Ở đây muốn nói đến việc làm sao để thu hút lực lượng trí thức tham gia vào cuộc cách mạng với vai trò là lực lượng hướng dẫn và lãnh đạo các giai tầng khác.
Theo một báo cáo có thể tạm chấp nhận mức độ khả tín như sau:
Số lượng công nhân Việt Nam hiện nay là 9,5 triệu người.
- Số lượng nông dân là 61 triệu 433 nghìn người, bằng khoảng 73% dân số của cả nước.
Số lượng đội ngũ trí thức (tính từ tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên), hiện cả nước có 2,5 triệu người (lấy số chẵn), trong đó có gần 20 nghìn thạc sĩ, 17 nghìn tiến sĩ, 7 nghìn giáo sư và phó giáo sư.
Tất nhiên, còn quá nhiều điều để tranh cãi quanh các bằng cấp, học hàm, học vị của trí thức đang sống tại Việt Nam, khi mà bằng cấp tại Việt Nam có thể mua bán, ban phát dễ dàng, nếu chúng ta muốn, thậm chí giá nào, thủ đoạn nào cũng có, mà người dân vẫn đầy hoài nghi về "cử nhân luật" Nguyễn Tấn Dũng hay "cử nhân Luật" Trần Đại Quang v.v... Tuy nhiên, ở góc độ khiêm tốn nhất, chúng ta có thể tạm chấp nhận con số 20% trong số 2,5 triệu người trí thức, theo số liệu trên để thấy "tệ tệ" cũng có 500.000 trí thức, chưa tính các trí thức là Việt kiều, một nguồn quan trọng nữa (1).
Vậy, các tổ chức chính trị trong và ngoài nước đã bao giờ có một đường lối, bước đi cụ thể để vận động, thu hút lực lượng này quan tâm và từ đó tham gia vào các tổ chức chính trị? Đã bao giờ các tổ chức chính trị làm một cái gì đó cụ thể ngoài những lời kêu gọi để cho lực lượng trí thức có thể tin tưởng vào mục tiêu mà các tổ chức đặt ra là vì dân, vì nước?
Dường như mảnh đất màu mỡ này, vẫn thuộc về ĐCSVN với quá nhiều lợi thế mà sự săn đón GS. Ngô Bảo Châu là một ví dụ sinh động, bất chấp việc nhận nhà của Ngô Giáo sư được một số cảnh báo về khái niệm "một cái bẫy". Câu chuyện vẫn còn khá xa để nói về một cái kết nào đấy. Không ai nghi ngờ về lòng yêu nước của Ngô Bảo Châu (vì nếu anh không yêu nước, đã không 2 lần ký vào kiến nghị yêu cầu dừng khai thác bauxite), tuy nhiên, giả sử có kiến nghị lần 3, điều này còn phải cân nhắc khi lòng yêu nước được đặt lên bàn cân với lợi ích cá nhân mà người ta nghiễm nhiên cho rằng mình hoàn toàn xứng đáng được hưởng? Ở đây xin nói riêng với anh Châu rằng: dù sao đi nữa, người viết bài này không hề có ý gì "tị hiềm", chỉ xin nhắc, căn hộ đó vẫn là tiền của dân.
Những cái hay về người trí thức đã có nhiều người phân tích, vậy hãy nói về cái dở của người trí thức? Theo thiển ý, cái yếu lớn nhất của người trí thức là: lòng yêu nước kết hợp với sự dấn thân. Trong khi người công nhân, nông dân, dân nghèo sẵn sàng cho cuộc cách mạng, bởi lẽ họ đã mất quá nhiều thì người trí thức, đa số đều có một cuộc sống có thể không giàu sang, phú quý nhưng an ổn (nếu đừng dính vào những cái gọi là "chống nhà nước"), liệu đa số họ có sẵn sàng đánh đổi những cái đang có để lấy một cái còn khá mông lung cho người dân? Đó phải chăng là câu hỏi lớn cho không chỉ trí thức Việt Nam mà còn cho các tổ chức chính trị?
Khi đăt câu hỏi này, chúng ta vừa khâm phục vừa thẹn thùng với các trí thức đã và vẫn đang miệt mài dấn thân cho cuộc cách mạng như: Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Lê Nguyên Sang, Vi Đức Hồi, Lê Trần Luật, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Đan Quế, Đỗ Nam Hải, Đặng Vũ Bình, Lê Thăng Long, Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Nghĩa (và còn khá nhiều mà ngay lập tức không thể nhớ ra hết)...
Thuyết phục trí thức khó bằng trăm lần thuyết phục công nhân, nông dân, bởi lẽ, người trí thức chân chính nào cũng có suy nghĩ độc lập, hành động chín chắn, lập trường vững chắc với lòng yêu nước, nhưng để kết hợp lòng yêu nước cùng với hành động dấn thân không hề là chuyện giản đơn.
Làm sao để trí thức chấp nhận dấn thân?
Nhà văn Nga Alexandre Soljenitsyne có nói:
"Khi thấy thằng CS nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo. Nếu ta không có can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo. Nếu ta không can đảm bỏ đi, mà phải ngồi lại nghe, ta sẽ không nói lại, những lời nó nói láo với người khác."
Và riêng tôi, tôi đã tiếp theo bước nhà văn Nga bằng việc: "nói cho những người thân quanh mình rằng: thằng CS là thằng nói láo". Dù cho đến nay, tôi chỉ mới "nói" được với 23 người thân.
Nhân đây, xin kể câu chuyện nhỏ của tôi với một trí thức và cũng là bạn thân.
Mỗi lần chúng tôi gặp nhau hàn huyên, tôi và anh ấy luôn nói về tình hình chính trị - xã hội, tôi cũng hay chia sẻ những bài viết của mình với anh ấy. Ban đầu anh ấy ngại ngùng và có vẻ lảng tránh, dần dần (sau cả năm trời) anh ấy bớt thái độ né tránh và quan tâm hơn. Tôi dấn thêm bước nữa, đề nghị anh ấy đọc bài của tôi, anh ấy bảo: "tôi yêu đất nước này, và cũng rất đau đáu với những bất công đầy rẫy trong xã hội, nhưng có lẽ tôi không có lý tưởng như anh", tôi trả lời: "không, đó không phải là lý tưởng, đó là trách nhiệm của chúng ta. Anh cứ coi như, trách nhiệm của tôi là viết, trách nhiệm của anh là đọc và truyền bá cho những người chung quanh. Hãy bắt đầu từ trách nhiệm nhỏ nhất", và anh ấy đồng ý.
Nhẫn nại, bền chí trong cách tiếp cận, thuyết phục người trí thức từ quan tâm đến hành động là điều phải nghĩ tới? Bạn tôi chỉ là một trí thức bình thường, để thuyết phục anh ấy đọc (còn anh ấy có lan truyền hay không chưa biết), tôi đã mất cả năm trời. Vậy còn những trí thức nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng nào đó, mà lòng yêu nước của họ cũng thật rõ ràng thì sao? Có bao giờ các tổ chức chính trị đặt vấn đề thuyết phục được cỡ như GS. TS Võ Tòng Xuân? Thuyết phục vị giáo sư này chính bằng thuyết phục (nói không quá, ít nhất) 50.000 nông dân. Nếu bạn đi về đồng bằng Nam Bộ (mệnh danh là vựa lúa VN), hầu như rất nhiều người biết về vị Giáo sư khả kính này, họ gọi ông bằng cái "danh" trìu mến "Giáo sư nông dân", vì cả đời nghiên cứu, giảng dạy, ông đều dành cho người nông dân.
Câu chuyện 110 nông dân Nông trường Sông Hậu đòi đi tù thay bà Trần Ngọc Sương có làm cho các tổ chức chính trị suy nghĩ về sự dấn thân thật sự cho người dân?
Còn nhiều trí thức khác được nhiều tầng lớp nhân dân biết đến và ngưỡng mộ, mà dường như các tổ chức chính trị chưa có một đường lối cụ thể để cuốn hút? Khái niệm "dân vận" của người CS có vẻ chưa được các tổ chức chính trị cho là bài học đáng học? Áp dụng thử vào khái niệm "trí thức vận" có là điều các tổ chức suy nghĩ? Tất nhiên cách thức, đường lối, nội dung để "trí thức vận" khó hơn nhiều so với "dân vận".
* * *
Một bộ phận - theo thiển ý người viết - RẤT quan trọng, nhưng có vẻ các tổ chức chính trị lãng quên, đó là (tạm gọi) Người của công chúng (NCCC). Nhắc đến bộ phận này, có lẽ chúng ta không quên câu chuyện Cựu Không quân VNCH Lý Tống xịt hơi cay vào nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hồi năm ngoái.
Tò mò tôi vào thử đây và thấy nhận định của mình hoàn toàn xác đáng! Theo trang web của ca sĩ này, cho thấy có trên 7.000 thành viên.
Khi Lý Tống hành xử với Đàm Vĩnh Hưng, có lẽ ông ấy và những người ủng hộ ông ấy thỏa mãn cơn giận tức thời, nhưng họ đã vô tình "tống một đạp" vào phong trào đấu tranh dân chủ của ngay những bà con hải ngoại và làm cho giới trẻ trong nước (chưa dám nói các fan hâm mộ ĐVH) nhìn những người đấu tranh dân chủ méo mó ngay lập tức, vì thế đừng trách giới trẻ trước khi chúng ta tự trách mình - những người không còn trẻ! Giá như cái bình xịt của ông Tống được thay thật sự bằng một bó hoa cùng với cái bắt tay thân ái đối với anh Hưng, thì những người yêu tự do dân chủ đã có thêm ít nhất cảm tình của 7.000 người rồi! Và... hãy nghĩ về Mỹ Tâm, Lam Trường, Đan Trường, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, hoặc những ca sĩ hải ngoại đang rất hút khách như: Minh Tuyết (em ca sĩ Cẩm Ly ở trong nước), Bằng Kiều, Thu Phương, Nguyễn Hồng Nhung, Lâm Nhật Tiến... cũng như các danh hài Hoài Linh, Chí Tài, Thúy Nga... Trong cả mấy trăm ngàn fan hâm mộ NCCC, chắc hẳn có không ít bạn trẻ mà, cha mẹ nói họ chưa chắc nghe, nhưng thần tượng nói thì họ sẽ nghe ngay?!
Dường như chúng ta quá xem thường NCCC trong việc tìm kiếm những cảm tình viên, những ủng hộ viên, chưa dám nói đến việc họ gia nhập vào tổ chức chính trị nào cả. Nếu NCCC có cảm tình với những người yêu tự do dân chủ, là các tổ chức chính trị đã ghi điểm rõ rệt trước ĐCSVN.
Trong khi biết bao ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn được người dân đón nhận (chưa biết nồng nhiệt hay không) nhưng mới đây ca sĩ Quang Lê thực hiện tour lưu diễn tại VN, xem ra cũng quy mô và hứa hẹn một thành công khá lớn, thì các ca sĩ VN bay sô ra hải ngoại lại không được đón chào tương tự như thế, dù họ bay đến Mỹ - một xứ sở văn minh và tự do bậc nhất, hẳn nhiên, tại đó cũng sẽ dung chứa những con người văn hóa và nhân ái? Một bộ phận người Việt hải ngoại có cần suy nghĩ về điều này? Phải chăng ca sĩ Việt hải ngoại thì "mặc nhiên" phải được đón tiếp và trọng thị như vậy? Người Việt chúng ta đã bao giờ tự soi xét một cách công tâm ở góc độ "hòa giải hòa hợp dân tộc" khi thấp thoáng đó đây vẫn còn có người phân biệt đối xử giữa "Việt kiều" và "dân trong nước" ?
Câu hỏi thiết nghĩ cũng cần đặt ra: tại sao hầu như các ca sĩ hải ngoại không bị người dân trong nước (thường bị phàn nàn là dân trí thấp) hành xử xấu xí như Đàm Vĩnh Hưng bị bởi một số người tự nhận sống tại xứ sở văn minh và tự do?
Có bao giờ các tổ chức chính trị nghĩ về NCCC trong vai trò trách nhiệm đối với xã hội khi mà những gì NCCC đang có từ vật chất cho đến tinh thần cũng là do người dân nuôi nấng? Hãy khơi gợi cho NCCC trách nhiệm của họ trước đất nước lâm nguy, kinh tế bi đát thay vì đả phá, công kích hay tâng bốc thái quá họ như những trang báo vẫn hay làm?
* * *
Câu chuyện "hoa Lài" sẽ trở thành hiện thực khi ngay trong từng chúng ta hãy nhớ, dù muốn dù không, người nông dân vẫn đang chiếm đa số trong cơ cấu dân số, cũng như đừng nhìn thấy người VN hôm nay với: quần tây, áo sơ mi, trang phục công sở, giày gót nhọn (nữ), giày thắt dây (nam), tóc tai hiện đại (chưa nói nhuộm màu), thế hệ trẻ VN hôm nay với mode này, style kia mà nghĩ VN đang tiến về phía "công nghiệp", phía "đường phố". Tôi cam đoan với bạn, với tư cách mấy chục năm qua tôi đã và đang sống trong nước, tôi nhìn thấy: lấp ló và (rất nhiều lúc là lồ lộ) sau những cái hiện đại đó, họ vẫn là những NÔNG DÂN của cách đây 40 - 50 năm về trước, đó là "phần hồn", phần nội tâm rất tinh tế mà chúng ta có thể thấy được trong từng hành xử, lời nói, quan điểm, cách giải quyết công việc, tác phong, vóc đứng dáng đi... Phải chăng dù là những năm đầu của thế kỷ 21, các tổ chức chính trị và những ai yêu tự do dân chủ vẫn cần bắt đầu từ người NÔNG DÂN?
Thay vì nghĩ về "hoa Sen", "hoa Mai", "hoa Đào", phải chăng, các tổ chức chính trị và những ai yêu tự do dân chủ cần phải suy nghĩ về "BÔNG LÚA"?
(còn tiếp)
Nguyễn Ngọc Già

Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét