Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Việt Nam nhất định có cách mạng sớm nếu... (phần 2)


Nguyễn Ngọc Già
Trong phần trước, chúng ta đã thấy (qua số liệu cụ thể, mặc dù chưa đầy đủ) bộ phận đông nhất, thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội, có thể nói bộ phận này gắn liền một cách chắn chắc với cuộc cách mạng khi xảy ra, bởi lẽ đơn giản, họ đã mất quá nhiều, thậm chí mất tất cả, kể cả mạng sống, vậy cớ gì họ không tham gia cuộc cách mạng khi có những tổ chức chính trị khả tín và làm chỗ dựa vững chắc cho họ? Đó là câu hỏi cần nhắc lại cho các tổ chức chính trị trong và ngoài nước với lời nhắn gởi: DẤN THÂN - ĐƯỢC LÒNG DÂN LÀ ĐƯỢC TẤT CẢ.
I. Thực trạng (tiếp theo):
Mỗi người đều có góc nhìn riêng, có quan điểm riêng dù chung một mục đích là TỰ DO - DÂN CHỦ cho Quê hương chúng ta. Vậy tại sao không từ cái mục đích chung này mà điều chỉnh các quan điểm, phương pháp để có thể cùng nhau đi chung một đại lộ rộng lớn thênh thang mang tên DÂN CHỦ - TỰ DO?
Có tác giả cho rằng: "Một cuộc cách mạng màu sắc nhằm thay đổi chế độ hiện tại ở Việt nam chưa là nhu cầu bức thiết của đa số dân chúng", hoặc cũng có tác giả nói rằng: "Tầng lớp công nhân, nông dân, người nghèo là tầng lớp chủ yếu, nòng cốt quan trọng nhất của mọi cuộc cách mạng. Hơn nữa, tầng lớp này chiếm tới 80 % dân số Việt Nam, bởi thế nên vai trò của họ đối với 1 cuộc cách mạng Dân Chủ là cực kì quan trọng. Tầng lớp này, tuy hiện tại đã và đang sống dưới đáy tận cùng nghèo khổ của xã hội. Nhưng kì lạ thay, họ không hề tính tới việc làm cách mạng. Hay nói đúng hơn, khả năng chịu khổ, tự thỏa mãn với hiện tại đã tới mức phi thường (đến mức quốc tế phải xếp VN là dân tộc lạc quan nhất thế giới (*))", cũng như một blogger nổi tiếng về sự cương trực và lòng yêu nước tha thiết đã nhận định chắc chắn: "Chừng nào Trung Quốc chưa thay đổi thì Việt Nam cũng chưa có thay đổi”, và một Người yêu nước khả kính đã chứng kiến và tham gia trong một mức độ cuộc chính biến của Liên Xô vào năm 1991 bức xúc: "tôi chỉ muốn thét lên vào tai những cái đầu quá nóng của một số người ở hải ngoại: các người có cái quyền gì mà dám đưa dân ta, các chiến sĩ dân chủ của chúng ta vào một trận "thao dượt", một lần "thử lửa" để làm tiêu vong biết bao sinh mạng của dân chúng và các chiến sĩ dân chủ, để tạo điều kiện cho kẻ thù của dân chủ tận diệt phong trào yêu nước và tự do dân chủ", theo thiển ý, cần phải xem lại nhiều điều.
Trước hết, những nhận định trên đều xuất phát từ cái tâm của người viết. Các nhận định trên đều được hoàn toàn tin rằng, các tác giả không muốn dân ta lại lao đầu vào trong biển lửa như những con thiêu thân vừa nhìn thấy một đốm sáng thật hấp dẫn. Đúng vậy. Tuy nhiên, những nhận định như trên có chủ quan chăng khi không đưa ra được một con số, một tài liệu nghiêm túc và xác đáng nào đó để dẫn chứng cho lập luận tưởng rằng của đại đa số dân chúng, mà dường như chỉ là cảm nhận của một bộ phận thuộc tầng lớp trung lưu và trí thức nào đó cộng với nỗi niềm bất đắc chí và thấp thoáng sự mệt mỏi (vì đã cố gắng đóng góp trí tuệ và mong ngóng nhìn thấy dân chủ đã khá lâu) của những sĩ phu yêu nước nồng nàn này chăng? Hơn nữa, có tác giả còn sợ dân ta nóng quá, manh động để làm mồi cho kẻ độc tài, phải chăng nỗi sợ đó trở nên mâu thuẫn với khá nhiều nhận định dân ta ngày nay dường như thờ ơ, vô cảm đối với đất nước, chỉ "bo bo" lo cho thân và gia đình? Lo xa quá chăng?
Sau nữa, dù xuất phát từ cái tâm và nỗi niềm đau đáu với Dân Tộc, tuy nhiên các tác giả nói trên có vẻ đang áp đặt ý chí chủ quan theo nhận định cá nhân mà thiếu "thuộc tính vận động" khi viết những bài chính luận quan trọng? Đấu tranh dân chủ không thể là một tờ giấy trắng để ta viết chỉ bằng cảm xúc của một con tim, dù cho là trái tim yêu nước. Tư tưởng, Triết học lại càng không coi cảm xúc là chân lý, mà cho biết cảm xúc dễ dẫn đến sai lầm, cho nên phải "duy lý", tức có suy xét theo logic. Tình cảm (dù sao đi nữa) chỉ là một trong các bộ phận cấu thành quan trọng để giúp con người có bản lĩnh chánh trị.
Vẫn rất cần một điều tra xã hội học nghiêm túc, khoa học với mẫu chọn hợp lý trước khi phán xét như đã phán xét. Điều tra khoa học, cẩn trọng sẽ thuyết phục các tổ chức chính trị, những người quan tâm đến đất nước suy ngẫm thay vì đã có nhiều phê phán như vừa qua? Cuộc thăm dò bỏ túi mà trang báo Dân Luận hiện đang làm, dù với con số tham gia cho đến hiện nay chỉ là 747 lượt bình chọn, kèm với điều kiện "chẳng chịu trách nhiệm, chẳng mất an toàn" có vẻ khả tín hơn so với những cuộc thăm dò quy mô (dân ta lạc quan, dân ta hạnh phúc, dân ta ăn chơi là chủ yếu...) mà không đảm bảo sự tự do tư tưởng được ghi nhận thật nhất?
* * *
Những số liệu mà người viết đã dẫn ra trong phần trước cho thấy: chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2010 có 200 cuộc đình công, lên đến 65%, SO VỚI CẢ 5 năm (từ 1995 - 1999) cộng lại, bất chấp ông Nguyễn Tấn Dũng đã đặt bút ký nghị định 12, 2008 về việc hoãn hoặc ngừng những cuộc đình công bị coi là “bất hợp pháp” tức là đình công bộc phát. Tại đây, chứng tỏ công nhân chẳng quan tâm đến cái lệnh đầy oai quyền của ông Dũng(!). Uy quyền của ĐCSVN, (qua nghị định này) càng chứng tỏ người dân ngày càng khinh thường, cũng như chẳng mảy may làm người công nhân khiếp sợ, khi cái bụng của họ và gia đình họ kêu réo???!!! Từ việc chẳng xem cái "nghị quyết, nghị quéo" của ông Dũng ra cái đinh gì dẫn tới việc làm cách mạng, phải chăng là bước ngắn? Ai dám bảo công nhân CÒN SỢ cái chính thể này? Phải chăng vì chưa có những tổ chức uy tín, mạnh mẽ nên người công nhân chưa xốc lại hành trang trên con đường cách mạng?
Tiếp theo, ông Ba Dũng đã ký quyết định ban hành:
Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống.
Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (6 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.0000 - 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng. Mức chuẩn nghèo quy định nêu trên là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chính sách kinh tế, xã hội khác.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011
Liệu cái quyết định này có được coi là "căn cứ khoa học" để giải quyết "cái an sinh xã hội" mà ĐCSVN mong muốn, hay càng làm dấy lên nỗi bất bình tột độ của người nghèo khi người dân phẫn nộ nhớ lại những trọc phú "dám" ăn một tô phở có giá 750.000 đồng cách đây không lâu?
Tổ chức nào, người nào sẽ phổ biến những thực trạng đau lòng, bất công ghê người này cho công nhân, nông dân, tiểu thương nghèo... để họ biết hết và hiểu đủ ai đã tạo ra nghịch cảnh, nhằm cung cấp cho họ thêm quyết tâm làm một cuộc đổi đời?
Vậy vai trò truyền thông trong cuộc vận động dân chủ trở thành vô cùng quan trọng trong việc phổ biến những tin tức như thế này? Do đó, có tác giả viết: "Sai lầm chung về truyền thông khi nghĩ rằng nếu có tự do thông tin là đủ và sẽ có cách mạng", có nên sửa lại rằng: "Thông tin trung thực là điều kiện tiên quyết để người dân hiểu được chính do ĐCSVN đã gây ra bất công từ những điều nhỏ nhặt nhất nhưng quan trọng nhất, đó là cái bao tử chủ yếu "chỉ cơm + rau" của người nghèo"?
Quận Bình Tân, Tp.HCM - một địa bàn có nhiều khu công nghiệp với hàng trăm ngàn công nhân đang làm việc - đã "hoang mang cao độ, lo lắng thật sự" trước tình hình công nhân đình công đòi quyền sống, đã có đoạn viết trong "Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho CNVC-LĐ quận Bình Tân nhân Tết Tân Mẹo năm 2011"
Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải thường xuyên theo dõi giám sát, đồng thời giải thích kịp thời các thắc mắc khiếu nại của công nhân lao động về chế độ chính sách, tiền lương, thưởng, điều chỉnh tiền lương tối thiểu mới, nếu xảy ra tranh chấp lao động tập thể phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp giải quyết và báo cáo nhanh về Liên đoàn Lao động quận Bình Tân (điện thoại: 37501246- 37510247- 38750900) để phối hợp giải quyết kịp thời nhằm ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Quận.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tính đến đầu năm 2010, Việt Nam có 57 triệu người trong độ tuổi lao động trong đó 43 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và một trang báo khác cho biết năm 2010 tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao cũng như người thất nghiệp tăng đột biếntrong những tháng cuối năm 2010 và tỉ lệ người thất nghiệp (tạm chấp nhận) là 4,65%. Con số này, chắc chắn sẽ tăng nhanh trong năm 2011 với tình hình kinh tế tồi tệ cộng với số lao động tại nước ngoài trở về do các cuộc đấu tranh của nhân dân nước sở tại.
Mới nhất, tháng 2/2011, CHỈ RIÊNG tại Tp.HCM có trên 19.000 doanh nghiệp nợ BHXH của trên 687.000 lao động với tổng số tiền trên 373 tỷ đồng., vị chi mỗi công nhân bị nợ 542.000 đồng. Vậy, có thể ước đoán, trên cả nước, số nợ này có thể gấp 10 lần, tức trên 3.000 tỉ đồng tiền nợ công nhân từ phía các doanh nghiệp! Qủa đáng để suy nghĩ về đời sống chênh vênh và chực chờ bùng bổ trong uất ức của công nhân Việt Nam!
Thực trạng công nhân lương thấp buộc phải bỏ việc, đình công, nông dân mất đất, mất việc, cho đến nay vẫn là bài toán hóc búa với ĐCSVN, cộng thêm tình hình lao động Việt Nam tại nước ngoài gia nhập đội ngũ này (như tại Lybia với hơn 10.000 người) có làm cho ĐCSVN lo lắng hơn không trong bối cảnh kinh tế bi đát như hiện nay?
Người CS vẫn tỏ ra kém cỏi đến mức độ buộc các chủ nhà trọ không được tăng giá cho thuê. Riêng tại Quận Thủ Đức, tổng cộng có hơn 1.000 công nhân "được thuê nhà trọ theo giá cũ" từ nay đến cuối năm (?!) Liệu các địa phương khác có áp dụng "cái sáng kiến" này không? Việc ép buộc người dân kinh doanh kiểu XHCN như thế này có tạo ra mối xung đột mới giữa ĐCSVN và người dân? Thêm một mối nguy bất ổn cho xã hội trong việc cướp quyền tự do kinh doanh của người dân với bối cảnh "giá gì cũng leo thang" mà giá thuê nhà trọ buộc phải giữ nguyên mức (!!!).
II. Giải pháp (tiếp theo):
- Chỉ tiếc về quy mô, danh tiếng còn khá nhỏ bé của Dân Luận! Sao các trang báo khác không bắt tay cùng với Dân Luận thực hiện cuộc thăm dò này ở mức độ quy mô hơn? (chẳng hạn: THTNDC, Nguoiviet, danchimviet, danlambao, danlentieng, doithoai, thongluan, viettan, thangtien, khoi8406,...).
- Các tổ chức chính trị hải ngoại với nhân lực giỏi, tài lực cao, có thể tiến hành một cuộc điều tra xã hội học rộng lớn với chất lượng tốt thông qua một công ty uy tín tại Việt Nam, nhằm cung cấp các con số và dựa vào đó có bài phân tích khả tín cho tất cả các tổ chức chính trị trong và ngoài nước về thực trạng xã hội Việt Nam? (nạn thất nghiệp, bất công, người dân nghèo đang muốn gì... bằng những bảng câu hỏi đảm bảo khoa học nhưng giản dị và khéo léo với việc chọn mẫu hài hòa, đúng, đủ, để tránh việc bị ĐCSVN quy chụp là xuyên tạc, bóp méo...). Chỉ khi có cuộc điều tra quy mô và khả tín như thế, chúng ta mới có thể kết luận "dân ta thờ ơ", "dân ta hạnh phúc nhất nhì thế giới", 'dân ta bàng quan"... là như thế nào.
- Thành lập một mặt trận liên minh, không có nghĩa như hình thức một đảng phái nào đó "nắm đầu", "thao túng" tất cả các đảng phái khác, mà chính xác hơn đó là một sự bắt tay, đồng thuận trong hành động, phối hợp. Mỗi tổ chức vẫn hoạt động độc lập, bí mật của riêng đảng mình phải giữ chặt (ví dụ số cá nhân tham gia, số liệu tài chánh quan trọng, các cơ sở tại hải ngoại và quốc nội...), nhưng chung một hành động để phối hợp tạo sức mạnh đoàn kết, ví dụ khi một người của đảng nào đó bị bắt, thì các nơi đồng loạt lên tiếng, một nhân vật cao cấp của CSVN ra nước ngoài, khi vận động biểu tình thì có kết hợp người của lực lượng mình và lực lượng các tổ chức khác, một chủ trương mới nào đó cho một mục tiêu nào đó, các đảng phái cùng chia sẻ, trao đổi nhau để cùng nhau thực hiện với nhiều sáng tạo, nhiều cách khác nhau... vừa qua, nhân vật Phạm Thị Phượng bị bắt (hình như của đảng Vì Dân), chỉ có đảng Vì Dân lên tiếng một cách yếu ớt và sau đó thấy lặng thinh. Chỉ riêng việc đó thôi, cũng cho thấy sự èo uột và rời rã trong tinh thần "cùng nắm tay nhau" của các tổ chức chính trị.
- Đối với các cây viết có ít tiếng tăm, đề nghị nên cẩn trọng khi viết những bài chính luận dễ gây ngộ nhận và tranh cãi không đáng vì những hiểu lầm. Đặc biệt, nếu đã xác định "dân ta còn thế này, thế kia..." thì khi viết bài, nên có chứng cứ, số liệu cụ thể để thuyết phục, hơn là viết theo cảm nhận cá nhân mà có ý kiến cho rằng "hai mang", "cố tình làm xẹp phong trào"..., không thể đem những suy nghĩ của quá khứ cách đây 10 - 20 năm áp vào suy nghĩ của ngày nay, vô hình chung, chính chúng ta đã không giữ lửa cho chính chúng ta, nói gì đến truyền lửa cho người công nhân, nông dân... Tất nhiên, tôi không có ý định nói các tác giả trên: làm cho mọi người shock, buồn, bi quan, nản lòng hay trốn tránh sự thật... nhưng đã viết những bài chính luận có vẻ "làm lợi" cho đối phương thì cần cẩn trọng và có số liệu, chứng cứ xác đáng, lúc đó sẽ thuyết phục.
Thành công dân chủ tại Việt Nam có thể xem như kết quả của một phản ứng hóa học được tổ hợp từ nhiều loại hóa chất đã dường như đủ mặt? Tuy nhiên khó có thể xảy ra nếu như người dân thiếu chất xúc tác đúng và đủ?
(còn tiếp)
Nguyễn Ngọc Già
__________________________________
(*) Điều tra của Tổ chức News Economics Foundation (NEF) có trụ sở ở Anh cho rằng VN ở "top 5 các nước hạnh phúc nhất thế giới", điều ngạc nhiên là trong Top 10 quốc gia có chỉ số HPI cao nhất, có đến 9 nước Mỹ Latinh. Sau Costa Rica là Dominica, Jamaica, Guatemala, Colombia, Cuba, El Salvador, Brazil và Honduras. Lưu ý, (có cả Cuba), trong khi Mỹ đứng hạng 114/143 Quốc gia xếp hạng (?!). Vậy liệu đấy là số liệu khả tín với những câu hỏi, mẫu chọn đúng và nghiêm túc cho cuộc điều tra hay một sự bông đùa, an ủi hoặc giả một dạng "tuổi trẻ cười" một khi mà cỡ Singapore (hạng 49) Hàn Quốc (68) Nhật Bản (75)? Hề hết chỗ!
http://dantri.com.vn/c36/s36-335367/viet-nam-vao-top-5-nuoc-hanh-phuc-nhat-the-gioi.htm
www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro.../wcms_142175.pdf (Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam - tài liệu quan trọng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét