Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt Nam sẽ đi về đâu?


Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Jake Maxwell Watts và Nguyễn Phương LinhFinancial Times
Về cả hai mặt phát triển và công nghiệp hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế – như các tin tức xấu – có thể hoàn toàn là điều tương đối. Tăng trưởng GDP 5,08% đáng nể của Việt Nam trong năm 2012 là mức sụt giảm đau đớn so với 5,9% hồi năm 2011. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 13 năm qua. Liệu năm 2013 sẽ tốt hơn chăng?
Sau khi trở thành thị trường mới nổi thu hút nhiều nguồn đầu tư nước ngoài hơn một thập kỷ qua, quốc gia Đông Nam Á này đã trải qua một năm tồi tệ. Hồ sơ tham nhũng tiếp tục tăng cao, niềm tin của các nhà đầu tư sụt giảm và nợ xấu chạm mức kỷ lục đã khiến nền kinh tế nước này trở nên khó khăn hơn. Trong một thông điệp nhân dịp năm mới 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận “chính phủ có những thiếu sót trong quản lý” và “cơ cấu nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém”. Điều gì đã xảy ra tại Việt Nam trong năm 2012?
Một số nhà phân tích nói rằng đối với hệ thống hiện hành thì Việt Nam không thể tránh khỏi một năm tồi tệ như hiện nay. Kinh tế tăng trưởng ở mức trung bình 7% mỗi năm trong suốt thập niên 1990 và bắt đầu chậm lại đôi chút trong những năm 2000. Phần lớn sự phát triển yếu kém này là do các doanh nghiệp nhà nước – lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế tại nước này – hoạt động kém hiệu quả và gần đây đã chiếm lên đến 40% GDP của cả nước.
Tuy nhiên, lỗ hổng của họ trở nên rõ ràng hơn khi Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, được biết đến với tên Vinashin, đi đến bờ vực phá sản hồi năm 2010. Tập đoàn nay đã được chính phủ giải cứu trong năm 2010 sau khi tích luỹ hơn 4,5 tỳ USD nợ nần, phần lớn là do đầu tư vào các lĩnh vực thiếu chuyên môn như xe máy hay nhà máy điện. Cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor cho biết hồi tháng Mười hai năm 2010: “Khủng hoảng ở Vinashin đã làm nổi bật sự thiếu minh bạch, trách nhiệm yếu kém, và quản trị doanh nghiệp nghèo nàn ở Việt Nam, và đây vẫn còn trong các giai đoạn đầu khi chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường nền”. Chín giám đốc điều hành Vinashin đã bị tuyên án tù hồi tháng Ba năm 2012, cùng với khoảng thời gian mà nhiều người lo ngại sẽ có thêm các vụ bê bối tại nhiều doanh nghiệp nhà nước khác.
Sau đó vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn khi sự bất ổn lan sang ngành ngân hàng trong năm 2012 sau khi người sáng lập Ngân hàng Thương mại Á châu – một trong những ngân hàng cho vay lớn nhất tại Việt Nam – bị bắt vào tháng Tám với cáo buộc “kinh doanh bất hợp pháp”. Những vụ bê bối này cuối cùng dẫn đến lời xin lỗi từ phía chính phủ vì đã không kịp xử lý cuộc khủng hoảng cũng như làm tín dụng của nước này ngày càng xấu thêm.
Nợ nần gia tăng tại Việt Nam đã khiến các khoản nợ xấu ở các ngân hàng ngày thêm trầm trọng trong khi tín dụng đã cạn kiệt. Các khoản nợ xấu hiện đang ở mức khoảng 8% trong tổng số nợ cho vay tại các ngân hàng Việt Nam, trong khi tăng trưởng tín dụng là 6,45% vào năm 2012 so với 14% hồi năm 2011.
Khu vực doanh nghiệp Việt Nam một thời thịnh vượng hiện đang phải đối mặt với nhiều chi phí ngày càng gia tăng và thiếu hụt nguồn kinh phí. Hầu như 71% trong tổng số 58,000 doanh nghiệp ở Hà Nội đã báo cáo thua lỗ trong năm 2012, theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, một cánh tay thuộc Đảng Cộng sản cầm quyền tại nước này.
Các phân tích gia lưu ý rằng vấn đề không phải là tất cả đều do quản lý yếu kém. Việt Nam, tương tự như nhiều nền kinh tế mới nổi, đã phải hứng chịu sự suy giảm tại các thị trường xuất khẩu bao gồm cả châu Âu và Hoa Kỳ.
Tin đáng mừng là những khó khăn kinh tế đã thúc đẩy chính phủ nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm giành lại lòng tin của các nhà đầu tư. Trong một số thị trường chính tại Việt Nam, phần lớn nhờ sự thúc đẩy từ phía chính phủ nhằm vực dậy nhu cầu của người tiêu dùng đã khiến các nhà phân tích – bao gồm HSBC trong một báo cáo phát hành hôm thứ Tư –dự đoán rằng nhu cầu của quốc tế đối với hàng hóa Việt Nam sẽ tăng trở lại trong năm 2013.
Ngoài ra còn có một số dấu hiệu tốt ở ngay trong nội địa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cam kết sẽ giảm một nửa gánh nặng nợ xấu trong năm 2013 và chính phủ đã bắt đầu quá trình cải cách gian khổ đối với các doanh nghiệp nhà nước hiện đang chiếm ưu thế trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này rất khó khăn. Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2013 sẽ ở mức khoảng 5,5%, mặc dù các nhà phân tích cho rằng việc này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những cải cách cũng như nền kinh tế toàn cầu và cách giải quyết các món nợ xấu tại Việt Nam.
Chính phủ cuối cùng cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan quốc tế nhằm cải cách lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng, nhưng niềm tin của nhà các đầu tư vẫn còn ở mức rất thấp và tham nhũng vẫn tiếp tục tăng cao trong cả lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân.
Các nhà đầu tư và các nhà phân tích đang tự hỏi liệu chính phủ có đủ mạnh để thực hiện các cải cách cần thiết hay không. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư dường như vẫn không nao núng về tình hình không vững chắc tại nước này. Trong một bản lưu ý riêng hồi đầu tuần này, HSBC đã xác định Việt Nam – cùng với Ấn Độ và Indonesia – là những nước có thể hưởng lợi khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc. Hôm thứ Ba vừa qua, một nhóm các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư 200 triệu USD vào một công ty thực phẩm lớn nhất ở Việt Nam – và đây cũng là số vốn đầu tư lớn nhất đối với một công ty cổ phần tại nước này. Thông điệp này rất rõ ràng: một năm tồi tệ không đồng nghĩa với việc từ bỏ lý do Việt Nam là một nơi có nhiều cơ hội tốt để đầu tư. Và đây sẽ là những thách thức thực sự đối với chính phủ Việt Nam trong những ngày tới đây.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét