Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ



Mới chân ướt chân ráo qua Mỹ, người ta đã nghe nói ngay... bên này, nhứt phụ nữ, nhì trẻ con, thứ ba chó... rồi mới tới đàn ông. Như vậy thuật ngữ lady first - trọng nữ khinh nam (có vẻ) là nét đặc trưng của văn hóa Mỹ. Không giống nhiều nơi khác trên thế giới nơi phụ nữ không được đối xử một cách bình đẳng, thậm chí bị ngược đãi.
Đó là chuyện lady first (viết chữ thường). Còn First Lady (viết hoa và viết ngược lại) tức là vợ của các Tổng thống Mỹ thì sao? Trước tiên, thuật ngữ First Lady được dành riêng cho vợ của tổng thống Mỹ hoặc vợ của một số các nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, bạn có biết tại sao người ta gọi những người phụ nữ vợ của tổng thống Mỹ là First Lady và nhiệm vụ của các bà đệ nhất phu nhân này là gì hay không?

Theo định nghĩa, First Lady là người tiếp khách, tức bà chủ nhà (hostess) của dinh tổng thống - Ở Mỹ ta có Tòa Bạch Ốc (tên gọi bình dân khác là Nhà Trắng) hiện nay người phụ nữ đảm nhận vai trò hostess này là Đệ nhất Phu Nhân Michelle Obama.
Thường thì First Lady là vợ của tổng thống, tuy nhiên đây không phải là điều kiện tiên quyết. Bởi trường hợp một tổng thống đắc cử khi vẫn còn độc thân, hoặc những vị tổng thống đắc cử khi vợ của ông đã thất lộc thì ai sẽ là Đệ nhất Phu Nhân đây? Tất nhiên trường hợp này không phải là không có trong lịch sử Mỹ!
Trong lịch sử Hoa Kỳ một số phụ nữ lẽ ra đã trở thành First Lady nhưng họ vắn số, qua đời trước khi chồng họ đắc cử đó là Martha Jefferson, Rachel Jackson, Hanna Van Buren và Ellen Arthur. Họ là vợ của các tổng thống: Thomas Jefferson (1743-1826), Andrew Jackson (1767-1845), Martin Van Buren (1782-1862), và Chester A. Arthur (1829-1886).
Nếu như các nước theo chế độ quân chủ, một ngày không thể không vua, Dinh tổng thống Mỹ không thể một ngày thiếu vắng hình bóng của một phu nhân (hiểu theo nghĩa đó là người sẽ đứng ra tiếp khách của Dinh tổng thống). Trong trường hợp này, Tổng thống Thomas Jefferson phải mượn cô con gái tên Martha Jefferson Randolph thay mẹ làm Đệ nhất Phu nhân. Còn Tổng thống Andrew Jackson cầu cứu cô cháu gái tên Emily Donelson, sau đó là cô con con dâu của mình là Sarah Jackson. Tổng thống Martin Van Buren thì nhờ cô con dâu tên Angelica Van Buren đảm nhận vai trò Đệ nhất Phu nhân giúp ông. Còn cô gái tên Mary Arthur McElroy đã đứng ra giúp anh trai trong cương vị của một Đệ nhất Phu nhân khi ông anh trai là Tổng thống Chester A. Arthur đắc cử bước vào Nhà Trắng.
Hai trường hợp khác khá hy hữu là trường hợp Tổng thống James Buchanan (1791-1868) và Tổng thống Grover Cleveland (1837-1908) đắc cử vào Nhà Trắng khi họ vẫn còn độc thân (bachelor) nên không có Đệ nhất Phu nhân. Kết quả là cô cháu gái của Tổng thống James Buchanan là Harriet Lane đã sắm vai Đệ nhất Phu nhân giúp cho người cậu ruột, đồng thời là vị tổng thống một đời sống độc thân không vợ. Còn cô gái Rose Elizabeth Cleveland đã giúp ông anh trai là Tổng thống Grover Cleveland trong nhiệm kỳ đầu (1885-1889) như một Đệ nhất Phu nhân vì ông anh trai vẫn còn độc thân trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Sau đó Tổng thống Grover Cleveland đã kết hôn với bà Frances Folsom. Cần nhắc lại, Tổng thống Benjamin Harrison (1833-1901) giành được Bạch Ốc một nhiệm kỳ. Kế đó Tổng thống Grover Cleveland tái đắc cử nhiệm kỳ thứ II (1893-1897) và lần này thì khỏi nói, ông đã có vợ - một Đệ nhất Phu nhân chính thức cưới từ nhiệm kỳ trước.
Chúng ta thường nghe đến câu nói: Đằng sau người đàn ông thành công là một người phụ nữ (There is a woman behind every successful man). Những First Lady của các tổng thống là những người có nhiều công trong việc đưa ông chồng vào Nhà trắng. Họ luôn sát vai với chồng (ngay từ lúc chồng đang rục rịch vận động tranh cử cho tới khi chồng đắc cử, vinh quang dọn vào Tòa Bạch Ốc). Kể cả những lúc lục đục cá nhân, gia đạo bất ổn, họ vẫn tỏ ra mềm mỏng, trưởng thành, chín chắn để giữ cho chồng khỏi mất thể diện. Trường hợp Ngoại trưởng Hilary Clinton là một điển hình. Khi vụ cô thực tập sinh Monica Lewinsky và Cựu Tổng thống Bill Clinton nổ ra, trong cương vị của một Đệ nhất Phu nhân lúc đó, bà Clinton đã cư xử rất mực khôn ngoan, hoàn toàn không tỏ ra bất cứ một sơ hở nào để giới truyền thông và đối thủ của chồng có cơ hội khai thác.
Nhìn chung, các phu nhân của các tổng thống Mỹ là hiện thân của nhiều nét đẹp đại diện cho các ông trong vị thế của nhà lãnh đạo của một cường quốc. Vì vậy, nhất cử nhất động của các First Lady ở Mỹ luôn tạo ra những thu hút trong công chúng. Từ chuyện họ ăn mặc, trang sức, mua sắm, hoặc những phát biểu, hành xử... Tất cả đều không lọt khỏi sự xăm xoi, bới móc của giới truyền thông, vì báo chí truyền thông biết rõ người Mỹ luôn quan tâm đến lối hành xử của Đệ nhất Phu nhân. Thế nên chuyện Đệ nhất Phu nhân Mỹ ăn mặc chải chuốt ra sao, đi nghỉ hè ở đâu, làm gì, ăn nói có khéo léo hay không... đương nhiên đã trở thành những đề tài nóng hổi, đặc biệt với các chương trình TV cũng như các tờ báo lá cải.

Mặc dầu không trực tiếp tham gia vào các sinh hoạt chính trị, mỗi Đệ nhất Phu nhân thường đặt ra cho mình một chương trình hoạt động mang tính xã hội, bởi lẽ họ là người đàn bà nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng đối với xã hội. Ví dụ như Đệ nhất Phu nhân Dolley Madison đã vận động bảo vệ quyền lợi cho trẻ em mồ côi nữ. Còn Đệ nhất Phu nhân Harriet Lane thì vận động bảo tồn nghệ thuật của người Indian bản xứ. Đệ nhất Phu nhân Mary Lincoln cổ động cho các chương trình giúp đỡ người da đen vừa được giải phóng khỏi ách nô lệ. Đệ nhất Phu nhân Helen Taft vận động nâng cao đời sống của công nhân làm việc trong những hãng xưởng. Đệ nhất Phu nhân Florence Harding bài trừ đối xử dã man với thú vật. Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt thì chú ý đến lợi ích của các cựu chiến binh Thế chiến I, công nhân mỏ than, phụ nữ, nhất là phụ nữ da màu. Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy quan tâm đến bảo tồn lịch sử. Đệ nhất Phu nhân Lady Bird Johnson chú tâm đến bảo vệ môi trường. Đệ nhất Phu nhân Pat Nixon đề cao làm việc thiện nguyện. Đệ nhất Phu nhân Betty Ford cổ xúy bảo vệ quyền phụ nữ. Đệ nhất Phu nhân Rosalynn Carter cổ động chăm sóc người bệnh tâm thần. Đệ nhất Phu nhân Nancy Reagan có những nỗ lực chống ma túy trong giới trẻ. Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton chủ trương nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe và chế độ nuôi con nuôi. Đệ nhất Phu nhân Laura Bush vận động xây dựng hệ thống thư viện tốt hơn. Còn đương kim Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama trong nhiệm kỳ đầu quyết tâm chống béo phì ở trẻ em thông qua chiến dịch Let’s Move!

Những First Lady của Mỹ đều đẹp, duyên dáng, thông minh và luôn giữ được vai trò vị trí người đàn bà đứng sau những tổng thống. Ấn tượng về họ bao giờ cũng đẹp và đa số người dân Mỹ luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với họ. Phải chăng vì đây là xứ xở của văn hóa lady first, hay đơn giản hơn những First Lady là những người phụ nữ hoàn chỉnh. Có lẽ vì trước đó, để được lọt vào mắt xanh của một vị tổng thống, họ không thể là một người phụ nữ bình thường, đơn giản được.
 Nguyễn Thơ Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét