Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Những Ngày Thịnh Nộ – Chương 3


Michael Lüders
Phan Ba dịch

HY VỌNG KHÔNG THÀNH: VÍ DỤ AI CẬP

Sau cái chết của Nasser năm 1970, người đại diện và là bạn đồng hành lâu năm của ông ấy, Anwar as-Sadat, trở thành tổng thống Ai Cập. Do ký kết hiệp ước hòa bình với Israel nên trong Phương Tây ông ấy được xem như là một chính khách của kỷ nguyên. Lần ám sát người nhận Giải Nobel Hòa bình này chỉ gây thêm thanh danh cho ông ấy. Nhưng chính ở Ai Cập ông ấy lại bị xem xét mang tính phê phán hơn rất nhiều – ở ngoài giới tinh hoa nắm quyền.
Mỗi một cuộc cách mạng, cả cuộc Cách mạng Ả Rập năm 2011, đều có một tiền sử về những niềm hy vọng không thành, về sự suy tàn chính trị và kinh tế. Trong đó, Sadat đóng một vai trò quan trọng. Trong những năm 1960, Nasser đã quốc hữu hóa một phần lớn doanh nghiệp Ai Cập. Các chức vụ quản lý phần lớn do giới cao cấp trong quân đội chiếm giữ. Vì họ thông thường không hề hiểu biết gì về kinh tế và thêm vào đấy, Nasser đã đẩy mạnh việc xây dựng một bộ máy hành chính phồng to ra để tạo công việc làm và qua đấy là sự trung thành trong giới những người nghèo, nên sau cuộc Chiến tranh Sáu Ngày, Ai Cập đứng trước vực thẳm về mặt kinh tế. Do vậy, Sadat đã tiến hành tái tư nhân hóa các nhà máy bị tịch thu và mở cửa Ai Cập cho các nhà đầu tư người nước ngoài. Về ngoại giao, ông ấy cắt đứt với Moscow và quay sang Hoa Kỳ. Theo một cách nhìn nào đó, Sadat đã tiến hành một sự phát triển mà một phần tư thế kỷ sau đấy, ngay khi ở một quy mô hoàn toàn khác, cũng có thể quan sát thấy ở các quốc gia hình thành sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Từ những cán bộ cao cấp, trước đây là cán bộ cộng sản, họ trở thành nhà doanh nghiệp, những người trong lúc tiến hành các biện pháp tư nhân hóa đã chiếm lấy tài nguyên của đất nước họ và tạo ra một giới lãnh đạo mới như là giới chính trị đầu sỏ [oligarch].

Sadat và Mubarak

Sadat và chính sách mở cửa của ông ấy

Trong một cuộc “Cách mạng sửa đổi”, Sadat loại bỏ toàn bộ những người theo Nasser ra khỏi các chức vụ lãnh đạo của họ. Hưởng lợi từ lần tư nhân hóa các nhà máy quốc doanh trước hết là những người ủng hộ Sadat và chính sách của ông ấy trong giới tinh hoa. Cuộc trao đổi, tương tự như ở Nga sau này là: giàu có đổi lấy sự ủng hộ. Sadat tạo độc quyền về quyền lực và lo sao cho không có những trung tâm quyền lực kình địch khác thành hình. Vì vậy mà ông ấy thành lập mười một chính phủ chỉ vòng trong có bảy năm với 127 bộ trưởng thuộc trong đó. Qua đó Sadat đã tạo cơ sở cho một nền quân chủ tổng thống mà chính ông ấy hưởng lợi từ nó ít hơn là người phó của ông, Husni Mubarak, người trở thành tổng thống sau khi Sadat bị giết chết. Sự độc quyền hóa quyền lực này không đồng nghĩa với sự thống trị một mình. Ở mức cấp trung và cấp thấp, Sadat cũng như Mubarak đã tạo cho những nhà giàu mới và những cán bộ cấp cao, những đại địa chủ và giới lãnh đạo quân đội một không gian đủ rộng cho lợi ích kinh doanh của họ. Nói cách khác đi là để cho họ làm giàu. Tuy vậy, món tiền thật sự to lớn lại được dành riêng cho một giới nhỏ của những người thân cận quanh Sadat và Mubarak. Những mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ được củng cố thêm qua hôn nhân. Như con trai của một nhà doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng nhiều nhất dưới thời Sadat, Uthman Ahmad Uthman, đã kết hôn với một người con gái của lãnh tụ quốc gia. Gamal con trai của Husni Mubarak lại kết hôn với con gái của một tỉ phú khác, Mahmud al-Gamal. Nếu như dưới thời Nasser ít nhất là cũng có những khởi đầu cho một chính sách xã hội thì dưới thời Sadat, Chủ nghĩa Tân Tự do đã bước vào. Nhà nước từ bỏ hầu như toàn bộ trách nhiệm về xã hội và an sinh.
Cũng như bất cứ một chính sách nào mà chỉ phục vụ cho lợi ích của một thiểu số nhỏ, chính sách này cũng phải được rao bán như thể nó là hiện thân cho các giá trị cao quý. Với Cuộc Chiến tranh Tháng Mười năm 1973, Sadat đã tạo ra sự hợp thức hóa đấy. Trong giới sử gia đã không còn tranh cãi, rằng Sadat dự định một xung đột có hạn với Israel và sau khi chiến tranh bùng nổ cũng để cho Washington biết. Ông ấy muốn thương lượng hòa bình từ vị thế của một kẻ mạnh, làm cho quên đi nỗi nhục của chiến bại năm 1967. Quả thật là quân đội Ai Cập đã tiến chiếm được nhiều vùng đất trên Sinai, trước khi họ bị người Israel đẩy lùi. Cuộc chiến tranh chấm dứt với lần ngưng chiến do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, cái nhiều nhất chỉ có thể đánh giá là hòa, nhưng ở Ai Cập lại được mô tả như là một chiến thắng Israel. Động cơ của Sadat xuất phát từ những tính toán thực tiễn. Ai Cập không còn có thể chạy đua vũ trang với Israel lâu thêm được nữa. Ông ấy cũng biết rõ rằng người Ả Rập vùng Vịnh sẽ đầu tư bạc tỉ vào Ai Cập ngay sau khi hòa bình đến.
Năm 1974 chính phủ Cairo ban hành “Đạo luật số 43″. Qua đó bước ngoặc tân tự do được gọi là “chính sách mở cửa” (Infitah) đã được củng cố. Với đạo luật đấy, những mảng béo bở nhất của nền kinh tế Ai Cập được đưa ra tư nhân hóa. Nhưng khác với hy vọng của Sadat, lần mở cửa không tạo ra một bùng nổ về kinh tế và cũng chỉ tạo việc làm có giới hạn. Các đầu tư hết sức cần thiết vào hệ thống hạ tầng cơ sở, thường vẫn còn xuất phát từ thời thuộc địa của Anh, đã không được tiến hành – giới thượng lưu, bị người dân gọi là “những con mèo béo”, thích đầu tư ở nước ngoài hơn. Lạm phát sóng đôi đi cùng với nợ quốc gia. Thường thì tư nhân hóa đi cùng với trợ giá. Vì nhiều tiểu nông đã phá sản do nhập khẩu lương thực thực phẩm, đồng thời cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành dưới thời Nasser cũng bị hủy bỏ và đảo ngược lại, nên một cuộc di dân vào thành phố với quy mô lớn bắt đầu. Tròn ba triệu người Ai Cập đã kiếm sống trong những năm 1970 như công nhân di cư trong các quốc gia vùng Vịnh. Năm 1977 lần đầu tiên có bạo động vì bánh mì, bị đập tan cũng như những cuộc bạo động sau đó. Sau khi ký kết hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979, Ai Cập trải qua một cuộc bùng nổ thật sự của những lần chi trả và đầu tư từ Phương Tây. Chỉ riêng Hoa Kỳ từ lúc đấy đã chuyển giao hai tỉ dollar trợ giúp về quân sự và tài chính. Những lần “trả tiền thưởng” cho một chính sách chính trị phục vụ Phương Tây này đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng và đáng tin cậy cho Ai Cập, bên cạnh những khoản tiền do công nhân di cư gửi về, tiền phí quá cảnh kênh đào Suez cũng như du lịch. Các mỏ dầu ở Sinai đã hầu như cạn kiệt trong những năm 2000.
Sadat thành lập đảng riêng của ông ấy, Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP), thắng trong tất cả những lần bầu cử từ 1979 cho đến 2010, nhờ gian lận trực tiếp hay gián tiếp bầu cử. Người ta chờ đợi các tỉnh trưởng hay thị trưởng, những người chịu ơn tổng thống, cần phải tạo ra các kết quả bầu cử tương ứng. Nếu như họ không làm điều đấy thì sẽ mất chức. Dưới thời Mubarak, NDP biến thành một câu lạc bộ của những người siêu giàu và những người hưởng lợi từ nó – bị quần chúng căm ghét cực độ. Điều đấy giải thích tại sao trụ sở trung tâm của nó ở Cairo đã bị đốt cháy ngay từ lúc cuộc cách mạng bắt đầu trong tháng 1 năm 2011.
Sadat không lo sợ gì hơn là giới đối lập xã hội chủ nghĩa và giới đối lập theo Nasser ở các trường đại học, trong các nghiệp đoàn. Để làm cho họ suy yếu, cảnh sát và mật vụ đã tiến hành chống những người cánh tả một cách hết sức tàn bạo, trong khi các hoạt động của Huynh đệ Hồi giáo và của các phong trào đạo Hồi khác lại được ngầm khoan dung và phần nào còn được giúp đỡ tích cực. Sadat tin rằng ông ấy có thể xua những người Hồi giáo chống lại các địch thủ của ông ấy và đồng thời lại có thể kiểm soát được họ. Một sai lầm chết người. Như một phản ứng trước hiệp ước hòa bình với Israel, ông ấy bị bắn chết năm 1981 trong một cuộc duyệt binh. Thủ phạm, một thiếu úy, thuộc một nhóm khủng bố, Jihad Hồi giáo, cái sau này trở thành một phần của Al-Qaida.

Mubarak và tính cách của giới thượng lưu

Nắm giữ quyền lực mười một năm, đối với thước đo Ả Rập thì Sadat là một tổng thống ngắn hạn. Trong thời ông ấy cầm quyền, cuộc cách mạng Ả Rập tương lai đã có những gốc rễ to lớn của nó. Chính sách kinh tế của ông ấy đã khiến cho người giàu càng giàu thêm và người nghèo càng nghèo thêm. Cả dưới thời Nasser, giới đối lập cũng bị bắt và bị xử tử. Nhưng Sadat đã sử dụng quân đội, cảnh sát và mật vụ một cách có hệ thống như là những công cụ để thống trị. Mubarak người kế nhiệm ông ấy trung thành với đường lối này. Ai Cập cho đến khi lật đổ ông ấy vào ngày 11 tháng 2 ngăm 2011 là một nhà nước cảnh sát đàn áp cao độ. Sau khi ban bố tình trạng thiết quân luật như động thái trả lời cho cuộc ám sát Sadat, Mubarak đã thành lập một bộ máy an ninh với tròn 100.000 nhân viên và thêm vào đấy là một đạo quân do thám và chỉ điểm. Xóa bỏ tình trạng thiết quân lực và những đạo luật khẩn cấp đi chung với nó thuộc vào trong số những yêu cầu chính của cuộc cách mạng 2011. Núp dưới bóng của ngày 11 tháng 9 năm 2001, các phương pháp tra tấn được tăng cường, bắt bớ tùy ý tăng vọt. Không chỉ riêng tù nhân chính trị hay những người được xem là khủng bố bị hành hạ một cách có hệ thống, cả tội phạm hình sự nhẹ nữa. Ai rơi nào bàn tay của cảnh sát Ai Cập thì có thể xem như là mình có may mắn khi được trả tự do mà không bị tổn thương về tinh thần và thể xác hay được hưởng ân huệ là được dẫn ra trước một quan tòa. Chính trị gia Phương Tây đã sẵn lòng không nhìn đến những lần vi phạm luật pháp trầm trọng này, những cái chẳng thua kém gì các phương pháp của Stasi [An ninh Quốc gia của Đông Đức cũ]. Trong một cuộc phỏng vấn chứa đựng rất nhiều điều đáng nói của tờ “Frankfurter Rundschau” một tuần sau khi Mubarak bị hạ bệ, người từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Joschka Fischer đã cấm chỉ toàn bộ những lời phê phán về sự thông đồng của ông ấy với tên trộm và kẻ chuyên quyền, vì “Mubarak là một nhân vật quyết định cho tiến trình hòa bình ở Cận Đông. Người ta không thể đơn giản chối từ điều đấy được.”
Nói cách khác: Tôi không hề quan tâm đến việc ông ấy đàn áp và cướp bóc nhân dân của ông ấy. Cái chính là có hòa bình với Israel. Thái độ này cũng có thể tượng trưng cho toàn bộ chính sách của Phương Tây, cái quan tâm đến con người trong thế giới Ả Rập thì ít mà nhiều hơn là đến những lợi ích về địa chính trị và kinh tế của chính mình. Mubarak đã rất hiểu điều đó và 30 năm liền đã quét sạch đi tất cả các lời phê phán từ bên ngoài với lý lẽ: Hoặc là tôi hoặc là những người theo đạo Hồi. Người Mỹ cũng như người Âu đi theo cái logic đó, lúc nào cũng nhìn đến nền hòa bình với Israel. Nhờ những lần chi trả bạc tỉ của mình, họ đã làm ổn định một hệ thống mà nếu không thì hoặc là đã bắt buộc phải tiến hành những cuộc cải cách thật sự hoặc có lẽ là đã sụp đổ từ lâu rồi.

Người dân đưa tiễn Tổng thống Ai Cập Nasser
Khi Nasser được đưa đi chôn cất trong tháng 10 năm 1970, hàng triệu người Ai Cập đã đổ ra đường phố để tiễn đưa người chết lần cuối cùng. Tại đám tang Sadat, gần như trùng ngày mười một năm sau đó, chủ yếu là những người quyền cao chức trọng đã hiện diện. Hàng nghìn cảnh sát đã bảo vệ họ trước những đám đông người không tồn tại. Lời phán xét về các tổng thống không thể nào rõ ràng hơn được nữa. Người ta có thể ăn mừng nền hòa bình với Israel ở Phương Tây, nó không mang lại cho người Ai Cập cả công việc làm lẫn bánh mì. Đừng nói chi đến tự do và dân chủ.
Từ những lý do khác nhau, trong số đó là bộ máy hành chính phình to, kém hiệu quả, mà tình hình kinh tế dưới thời Mubarak vẫn khó khăn, khoảng cách giữa trên và dưới to lớn vô cùng. Đóng một vai trò hoàn toàn quyết định trong đó là tính cách của giới thượng lưu. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong những năm 1980 và 1990, các nhà doanh nghiệp người Thổ đã tạo nền tảng cho một sự phát triển vững chắc, bằng cách xây dựng mới nhiều ngành nghề và khai thác có chủ đích những thị trường xuất khẩu mới bên cạnh Liên minh châu Âu, đặc biệt là trong các quốc gia thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập ở Trung Á, nhưng cũng cả trong Iran và các nước Ả Rập. Nói một cách đơn giản, doanh nhân người Thổ có kế hoạch dài hạn và mang tính chiến lược, ở trong vùng Trung tâm Anatolia người ta đã nhiều lần dựa trên lời kêu gọi của một hệ giá trị mang dấu ấn Hồi giáo, điều khiến cho người ta nhớ đến đạo đức học Tin Lành của Max Weber. Đứng trong tâm điểm là sự cân nhắc rủi ro và bền vững, ít Chủ nghĩa Tư bản sòng bạc hơn là ở Ai Cập. Giới thượng lưu ở đó [Ai Cập] thông thường xa lạ với tính toán kinh doanh. Có tiếng nói không phải kinh tế gia chuyên nghiệp hay doanh nhân giàu kinh nghiệm mà là dân nhà giàu mới và những người sống nhờ vào lợi tức, những người do ở gần quyền lực mà có được giấy phép, tự phục vụ cho mình từ ngân quỹ của nhà nước. Nếu như họ đầu tư trong quê hương của họ thì hầu như đều vào trong các lĩnh vực hứa hẹn kiếm được tiền nhanh chóng và dễ dàng. Đặc biệt là trong khu vực bất động sản và ngành du lịch, cái bắt đầu bùng nổ trong nửa sau của những năm 1980. Cùng thời gian đó, Ai Cập hầu như không còn có khả năng trả nợ nước ngoài được nữa. Trong liên kết với tinh thần tự vơ vét cho mình của giới tinh hoa, nợ nhà nước tăng lên đến mức vô lường. Người ta cho rằng chỉ riêng gia đình Mubarak – cha Husni, phu nhân Suzanne, các con trai Gamal và Alaa – là đã chuyển từ 40 đến 70 tỉ dollar ra các tài khoản ở nước ngoài trong thời gian 30 năm cai trị của họ. Có còn ngạc nhiên nữa không khi Ai Cập chẳng hề sản xuất ra được một sản phẩm nào có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới? Song song với đó, đất nước cạnh sông Nile đã trở thành nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ nhì thế giới, chủ yếu là từ Hoa Kỳ. Lúa mì chiếm một phần năm tổng lượng nhập khẩu. Nguyên nhân là sự bùng nổ về dân số (16 triệu dân năm 1950, 85 triệu 2010), cái tạo ra những lỗ hổng khổng lồ trong ngân sách, nhất là bánh mì lại được trợ giá.

Giới đối lập thành hình

Ai Cập đã có thể tránh bị phá sản chỉ vì những lý do địa chính trị. Chính trị gia Phương Tây và Ả Rập cũng như giới thượng lưu đều quan tâm trước hết đến sự ổn định của đất nước Ả Rập quan trọng nhất bên cạnh Ả Rập Saudi. Sau khi Cairo đứng về phía của liên minh chống Saddam Hussein trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990/91 để giải phóng Kuwait, Câu lạc bộ Paris, liên minh của những quốc gia chủ nợ, đã xóa phân nửa nợ cho Ai Cập theo sáng kiến của Washington. Cũng như những khoản tiền từ lúc hiệp ước hòa bình với Israel được ký kết tại Camp David, những món tiền thưởng cho các động thái làm hài lòng như thế đã góp phần hỗ trợ quyết định cho hệ thống Mubarak và tinh thần ngồi hưởng lương hưu của giới thượng lưu. Tại sao họ lại phải cố gắng hướng đến thay đổi dưới những điều kiện như thế? Từ những số tiền khổng lồ được nói đến ở đây, hầu như không có gì xuống đến phần dưới của kim tự tháp xã hội. Con số người Ai Cập sống dưới ranh giới nghèo tăng gấp đôi dưới thời của Mubarak và ngày nay nằm chính thức ở mức 20%, trên thực tế chắc phải khoảng 40%.
Mặc cho tất cả những lần bơm tiền, tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn. Trong nửa sau của những năm 1990, và mạnh hơn nữa là sau khi bước sang thiên niên kỷ mới, chính phủ đã ban hành một loạt luật lệ chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư người nước ngoài. Ví dụ như rào cản quan liêu được hạ thấp xuống cũng như mức đánh thuế, chuyển khoản ngoại tệ được đơn giản hóa. Nhiều công ty quốc tế lớn, trong số đó là Siemens và Volkswagen, kéo đến cạnh sông Nile, để từ đấy mà khai thác thị trường Ả Rập. Qua đó, những lĩnh vực kinh doanh và việc làm mới đã thành hình thêm cho giới tinh hoa mới từ khu vực dịch vụ, bao gồm các nhân viên dotcom và các doanh nhân mới khởi nghiệp ở Cairo và Alexandria. Năm 2005, kinh tế bắt đầu bùng nổ thật sự với những tỷ lệ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 5% mà hưởng lợi nhiều nhất từ đấy là những thành phần được đào tạo tốt từ giới trung lưu. Thế nhưng thế hệ Facebook, thành công về mặt kinh tế và trong cách sống chịu ảnh hưởng của Phương Tây nhiều hơn, lại không có cảm giác phải mang ơn Mubarak. Hoàn toàn ngược lại, họ cho rằng ông ấy và giới thượng lưu truyền thống trợ giúp ông ấy là một thứ còn sót lại từ thời phong kiến. Là những địa chủ đang cố nhờ vào đàn áp và bạo lực để bảo vệ những đặc quyền của mình.
Từ môi trường đấy, các đảng phái và phong trào chính trị đầu tiên đã đồng thời thành hình, công khai thách thức hệ thống của Mubarak, như “Kifaya” (Đủ rồi) hay “Ghad” (Ngày mai). Người thành lập Ghad, Ayman Nur, bị bắt vào đầu năm 2005 và phải ngồi tù bốn năm. Đồng thời, có những nhà làm phim và nhà văn Ai Cập xuất hiện, những người với sự thẳng thắn không khoan nhượng đã nêu rõ những hoàn cảnh không còn có thể chịu được nữa và nhờ vào vai trò là người làm nghệ thuật của mình mà có được một quyền miễn truy tố nhất định. Có thể kể ra đặc biệt là Alaa al-Aswany, về nghề nghiệp thật ra là nha sĩ. Năm 2002, ông công bố quyển tiểu thuyết “Ngôi nhà Jacoubian”, đã trở thành quyển sách bán chạy nhất trong thế giới Ả Rập sau Kinh Coran. Cả chuyển thể phim, sản xuất đắt tiền nhất cho tới nay trong lịch sử ngành điện ảnh Ai Cập đã có từ năm 1927, cũng thành công vang dội. Được kể lại là câu chuyện của nhiều nhân vật trong một chung cư cao tầng ở nội thành Cairo, được xây trong những năm 1930 và được gọi theo tên của người chủ đầu tiên của nó, một người Armenia. Câu chuyện kể bắt đầu từ thời của Nasser cho tới cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990/91. Một toàn cảnh Ai Cập thành hình: Như Zaki Bey Dessouki là một kỹ sư già được đào tạo ở Paris, người thích quấy nhiễu phụ nữ. Ông ấy giống như một cổ vật còn sót lại của Chủ nghĩa Nasser và cho rằng tôn giáo chỉ là trò bịp bợm. Taha Schazly là con trai của người trông nom nhà. Anh ấy đạt điểm xuất sắc trong trường phổ thông nhưng do nguồn gốc xã hội mà không được phép làm việc trong ngành cảnh sát. Thất vọng và đầy tức giận, anh tham gia một nhóm người theo đạo Hồi. Sau một cuộc biểu tình, anh bị bắt, bị cảnh sát hành hạ và cưỡng hiếp. Anh ấy trở thành một người khủng bố. Mohammed Azzam nguyên là một người đánh giày, nhờ những cuộc kinh doanh mờ ám mà vươn lên trở thành một trong những người giàu nhất Cairo – một người hưởng lợi từ “chính sách mở cửa” dưới thời Sadat. Ông ấy bí mật cưới thêm người vợ thứ nhì. Khi bà ấy mang thai, ông ly dị bà và bắt bà ấy phải phá thai. Nhờ tiền mà ông ấy có một chỗ đứng chắc chắn trong danh sách bầu cử và bước vào Quốc Hội đại diện cho đảng cầm quyền. Đảng này không được nêu tên ra, nhưng ai cũng biết đấy là NDP của Mubarak. Chính Mubrak cũng xuất hiện không được nêu tên trong một lúc ngắn: Như là người cao cấp nhất của mafia, một người loạn thần kinh nhân cách không có linh hồn và không có lý trí, một nhân vật như người buôn bán ngà voi Kurtz trong quyển tiểu thuyết “Heart of Darkness” của Joseph Conrad. Để giữ cho người đại biểu mới đi theo đúng đường lối của mình, vị tổng thống có tên là “người ra ơn tối cao” đã tống tiền ông ấy với vụ phá thai.
Khi được công chiếu trong rạp năm 2006, NDP cố gắng cấm cuốn phim này, nhưng lại bất ngờ thất bại trước tòa án. Tiểu thuyết và phim cũng thành công như thế bởi vì chúng đề cập một cách thẳng thắn và một phần là lần đầu tiên đến những đề tài xã hội đã không được nói tới như tình dục, đồng tính luyến ái, tham nhũng của những kẻ nắm quyền lực, những câu hỏi về tôn giáo và khủng bố.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét