Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

McDonald’s sẽ không làm người Việt thoả mãn về nhân quyền

Andrew Lam | The Huffington Post
Bản dịch của Lê Anh Hùng
Chia sẻ bài viết này
SAN FRANCISCO – Việt Nam là xứ sở của những chuyện trớ trêu. Nhà lãnh đạo của xứ sở, Chủ tịch Trương Tấn Sang, tới thăm Nhà Trắng vào thứ Năm này. Người ta chờ đợi ông yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong khi lại tìm kiếm sự ủng hộ cho việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Thế còn chuyện trớ trêu?
Ngoài việc tìm cách mua vũ khí từ Hoa Kỳ, một đất nước mà họ từng đánh bại 4 thập kỷ trước, Hà Nội còn tiếp tục chà đạp lên nhân quyền, và vài năm qua đã tăng cường việc bắt bớ những người bất đồng chính kiến mà không hề e sợ sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế hay sự phê phán của Mỹ.
Ồ, và họ lại còn chuẩn bị mở cửa hiệu McDonald’s đầu tiên trên xứ sở của mình nữa chứ, một sự kiện mà chỉ cần lướt qua hàng tít bài trên các phương tiện truyền thông ở đây thôi cũng đủ thấy là cả một câu chuyện. Đừng bao giờ bận tâm đến mấy chuyện truy bức kia nhé.
Việt Nam ngày nay đang rủng rỉnh hơn bao giờ hết, và đang tìm kiếm một vị thế quốc tế tương xứng với số của cải mà nó mới gom góp được. Chưa dừng lại ở đó, Việt Nam lại còn cần những vũ khí tiên tiến nhằm chống lại mối đe doạ đang hiện lên lồ lộ từ Trung Quốc, quốc gia đang đòi chiếm hữu gần như toàn bộ Biển Đông.
Theo John Sifton, Giám đốc Ban Vận động Châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) thì “nếu Việt Nam muốn có chỗ đứng trên sân khấu thế giới, chính phủ của nó cần từ bỏ chính sách đàn áp bất đồng chính kiến và bắt tay vào cải cách. Đồ thị của lịch sử có thể là một đường cong dài, nhưng chắc chắn nó luôn uốn ra xa khỏi hang ổ của độc tài.”
Ông nói thêm: “Chủ tịch Sang không thể công khai biện minh cho chính sách đàn áp của chính phủ và nên tận dụng [cuộc gặp với Obama] để từ bỏ nó.”
Dân biểu Ed Royce (Đảng Cộng hoà – tiểu bang California), Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, lặp lại mối quan ngại của HRW trong bức thư ngỏ gửi Tổng thống Obama tuần này, thúc giục Obama nêu nhân quyền như một ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam.
“Việt Nam từ lâu là một trong những xã hội áp bức nhất ở Đông Nam Á”, Royce viết. “Khát vọng dân chủ, sự vận động cho nhân quyền cũng như việc tập hợp của quần chúng đều gặp phải sự đối xử tàn bạo của công an và dẫn đến những phiên toà trình diễn mà ở đó các bị cáo bị khước từ quyền được xét xử công khai và công bằng như Hiến pháp Việt Nam quy định.”
Quả thực, các blogger bất đồng chính kiến cứ đều đặn bị bắt giữ, với 50 nhà hoạt động dân chủ bị nhốt chỉ trong năm nay, chưa kể hàng chục thầy tu nổi tiếng đang chống chọi trong các trại tù của nó. Một số thầy tu, như Cha Nguyễn Văn Lý (67 tuổi) chẳng hạn, đang sa sút sức khoẻ. Cha Lý, một linh mục Công giáo bị tuyên án 15 năm tù giam vì lên tiếng đòi tự do tôn giáo cho đất nước, từng bị đột quỵ năm 2009 và hiện đang rất cần được chăm sóc y tế (tổ chức Ân xá Quốc tế – Amnesty International – đang lên tiếng ủng hộ chính nghĩa của ông).
Một nhà bất đồng chính kiến nổi bật khác là Nguyễn Văn Hải, người nổi tiếng với biệt hiệu Điếu Cày, thì đang tuyệt thực để phản đối việc bị đối xử tệ hại trong tù. Ông bị kết án 12 năm tù giam vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Tội của ông là viết blog về nạn tham nhũng của chính quyền và lên tiếng đòi dân chủ. Từ chuyện viết lách này mà ông Hải vẫn đang tuyệt thực suốt 32 ngày nay.
Trong một sự kiện chưa từng có tiền lệ, người Việt đã xuống đường đòi hỏi nhân quyền vào đầu năm nay. Biểu ngữ phía trên là dòng chữ “Quyền Con Người Có Từ Khi Sinh Ra”. Phía dưới, những người Việt Nam cầm các biểu ngữ mang dòng chữ “Trả Lại Tự Do Cho Việt Nam”.
Song, không giống như Myanmar, Hoa Kỳ vẫn im lặng về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, nơi mà suốt 10 năm qua nó vẫn tăng cường đầu tư. Hà Nội khẳng định là trong hai năm tới, Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mối quan hệ quân sự cũng đang tiến triển. Kể từ năm 2010, hai nước đã bắt tay vào các cuộc tập trận hải quân chung. Năm ngoái, Hà Nội đi xa tới mức đã bóng gió với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta khi ông đến đây rằng họ muốn nối lại các cuộc đàm phán về việc cho thuê Vịnh Cam Ranh, căn cứ hải quân cũ của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
Vậy thì tại sao, trong kỷ nguyên của vẻ cởi mở và tiến bộ kinh tế, Hà Nội lại tăng cường đàn áp? Câu trả lời ngắn gọn ở đây là vì nó có thể, trong lúc này.
Bất chấp thành tích nhân quyền ảm đạm, Việt Nam vẫn được tưởng thưởng nhờ mở cửa nền kinh tế. Năm 2006, Việt Nam được trao tư cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bước vào sân chơi kinh tế thế giới khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của nó tăng trưởng đều đặn ở mức ấn tượng 7% trong phần lớn mười năm qua.
Và cho dù bất đồng chính kiến thì không được phép, người dân vẫn đang nếm trải những quyền tự do cá nhân lớn hơn trước rất nhiều. Nhiều người được phép đi ra nước ngoài, còn chuyện đi lại trong nước thì tự do thoải mái. Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên với thu nhập cao cùng khả năng truy cập Internet. Và vấn đề nằm ở chỗ này.
Khi của cải tăng lên và được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, người ta lại chờ đợi sự mở rộng quyền tự do chính trị. Quả thực, bất chấp các vụ bắt bớ, ngày càng nhiều người Việt Nam viết blog trên mạng, lên tiếng đòi nhà chức trách tôn trọng nhân quyền nhiều hơn, chỉ trích nạn tham nhũng trắng trợn và lên án Hà Nội về thái độ quỵ luỵ Trung Quốc, như họ nhận thấy.
Thêm vào đó, nỗ lực của Hà Nội nhằm kiểm soát làn sóng bất mãn đang dâng cao hiện nay lại bị cản trở bởi sự bùng nổ của công nghệ thông tin liên lạc. Việt Nam hiện có 132 triệu điện thoại di động đang sử dụng trong một đất nước 93 triệu dân, hay khoảng 2 điện thoại trên một người trưởng thành. Facebook chính thức đặt chân vào Việt Nam tháng 10 năm ngoái và đến tháng Ba năm nay đã có trên 12 triệu người sử dụng.

Người Việt Nam xuống đường ở Hà Nội để đòi hỏi một bản dự thảo hiến pháp mới với các điều khoản về nhân quyền (tháng 3.2013)
Lo ngại về một cuộc cách mạng theo kiểu Mùa Xuân Ả-rập, phản ứng của Hà Nội cho đến nay vẫn là bắt bớ, bắt bớ và bắt bớ.
Việc họ làm thế mà không sợ sự lên án của cộng đồng quốc tế một phần lớn là bởi thái độ bàng quan của Mỹ. Tổng thống Bush thăm Việt Nam năm 2006 để dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, và lập tức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia hạn chế ngặt nghèo tự do tôn giáo ngay giữa lúc các nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn tiếp tục chống chọi trong các trại tù của nó.
Dưới thời Obama, người Mỹ đang háo hức vì đã phát hiện ra một cánh cửa để đường hoàng trở lạivới sân chơi Châu Á – Thái Bình Dương. Vì thế, họ khá kín tiếng về vấn đề nhân quyền.
“Thật khó mà được coi là quan ngại sâu sắc về vấn đề nhân quyền khi bạn vẫn đang ăn ngủ cùng Bộ Chính trị và bán những MacDonald’s hay Starbuck”, một người Mỹ gốc Việt sống ở Hà Nội nhận xét.
Vậy nên không có gì phải thắc mắc khi những người đang đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam không còn hướng tới Hoa Kỳ như một nguồn cổ vũ quan trọng của họ. Trong các phòng chát trên mạng, những người bất đồng chính kiến ngày càng tìm thấy nhiều cảm hứng từ các phong trào phản kháng ở Tunisia, Ai Cập và Myanmar.
Tuy nhiên, sẽ là một bi kịch nếu Chú Sam, trong khi bày tỏ quan ngại về nhân quyền, lại dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương và ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bi kịch đó sẽ trở nên trớ trêu nếu một Mùa Xuân Việt Nam lại nổ ra, chỉ để bị đàn áp bằng súng đạn của Hoa Kỳ.
Andrew Lam là biên tập viên của New America Media, nơi đầu tiên công bố bài luận này, và là tác giả của Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora,” “East Eats West: Writing in Two Hemispheres,” và tác phẩm mới nhất, “Birds of Paradise Lost,” tập hợp những câu chuyện về những người tị nạn Việt Nam bươn chải để làm lại cuộc đời ở vùng duyên hải miền Tây (West Coast).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét