Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Nền chính trị của một Trung Quốc suy giảm

Minxin Pei | Project Syndicate
Mai Xương Ngọc dịch
Chia sẻ bài viết này
SINGAPORE – Những khủng hoảng tài chính gần đây ở Trung Quốc, với lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng vọt đến hai con số trong vòng vài ngày, càng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đương đầu với một cuộc hạ cánh khó khăn. Được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng lớn (tương đương với 30% GDP từ năm 2008 đến 2012), nền kinh tế Trung Quốc đã đạt một mức tỷ lệ vay nợ tài chính cao nhất trong các thị trường mới nổi. Điều này sẽ không có kết thúc tốt đẹp.

Một bản sao của con bò tót bằng đồng nổi tiếng ở phố Wall tại Thượng Hải (Ảnh: AFP/Internet)
Thật vậy, một nghiên cứu gần đây của Nomura Securities cho thấy rằng hồ sơ rủi ro tài chính của Trung Quốc ngày nay tương tự như của Thái Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, và Mỹ vào đêm trước cuộc khủng hoảng tài chính. Những nền kinh tế bị rơi vào khủng hoảng đã tăng tỷ lệ vay nợ tài chính của nó – tỷ lệ tín dụng trong nước so với GDP – đến 30% trong vòng 5 năm ngay trước khi bong bóng tín dụng xuất hiện.
Những nhà kinh tế nhấn mạnh rằng tỷ lệ vay nợ tài chính của Trung Quốc không phải là quá cao thuộc về một nhóm thiểu số đang nhỏ dần. Chắc chắn rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, từng bày cách thắt chặt tín dụng vào tháng Sáu vừa qua trong nỗ lực ngăn cản tăng trưởng tín dụng, dường như tin rằng tỷ lệ vay nợ tài chính đã tăng đến mức nguy hiểm. Những câu hỏi cần lời giải đáp đang được quan tâm đến hiện nay là vào thời điểm nào và bằng cách nào sẽ xảy ra việc phải giảm tỷ suất vay nợ.
Tại thời điểm này, các nhà quan sát Trung Quốc đang tập trung vào hai kịch bản. Theo kịch bản đầu tiên, một sự hạ cánh kinh tế nhẹ nhành sẽ xảy ra sau khi lãnh đạo mới của Trung Quốc có chính sách khéo léo để kiềm chế tăng trưởng tín dụng (đặc biệt là thông qua hệ thống ngân hàng ngầm), buộc người vay quá nhiều phải phá sản, và bơm các nguồn lực tài chính vào hệ thống ngân hàng nhằm củng cố nguồn vốn. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc, chủ yếu dựa vào tín dụng, sẽ bị trúng đòn. Nhưng quá trình giảm nợ sẽ dần dần diễn ra có trật tự.
Dưới dạng kịch bản thứ hai, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thất bại trong việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng, chủ yếu là do các chính quyền địa phương, các nhà đầu tư bất động sản có mối quan hệ rộng, và các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) đang tồn tại với tỷ lệ vay nợ cao thành công trong việc chống lại các chính sách ngăn chặn họ tiếp cận với nguồn tài chính và buộc họ phải phá sản. Do đó, tăng trưởng tín dụng vẫn không thể bị kiểm soát, cho đến khi một sự kiện bất ngờ nổ ra kích hoạt thời khắc “Lehman” của Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng sẽ đứt gánh, nhiều người sẽ vỡ nợ, và tình trạng hỗn loạn tài chính có thể xảy ra.
Hai sự quan sát thú vị xuất hiện từ hai kịch bản này. Thứ nhất là không thể tránh khỏi việc giảm tỷ lệ vay nợ tài chính một cách quyết liệt. Thứ hai là tăng trưởng của Trung Quốc sẽ suy giảm theo cả hai kịch bản.
Vậy thì, khoảng thời gian giảm nợ tài chính và giảm tốc độ tăng trưởng sắp tới sẽ gây những tác động nào lên nền chính trị Trung Quốc?
Hầu hết mọi người đều gợi ý rằng một khoảng thời gian cắt giảm tài chính và giảm tăng trưởng GDP sẽ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến tính chính danh của Đảng Cộng sảng Trung Quốc do dựa trên các thành quả kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội. Tầng lớp trung lưu có thể quay lưng lại với Đảng. Bởi vì khủng hoảng kinh tế gây hại cho các nhóm xã hội khác nhau cùng một lúc, nó có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện của một liên minh rộng lớn chống lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Hơn nữa, bất ổn kinh tế có thể phá hủy sự gắn kết giữa các tầng lớp cầm quyền và làm cho họ dễ bị tổn thương hơn về mặt chính trị. Trên thực tế, các thành viên của giai cấp thống trị sẽ bị ảnh hưởng gần như ngay lập tức bởi giảm nợ tài chính. Những người vay tiền một cách liều lĩnh trong khoảng thời gian bùng nổ tín dụng ở Trung Quốc không phải là các công ty tư nhân nhỏ hay người tiêu dùng trung bình (mức nợ của hộ gia đình Trung Quốc là rất thấp), mà đó là các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhà nước, và các nhà đầu tư bất động sản (nhiều người trong số họ là thành viên gia đình của các quan chức chính phủ). Về mặt kỹ thuật, việc giảm nợ tài chính thành công có nghĩa là cơ cấu lại các khoản nợ đối với họ và buộc một số người trong số họ phải bị rơi vào cảnh phá sản.
Theo định nghĩa, những người như vậy có đủ khả năng chính trị để làm dấy lên một cuộc chiến khốc liệt nhằm bảo vệ tài sản của họ. Tuy nhiên, đứng trước kích thước khổng lồ của bong bóng tín dụng Trung Quốc cũng như khoản tiền to lớn cần cho việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, chỉ có một vài người trong số họ sẽ được cứu trợ. Thông thường, những kẻ không may sẽ oán giận những kẻ được như vậy.
Tăng trưởng GDP chậm hơn sẽ làm suy yếu tính đoàn kết của giới tinh hoa tùy theo một động lực chính trị khác nhau. Hệ thống của Trung Quốc hiện nay là một cơ chế cho thuê – phân phối khổng lồ. Các tầng lớp cầm quyền đã học cách sống cùng nhau không phải bằng sự chia sẻ niềm tin, các giá trị, hoặc các quy định, nhưng bằng cách chia nhau chiến lợi phẩm của phát triển kinh tế. Trong môi trường tăng trưởng cao, từng nhóm hoặc cá nhân có thể tin tưởng vào việc nhận được một hợp đồng hoặc dự án béo bở. Khi tăng trưởng suy giảm, cuộc chiến vì miếng ăn giữa các thành viên trong đảng sẽ trở nên dữ dội.
Những người quan tâm nhất đến vấn đề giảm nợ tài chính và tăng trưởng chậm là Chủ tịch nước và Tổng Bí Thư Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Nếu quá trình giảm nợ xảy ra nhanh chóng và có trật tự, họ sẽ xuất hiện mạnh mẽ hơn trong thời kỳ bổ nhiệm lại vào năm 2017 (lịch biểu chính trị Trung Quốc buộc họ phải cải thiện nền kinh tế trong khoảng nửa đầu của năm đó).
Ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường cùng gắn kết một cách không thể tách rời với lời hứa của Đảng Cộng Sản Trung Quốc về sự thịnh vượng kinh tế và sự vĩ đại của quốc gia, thể hiện qua khẩu hiện chính thức, “Giấc mơ Trung Hoa.” Sau cùng, họ sẽ làm gì khi phải đối mặt với một cơn ác mộng chính trị?
[*] Minxin Pei là giáo sư ngành Quản lý Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là một thành viên cao cấp, không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ.
Nguồn: Minxin Pei, “The Politics of a Slowing China“, Project Syndicate, ngày 6 Tháng Bảy 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét