Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Việt Nam và Mỹ

Nguyễn Hưng Quốc
Chia sẻ bài viết này
Nhân chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Mỹ trong mấy ngày cuối tháng 7 vừa qua, thử nghĩ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Điều đầu tiên cần nhấn mạnh ngay là quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được xây dựng trên một nền tảng khá bất bình thường: sau một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài; và, có lẽ, do ảnh hưởng của nền tảng ấy, nó phát triển khá chậm: Đã 38 năm sau chiến tranh, 18 năm sau ngày bình thường hóa ngoại giao và 16 năm kể từ ngày Tòa Đại sứ Mỹ mở cửa tại Hà Nội, quan hệ giữa hai nước tuy càng ngày càng được mở rộng nhưng nó lại không có chiều sâu gì đặc biệt như hai bên – hoặc ít nhất một số người ở cả hai bên – mong muốn.
Mục đích chuyến đi của Trương Tấn Sang ở Mỹ là để “nâng cấp quan hệ” với Mỹ. Trong các phát biểu đây đó, Trương Tấn Sang luôn luôn nhấn mạnh là Việt Nam xem Mỹ là “đối tác quan trọng hàng đầu”, một “đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Trong thông báo chung, phía Việt Nam và Mỹ còn dùng chữ “đối tác toàn diện” (comprehensive partnership).
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, cho chuyến đi của Trương Tấn Sang được tổ chức một cách vội vã, “chỉ có hai tuần lễ để chuẩn bị”, một thời gian ngắn bất thường trong quan hệ quốc tế. Sự “vội vã” ấy có lẽ xuất phát từ chuyến đi thăm Trung Quốc của Trương Tấn Sang vào giữa tháng 6 vừa qua, ở đó, Trương Tấn Sang và Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam nhận thấy nhu cầu đến gần Mỹ trở thành khẩn thiết hơn.
Nói cách khác, Việt Nam cần Mỹ để cân bằng lực lượng với Trung Quốc, đặc biệt trong các tranh chấp ở Biển Đông. Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắn tiếng trong bài phát biểu khai mạc trong cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào ngày 31/5/2013: “Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. […] Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương.”
Đó cũng chính là điều Mỹ đang cần. Trong chiến lược trở lại châu Á để kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc, Mỹ rất cần đồng minh trong khu vực. Hiện nay, họ đã có một số đồng minh chiến lược rất đáng tin cậy: Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Úc. Để vòng vây thực sự được thắt chặt, họ cần thêm những đồng minh khác nữa: các nước Đông Nam Á. Trong các nước Đông Nam Á, nước có vị trí quan trọng nhất chính là Việt Nam, nước có biên giới chung với Trung Quốc, hơn nữa, đó cũng là nước có vùng biển đang bị Trung Quốc dòm ngó nhiều nhất.
Trong quan hệ quốc tế, sự gặp gỡ của một nhu cầu chung là yếu tố quan trọng nhất để nối kết hai quốc gia lại với nhau. Người ta hay nói, để xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với một nước nào đó, với Mỹ, có ba trụ cột chính: Một, những lợi ích về chiến lược; hai, những lợi ích về kinh tế; và ba, vấn đề nhân quyền hay những giá trị mà Mỹ muốn cổ vũ. Dư luận hay chú ý đến yếu tố thứ ba. Tuy nhiên, trên thực tế, một điều hầu như ai cũng biết là Mỹ, cũng như bất cứ quốc gia dân chủ và lớn mạnh nào khác ở Tây phương, rất sẵn sàng bỏ qua yếu tố nhân quyền vì những lợi ích về kinh tế cũng như về chính trị của họ. Lâu nay, ai cũng lên án Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, nhưng hầu như nước nào cũng bang giao và làm ăn với Trung Quốc. Với Saudi Arabia, Equatorial Guinea, Uzbekistan, Turkmenistan… Mỹ vẫn giữ quan hệ chặt chẽ dù tất cả đều là những quốc gia độc tài và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Việt Nam sẽ được hưởng những sự “ưu đãi” tương tự như vậy chăng?
Có thể. Trong cuộc họp giữa Trương Tấn Sang và Barack Obama ngày 25/7 vừa qua, có lẽ Tổng thống Mỹ chỉ đề cập đến vấn đề nhân quyền một cách nhẹ nhàng dù ông thừa biết trong nửa đầu năm 2013, Việt Nam bắt bớ những người bất đồng chính kiến nhiều hơn hẳn trong cả năm 2012 trước đó. Trong số những người bị gọi là bất đồng chính kiến ấy, có nhiều blogger và những người hoạt động tôn giáo với chủ trương bất bạo động; hơn nữa, cái gọi là “bất đồng” ấy chủ yếu chỉ tập trung trong quan hệ đối với Trung Quốc.
Nhưng được đề cập một cách nhẹ nhàng không có nghĩa là vấn đề không còn sức nặng gì nữa. Thứ nhất là tuy Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trở về với châu Á của Mỹ nhưng đó không phải là một vai trò không thể thay thế. Thứ hai, chính phủ Mỹ chịu khá nhiều áp lực từ dư luận để không thể thản nhiên gạt bỏ các yêu sách về nhân quyền đối với Việt Nam. Những áp lực ấy đến một phần, thậm chí, phần nhỏ, từ cộng đồng người Việt ở Mỹ; phần khác, quan trọng hơn, từ chính dân chúng Mỹ, những người vẫn còn bị ám ảnh nhiều với chiến tranh Việt Nam trước đây. Chính ký ức chiến tranh này là một yếu tố khiến chính phủ Mỹ không thể bất chấp dư luận được.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất quyết định quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ nằm ở chỗ khác: Sự tin cậy. Có thể nói ngay: hiện nay hầu như không ai tin ai cả. Việt Nam cần Mỹ nhưng vẫn không tin Mỹ và cũng không muốn Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam. Lý do đơn giản: từ phía giới cầm quyền Việt Nam, tất cả các ảnh hưởng đến từ Mỹ, vốn gắn liền với xu hướng dân chủ hóa, đều là những đe dọa đối với sự độc quyền và độc tài của họ. Dân chúng Việt Nam, từ lâu, đã khái quát điều đó bằng nhận định: “Đi với Mỹ thì mất đảng”. Còn Mỹ thì dĩ nhiên cũng không tin gì Việt Nam.
Ký ức chiến tranh là một nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là sự khuất phục của Việt Nam đối với Trung Quốc. Từ các lời phát biểu đến cách hành xử, kể cả những sự đàn áp dân chúng trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đều gợi lên ấn tượng là với Việt Nam, sự lựa chọn đã rất rõ ràng: một mực đi theo Trung Quốc và sẵn sàng nhân nhượng Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các nước khác, kể cả Mỹ, để cò kè trả giá cho sự nhân nhượng ấy mà thôi.
Không thể có quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược nào được xây dựng trên nền tảng những sự nghi ngờ như vậy cả.



Comment


NJ (khách viếng thăm) gửi lúc 13:51, 30/07/2013 - mã số 94253
Tên tác giả viết:
Ký ức chiến tranh là một nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là sự khuất phục của Việt Nam đối với Trung Quốc. Từ các lời phát biểu đến cách hành xử, kể cả những sự đàn áp dân chúng trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đều gợi lên ấn tượng là với Việt Nam, sự lựa chọn đã rất rõ ràng: một mực đi theo Trung Quốc và sẵn sàng nhân nhượng Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các nước khác, kể cả Mỹ, để cò kè trả giá cho sự nhân nhượng ấy mà thôi.
Không thể có quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược nào được xây dựng trên nền tảng những sự nghi ngờ như vậy cả.
Phân tích của ông Nguyễn Hưng Quốc rất rõ ràng. Phân tích này cho thấy cung cách buổi tiếp đón Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã biểu lộ phần lớn suy nghĩ của Quốc Hội Mỹ.

cãi chày (khách viếng thăm) gửi lúc 15:12, 30/07/2013 - mã số 94268
Khách Lưu Hồng viết:
Thời gian gần đây nhân chuyến thăm "đế quốc Mỹ" của cụ chủ tịch nước TTS, nhiều báo chí đã bàn nhiều về vấn đề quan hệ Việt -Mỹ. Thế nhưng có điều tôi muốn biết thì lại không thấy bất cứ báo nào dề cập tới, đó là trước đây Mỹ và Việt Cộng sản là hai kẻ thù không độị trời chung, còn phia chính quyền Sài Gòn thì là đồng minh với MỸ. Nay Mỹ và Việt Nam đã đi đến coi nhau như đồng minh chiến lược, tức là ta đã thay thế chế độ Sài Gòn trước kia. Vậy tại sao ta không thả tất cả những người của chế độ Sài Gòn đang bị tù đầy? Đây chính là vấn đề tôi quan tâm. MÌnh và MỸ là hai nước khác nhau thì hòa hợp được
Mình và "Ngụy" thì vốn dĩ là người cùng một nước, cùng một tổ tiên, trước kia mỗi bên theo một cường quốc, nay thì cùng theo một cường quốc rồi, sao không hòa hợp mà lại cứ thù lâu cho đến lúc một phiá chết hay sao? Đây là điều tôi quan tâm và thắc mắc. Bác nào biết thì giảng giải hộ. Sao phía Mỹ cũng không đặt vấn đề này ra. Anh em cùng một nhà sao mà thù lâu vậy? Xin nhớ một điều: tôi là con nhà CS, trong gia đình không có ai ở phía bên kia cả.
Dễ quá, nhưng tại sao con nhà CS lại không hiểu được (chắc là CS dỏm :D)? Với CS thì ai cũng có thể là kẻ thù, ngay cả đồng chí của họ mới đó bổng chốc biến ngay thành kẻ thù.
CS không coi Mỹ là bạn, mà chỉ muốn kêu "bạn ơi" để lợi dụng bòn rút đô la thôi. Tương tự như trước đây họ chửi mắng những người vượt biên tị nạn là côn đồ, đỉ điếm nhưng đến khi ngửi thấy mùi đô la bèn đổi giọng thành "khúc ruột ngàn dặm". Nghe hay wá hén?!

Khách Con Bài (khách viếng thăm) gửi lúc 19:55, 30/07/2013 - mã số 94286
Trước đây TQ lợi dụng mâu thuẫn Mỹ Với VN để khai thác triệt để , có lợi cho họ rảnh tay làm ăn, thậm chí còn chiếm gọn nhẹ HS và một phần TS của VN!
Ngay nay Mỹ lại lợi dụng mâu thuẫn giữa VN và TQ về vấn đề biển đảo mà củng cố lại vị trí làm ăn của họ ở khu vực Thái Bình Dương...
Còn Nga thì luôn có suất bán vũ khí cho các nước có vấn đề về quan hệ ngoại giao...
VN cũng có ý định chơi lại những quân bài trên nhưng lực bất tòng tâm, thường bị lừa hoặc chậm mất một số nước. Cuối cùng thiệt thòi vẫn về phía VN, đời sống nhân dân phải gánh chịu hậu quả lâu dài!

hanh (khách viếng thăm) gửi lúc 18:59, 30/07/2013 - mã số 94281
S đi Mỹ vừa qua là hiện tượng "đít để ngoài màn". S muốn nói với Tầu rằng: "Mi o ép tau quá, thì không chỉ đít đâu đấy!".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét