Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

XUÂN QUỲNH – LƯU QUANG VŨ ĐÔI TÀI DANH BẠC MỆNH

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (1)

TÁC PHẨM – TÁC GIẢ 
XUÂN QUỲNH – LƯU QUANG VŨ
ĐÔI TÀI DANH BẠC MỆNH 

- Bài Nguyễn Việt

Khi chúng ta nghe những ca khúc như “Thơ tình cuối mùa Thu”, “Thuyền và biển” là chúng ta lại nhớ đến nhà thơ nữ Xuân Quỳnh; và khi nhớ đến bà là nhớ Lưu Quang Vũ là chồng bà, một nhà thơ, một người viết chính kịch từng một thời được mọi người luận bàn đã “đi trước thời cuộc” qua những vở “Tôi và chúng ta”, “Khoảnh khắc và vô tận”, Bệnh sĩ” v.v…
Cũng như khi nói đến hai ca khúc “Thơ tình cuối mùa Thu”, “Thuyền và biển” chúng ta lại nghĩ đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ đưa thơ Xuân Quỳnh hòa quyện vào lòng người yêu thơ và nhạc.
Cả ba tên tuổi trên trước năm 1975 hãy còn rất xa lạ với người hâm mộ thi ca và âm nhạc ở Sài Gòn nói riêng, và miền Nam nói chung. Thời gian sau đó mọi người bắt đầu nhận ra có những nhà thơ, những nhà biên kịch hay nhạc sĩ từ AR (nói đến người miền Bắc và trong chiến khu) đã đưa tâm hồn những người yêu chuộng văn hóa nghệ thuật miền Nam biết đến, qua nhiều phong cách thi ca và âm nhạc rất mới, rất lãng mạn, trữ tình… rồi không thể quên họ được.
Trong phạm vi bài này chúng tôi xin giới thiệu thơ và nhạc của vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa nêu trên.

Tiểu sử nhà thơ Xuân Quỳnh 
Nhà thơ nữ Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 tại La Khê, Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội. Bà xuất thân trong một gia đình công chức và mồ côi mẹ ở với bà nội từ thuở nhỏ. Tháng 2/1955, mới 13 tuổi bà đã được đào tạo thành nữ diễn viên múa.
Tuy là diễn viên múa nhưng vào tuổi thanh niên, nhà thơ nữ Xuân Quỳnh rất thích thơ văn, nên từ năm 1962 đến 1964, bà đi học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá I của Hội Nhà văn Việt Nam, rồi trở thành ủy viên BCH khoá III. Học xong bà vào làm việc tại báo Văn nghệ, Phụ nữ Việt nam. Năm 1973, nhà thơ Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch còn là nhà thơ Lưu Quang Vũ. Nhưng trước đó bà đã từng kết hôn với một nhạc công trong thời gian bà làm diễn viên múa cho một đoàn văn nghệ, có một con trai tên Tuấn Anh, sau hai người ly hôn.
Từ năm 1978 đến lúc mất nhà thơ Xuân Quỳnh làm biên tập viên cho nhà xuất bản Tác phẩm mới.
Nhà thơ Xuân Quỳnh mất ngày 29/8/1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương cùng chồng Lưu Quang Vũ và người con trai út tên Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.
Sau cái chết thương tâm ấy bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Tác phẩm : Tơ tằm - chồi biếc (thơ, in chung), Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung), Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974), Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978), Sân ga chiều em đi (thơ, 1984), Tự hát (thơ, 1984), Hoa cỏ may (thơ, 1989), Thơ Xuân Quỳnh (1992 , 1994), Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994), Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung), Bầu trời trong quả trứng (thơ thiếu nhi, 1982), Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985), Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi - 1981), Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984), Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986), Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995).
Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những bài thơ khi đắm say, lúc đau khổ, suy tư. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa Thu, Sóng, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh...
Các bài thơ Sóng, Truyện cổ tích về loài người được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu.

Thơ Xuân Quỳnh 
THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU 
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
oOo
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu và hoa cúc
Chỉ còn anh và em
oOo
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả
oOo
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay
oOo
Tình ta như hàng cây
Đã bao mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ
oOo
Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
oOo
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may 


THUYỀN VÀ BIỂN 
Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển
"Từ ngày nào chẳng rõ
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Ðưa thuyền đi muôn nơi
oOo
Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... còn xa
oOo
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thì thầm gởi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
oOo
Cũng có khi vô cớ
Biển ồ ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên ?)
oOo
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
oOo
Những ngày không găọ nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
oOo
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
" Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố! 

Khi đã nói về nhà thơ nữ Xuân Quỳnh chúng ta không quên nhắc đến nhà thơ, nhà biên kịch một thời vang bóng : Lưu Quang Vũ là chồng của nhà thơ Xuân Quỳnh, cả hai cùng đứa con trai út đã tử nạn giao thông vào ngày 29/8/1988; Đôi vợ chồng nghệ sĩ này đã để lại cho đời biết bao sự thương cảm luyến tiếc khi bàng hoàng nghe tin buồn đến với gia đình họ thật bất ngờ.

Tiểu sử Lưu Quang Vũ 
Nhà biên kịch, nhà thơ và nhà văn Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 tại Phú Thọ nhưng quê gốc ở Đà Nẵng. Ông là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh.
Năm 1954 gia đình Lưu Quang Vũ chuyển về sống tại Hà Nội. Từ 1965 đến 1970 ông nhập ngũ, phục vụ trong quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ. Từ 1970 đến 1978 ông xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh, cộng tác với nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích v.v…
Từ 1978 đến 1988 nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ làm biên tập viên cho Tạp chí Sân khấu và ông bắt đầu sáng tác kịch với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ. Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ đã qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh cùng đứa con trai út tên Lưu Quỳnh Thơ của hai người. Sau khi ông mất, có nhiều dư luận xung quanh vụ tai nạn giao thông này. Nhiều người cho rằng ông bị ám sát vì có tư tưởng khác với chủ trương trong cuộc "cởi trói văn nghệ", tuy nhiên sau này tư tưởng của ông đã được công nhận được đánh giá là người “đi trước thời cuộc”
Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng mọi người yêu thơ ca và kịch nghệ vào những năm 80. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn, cũng như in đậm dấu ấn từng giai đoạn trong cuộc sống xã hội bấy giờ.
Với tuổi đời còn khá trẻ, với tuổi 40 nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ đã là tác giả của gần 50 vở kịch nói, và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo xây dựng thành công. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu vào thời kỳ đó như : Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, v.v.
Còn thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Rất nhiều bài thơ của ông được mọi người yêu thích như Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu....
Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn mang đậm phong cách riêng. Cũng như nhà thơ Xuân Quỳnh đã qua một đời chồng, nhà thơ nhà biên kịch Lưu Quang Vũ cũng thế, lần thứ nhất ông kết hôn với nữ diễn viên điện ảnh Tố Uyên vào năm 1969 và ly hôn vào năm 1972. Lần thứ hai với nhà thơ nữ Xuân Quỳnh vào năm 1973. Con trai ông với Tố Uyên là Lưu Minh Vũ, hiện đang là một trong những người dẫn chương trình trên Đài Truyền hình. Em gái là Lưu Khánh Thơ hiện đang công tác tại tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học.
Tác phẩm thơ : Hương cây (1968 - in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa), Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993) Tác phẩm kịch : Sống mãi tuổi 17, Nàng Sita, Hẹn ngày trở lại. Nếu anh không đốt lửa, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta

Thơ Lưu Quang Vũ 
NẾU ĐÓ LÀ TỘI LỔI 
Một con người không phải chỉ là một cái tên trong hộ khẩu
Một con tốt trong bàn cờ
Một viên gạch một cái đinh
Để treo biển hàng và đặt ghế
oOo
Con người chưa được làm người
Bao lệnh cấm đang đè lên thế giới
Cấm yêu thương cấm khát vọng cấm tự do
Bao con chim bị nhốt ở trong tù
Bao giải băng đen che kín mắt
oOo
Khi bè bạn gặp nhau có người theo dõi
Thầm thì không dám nói to
Khi những bài thơ anh viết ra
Chỉ một mình anh đọc
oOo
Nhưng trước khi có chữ viết
Đã có thơ ca
Như tình yêu thơ đã sinh ra
Không phải vì tiền nhuận bút
Không sợ ngục tù bạo lực
Dù khổ sở dù phiền hà
Thơ không bao giờ câm lặng
Như nhịp đập của trái tim trung thực
Là nhân chứng của anh
Là ngọn lửa trắng trong
Trên lịch sử tối tăm trên tro bụi
oOo
“Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi
Bởi giữa thủa bạo tàn ta đã ca ngợi tự do”
Ca ngợi tình yêu giữa thế giới hằn thù
Trước đau khổ của nhân dân thơ đã không tội lỗi
oOo
Nếu đó là tội lỗi
Anh hãy nhận về mình như trách nhiệm như niềm vui
Và sống chết cùng người đất nước mến thương ơi 

(Còn 1 kỳ nữa)

NGUYỄN VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét