Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Yêu thú vật

yeuthuvat0813
Huy Lâm

Ở Việt Nam hiện nay, hiện tượng người ta đua nhau ăn nhậu càng ngày càng nhiều, tràn lan như bệnh dịch. Nó trở thành thứ sinh hoạt thường ngày chứ không chỉ vào những dịp cuối tuần hay lễ nghỉ. Từ chuyện bạn bè gặp nhau cho đến chuyện làm ăn buôn bán đều thấy diễn ra quanh bàn nhậu. Nghe kể có ông giám đốc mới sáng ra đã phải nhậu. Làm vài ly xong, ghé sở một lát, đến giờ ăn trưa lại có hẹn nhậu tiếp. Rồi chiều tan sở nhưng đâu đã được về nhà nghỉ ngơi, lại thêm một bữa nhậu nữa đã ghi sẵn trong lịch trình sinh hoạt. Nghĩa là sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng có thể nhậu được. Mà những cuộc nhậu như trên lại không thể vắng mặt. Không đến là có đứa sẽ hớt tay trên mất cái hợp đồng ngay.

Người có chức có quyền nhậu đã đành. Đến ngay giới bình dân cũng nhậu như điên. Và trên bàn nhậu của giới bình dân, món được ưa chuộng nhất lại là thịt chó. Cũng vì thế mà ở góc hẻm nào cũng có những quán “cờ tây” mọc lên để phục vụ cho dân nhậu. Do nhu cầu tăng nhanh nên thị trường cung cấp thịt chó nội địa không đủ, người ta phải nhập chó vào từ những nước láng giềng như Campuchia hay Thái Lan. Gần đây, báo chí trong nước còn cho đăng nhiều bản tin về nạn “cẩu tặc” hoành hành từ thành thị cho tới thôn quê, gây ra không biết bao nhiêu chuyện đau lòng mà có lẽ chỉ có thể xảy ra ở cái đất nước Việt Nam khốn khổ của chúng ta.
Tuy nhiên, những chuyện trên không có nghĩa là người Việt Nam nào cũng ghét bỏ chó. Có lẽ chỉ có dân nhậu là xem thường chó thôi chứ vẫn có nhiều gia đình nuôi chó mèo, coi chó mèo không khác gì những thành viên trong nhà. Mà chiều hướng này có lẽ ngày càng tăng. Theo trang mạng VOA Tiếng Việt, ở Việt Nam hiện có một hội có tên là Yêu Động Vật mới chỉ hoạt động được mấy năm mà nay đã có khoảng 100.000 hội viên chính thức. Vậy thì, 100.000 hội viên này chắc phải là những người thật sự yêu thú vật mới chịu gia nhập và sinh hoạt với hội Yêu Động Vật trên. Hơn nữa, ở Hà Nội hiện nay đang có một dịch vụ ăn nên làm ra, đó là dịch vụ ma chay cho những chú chó. Thân chủ của dịch vụ trên không chỉ là những người yêu chó mà có lẽ còn dư tiền dư bạc, không biết nhét đâu cho hết. Những đám ma chó này còn mời cả thầy cúng kiếng cũng như đủ mọi thủ tục, nghi lễ rình rang. Thế nên, ở Hà Nội ngày nay, chó chết chưa hẳn là hết chuyện.
Nhưng nói đến chuyện yêu thú vật, có lẽ không đâu hơn được người Tây phương. Những người này không chỉ yêu thú vật, họ còn mê thú vật nữa là khác. Người nuôi thú vật ở trong nhà thường là những người cô đơn, không con không cái, hoặc con cái đã trưởng thành, nên họ cần có ai đó để bầu bạn. Đi ra đi vào có cái bóng lẽo đẽo theo sau, vẫy vẫy cái đuôi cũng đỡ tủi thân. Mà những thú vật như chó mèo không bao giờ biết phản chủ và nhất là không biết lèo nhèo hay cãi lại. Chả thế mà Tổng thống Harry Truman, lúc còn tại vị, đã nói một câu xanh rờn: “If you want a friend in Washington, get a dog” (Muốn có một người bạn ở Washington ư, hãy kiếm một con chó). Người bạn còn có lúc bỏ ta chứ chó mèo thì không bao giờ. Chúng theo ta cho đến chết.
Mặc dù có nhiều người nghĩ rằng việc coi chó mèo như những thành viên trong gia đình là chuyện mới đây, nhưng theo Giáo sư Standley Coren của trường Đại học British Columbia, thì nhiều thế kỷ trước đã có rồi. Vào thế kỷ 18, Đại đế Frederick, vua nước Phổ, yêu chó vô cùng và khi con chó tên Biche của ông chết, ông đã đau khổ và khóc lóc thảm thiết. Eugene O'Neill, nhà soạn kịch người Mỹ sống vào khoảng đầu thế kỷ 20, khi còn sống thì luôn xung khắc với con cái nhưng lại yêu say mê con chó đốm Blemie của ông, sáng ra đường thì mặc áo khoác, tối về ngủ thì có giường riêng, to rộng, bốn cột sừng sững ở bốn góc. Thời Julius Caesar, phụ nữ La Mã mỗi khi đi dạo phố, muốn cho hợp thời trang là phải ôm những chú chó được trang sức vàng ngọc khắp mình.
Để biết người Tây phương yêu thú vật ra sao thì hãy vào trang mạng Wikipedia. Theo trang mạng này, chỉ riêng tại Mỹ, có khoảng 78,2 triệu con chó và 86,2 triệu con mèo được nuôi trong nhà. Đó là chưa kể tới thỏ, chim, cá là những loại thú cũng được nuôi nhiều. Tuy nhiên, chó và mèo là hai loại được ưa thích nhất.
Theo thống kê, năm 2013 tại Hoa Kỳ, cứ bốn con chó mới có một trẻ nhỏ.
Nước Canada nằm kế cạnh, tuy dân số ít hơn Mỹ nhưng cũng không chịu thua kém. Thống kê cho biết có tổng cộng khoảng 25,5 triệu chó mèo đủ loại được nuôi trong nhà tại quốc gia này với khoảng 35% gia đình nuôi chó và 38% gia đình nuôi mèo.
Mà nuôi thú vật tại các quốc gia Tây phương đâu phải rẻ. Gia đình nào có nuôi chó mèo ở Mỹ, trung bình mỗi năm tốn cho mỗi con khoảng $502, theo tài liệu của Sở Thống kê Lao động vào năm 2011. So với tiền một người Mỹ chi tiêu cho bia rượu là $456 và quần áo là $404.
Chỉ nội tiền mua thực phẩm cho chúng, sơ sơ tốn trung bình mỗi năm mỗi con $183. Dịch vụ tỉa lông, tắm gội, trừ chấy rận sẽ tốn thêm $143.
Mặc dù kinh tế suy trầm trong mấy năm qua buộc nhiều gia đình người Mỹ phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu. Nào là bớt đi ăn tiệm, rút ngắn những chuyến du lịch mùa hè, làm bất cứ chuyện gì cũng phải theo sát ngân sách gia đình. Nhưng chi tiêu cho chó mèo thì lại không hề giảm mà còn tăng đều đặn mỗi năm. Theo thống kê của ngành kỹ nghệ chăm nuôi chó mèo, trong suốt 5 năm qua, tiền chi tiêu cho chó mèo tại Mỹ tăng 30%, đạt $53 tỉ vào năm ngoái.
Người ta tính ra, với một con chó kích cỡ từ nhỏ cho đến trung bình, một đời chó sẽ tốn cho người chủ của nó khoảng từ $7.240 đến $12.700. Với mèo thì tốn khoảng từ $8.620 đến $11.275. Thế nên, những ai đang có dự tính gia nhập vào nhóm người yêu thú vật thì hãy nên chuẩn bị tinh thần cho những tốn kém kể trên.
Theo nhà tâm lý học Hal Herzog, con người ta có những quan hệ kỳ lạ đối với thú vật - có con được chúng ta yêu, có con thì bị ghét bỏ và có con chỉ để làm thịt cho chúng ta ăn. Nhưng con thú nào đã được yêu thì yêu hết cỡ, chúng ta tiêu xài không ngại tốn kém cho chúng, và có con còn được mua bảo hiểm sức khỏe trong khi có hàng tỉ người trên thế giới hiện nay vẫn không có cái bảo hiểm đó. Nhức đầu cảm cúm thì đè ra cạo gió. Nặng hơn một chút mà ông thầy lang trong làng chữa không khỏi thì chỉ còn biết nằm rên chờ cho hết bệnh hoặc… đi luôn. Vì yêu những con vật ấy quá, có người muốn nói chuyện với chúng mà không biết làm sao nên phải nhờ đến chuyên gia. Thế nên, có những tay biết nói tiếng… chó (dog whisperer) như anh chàng di dân gốc Mễ, Cesar Millan, kiếm bạc triệu mỗi năm.
Trong một nghiên cứu mới đây của Đại học George Regents về mối quan hệ giữa người và thú vật với kết quả dễ làm nhiều người hốt hoảng. Những người tham gia cuộc nghiên cứu đã được hỏi là nếu giả định một chiếc xe buýt chẳng may bị lạc tay lái và trên đà sắp sửa tông vào một người và một con chó. Trong trường hợp đó, bạn sẽ cứu ai? Với sự hưởng ứng của hơn 500 người, câu trả lời là còn tùy: Người đó là người nào và con chó đó là chó của ai?
Hẳn nhiên là ai trong chúng ta cũng sẽ cứu những người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em hoặc ngay cả bạn bè thân thiết chứ ai lại đi cứu một con chó ngoài đường. Thế nhưng khi người ta phải lựa chọn giữa con chó cưng và một người không hoặc ít có liên hệ với họ - một người bà con xa hay một người cùng quê nhưng lạ, không quen biết - thì sự lựa chọn nghiêng hẳn về chú chó. Có tới 40% những người tham gia cuộc nghiên cứu, kể cả 46% số phụ nữ, đã chọn cứu con chó hơn là người lạ. Chắc hẳn kết quả trên sẽ làm nhiều người phải não nề khi thấy mạng sống mình không bằng mạng một con chó.
Kết quả của cuộc nghiên cứu trên giúp chúng ta nghiệm ra được hai điều: thứ nhất, sống kiếp chó nhiều khi lại sướng hơn kiếp người; và thứ hai, sự yêu mến và đối xử với thú vật của một số đông người quả thật có hơi quá mức.
Tại nhiều quốc gia Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, có những đạo luật bảo vệ súc vật, cho phép nhân viên công lực bắt giam những ai có hành động hành hạ dã man những con vật ấy. Có những người sinh hoạt trong những hội bảo vệ thú vật như hội bảo vệ loài cá voi, sẽ làm bất cứ điều gì họ có thể, kể cả nhiều khi nguy hại ngay đến tính mạng của họ như lấy thuyền rượt đuổi những tàu săn bắt cá voi ở những vùng biển giá lạnh. Chúng ta có quyền mở rộng lòng thương xót đối với những loài khác cũng như cảm nhận được những đau khổ của chúng. Nhưng chúng ta cũng đừng quên là còn rất nhiều đồng loại của chúng ta ngoài kia cũng đang cần lòng thương xót đó. Và lịch sử đã từng chứng minh nhiều lần rằng chính chúng ta nhiều khi cũng hay lưỡng lự lựa chọn mỗi khi cần mở rộng lòng nhân từ ngay với chính đồng loại của mình.

Huy Lâm

1 nhận xét: