Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Nhân ngày 20/10 - Bốn Phụ Nữ Việtnam - Những cánh én của mùa xuân dân tộc

KHI TỔQUỐC LÂMNGUY, TRANHĐẤU CHO VIỆTNAM




 1. Luật sư Lê Thị Công Nhân

Cô gái đầu tiên mà không hiếm người biết đến là luật sư
Lê Thị Công Nhân. Hãy hiểu về cô qua những gì ghi trên tự điển bách khoa Wikipedia :Tiểu sử
Lê Thị Công Nhân sinh tại Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam; trú tại tập thể Văn phòng Chính phủ, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, xuất thân trong một gia đình công nhân viên chức và tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 2001.
Năm 2004, cô tốt nghiệp lớp luật sư và công tác tại bộ phận thư ký quan hệ quốc tế, Văn phòng Đoàn Luật sư  Nội.

Năm 2005, thôi việc tại Văn phòng Đoàn Luật sư Hà Nội để về làm việc tại văn phòng Luật sư Thiên Ân.

 Thị Công Nhân là thành viên của Khối 8406 và đồng thời là đảng viên của Đảng Thăng Tiến Việt Nam .
Lê Thị Công Nhân bị bắt tạm giam tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 3 năm 2007 vì bị cáo buộc hoạt động "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam", và bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư Hà Nội.[1]


Vào ngày 11 tháng 5 năm 2007, sau hơn hai tháng tạm giam, cô và Nguyễn Văn Đài được đem ra xét xử, bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế [2]. Ngày 06 tháng 03 năm 2010, Lê Thị Công Nhân đã thi hành xong 3 năm tù, cô được thả về và chịu sự quản chế tại địa phương.

Hoạt động
 Thị Công Nhân tham gia phong trào đòi đa nguyên, đa đảng. Lê Thị Công Nhân đã từng viết tham luận, nội dung tố cáo Tổng Công đoàn Việt Nam hiện nay không bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền và kêu gọi thế giới hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất để lập ra những công đoàn độc lập cho công nhân Việt Nam, thể hiện đúng chức năng của Đảng Cộng sản Việt Nam được nêu trong điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1992[3]. ("Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.")
Cô là phát ngôn viên công khai của Đảng Thăng Tiến Việt Nam [4][5], cô đã trả lời một số cuộc phỏng vấn của các đài và báo chí ngoại quốc và viết bài nói về thực trạng của Việt Nam [6]. Vào tháng 12 năm 2006, trả lời cuộc phỏng vấn hội đoàn Lên Đường ở hải ngoại với những lời lẽ phê phán chỉ thị số 37/2006/CT-TTg củaThủ tướng chính phủ về việc quy định một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, cô nói: "Là một luật sư thì tôi xin khẳng định với những hiểu biết cá nhân của mình rằng chỉ thị 37-TTG ngày 29/11/2006 là hoàn toàn vi hiến". [7]
Cô đã được mời tham dự Hội nghị Công đoàn Tự do tổ chức tại Warszawa, thủ đô của Ba Lan, (28 - 30 tháng 10 năm 2006), nhưng cô không tham dự được vì bịcông an giữ lại trước khi lên máy bay. [8]
Từ đầu tháng 12 năm 2006 đến tháng 2 năm 2007, cô đã cùng luật sư Nguyễn Văn Đài tổ chức các lớp học về dân chủ và nhân quyền, vận động giới thiệu các tổ chức như Đảng Dân chủ, Đảng Thăng Tiến Việt Nam, Khối 8406... cho một số sinh viên, trí thức và người khiếu kiện, tại văn phòng luật sư Thiên Ân...

2. Người con gái thứ hai là Đỗ thị Minh Hạnh. 


Hãy biết về cô qua ghi chép của Bác 8 Bến Tre:Minh Hạnh (MH) sinh ngày 13-3 năm 1985 trong một gia đình cả cha mẹ đều là cán bộ Cộng Sản ở Di Linh, Lâm Đồng. Năm 18 tuổi cô đã bắt đầu hoạt động bênh vực cho những người dân oan Lâm Đồng làm đơn khiếu kiện đất đai. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, MH vào Sài Gòntiếp tục học trường Cao Đẳng Kinh tế.
Năm 2005 cô đến Hà Nội giúp đỡ dân oan khiếu kiện đất đai và bị án 3 tháng tù giam. Khi hay tin chánh quyền CSVN cho Trung quốc đầu tư khai thác Bauxit tại Tây nguyên, cô đã bí mật cùng Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đến tận nơi chụp ảnh các nông trường của TQ tại đây và chuyển đi toàn cầu qua mạng Internet.
Năm 2007 MH đã tổ chức cho công nhân người Việt bị áp bức tại công ty nước ngoài để biểu tình và đình công để được tăng lương và an toàn lao động. Tháng 12 năm 2009 cô đã bí mật đi đường bộ sang Cambuchia, Thái Lan để đến Malaysia tham dự đại hội kỳ 2 của Ủy ban về người lao động Việt nam.

Những hoạt động yêu nước đó của Minh Hạnh đã đẩy cô vào tù. Vào ngày sinh nhật thứ 27 của Minh Hạnh, tác giả Ngô An viết những giòng sau đây về cô:Hôm nay - ngày 13 tháng 3 - sẽ là một ngày rất bình thường nếu tôi không biết Hạnh. Tôi còn nợ cô bé ấy nhiều lắm. Có nhiều điều còn nhớ mãi, có những chuyện sẽ không thể nào quên. Thế nhưng, Hạnh vào tù đã được 3 năm, tôi chưa bao giờ viết được một bài trọn vẹn cho em. Có lẽ, tình càm tôi dành cho Hạnh đã bão hòa, đã đầy ắp để mỗi con chữ về Hạnh cũng là thừa. Có lẽ, tôi nhìn thấy sự thừa thãi trong những dòng chữ của mình vì đã có nhiều người viết về Hạnh mặc dù họ chưa được gặp em một lần. Mặc dù họ chưa được một lần nghe Hạnh hát, những bài hát do em tự đặt lời, giọng tự nhiên, trong sáng, không chải chuốt. Nhưng, quả thật, những dòng chữ họ dành cho Hạnh thật ấm áp, thật nghĩa tình như đã quen Hạnh từ lâu.

Những ai đã có lần biết Hạnh, có lẽ sẽ nhớ mãi đôi mắt long lanh sáng của em chứa cả một bầu tâm huyết, Hạnh tin ở con người, cuộc sống, Hạnh tin mãnh liệt ở lý tưởng và điểm đến trên con đường chông gai mà em đã chọn. Bởi đó là hoài bão của em. Hoài bão của Hạnh không phải là một người chồng giàu, một căn nhà đẹp mà là một cuộc sống công bằng, cơm no cho người nghèo, áo ấm cho kẻ không nhà. Và em đã chọn một lối đi riêng cho mình - không giống những cô gái đồng trang lứa - để thực hiện hoài bão đó.

Tác giả Vũ Đông Hà viết về Minh Hạnh: "Hạnh đã cùng với Hùng lên đường, phẫn nộ nhưng không hận thù, hiền hòa nhưng dũng cảm, chông gai nhưng không khiếp nhược, thất bại nhưng không sờn lòng" 
Thi sĩ Trần Trung Đạo đã viết "Mấy vần thơ cho Đỗ thị Minh Hạnh":

Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?
……….
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về
…………….
Và Hạnh đã viết trong thư gởi mẹ từ trong tù:

“Má ơi, con rất là đau buồn, con không buồn thân thể con, ở tù bao nhiêu năm cũng được... Họ bảo con hãy nhận tội đi rồi sẽ được giảm xuống 4 năm, nhưng không, ở đời thì chết chỉ có một lần mà thôi... để cho họ thấy rằng, họ không được phép coi thường tinh thần bất khuất của dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi một con người, nhất là người lãnh đạo đất nước phải biết rằng "Đặt quyền lợi và danh dự của tổ quốc lên trên quyền lợi cá nhân của mình chứ…”3. Người con gái thứ ba tôi muốn nói đến là Trịnh Kim Tiến

Cha già bị công an vô cớ đánh chết, cô gạt những giọt nước mắt bi thương, lao ra đường cùng bạn bè tham gia hầu hết những cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược.

Sắp bước lên xe hoa về nhà chồng nhưng cô gái trẻ vẫn đau đáu với quê hương.

Bài viết mới nhất của cô đăng trên 
Face book:Chắc chắn rằng không chỉ mình tôi mà tất cả mọi người, ai cũng đều mong mỏi đất nước của mình một ngày nào đó “sánh vai cường quốc năm châu”, vươn đôi vai ngang tầm thế giới.
Nhưng một điều thật đáng buồn, những vấn nạn xã hội, kinh tế, văn hóa đã khiến hình ảnh của đất nước, dân tộc Việt Nam xấu đi quá nhiều trong mắt bạn bè Quốc tế. Khi người Việt cầm visa, hay hộ chiếu của mình qua các nước du lịch, đi học cũng như định cư , họ thường bắt gặp những ánh mắt kì lạ nhìn về phía họ.
Phải chăng do nhiều yếu tố khiến chúng ta thua kém bạn bè. Người Việt ta vốn dòng máu Lạc Hồng, truyền thống ngàn năm văn hiến, tôi tin rằng chúng ta không bao giờ bằng lòng và chấp nhận điều đó.
Từ những thứ nhỏ bé nhất như gánh hàng rong ở Việt Nam cho đến những hãng hàng không cũng có những chênh lệch với nước bạn.
Và tấm lòng của cô với những thân phận nghèo khó:



Không chỉ đọc, mà thực sự tôi còn chứng kiến nhiều lần những cảnh tượng nhức nhối xót thương. Mỗi buổi chiều tôi thường cùng mẹ sang bên ngõ chợ mua đồ ăn, nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ gày gò, đen xạm , ôm chặt quang gánh chạy thật nhanh mỗi khi thấy chiếc xe đồn của phường đi đến dẹp chợ, đến mức rơi cả một chiêc dép bên chân lại. Cứ như thể họ đang đi chạy nạn, tránh bom đạn hay đang bị cướp giật. Những dân phòng, công an phường tay cầm dùi cui, vẻ mặt dữ dằn nhìn những người phụ nữ đang thi nhau chạy hàng. Có đôi khi có những sự giằng co, van xin kịch liệt diễn ra giữa đôi bên nếu những người phụ nữ đó không kịp chạy. Những giọt nước mắt tức tưởi, cay đắng, ngậm ngùi đôi gánh hàng rong nuôi lớn con từng ngày .

Và ước mơ của cô: 




Không biết đến bao giờ đất nước tôi có thể vươn lên tầm cỡ thế giới, nhưng tôi thực sự mong có một ngày, một ngày như thế. Một ngày trên khuôn mặt của những người dân tôi không phải là những nét măt u sầu, ủ rũ mà là những nụ cười hạnh phúc, yên vui. Con người được tôn trọng cùng với nghề nghiệp mà họ đã bỏ sức ra lao động chính đáng kiếm tiền lương thiện.

Hãy cho tôi, thế hệ của tôi còn được sống trong niềm hãnh diện về dân tộc và đất nước thân yêu của chúng tôi.


4. Người con gái thứ tư mà rất nhiều người biết đến và cảm phục là Huỳnh Thục Vy. 




Cô còn khá trẻ mà những bài viết của cô về đất nước, về hiến pháp, về dân chủ, về nhà nước pháp quyền...uyên bác, sắc sảo đến không ngờ. Không những chỉ viết, cô gái trẻ ấy đã sống rất kiên cường. Cô dũng mãnh nhìn thẳng vào bạo quyền và đối chọi lại không một chút nao núng.

Sau đây là một số đoạn trích trong bài “Tính chính danh của Hiến Pháp” mà cô vừa viết trên 
BBC:
Dù có xuất phát từ nhu cầu hay tình trạng nào, khi một thực thể chính trị mang vào mình cái vai trò của một Nhà nước thì bản thân nó phải có khả năng tự vận động để thực hiện những chức năng bắt buộc, nhằm có được lý do chính đáng cho sự tồn tại của mình.

Nếu thiếu đi những lý do này, Nhà nước sẽ chỉ tồn tại trong sự bất chính. Những lý do đó là: sự đồng thuận trao quyền của người dân, sự hoàn thành tốt các chức năng quản lý và phát triển xã hội của Nhà nước đó, và cuối cùng là sự đảm bảo trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Quốc gia và thiết lập sự hiện hữu hài hoà của cộng đồng mà nó quản lý với cả cộng đồng nhân loại.
Dù được thành lập theo cách nào, một chính quyền chính danh phải có được những điều kiện trên, hoặc tiến hành càng sớm càng tốt những thay đổi để có được những điều kiện đó.
Các chế độ độc tài được kiến lập từ sự trao quyền của người dân thông qua một cuộc bầu cử mang tính mị dân, như trường hợp cuộc bầu cử năm 1998 đưa Hugo Chavez của Venezuela lên cầm quyền, thường không có được những nhận thức sâu sắc về sự kiện trao quyền quan trọng này.
"Một khế ước phải có hai bên tham gia, hai bên phải đặt bút ký kết"
Thậm chí những kẻ độc tài mới trỗi dậy nhờ một cuộc bầu cử mị dân như thế sẽ cảm thấy đắc ý với những chiêu thức lừa bịp dân chúng ngoạn mục của mình chứ không phải cảm thấy vinh hạnh vì được lên cầm quyền nhờ sự trao quyền nghiêm túc bằng cả ý thức và tinh thần trách nhiệm của người dân như trong chế độ dân chủ tự do thực sự. Vì thế, đối với những kẻ độc tài này, nhân dân và quyền lực xuất phát từ nhân dân chỉ là một trò cười, là một thứ để hắn ta lợi dụng.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, các chế độ hình thành từ "cướp chính quyền" như kiểu cách mà những người Cộng sản Việt Nam đã làm để lên nắm quyền, càng không nhìn nhận vai trò của sự trao quyền này bởi cái tâm thức rằng: chính quyền là do họ cướp được chứ không phải do người dân giao phó cho...Vì thế khi đã nắm được quyền lực trong tay, những kẻ chuyên quyền sẽ sử dụng quyền lực và các nguồn lực Quốc gia như thứ tài sản riêng, bất chấp lợi ích của đại đa số người dân và vận mệnh của cả dân tộc.

Ấy thế nhưng, bất cứ thực thể nào trong thế giới tồn tại được và có thể tồn tại lâu dài cũng chỉ vì nó có lý do để đảm bảo cho sự hiện hữu của mình. Thiếu đi tính chính đáng và sự chính danh thì sự tồn tại này chỉ là một chuỗi những nỗ lực bám víu khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bởi vậy, ta không ngạc nhiên khi tất cả các chế độc độc đoán đều sợ bị lật đổ. Nỗi sợ hãi này xuất phát từ bản chất bất chính của nó. Ngai vàng đặt trên sự lừa bịp, các vấn nạn xã hội, sự không cân xứng và hài hoà của các thiết chế xã hội, sự nghèo khổ và mất tự do của người dân trở thành một thứ quyền lực đáng thèm khát nhưng đầy bất hạnh của những kẻ khát quyền lực và của cải bất chính.

Bốn cô gái trẻ yêu nước và rất đẹp ấy đang đối mặt với những thách thức phi lý không cần có. Một cô đang ở trong tù, chịu sự đối xử khắc nghiệt và tàn nhẫn. Một cô đã ra khỏi tù nhưng bị quản thúc nghiêm ngặt. Một cô phải luôn luôn đương đầu với mọi rắc rối đang vây quanh, mỗi bước đi của cô đều có người theo dõi, mọi phương tiện viết lách và giao tiếp của cô đều bị tịch thu, cả gia đình cô đang đối đầu với hình phạt nặng nề về tài chính, sắp bị cưỡng chế đến nơi...

Những cô gái ấy đang rất khó khăn. Các cô không được tự do, thoải mái như các cô gái khoe mông để câu đại gia, như các cô gái ngất xỉu vì gặp được sao Hàn, như các cô gái suốt ngày chỉ biết ăn diện và đi shopping... Trong xã hội đầy nghịch cảnh như hiện nay, các cô gái trẻ có thể tự do làm mọi việc, kể cả những việc suy đồi bại hoại, 
ngoại trừ việc yêu nước theo kiểu cách của riêng mình.

Vì vậy bốn cô gái xinh đẹp, yêu nước theo cách thức của riêng mình nói trên đang bị bao vây, ngăn chận. Nhưng không vì thế mà những tia sáng chói lọi phát ra từ tâm hồn thanh cao và trí tuệ sáng rỡ của các cô không xuyên qua được bức màn u ám để mang lại sự lạc quan cho mọi người.


Tôi vẫn tin vào thế hệ trẻ Việt Nam .


Những cánh én của mùa xuân dân tộc

Tặng Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Kim Tiến

Từ trái qua: Nguyễn Thị Thanh Tuyền, bà Thái Thị Lượn và Trịnh Kim Tiến trong ngày 17/11/2011 tại Hà Nội
Một khẩu hiệu bằng chữ nổi gắn phía trên trụ sở  Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Dưới đường là ba phụ nữ đang đứng chờ công bằng, dân chủ, văn minh. 
Thật mỉa mai thay! Tôi không nghĩ ba người cố tình chọn chỗ đứng để chứng minh một hoàn cảnh tương phản của xã hội ViệtNam. Nhưng, như người ta thường nói, một tấm ảnh giá trị bằng ngàn chữ, một lần nữa họ nhắc nhở một sự thật chua chát giữa khẩu hiệu gian dối lọc lừa và thực tế đau lòng của đất nước.
Hơn bảy tháng qua, ba người phụ nữ vẫn âm thầm ôm nỗi chờ mong công lý như thế trong cô đơn, thầm lặng. Họ gồm chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền và mẹ chồng từ Bình Dương ra tận Hà Nội đòi công lý cho anh Nguyễn Công Nhựt bị công an Bến Cát đánh chết ngày 25 tháng 4 năm 2011. Và người con gái đầu còn chít khăn tang là Trịnh Kim Tiến đi tìm công lý cho cha, ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh gãy cỗ hôm 28 tháng 2/2011 và chết sau đó vào ngày 8 tháng 3/2011.
Bức hình ba người phụ nữ Việt Nam đứng trước tòa án đang gây xúc động nhiều người nhưng có thể còn lâu họ mới tìm ra công lý trên đất nước, nơi đó, công bằng, dân chủ, văn minh chỉ là khẩu hiệu.
Khẩu hiệu tuyên truyền có tại nhiều quốc gia trước cách mạng Cộng Sản Nga nhưng Lenin là người đã đưa khẩu hiệu tuyên truyền qua các hình thức văn, thơ, họa thành một bộ phận chính của nền giáo dục Cộng Sản. Chỉ trong vòng 3 năm sau cách mạng 1917, 3.600 kiểu bích chương tuyên truyền được ban hành, trung bình mỗi tuần có 20 kiểu khác nhau. Do đó, không lạ gì ViệtNam, Cu Ba và Bắc Hàn đang thừa hưởng gia tài phong phú của Lenin để lại.
Trịnh Kim Tiến, tên em gắn liền với những biến cố vui buồn của đất nước trong gần một năm qua. Dòng nước mắt em khóc cha, ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh chết, làm bao nhiêu người Việt Nam trong và ngoài nước khóc theo. Nhìn tấm hình em khóc, tôi cảm thấy thương em vô cùng vì trong giọt nước mắt của em có bóng của đời mình.
Khi em khóc cha bị Công An đánh chết
Đồng bào khóc cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh khóc cùng em
Sài Gòn khóc cùng em
Hà Nội khóc cùng em
Trong nước khóc cùng em
Ngoài nước khóc cùng em
Những giọt nước mắt chảy vào sông
Sông mỗi ngày thêm rộng
Những giọt nước mắt hòa trong biển
Biển mỗi ngày mặn hơn
Những giọt nước mắt nhỏ trên cánh đồng khô
Đất mỗi ngày thêm màu mỡ.
Có dân tộc nào trên trái đất này
Lịch sử được đong bằng nước mắt
Nguyễn Trải khóc cha bên ải Nam Quan
Đặng Dung khóc cha trước khi trầm mình xuống biển
Người con gái của anh Ngụy Văn Thà khóc cha ngã xuống ở Hoàng Sa
Người con gái của anh Trần Đức Thông khóc cha ngã xuống ở Trường Sa
Những người mang trên lưng nhiều quá khứ
Nhưng hy sinh vì một tương lai.
(Bài thơ cho người con gái xuống đường, thơ Trần Trung Đạo)
Vài tuần sau, nhìn Kim Tiến mỉm cười cùng các bạn hiên ngang đi giữa lòng chế độc tài, lòng tôi chợt dâng lên niềm hãnh diện:
Khi em xuống đường vì Hoàng Sa,Trường Sa
Đồng bào bước cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh bước cùng em
Sài Gòn bước cùng em
Hà Nội bước cùng em
Trong nước bước cùng em
Ngoài nước bước cùng em
Có dân tộc nào trên thế giới này
Lịch sử được đo bằng những đôi chân bước
Từ chiếc khố che thân với hai bàn chân rỉ máu
Cuộc hành trình gian nan về phương nam của tổ tiên hơn bốn ngàn năm.
(Bài thơ cho người con gái xuống đường, thơ Trần Trung Đạo)

Ba con én của mùa xuân Dân tộc (từ trái qua): Minh Hạnh, Thục Vy và Kim Tiến.
Tuổi trẻ Việt Nam thế hệ của những người như Trịnh Kim Tiến, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh ThụcVy là  thế hệ không may mắn. Các em sinh ra đời, giống như những khán giả vừa bước vào nhà hát khi vở thảm kịch quê hương đã diễn ra từ lâu lắm. Các em loay hoay, quờ quạng, cố đi tìm một chỗ đứng cho mình trong bóng đêm dày đặc. Trong ý thức các em là những câu hỏi nhưng rất ít câu trả lời. Nhìn quanh, đoàn người ngày ngày vẫn nối đuôi nhau đi theo số phận mịt mờ. Đám mây đen Cộng Sản đã che khuất đi những buổi trưa nắng vàng rực rỡ của tuổi thơ, tuổi học đường, tuổi được hấp thụ và nuôi dưỡng trong dòng sữa văn hóa dân tộc trong sáng, thuần khiết, bằng những câu ca dao, bằng những chuyện cổ tích, bằng những bài sử ca hào hùng của giòng giống Lạc Long.
Nhưng bất cứ thời đại nào, dù khó khăn đến đâu, dòng văn hóa dân tộc, khi mãnh liệt, lúc âm thầm, vẫn tiếp tục truyền đi từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Trần Bình Trọng dòng dõi vương hầu, Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt bên đường, Trần Khánh Dư bị cách chức phải bán than kiếm sống. Họ đến với cuộc đời từ nhiều ngả khác nhau nhưng cùng ôm ấp một tình yêu giống nhau dành cho đất nước và khi chuyến tàu lịch sử đến ga, họ không hẹn đã bước lên đi làm lịch sử và cùng nhau viết nên chương kháng Nguyên lần thứ hai lừng lẫy. Trần Bình Trọng, danh tướng nhà Trần đã để lại đời sau câu nói hiễn hách “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Chúng ta thường nghĩ đến Bảo Nghĩa Vương như một bậc võ tướng tài ba nhưng thường không để ý một điều, trước hết Trần Bình Trọng là một thanh niên rất trẻ. Vị Anh hùng dân tộc, người tử thủ vị trí yết hầu Đa Mạc chiến lược, đã bị bắt và bị giết khi chỉ mới 26 tuổi, bằng tuổi của Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh ThụcVy bây giờ.
Giống như bao nhiêu thế hệ trước, tuổi trẻ hôm nay cũng là sức sống của dân tộc, tuổi của tìm tòi và khai phá. Những ưu tư về đất nước, những hổ thẹn xót xa khi nhìn sang thế giới hiện đại bên ngoài so sánh với một ViệtNamnghèo nàn lạc hậu đã buộc các em chọn cho mình một thái độ, một hướng đi đích thực và cụ thể để gánh vác trách nhiệm lịch sử.
Đỗ Thị Minh Hạnh đã chọn lựa đứng lên để đi cùng dân tộc, sống với nỗi đau của dân tộc và dâng hiến đời mình để làm cánh én cho mùa xuân dân tộc.
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về.
(Bài thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh, thơ Trần Trung Đạo)
Sức bật, sức mạnh, sức phản kháng từ các em, không chỉ xuất phát từ nhận thức chính trị hay hiểu biết về tự do dân chủ mà thôi nhưng phát xuất từ cội nguồn sâu xa của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Tôi tin rằng cuộc chiến cuối cùng giữa dân tộc tự do và Cộng Sản độc tài cũng sẽ diễn ra trên mặt trận văn hóa.
Lịch sử mang tính kế tục nhưng đồng thời cũng mang tính thời đại. Mỗi thế hệ có trách nhiệm để hoàn thành những gì lịch sử giao phó cho thời đại của họ nhưng dù không hoàn thành, ngọn đuốc lịch sử vẫn phải được chuyển sang bàn tay thế hệ khác. Nhìn lại quá khứ không phải để rồi trách cứ cha mẹ ông bà, để đổ thừa cho tổ tiên nhưng là để chiêm nghiệm một cách trân trọng những bước chân của người đi trước. Học từ quá khứ không phải để rồi khư khư ôm lấy quá khứ, sống trong quá khứ, nhưng để biết dung hợp một cách hài hòa giữa văn hóa Việt Nam dân tộc nhân bản và văn minh thế giới hiện đại, phù hợp với nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, không phải chỉ cho chúng ta, cho con cháu chúng ta, mà còn cho nhiều thế hệ xa hơn tương lai.
Trong lúc khoa học kỹ thuật còn có thể học được ở người khác, học được từ nước khác, ngay cả có thể thuê mướn người khác làm thay cho mình,  phục hồi tinh hoa dân tộc là trách nhiệm vô cùng cấp bách và khẩn thiết của chính người Việt Nam. Chính thế hệ trẻ hôm nay phải là người gánh vác trách nhiệm đó chứ không thể cầu cạnh ai, nhờ vả hay thuê mướn ai. Mọi sự cầu cạnh, dù vật chất hay tinh thần đều dẫn đến mất quyền tự chủ. Mất quyền tự chủ sẽ dẫn đến mất nước. Lịch sử đã chứng minh điều đó nhiều lần.
Đã qua rồi thời đại của anh hùng cá nhân, minh quân, minh chủ. Ngày nay, mỗi cá nhân là một tập hợp thu hẹp chứa đựng các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp và phụ thuộc vào nhau của cộng đồng xã hội, dân tộc và nhân loại. Chính các em, chứ không ai khác sẽ là những lãnh đạo, những minh quân của thời đại mình.
Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?
(Bài thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh, thơ Trần Trung Đạo)
Hôm 8 tháng 11 vừa qua, gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, gồm chính anh, con gái Huỳnh Thục Vy và con trai Huỳnh Trọng Hiếu, đã bị hàng trăm công an Quảng Nam đến lục soát và tịch thu tất cả computers, máy in và các dụng cụ internet. Buổi chiều cùng ngày công an cũng đã giữ anh Tuấn và con trai anh, cháu Huỳnh Trọng Hiếu, nhiều giờ. Hiện nay gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn đang sống bất an trong căn nhà chật hẹp ở Tam Kỳ.
Năm 1992, anh Huỳnh Ngọc Tuấn bị tù 10 năm và 3 năm quản chế chỉ vì viết những truyện ngắn phản ảnh những bất công trong xã hội Việt Nam. Con trai anh, cháu Huỳnh Trọng Hiếu, sinh năm 1988, là tác giả của những bài viết có tính thời sự được phổ biến rộng rãi trên các mạng internet. Tuy nhiên, con gái anh, cháu Huỳnh Thục Vy là cây bút lý luận xuất sắc nhất.
Thục Vy sinh năm 1985 tại Tam Kỳ. Tình yêu quê hương và nỗi đau mười năm tuổi thơ là những ngày đi thăm cha trong tù, đã hun đúc tâm hồn của cô bé xinh đẹp, hồn nhiên lớn lên bên giòng sông Bàn Thạch, Quảng Nam thành một nhà lý luận chính trị vững vàng. Kiến thức Thục Vy dẫn chứng trong các bài viết vượt trội hơn tuổi tác và điều kiện trưởng thành thiếu thông tin bên ngoài mà em đã phải trải qua.
Sinh ra và lớn lên trong một chế độ độc tài, một nền giáo dục ngu dân lạc hậu, cây bút Huỳnh Thục Vy nổi bật như một bông hoa hiếm hoi mọc lên giữa rừng gai nhọn. Có thể nhiều khi em cũng cảm thấy cô đơn, nhưng từ trong nỗi cô đơn đó đã sáng lên niềm kiêu hãnh.
Trong hai năm qua, những bài viết  lý luận sâu sắc của  Thục Vy về hiến pháp, nhân quyền, dân chủ, cách mạng v.v.. thu hút nhiều  ngàn độc giả trong cũng như ngoài nước. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã dùng nhiều biện pháp, đe dọa có và  thuyết phục cũng có, để em ngưng viết. Tuy nhiên,  ngòi bút của Thục Vy không mềm đi vì những lời đường mật ngọt ngào hay cong đi trước các hành động trấn áp bất nhân.
Với bản chất của chế độ này, thật không thể biết những gì sẽ đến với gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn và hai con của anh. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc, cho dù công an tịch thu tất cả trang thiết bị trong gia đình Thục Vy hay thậm chí tù đày, họ sẽ không bao giờ chiếm đoạt được lòng yêu nước hay khuất phục được ngòi bút của em. Như Phùng Quán có lần đã viết “Bút giấy tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá”, Thục Vy có thể sẽ làm như thế. Huỳnh Thục Vy không chỉ là niềm vui của tuổi trẻ ViệtNam  mà còn cho tất cả những ai đang nặng lòng với đất nước.
Hành động trấn áp ngày 8 tháng 11 mới đây đối với gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn là biện pháp quen thuộc của một chế độ chuyên dùng bạo lực để đàn áp những tiếng nói trung thực và khát vọng tự do dân chủ của người dân. Nhưng lịch sử nhân loại, từ Julius Caesar hơn 200 năm trước Tây Lịch cho đến Moammar Kadafi chưa đầy một tháng, đã cho thấy rằng, một chế độ chỉ tồn tại bằng bạo lực, sớm hay muộn sẽ sụp đổ trước sức mạnh của nhân dân.
Tết dân tộc sắp trở về . Nơi tôi ở trời đang vào đông. Mùa xuân ở đây không có mai và cũng chẳng có én, nhưng trong lòng vẫn nghe rộn ràng một niềm vui vì biết ở một nơi xa, trên quê hương cách trở, những cánh én Đỗ Thị Minh Hạnh, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy đang báo hiệu một mùa xuân của tình người và tình dân tộc như Huỳnh Thục Vy đã viết:
Mùa xuân là mùa của tình yêu thương và tuổi trẻ, của nhiêt huyết và hi vọng. Tôi thương dân tộc tôi-dân tộc anh hùng có bốn ngàn năm Văn hiến đã và đang phải gò lưng nuôi cả một chế độ độc tài bất công, không những thế lại bị tước hết các quyền tự do được sống như những con người chân chính và có ý chí. Trong tình yêu thương ấy, với nhiệt huyết trào dâng trong lòng một cô gái trẻ, tôi đang mơ một ngày cả nước Việt Nam từ Hà Nội, Đà Nẵng , Sài Gòn, tất cả chúng ta-những người Việt Nam không phân biệt già trẻ,  nam nữ,  Phật giáo đồ hay con Chúa… cùng xuống đường trong những khẩu hiệu chống độc tài, tham những, đòi quyền tự do dân chủ. Và rồi sẽ cùng nhau kiến tạo một Việt Nam với diện mạo mới”.
Và giờ này trong một nhà tù ở Hàm Tân, Bình Thuận, một cô gái Việt khác, Đỗ Thị Minh Hạnh, cũng đang thầm nói “tôi thương dân tộc tôi” và đang mơ về một Việt Nam mới, nơi đó sẽ không có những nông dân bị mất đất, không có những người thợ bị rẻ khinh, không còn những mái đầu bị cướp đi tuổi thơ ngà ngọc.
Em bước vào tù khi tuổi mới hai mươi
Tuổi đẹp nhất của thời con gái
Bên ngoài trại giam, mùa xuân đang qua và không trở lại
Nhưng trong trái tim em, xuân mãi mãi không tàn
Hạnh phúc của em là hạnh phúc của dân oan
Của những con người không có quyền được nói
Niềm vui của em là niềm vui của đàn em thơ mới lớn
Của những mái đầu bị xóa mất màu xanh.
(Bài thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh, thơ Trần Trung Đạo)
Sức sống của một dân tộc hôm nay như một dòng sông chảy ngầm trong lòng đất, chảy trong kiên nhẫn, chịu đựng, gian nan, tức tưởi. Nhưng vẫn chảy. Trịnh Kim Tiến, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy đến từ các miền khác nhau, không hẹn hò và có thể chưa biết nhau trước đó, nhưng khi chuyến tàu lịch sử dừng lại bên sân ga thế hệ, các em đã chọn bước lên như hai ngàn năm trước hai người phụ nữ đất Mê Linh chọn lựa. Và các em, bè bạn các em, thế hệ các em chứ không ai khác sẽ là những người tìm ra công lý, dân chủ, văn minh đích thực cho dân tộc Việt Nam.■
© Trần Trung Đạo
———————————————————————————————–
Tác giả Trần Trung Đạo, hiện sống ở Boston (Hoa Kỳ), là một người cầm bút được rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước biết đến qua những bài chính luận và thơ sâu sắc và đầy cảm xúc trên rất nhiều diễn đàn, đặc biệt là trang wesite Talawas và Đàn Chim Việt.  Một số bài của anh đã được tập hợp trong cuốn sách “Khi bài hát trở về” do Nhà xuất bản Điếu Cày (DieuCayBooks) in trong nước (vượt qua kiểm duyệt) năm 2009, được nhiều bạn trẻ yêu thích. Bài viết trên đây được tác giả gửi trực tiếp cho Đàn Chim Việt..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét