Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Chỉ có hai người

Phạm Đình Trọng
Chia sẻ bài viết này

Đang chạy xe máy trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, tôi nhận được cuộc gọi của anh Lê Phú Khải: Chúng nó nhấn nút thông qua Hiến pháp rồi. Về nhà bật máy tính, vào mạng VNXPRESS: “Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi. 10h sáng nay, với 97% đại biểu tán thành, toàn văn dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua...” Mặc dù đã biết trước kết quả này nhưng tôi vẫn buồn rũ. Buồn như có người thân bị bệnh hiểm nghèo biết rằng không thể cứu chữa nhưng khi điều xấu nhất đến vẫn bàng hoàng, buồn rũ! Bữa trưa ăn muộn không muốn ăn.
“Với 486 đại biểu tán thành trong tồng số 488 đại biểu có mặt (chiếm 97%), hai đại biểu không biểu quyết”. Trong đám người được gọi là “đại biểu Quốc hội” chỉ có hai người là người Việt Nam chân chính. Chỉ có hai người còn biết đến Nhân Dân đau khổ bị mất đất, mất tự do, mất quyền làm người, mất quyền công dân vì bản Hiến pháp này. Chỉ có hai người còn biết đến đất nước càng tan hoang, càng bị các nhóm lợi ích bất lương chia nhau tàn phá, xâu xé, bòn rút, vơ vét mà không có một chút trách nhiệm với mảnh đất thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt của cha ông, không có một chút trách nhiệm với các thế hệ mai sau vì bản Hiến pháp này. Chỉ có hai người còn biết đến lịch sử. Lịch sử sẽ nghiêm khắc lên án bản Hiến pháp phản dân tộc Việt Nam, làm nguy khốn đất nước Việt Nam, làm li tán giống nòi Việt Nam, kìm hãm sự phát triển của đất nước Việt Nam. Chỉ có hai người còn biết đến sự phán xét nghiêm khắc, công bằng của lịch sử, của chính con cháu họ ở các thế hệ mai sau đối với sự biểu quyết của họ hôm nay. Vì thế chỉ có hai người không biểu quyết.
Còn 486 người bấm nút tán thành Hiến pháp này đã tự thú với Nhân Dân rằng: Không, họ không phải là đại biểu của Nhân Dân. Họ chỉ là công cụ bấm nút theo sự cài đặt của đảng mà thôi. Nhân Dân bao dung, độ lượng sẽ tha thứ cho họ. Nhưng lịch sử vốn công bằng và nghiêm khắc sẽ không tha thứ. Cũng như lịch sử sẽ không tha thứ cho những người đã thỏa hiệp với nước ngoài chia đôi đất nước Việt Nam, chia đôi dân tộc Việt Nam, đẩy hai nửa dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến nồi da xáo thịt dằng dặc hai mươi năm trời. Lịch sử không tha thứ cho những kẻ gây ra cuộc phân chia đẳng cấp, tàn sát dân tộc Việt Nam, hủy diệt văn hóa đạo lí Việt Nam trong cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, trong vụ nhân văn giai phẩm độc ác, trong vụ án xét lại man rợ trung cổ.
Với bản Hiến pháp này, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ càng ngạo mạn coi thường Nhân Dân, càng đi sâu vào con đường chống Nhân Dân, càng tiếp tục dựng lên các vụ án chống Nhân Dân như vụ Đỗ Minh Hạnh, vụ Cù Huy Hà Vũ, vụ Trần Huỳnh Duy Thức, vụ Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, vụ Lê Quốc Quân... Nhân Dân càng lầm than. Dân tộc càng li tán. Đất nước càng bất ổn, trì trệ, càng lạc lõng phía sau loài người văn minh.
* * *
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú: Ủa, sao lạ vậy. Theo báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới đây (ghi ngày 17-10-2013) tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thì:
- Có 88/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 nêu rõ các thành phần kinh tế và vai trò của từng thành phần kinh tế như đã ghi trong Cương lĩnh;
- Có 145/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 2 quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng cần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước;
- Có 158/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 3 quy định khái quát mà không quy định cụ thể vai trò của thành phần kinh tế để vừa thể hiện được nội dung Cương lĩnh, vừa phù hợp với tính chất và cách thể hiện của Hiến pháp.
Nói cách khác, khi được hỏi ý kiến (ghi phiếu đàng hoàng à nghe) thì đa số đại biểu nói là không nên quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Nhưng nay khi bỏ phiếu thông qua Hiến pháp thì gần như tất cả đều đồng ý với nội dung “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Cái này chưa hiểu vì sao 158 vị này thay đổi ý kiến nhanh thế?
Cuối năm tôi thường đọc lướt qua chồng báo của cả năm để cảm nhận được những vấn đề chính của năm đó. Thật bất ngờ khi đọc lại thấy tin lớn nhất của tuần lễ đầu tiên của năm 2013 là gì, các bạn biết không? Đó là dự thảo Hiến pháp mới nhất (lúc đó) không còn quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nữa.
Vì sao đến cuối năm lúc Hiến pháp sắp sửa được thông qua người ta lại quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo? Đó là câu chuyện hấp dẫn của năm nay mà có lẽ vài ba năm nữa mới được tiết lộ đầy đủ.
Vấn đề là bây giờ dường như mọi người không còn quan tâm nữa. Ai ưa nói gì thì nói. Chẳng hạn một ông “chuyên gia kinh tế” nói như thế này mà cũng chẳng có ai thèm phản ứng mảy may: “Về nội hàm thống kê nhà nước, Kinh tế nhà nước bao gồm:…. các đơn vị tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội như Đảng Cộng sản VN, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc; Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, như: Liên minh HTX, Hội nhà văn, Hội điện ảnh, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội nhà báo, Hội sân khấu, Hội luật gia...”
Hì hì. Đúng là ai ưa nói gì thì nói. Và có lẽ cũng không ai quan tâm ông “chuyên gia kinh tế” này là ai nữa.
Thêm nữa: Trong số 25 thành viên Chính phủ được lấy ý kiến về một số vấn đề của Hiến pháp (các thành viên này đồng thời là đại biểu Quốc hội, có tên tuổi đầy đủ) thì:
-24/25 vị không đồng ý quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Nay cả 24 vị này đều đổi ý.
-12/25 vị không nhất trí với quy định thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế và đề nghị chỉ thu hồi đất “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Nay 12 vị này cũng đổi ý luôn.
Đây là tài liệu công khai trên trang duthaoonline.quochoi.vn chứ không có gì gọi là nhạy cảm cả nhé.
* * *
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang: Một trong các đặc điểm giúp ta dễ nhận ra độc tài nhất, đó là tỷ lệ người đi bầu và tỷ lệ bỏ phiếu tán thành chủ trương chính sách bao giờ cũng cao thật là cao.
Độc tài đúng là rất thích các con số, thích lượng hóa, kiểu như “ba phe, bốn mâu thuẫn”, “năm dòng thác cách mạng”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, v.v. Độc tài cũng thích những con số thống kê có lợi cho họ, tức là phải rất cao, ít nhất là trên 90%, còn thì càng gần sát mức tuyệt đối càng tốt.
Năm 1973, Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines tuyên bố thông qua Hiến pháp mới với tỷ lệ 95% đại biểu Hội đồng Nhân dân ủng hộ. Cũng năm đó, Philippines tiến hành trưng cầu dân ý với câu hỏi “có muốn Tổng thống Marcos tiếp tục tại vị không”, và 90,67% câu trả lời là có.
Năm 1979, cuộc trưng cầu dân ý của Giáo chủ Khomeini ở Iran thu được kết quả 98% người bỏ phiếu tán thành việc xây dựng nước cộng hòa Hồi giáo Iran.
Năm 2002, Tổng thống Iraq Saddam Hussein được 100% phiếu bầu.
Năm 2012 Tổng thống Turkmenistan Berdimuhamedov tái đắc cử với tỷ lệ 97% số phiếu ủng hộ. Năm 1992, người tiền nhiệm của ông này, Niyazov, còn được “tín nhiệm” cao hơn thế nữa: 99,5%.
Anh em nhà Tổng thống Cuba, Fidel và Raul Castro, thường xuyên được 99% phiếu bầu.
Các cuộc bầu cử ở Liên Xô ngày trước, tỷ lệ trúng cử của các đảng viên vào các soviet địa phương trung bình là 99%.
Và hôm nay, 28/11/2013, là ngày Quốc hội Việt Nam (với 95% thành viên là đảng viên cộng sản, số còn lại là không tham gia đảng phái nào hoặc (có lẽ) sắp được kết nạp vào Đảng Cộng sản) bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi với kết quả như trong hình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét