Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Động binh, tịnh dân

Huy Đức
Chia sẻ bài viết này
Tôi không có ý kiến gì về việc các nhà lập pháp định cho trai tráng được đóng tiền thi hành nghĩa vụ quân sự thay cho nhập ngũ. Tôi cũng không phản đối quan điểm coi việc thi hành nghĩa vụ quân sự là nhằm để xây dựng "quốc phòng toàn dân". Nhưng tôi cho rằng, khi đất nước không còn "ngoại xâm" mà vẫn tổ chức bộ máy quốc phòng theo mô hình "chiến tranh nhân dân" thì không thể nào xây dựng Luật nghĩa vụ quân sự đúng đắn và phù hợp.
Cho dù "chiến tranh xâm lược" trong tương lai chắc chắn sẽ không còn diễn ra như thời người Pháp, người Mỹ tham chiến ở Việt Nam, "chiến tranh nhân dân" vẫn có vai trò trong điều kiện một quốc gia bị quân đội nước ngoài chiếm đóng. "Muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh". Nhưng, chuẩn bị cho chiến tranh không có nghĩa là tổ chức bộ máy quốc phòng giống như đất nước đang ở giữa hòn tên mũi đạn.
Chiến tranh đã lùi xa một phần tư thế kỷ, bộ máy quốc phòng vẫn được tổ chức không khác gì thời chống Mỹ, trên có quân khu, tỉnh đội; dưới có huyện đội, xã đội. Không ai dám đặt vấn đề về tính thích hợp của mô hình này bởi chủ trương xây dựng "quốc phòng toàn dân" là theo đường lối" chiến tranh nhân dân" của Đảng (tôi không nói đến những đặc quyền khác).
Việc duy trì một lực lượng quân sự địa phương với một lực lượng lớn dân binh như vậy không những làm phân tán nguồn lực, hạn chế khả năng hiện đại hóa lực lượng chính quy, mà còn làm suy yếu khả năng chiến tranh nhân dân trong điều kiện xảy ra chiến tranh xâm lược.
Chiến tranh xâm lược (toàn cục) hiện chưa phải là một nguy cơ gần. Trong điều kiện đó, một quốc gia khôn ngoan cần chuyên nghiệp hóa lực lượng chính quy đồng thời tổ chức huấn luyện để trai tráng biết cầm súng khi xảy ra chiến tranh thực sự.
Lực lượng chính quy, với một quốc gia như Việt nam, bên cạnh hải quân, không quân - được tổ chức sao cho đảm bảo giữ gìn toàn vẹn biển đảo - nên tổ chức thành các sư đoàn độc lập và các quân đoàn chủ lực. Nguồn nhân lực cho lực lượng chính quy này được tuyển dụng dựa trên cơ sở tự nguyện. Binh nghiệp trở thành một nghề, một sự nghiệp của công dân.
Tất cả trai tráng còn lại, trong độ tuổi từ 18-25, bị buộc phải thi hành "nghĩa vụ huấn luyện quân sự". Họ được quyền sắp xếp thời gian thích hợp để đăng ký các lớp huấn luyện, có thể kéo dài tới 6 tuần, sao cho không ảnh hưởng đến việc học hành, làm việc của mình. Hết tuổi 25, ai chưa đăng ký sẽ bị phạt và bị cưỡng bức đưa đi huấn luyện.
Từ các khóa huấn luyện trở về, thanh niên phải đăng ký vào các sư đoàn quân dự bị được "biên chế" ở các tỉnh, thành. Chuyển sang tỉnh khác thì phải thông báo cho sư đoàn dự bị ở nơi mới biết. Sau khi đăng ký, họ có quyền trở về nhà làm ăn, sinh sống. "Động binh, tịnh dân".
Cách tổ chức bộ máy quốc phòng như vậy vừa giúp quốc gia khai thác nguồn nhân lực khoa học. Những người có khả năng cống hiến tốt hơn trên những lĩnh vực kinh tế, văn hóa... không bị giữ quá lâu trong các doanh trại. Những người yêu đời lính có thể coi đó là sự nghiệp của cuộc đời mình. Những người lính thiện chiến không phải rời cây súng sau khi làm xong nghĩa vụ. Cách tổ chức như vậy vừa giúp xây dựng hình ảnh "anh bộ đội" mạnh mẽ, đáng tin cậy, vừa giúp quốc gia có được một khả năng vận hành chiến tranh nhân dân hiệu quả hơn mà, trong thời bình, không phải duy trìmột lực lượng dân binh nhếch nhác và tốn kém.
Làm chính sách quốc phòng thì trước hết phải nghĩ đến từng tấc đất của tiền nhân và sinh mạng của nhân dân. Làm chính sách quốc phòng mà chỉ tìm kiếm sự trung thành rồi cho cát cứ, rồi "ban sao", "đẻ ghế", thì chẳng những bỗng lộc cá nhân cũng không được hưởng lâu bền mà lãnh thổ quốc gia cũng khó lòng giữ vẹn.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú: Tôi rất dị ứng với lối lập luận theo kiểu cả vú lấp miệng em “nhiều nước khác cũng làm vậy”. Người đưa ra lập luận kiểu này thường không dẫn chứng gì cả nên rất khó kiểm chứng và cũng rất khó phản bác.
Nói chuyện sửa Luật Nghĩa vụ quân sự để tính tới việc cho phép đóng một khoản tiền thay vì thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng “Tham khảo nhiều nước trên thế giới, chúng tôi thấy họ làm thế và có hiệu quả, người dân hài lòng” (NLĐ).
Nghe lập luận đóng tiền để khỏi đi nghĩa vụ quân sự là đã thấy mùi tiền, mùi bất công, mùi con ông cháu cha nấp đằng sau, đẩy con em nông dân nghèo ra phía trước. Nhưng có thể nhiều người tin theo ông Nhã rằng nhiều nước trên thế giới làm thế! Làm sao đọc luật từng nước của hàng trăm nước trên thế giới để kiểm chứng lời ông này?
Nhưng chỉ cần research sơ là thấy ngay bức tranh tổng thể. Nhìn chung các nước trên thế giới hoặc có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc hoặc không có (dựa vào tình nguyện) (như Mỹ, Canada, Úc...). Số nước của hai bên coi như bằng nhau (từ cần tìm là conscription). Trong các nước áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc, một số rất ít là có áp dụng nghĩa vụ thay thế (từ cần tìm là alternative service). Trong số ít nước áp dụng nghĩa vụ thay thế thì đa phần là các dạng phục vụ dân sự như tình nguyện làm việc tại bệnh viện, nhà dưỡng lão. Chưa thấy nơi nào dùng nghĩa vụ thay thế là tiền cả (chưa tìm ra, trừ nước Mỹ... thời kỳ nội chiến!). Vậy có thể tạm thời kết luận ông Nhã nói “nhiều nước” là nói lấy được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét