Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Ngoại giao “sừng tê giác, nhân quyền và tiền mặt”

Hiệu Minh
Chia sẻ bài viết này



Đại sứ Nguyễn Thế Cường (ngồi thứ 2 từ phải sang). Ảnh: ĐSQVN tại Thổ Nhĩ Kỳ
Cuối cùng thì phía VN đã lên tiếng sau vài ngày rì rầm về tin từ Bild.de nói rằng, đại sứ VN tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Nguyễn Thế Cường, đi qua Frankfurt bị câu lưu do mang 20.000 euro không khai báo. Ông Cường đã đóng tiền phạt thế chân 3500 euro và đã được thả.
Thú thật, mới nghe một vị đại sứ tên “Cường” tôi rất hoảng, bởi đại sứ VN tại Washington DC là Nguyễn Quốc Cường, người mà tôi từng viết bài về thế hệ ngoại giao trẻ (Kỷ niệm 2-9 tại DC), năng động dưới thời Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Tuy thế, đại sứ Nguyễn Thế Cường ở Thổ Nhĩ Kỳ bị vướng vào chuyện không hay cũng làm tôi rất buồn.
Mang tiền về cứu trợ không phải là trách nhiệm của đích thân đại sứ. Ngân hàng Việt Nam và nước ngoài có thể giúp chuyển khoản một cách dễ dàng, nếu chứng minh với nước sở tại, đây là nguồn tiền đóng góp cho mục đích nhân đạo.
Càng không nên mang tiền hộ cho cán bộ công nhân viên dưới quyền, đó là điều tối kỵ của một người làm sếp. Đó là chưa nói về lương tối thiểu của cán bộ, nhân viên công tác tại các sứ quán thường rất ít. Người ta sẽ tự hỏi về số tiền “tiết kiệm” kia và tạo ra nghi ngờ không cần thiết.
Mang tiền mặt là thói quen của người Việt, từ nông dân đến bậc đại sứ hay cao hơn nữa. Tuy nhiên, mang một số lượng tới 20 ngàn euro tiền mặt đi qua biên giới nhiều nước là rất lớn và nguy hiểm đối với va li của nhà ngoại giao. Ngoài chuyện phạm luật, nếu kẻ xấu biết được thì tính mạng sẽ bị đe dọa.
Đã lên đến hàm đại sứ thì nên hiểu thông lệ quốc tế về chuyện mang tiền mặt và cả luật miễn trừ ngoại giao. Không phải cứ có hộ chiếu ngoại giao là không bị rờ tới. Nếu phía câu lưu chứng minh là anh phạm lỗi thì không có hộ chiếu nào bảo vệ nổi.
Biết bao nhiêu vụ đã xảy ra, nhất là thời hộ chiếu đỏ ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng vì hải quan nước bạn thời đó “đói ăn vụng, túng làm liều” nên các vị thường qua trót lọt.
Khi hội nhập với thế giới, việc mang đồ cấm như số tiền mặt quá qui định dưới hộ chiếu ngoại giao sẽ khác nhiều. Hải quan, truyền thông các nước văn minh sẽ không cho qua những chuyện này. Một vị trong tòa đại sứ bị quay video buôn sừng tê giác Nam Phi là một ví dụ.
Mỗi lần thế giới nhắc nhở Việt Nam về nhân quyền thường được phía ta giải thích về sự khác biệt quan niệm mang tính phổ quát theo cách của mình. Tuy nhiên, khi sờ đến vấn đề cụ thể như hàng cấm trong va li ngoại giao, hàng chục ngàn euro tiền mặt, quả thật rất khó mà nói Việt Nam có cách hiểu khác người.
Rất mong Bộ Ngoại giao Việt nam, các tòa đại sứ VN trên thế giới nên lấy đây làm bài học. Đừng để thế giới nghĩ đến ngoại giao Việt nam là nhớ đến sừng tê giác, tiền mặt hay những sự cố khác, làm hoen ố hình ảnh của quốc gia.

HM. 23-12-2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét