Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Hãy hiểu đúng Tây Du Ký


Tay không xin kinh thì chỉ có đề mục bên ngoài mà không có chữ bên trong, nói theo kiểu @ thời nay là: Phờ-ri (free) chỉ có đề-mô (demo) Muốn phun-vờ-zấn (full version) phải bo thêm tiền ... Dâng đến cả "cần câu cơm" của mình, để đổi lấy tri thức chính là thể hiện lòng chân thành tột bậc, nhờ đó mới có được tri thức đầy đủ.
Chia sẻ bài viết này
Tây Du Ký là một tác phẩm diệu kỳ, nhìn chung ai đọc cũng thấy hay cho dù là cụ già hay em nhỏ, trí thức hiểu sâu hay người thường hiểu gọn ... nhưng chịu khó đọc cho kỹ thì mỗi lần đọc sẽ thấy thêm nhiều điều mới, như là phi cơ phá vỡ từng giới hạn tốc độ vậy. Thật là:
Diệu kỳ tranh ở trong tranh
Ngọc ẩn trong đá, trời xanh trên trời
Nhân chuyện có vị lãnh đạo có tiếng là học rộng hiểu sâu, buông ra câu bình luận đại ý là "Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ,", rồi có một số ý kiến khác cũng bàn ra tán vào, tôi thấy có lẽ cũng nên có vài ý kiến nhỏ.
* * *
Trước hết, phải làm rõ là tại sao Phật không mang thẳng kinh thư sang Đông Thổ mà lại bắt thày trò Đường Tăng phải chịu gian khổ trần gian trèo đèo lội suối sang Tây Trúc thỉnh kinh? Bởi vì "trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một ... thử". Phải trải qua thực tế mới thấu rõ thực tế, tức là mới giác ngộ (giác ngộ là thành Phật). Cho nên, mỗi nạn là mỗi bậc thang dẫn đến đỉnh cao giác ngộ, tổng số có 81 nạn, cũng là những lẽ thường tình ở đời.
Vậy cái nạn kinh không chữ dạy cho thày trò Đường Tăng những điều gì?
Thứ nhất: Quá tin tưởng Phật nên nhận kinh thư mà không kiểm tra, ấy là cả tin mà thành sơ suất. Ở đời, giao nhận bất cứ cái gì tất tật đều phải kiểm tra cẩn thận, không nên cả tin bất kỳ ai.
Thứ hai: Đây là điểm quan trọng nhất của nạn này. Kinh Phật là sản phẩm trí tuệ vô giá, nhưng sản phẩm vô giá ấy không tự nhiên mà có, cho nên Như Lai mới bảo "giảng kinh lấy có ba đấu vàng, ta bảo rẻ quá, con cháu đời sau lấy gì mà sống?" và vị Phật giao kinh cũng nói "ai đến cũng chỉ lấy kinh mang đi thì Phật lấy gì mà ăn, lấy gì để sống?". Tay không xin kinh thì chỉ có đề mục bên ngoài mà không có chữ bên trong, nói theo kiểu @ thời nay là:
Phờ-ri (free) chỉ có đề-mô (dermo)
Muốn phun-vờ-zấn (full version) phải bo thêm tiền
Nhà khoa học, nhà phát minh, nhà văn, nhà thơ ... làm ra sản phẩm gì cũng chỉ biếu không cho người khác, tặng không cho xã hội thì họ sống bằng gì? Lấy gì nuôi gia đình và vợ con?
Cái bát vàng không thể sánh bằng giá trị của kinh thư nhưng đấy là của cải quý nhất của Đường Tăng, do vua ban (như là biểu tượng của giàu sang danh vọng), quan trọng thiết thực đối với đoàn thỉnh kinh (Bát Giới có nói "cái bát vàng ấy là đồ để xin ăn, cho đi thì lấy gì quyên thực?"). Dâng đến cả "cần câu cơm" của mình, để đổi lấy tri thức chính là thể hiện lòng chân thành tột bậc, nhờ đó mới có được tri thức đầy đủ. Ngày nay, trong các cơ quan nghiên cứu của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thường đối xử theo kiểu "cụ Chính (trị), ông Tham (mưu), bác Hậu (hậu cần - tài chính), thằng Kỹ (thuật)" thì lấy đâu ra sản phẩm, công trình nghiên cứu nghiêm túc có ý nghĩa khoa học và dùng được trong thực tế??? chỉ có tên hay như nghị quyết mà thôi.
Thứ ba: Mặc dù kinh thư không có chữ ở bên trong nhưng cũng vẫn là chân kinh (kinh thật). Như Lai có bảo đại ý là "Đông Thổ, dân còn chưa sáng, dùng kinh ấy cũng là tốt, cũng giáo hóa được". Trước đó, Đường Tăng liệt kê để xin rất nhiều sách kinh, nhưng sau khi đã ngộ ra thì số lượng sách kinh trình xin giảm đi rất nhiều.
Khi dân trí còn thấp, không nên tuyên truyền dài dòng sâu sa, nên nói ngắn gọn, thiết thực. Ví như học sinh tiểu học thì chỉ cần nhớ công thức và biết cách tính diện tích hình tròn là đủ. Còn vì sao lại thế, tại sao lại thế thì dần dần về sau sẽ học thêm.
Thêm nữa, tiền ít (mỗi cái bát vàng) thì cũng không nên tham nhiều, chỉ chọn lấy những thứ quan trọng nhất, thiết thực nhất. Vốn không nhiều mà đầu tư dàn trải, cái gì cũng muốn có, cái gì cũng thích làm thì liệu có thành công không???
* * *
Điều hơi buồn là một vị lãnh đạo có tiếng tài cao học rộng, từng trải đời, đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng đáng tiếc là không hiểu đúng nạn Kinh Không Chữ trong Tây Du Ký, lại còn diễn dịch nhầm và so sánh sai. Phật tự nghiên cứu khảo nghiệm mà làm ra kinh sách, đòi hỏi tiền bản quyền là điều hợp lẽ. Còn quan lại, công chức là "công bộc của dân", làm việc đã nhận lương hàng tháng từ ngân sách do tiền thuế dân đóng góp mà lại còn đòi thêm tiền hối lộ đút lót thì thật là vô lý.
Trần Phúc Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét