Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

"Nằm rạp" chụp ảnh dưới váy - trách cô gái khoe... mông hay đám đông kệch cỡm?

Có nhiều sự việc trong khi lên án những người trực tiếp có hành động không đẹp thì chính đám đông xung quanh lại ứng xử khiến việc làm của người gây chú ý trở nên kệch cỡm hơn bao giờ hết.

Từ xưa đến nay, “đám đông” vốn là những nhà làm truyền thông tốt nhất khi họ vừa tham gia lại vừa góp phần rất lớn giúp quảng bá sự kiện đó. Đi cùng với sự thật này chính là cách họ hưởng ứng sự kiện sẽ mang lại những tác động tích cực hay tiêu cực nhất định trong mắt những người xung quanh.

Chúng ta đã chẳng còn lạ gì cảnh hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn comment hùa vào cùng bình loạn, xâu xé một câu chuyện, một vụ việc hay một tấm ảnh đang “hot”. Chuyện hay, ảnh đẹp đã đành, đằng này những câu chuyện xấu xí, méo mó, nhạy cảm, chẳng đẹp mặt ai cũng được người ta nô nức ra vào bình phẩm theo kiểu… tán dương. Những tưởng chuyện chỉ xảy ra trên cộng đồng mạng với sự tập hợp đông đảo của đội ngũ các anh hùng bàn phím, nhưng không…

Từ cô gái cosplay phản cảm và hàng tá “nhiếp ảnh gia” quỳ dưới chân…

Mới đây, cư dân mạng đã được phen hốt hoảng trước sự việc một cô gái ngang nhiên tốc váy và tạo dáng phản cảm trên sân khấu của lễ hội cosplay tại Tp.HCM. Cộng đồng Otaku Việt Nam đã bị mất điểm nặng nề bởi hành động tốc váy gây sốc này của nữ cosplayer người Nhật.

Chuyện sẽ chẳng đến nỗi rùm beng nếu như cô không để cho khán giả cả nam lẫn nữ chụp ảnh tự do từ… dưới lên. Và dĩ nhiên, để không bị tuột mất “trò vui”, rất nhiều người đã vây kín xung quanh cô gái này và chụp ảnh lia lịa, thậm chí họ còn chen chúc nhau quỳ gối hay nằm rạp cả xuống đất chỉ để chụp những bức ảnh lố lăng. 

"Nằm rạp" chụp ảnh dưới váy - trách cô gái khoe... mông hay đám đông kệch cỡm? 1
Không lên tiếng nhắc nhở cô nữ sinh kia là một lẽ, không đứng ra giải tán đám người hổ lốn xoay ngang xoay dọc, đứng ngồi không yên kia đã đành. Đằng này, họ như đang cổ vũ tinh thần để khích lệ cô gái đó cứ ngang nhiên nữa đi, tốc váy nữa đi. Nếu tò mò và xem clip này lan truyền trên mạng trong ngày hôm qua, hẳn người xem phải nhăn mặt nhíu mày khi nghe thấy những lời tung hô: "Nhảy lên đi em ơi", thậm chí rất bất lịch sự kiểu: "Tao nhìn thấy rồi. Màu đen, màu đen...", rồi hét lên: "Ki-mo-chi" (Trong tiếng Nhật tạm dịch là "thích quá đi"). Người này vỗ tay, người kia tán thưởng. Đám đông được thể hò reo, cô gái lạ lẫm với văn hóa Việt Nam được đà tạo dáng. Cứ thế, bữa tiệc “văn hóa” đã lố lại còn lố hơn!

Mặc dù những luồng ý kiến trái chiều đang tranh cãi nảy lửa về hành động của nữ cosplay này: người lên án gắt gao, người lại đồng tình thông cảm nhưng trên hết, một bộ phận rất lớn dư luận cũng đang hướng mũi chỉ trích về phía khán giả - những người thản nhiên hùa vào chụp ảnh… góp vui. Tạm gác chuyện phán xét cô gái ấy sang một bên, thử nhìn lại đám đông có mặt tại đó và chúng ta được những gì?

… đến nghịch cảnh “lên án người đời lố lăng khi chính mình kệch cỡm”

Tất cả những người sau khi xem loạt ảnh cô nữ sinh thản nhiên tốc váy nơi đông người đều thừa nhận hình ảnh nhức mắt không chỉ đến từ việc uốn éo và tạo dáng phản cảm của cô gái kia mà nó còn nằm ở cảnh nhốn nháo của đám đông vây quanh vỗ tay reo hò thích thú cùng hàng loạt “tay săn ảnh” đang lăn lê bò toài dưới đất để bấm máy. Họ hăng say ghi lại đủ tư thế, kiên nhẫn tìm đủ góc chụp, kể cả việc không ngần ngại nằm xuống ngay dưới chân, hướng máy lên trên và chụp những bức hình ở vị trí “độc” nhất.

Nhìn ảnh, người xem có cảm giác như cô gái Nhật Bản này là tâm điểm của cả lễ hội, mọi thứ chỉ xoay quanh mình cô. Xiếc chỉ vui khi có người hưởng ứng, tiệc chỉ tàn khi mọi người về hết mà thôi. Thử nghĩ xem, dù ngang nhiên tốc váy hay gây thêm chiêu trò gì nữa mà không có đám đông chen lấn ngồi, nằm đủ tư thế xung quanh chụp ảnh thì liệu bức tranh ngày hôm đó có phản cảm đến thế? Và sự việc ấy có gây bão trong cộng đồng mạng thu hút bao nhiều lời bình ra tán vào như bây giờ hay không?

"Nằm rạp" chụp ảnh dưới váy - trách cô gái khoe... mông hay đám đông kệch cỡm? 2
Là họ nhất thời ham vui quên mất hành động của mình cũng chẳng có gì khá khẩm hơn, hay họ mặc định rằng sẽ chỉ có cô gái kia bị lên án, “hứng gạch” nên mình cứ hồn nhiên vô tư hưởng ứng? Liệu trong số đó có ai nhận ra rằng chính hành động của mình đã nâng tầm kệch cỡm của sự việc lên mức xung quanh ai cũng phải thở dài, cảm thán?

Thế mới nói, thực tế đã chứng minh không phải cứ quỳ rạp đất, chảy mồ hôi sôi nước mắt chụp hình là được ghi danh hy sinh hết mình vì nghệ thuật. Đó có khi chỉ là những cái cúi đầu ngang hàng với hành động lố lăng kia và xứng đáng nhận sự chỉ trích như nhau mà thôi!

Nếu thông minh, hãy làm một người biết hưởng ứng!

Đã đến lúc chúng ta phải ngả mũ chào thua những kiểu ứng xử thiếu văn hóa của bộ phận không nhỏ những người tưởng mình… nhiều văn hóa. Trên thực tế quả thực đã có nhiều sự việc trong khi lên án những người trực tiếp có hành động không đẹp thì chính đám đông xung quanh lại ứng xử khiến việc làm của người gây chú ý trở nên kệch cỡm hơn bao giờ hết.

Chẳng nói đâu xa, nếu còn nhớ sự việc chàng trai đòi lại quà hậu chia tay, sau khi bị người yêu cũ “vạch trần” cho bàn dân thiên hạ biết thì anh chàng ngay lập tức đe dọa sẽ tung clip nóng. Dân tình lại được phen hí hửng với hàng trăm người nhảy vào cổ vũ với những comment nội dung tương tự nhau: "up đi up đi", "ủng hộ", "một like cho bác", "tung lên nhanh còn nóng", "hóng clip"… Chuyện gì sẽ xảy ra nếu màn “trả đũa” này không dừng lại ở một cái status thiếu chín chắn trên trang cá nhân? Thiên hạ được gì khi clip được tung lên thật? Họ nghĩ gì khi tung hê hành động chẳng lấy gì làm đẹp đẽ đó? Liệu đã ai ý thức được lời nói của mình đang cổ xúy cho việc làm thiếu văn hóa hay không?

Có lẽ, đám đông chưa kịp suy nghĩ thật cặn kẽ những phát ngôn, bình luận, hành động của mình cũng có phần… ngang hàng với những hành động không đẹp đó. Hưởng ứng một cách thiếu văn hóa, thành ra, họ đã vô tình tán đồng, “lăng xê” một cách miễn phí cho những điều phản cảm, bốc đồng. Và họ cũng không thể lường trước những tác động tiêu cực của sự việc cho chính mình… “hóng hớt” mà gây ra.

Vậy nên, hãy thực sự tỉnh táo khi quyết định hưởng ứng những sự việc xảy ra xung quanh. Nếu thông minh, hãy làm một người biết hưởng ứng: cái gì, ở đâu, thế nào, có phù hợp hay không? Sống ở xã hội người ta đánh giá nhau có khi chỉ thông qua một ánh mắt, thì đừng bao giờ chỉ vì thói nhất thời ham vui, hiệu ứng đám đông mà tự biến mình thành một người không biết cư xử. Ranh giới giữa được quyền lên án và người bị lên án đôi khi chính là những hành xử nhỏ bé rất đời thường chứ chẳng lấy gì xa xôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét