Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc: Mối tình tay ba?

Shannon TiezzieThe Diplomat
Một phần trong chính sách “xoay trục” tại châu Á, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi Việt Nam trong khi Trung Quốc thờ ơ đứng nhìn.
U.S. Secretary of State John Kerry and Vietnam's Foreign Minister Pham Binh Minh hold a joint news conference in Hanoi
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Mười hai 2013, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thông báo sẽ cung cấp “32,5 triệu USD trong quỹ hộ trợ mới để giúp thực thi luật hàng hải tại các quốc gia Đông Nam Á”. Ngoài ra, ông Kerry cũng nhấn mạnh việc “viện trợ dành các vấn đề hàng hải này không động chạm gì tới những động thái của các nước trong khu vực hay làm căng thẳng thêm những tranh chấp hiện có”. Tuy vậy, thông báo này gần như chắc chắn được hiểu như một phản ứng nhằm đánh vào những động thái bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các vùng lãnh thổ có tranh chấp.
Một phần trong chính sách “xoay trục” của Hoa Kỳ là củng cố lại quan hệ của nước này trong khu vực, không chỉ với các đồng minh lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Philippines mà với cả các đối tác mới như Việt Nam. Ông Kerry đặt chuyến thăm Việt Nam ngay trong bối cảnh: “Hiện nay, một phần trong chính sách của chúng tôi là tập trung thực hiện chính sách xoay trục ở châu Á bởi đây là khu vực có ảnh hưởng lớn tới tình hình thế giới trong tương lai… Thẳng thắn mà nói, không có nơi nào có thể thể điều này một cách rõ ràng và quan trọng như ở Việt Nam”. Trong số tiền 32,5 triệu USD mà Hoa Kỳ dành cho an ninh hàng hải có tới 18 triệu USD được đặc biệt dành cho Việt Nam, bao gồm cả việc mua năm tàu tuần tra mới để bảo vệ bờ biển của nước này.
Trong bối cảnh Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các tàu bảo vệ bờ biển này hoàn toàn có khả năng sẽ được sử dụng để tuần tra các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc lãnh thổ của họ. Điều này không thể góp phần làm giảm đi nỗi sợ hãi ở Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam như một phần trong chiến lược ngăn chặn rộng lớn hơn đối với Trung Quốc.
Mối quan hệ Việt–Mỹ đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong tháng Bảy năm 2013, lần đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang chính thức đến thăm Hoa Kỳ, nơi ông và Tổng thống Barack Obama công bố một “quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước. Mối quan hệ này kêu gọi “sự hợp tác trên một loạt các vấn đề, từ thương mại và hợp tác quân sự tới những vấn đề đa phương như cứu trợ thiên tai, trao đổi khoa học và giáo dục”.
Theo tuyên bố chính thức được đăng tải thì một khía cạnh cụ thể trong bối cảnh “hợp tác toàn diện mới” là “Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế … nhằm hỗ trợ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương”.
Tại hội nghị ASEAN năm 2010 tại Hà Nội, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã chính thức đưa Hoa Kỳ vào tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Bà Clinton đã phát biểu rằng, “Hoa Kỳ, tương tự như các quốc gia khác, cũng có lợi ích quốc gia liên quan đến tự do hàng hải, tiếp cận với vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực Biển Đông”. Bà cũng nói thêm “Hoa Kỳ ủng hộ một tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên có tranh chấp nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mà không cần biện pháp cưỡng chế. Chúng tôi phản đối các nước sử dụng hoặc đe dọa vũ lực trong khu vực Biển Đông”.
Mặc dù bà Clinton cho rằng Hoa Kỳ sẽ không đứng về môt phía trong vụ tranh chấp nhưng trên thực tế, việc bà tuyên bố lợi ích của Hoa Kỳ tại cuộc họp ở Hà Nội ngay sau mối quan hệ Việt–Trung gia tăng căng thẳng dường như là dấu hiệu Hoa Kỳ đang ủng hộ Việt Nam. Một thời gian ngắn trước bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, bà Clinton hứa rằng“chúng ta đang chuẩn bị để đưa mối quan hệ Mỹ–Việt lên một tầm cao mới trong khuôn khổ đoàn kết, hợp tác, và hữu nghị”. Một phần của tuyên bố này bao gồm các cuộc tập trận quân sự mà Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến hành chung hồi tháng Tám năm 2010, một tháng sau khi bà Clinton phát biểu những điều vừa kể.
Tại các diễn đàn đa phương sau đó, việc này đã ngày càng trở nên rõ ràng khi Hoa Kỳ và Việt Nam (cũng như các nước khác) đã hợp tác chặt chẽ hơn nhằm hỗ trợ một “bộ quy tắc ứng xử” trong vùng lãnh thổ có tranh chấp. Về phía Trung Quốc, họ vừa phải chống lại việc đưa vụ tranh chấp vào các diễn đàn đa phương cùng lúc phải đối phó với các mối quan hệ song phương. Sự rạn nứt giữa Trung Quốc với những người ủng hộ và liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã dẫn đến một thất bại ngoạn mục tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012, thậm chí kết thúc Hội nghị mà không hề có một thông cáo nào được đưa ra.
Lâu nay Bắc Kinh thường cáo buộc Hoa Kỳ tìm cách chia rẽ Trung Quốc và các nước láng giềng tại châu Á. Trong khi Hoa Kỳ có thể không chủ động kêu gọi các nước châu Á chống lại Trung Quốc nhưng dường như chắc chắn rằng Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành công cũng như lợi ích khi các nước này chìm sâu trong mâu thuẫn với Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi năm 2012 của bà Clinton, một quan chức nhà nước cấp cao cho biết một trong những yếu tố “thú vị” trong mối quan hệ Mỹ–Việt  là “sự sâu sắc và tình cảm chống Trung Quốc” ở Việt Nam. Kết quả của điều này “không thể phủ nhận trong trường hợp mối quan hệ của chúng tôi đã được cải thiện đáng kể với Việt Nam”.
Hoa Kỳ có thể đã tận dụng những cảm xúc lẫn lộn đối với Trung Quốc để tăng cường quan hệ với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài chuyến thăm của ông Kerry hồi cuối năm 2013, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thăm Việt Nam hai lần – một lần vào năm 2010 và lần sau vào năm 2012. Trong quá khứ, hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates và Leon Panetta, cũng đã đến thăm Việt Nam lần lượt trong năm 2010 và 2012. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hiện này Chuck Hagel dự kiến ​​sẽ đến thăm Việt Nam vào năm 2014.
Một bản ghi nhớ hồi năm 2011 về sự hiểu biết giữa mối quan hệ Mỹ–Việt đã chỉ ra các lĩnh vực hợp tác quân sự, bao gồm các cuộc đối thoại quốc phòng cấp cao, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ và các hoạt động nhân đạo khác. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh, “điểm đáng chú ý” nhất là “cam kết mạnh mẽ” của Hoa Kỳ trong việc giúp Việt Nam đối phó với những hậu quả kéo dài còn lại trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Hoa Kỳ và Việt Nam dường như đã lấp đi cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập niên của họ khi cả hai nước tăng cường và hướng tới xây dựng mối quan hệ mới. Chiến tranh Việt Nam vẫn còn là chủ đề chính trong những bài phát biểu chính thức nhưng chủ yếu thông qua các ví dụ về việc Hoa Kỳ và Việt Nam cố gắng vượt qua các di chứng đó như thế nào. Hai nước đã tiến hành “hoạt động tìm kiếm chung” các hài cốt binh lính Việt Nam và Hoa Kỳ, những người đã được liệt kê là mất tích sau cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng liên tục nỗ lực hỗ trợ Việt Nam đối với chất độc màu da cam trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayerlưu ý trong một phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế rằng một phần vì còn “xấu bụng” nên Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ có thể xây dựng “mối quan hệ đối tác toàn diện”, một bước thấp hơn so với mối quan hệ “đối tác chiến lược” giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn còn khá tự tin rằng mối quan hệ giữa họ với Việt Nam có thể chịu được thêm sự cạnh tranh từ phía Hoa Kỳ. Một bài báo trên tờNhân dân Nhật báo (đăng lại bởi các trang web tin tức Sohu) chỉ ra rằng mặc dù chấp nhận viện trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn có ý định tôn trọng sự đồng thuận với Trung Quốc bằng cách cùng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc cũng đã có những bước tiến riêng của họ để tăng cường hợp tác với Việt Nam, bao gồm cả thông báo hồi tháng Mười rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng khai thác các khu vực tranh chấp ở Vịnh Bắc Bộ. Giải thích lô-gíc đằng sau động thái này trên tờ South China Morning Post, giáo sư Su Hao thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận xét rằng “Bắc Kinh thấy Việt Nam có thể trở thành một phần trong chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Nhật Bản và Hoa Kỳ”.
Với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục nhận thấy đối tác này vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu trở nên quá thân với phía Hoa Kỳ. Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện các biện pháp kiềm chế đối với Việt Nam – biện pháp mà Trung Quốc không có ý định sử dụng trong các vụ tranh chấp với Nhật Bản và Philippines, những nước vốn đã là đồng minh vững chắc của Hoa Kỳ.

Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét