Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Khốn nạn truyền kiếp.

Viết nhân cái chết của họa sĩ Trần Duy – Thủ lĩnh cuối cùng của Nhân văn giai phẩm.


Tôi hiểu một cách nôm na rằng, khốn nạn là người đang ở hoàn cành cùng đường lại còn bị gặp nạn. Trong hoàn cảnh bỉ cực này, người gặp nạn thường ngửa mặt lên trời mà than:
- Ôi, khốn nạn thân tôi quá!

Nhưng lại nghe dân Việt ta chửi một ai đó có hành động táng tận lương tâm là thằng khốn nạn – Mày là thằng đểu cáng, khốn nạn.

Không biết tại sao lại có sự diễn biến từ người lâm vào hoàn cảnh khốn khó bị gặp nạn thành kẻ khốn nạn như thế này? Và chữ Việt hiện nay từ khốn nạn được dùng phần nhiều chỉ mang nghĩa là kẻ có hành động đểu cáng táng tận lương tâm. Vì vậy, từ khốn nạn trong bài viết này giành cho nhưng kẻ đểu cáng có hành động táng tận lương tâm.

Nhân cái chết của Thủ lĩnh cuối cùng trong phong trào Nhân văn giai phẩm – họa sĩ Trần Duy – tôi chợt liên tưởng đến sự khốn nạn cứ truyền từ lớp lãnh đạo này sang lớp lãnh đạo sau.

Một bức tranh toàn bích hiện lên rất rõ ràng.

Nhân văn giai phẩm qua mấy chục năm nghiên cứu, trao đổi, bàn cải đến nay chỉ tồn tại một sự thật là: Văn nghệ sĩ chỉ có tư tưởng đấu tranh để giành về sự tự do của cá nhân mình cho hoạt động nghệ thuật, ngoài ra không có tư tưởng đấu tranh hay mục tiêu nào khác.

Ấy thế mà họ bị đánh tơi tả, kiệt quệ, tàn tạ, làm cho không ai còn có khả năng ngóc đầu lên được nữa.

Nhưng, khốn nạn thay, mấy chục năm sau, cũng cái chính thể đã sắt máu tiêu diệt những văn nghệ sĩ này lại đem huân chương gắn lên bia mộ họ với những giải thưởng văn chương: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Chính thể không tuyên bố là quá khứ sai lầm của họ, nhưng với huân chương đã giành cho những văn nghệ sĩ trong Nhân văn giai phẩm, mặc nhiên, ai cũng hiểu rằng, quá khứ sắt máu của chính thể đã sai lầm.

Tại sao họ không công khai, minh bạch, rồi kiểm điểm rút kinh nghiệm để làm bài học cho đất nước tránh những sai lầm tương tự cho tương lai?

Sự vật vận động không gì không có sai lầm, nhưng nhận ra sai lầm, rồi sửa chữa sai lầm, công khai cho bàn dân thiên hạ biết, điều đó mới thể hiện sự công chính của chính quyền, nếu không, nó chỉ là cung cách hành sử của phường thảo khấu – Họ làm điều đó là vì họ, cho họ chứ không phải cho sự ăn năn chân chính của họ vì quy luật phát triển của xã hội.

Tôi lại liên tưởng đến hồi cải cách ruộng đất, có nhiều người bị Đội cải cách giết chết oan trái, quy kết oan sai, nhưng một thời gian sau lại nhận và đem đọc trước nhân dân giấy tha tội, hạ thành phần của cấp trên gửi về. Nhân nhân nghe, tuy trong bụng vẫn còn thương tiếc, xót xa cho người bị giết, beị hành hạ nhưng cũng được an ủi rằng, “giết người nhầm, oan sai là do bọn cải cách làm chứ không phải lãnh đạo cấp trên muốn thế”.

Họ không biết rằng, cái giấy tha thết đó chỉ là một cái lá khoai nhằm che cái mặt L. mà ở trong cái L. đó đã chứa nhung nhúc những vi trùng giăng mai giết người của chính thể. Người ra chủ chương rồi ký giấy thừa biết rằng, từ trung tâm cải cách đi đến Đội cải cách bằng xe đạp hay đi bộ cũng phải mất ít nhất vài ngày đường, thì làm sao cái giấy tha đó có thể đến kịp thời mà cứu người được nữa.

Kiểu tha người như vậy cũng chỉ có ý nghĩa như cái lá khoai che cái mặt L. (Che L. lá khoai – tục ngữ) là vì vậy.

Việc gắn “huân chương” cho Nhân văn giai phẩm phải chăng cũng chỉ có ý nghĩa như vậy?

Tôi thấy nó cũng chỉ tương tự như vậy? Nếu không, tại sao trong mươi năm qua chính thể lại bắt bỏ tù, hành hạ rất nhiều người chỉ vì họ lên tiếng phản biện hay đòi dân chủ, đa nguyên, đòi sự tiến bộ xã hội cho đất nước – Một xu thế phát triển tất yếu của xã hội loài người.

Để rồi mấy năm sau (hẳn thế), cái chính thể này lại lặng lẽ gắn huân chương cho những người đấu tranh này như trước đây lãnh đạo của họ đã từng làm.

Cầm tù, đầy đọa những người tài giỏi, những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội ở nước mình cứ lập đi lập lại cái kiểu như vậy, chẳng là sự khốn nạn truyền kiếp hay sao?

Và cứ như vậy, đến bao giờ người mình, dân tộc mình mới tiến bộ, mới thành người lớn đàng hoàng được.
Không bao giờ.



BLOG BÀ ĐẦM XÒE


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét