Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Vị thế mới của Việt Nam trước quốc tế trong bảo vệ Quyền Con Người

Dân Luận: Sáng nay, 28/3/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về Thực thi Hiến pháp của Bộ Tư Pháp. Trong hội thảo ông Hoàng Chí Trung, vụ trưởng Vụ Các Tổ Chức Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao đã có bài tham luận về Cơ chế Rà Soát Định Kỳ Phổ Quát (UPR) dưới đây. Quan điểm thể hiện trong bài tham luận chính là quan điểm của Bộ Ngoại Giao và Nhà nước CHXHCN Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Đặc biệt quan trọng là đoạn viết:

"Sơ bộ nhận thấy khoảng 75-80% khuyến nghị có nội dung tích cực và ta có thể xem xét chấp nhận được. Khoảng 40 khuyến nghị ta cần cân nhắc thận trọng hoặc không thể chấp nhận. Các khuyến nghị này tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như yêu cầu ta huỷ bỏ việc áp dụng án tử hình; thả các đối tượng “bất đồng chính kiến” và ”người bảo vệ nhân quyền”; thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia theo nguyên tắc Paris; phê chuẩn Quy chế Rome về Toà án Hình sự quốc tế, sửa đổi các điều 79, 88, 258 của BLHS, đưa ra lời mời ngỏ đến với tất cả các thủ tục đặc biệt của HĐNQ, yêu cầu ta đón một số báo cáo viên/ chuyên gia độc lập về những lĩnh vực nhạy cảm (tự do ngôn luận, mất tích cưỡng bức, tự do báo chí...)."
Nó cho thấy chính quyền CHXHCN Việt Nam sẽ tiếp tục từ chối các khuyến nghị liên quan đến trả tự do cho các tù nhân lương tâm, lập cơ quan Nhân Quyền Quốc Gia theo nguyên tắc Paris, sửa đổi các điều luật mơ hồ trong Bộ Luật Hình Sự, mở rộng tự do ngôn luận, tự do báo chí...
VỊ THẾ MỚI CỦA VIỆT NAM TRƯỚC QUỐC TẾ
TRONG BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI THÔNG QUA KẾT QUẢ BÁO CÁO RÀ SOÁT ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT (UPR) TẠI HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC

1. Cơ Chế Rà Soát Định Kỳ Phổ Quát (UPR)

UPR là cơ chế mới và liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ), được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008, cùng với sự ra đời của HĐNQ, có nhiệm vụ rà soát tổng thể các vấn đề nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, bất kể lớn nhỏ, phát triển và đang phát triển, định kỳ 4,5 năm một lần. Nguyên tắc hoạt động của Cơ chế UPR là đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và không chính trị hóa. Mục tiêu của cơ chế UPR là cải thiện và thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền; tăng cường năng lực thực thi nhân quyền cho các quốc gia thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm.
Để triển khai cơ chế UPR, HĐNQ lập ra Nhóm làm việc về UPR do Chủ tịch HĐNQ làm Chủ tịch, với sự tham gia của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc. Mỗi nước tiến hành rà soát sẽ được hỗ trợ bởi Nhóm Troika (gồm 3 nước thành viên HĐNQ được chọn thông qua bốc thăm). Hàng năm, Nhóm làm việc tiến hành 03 khoá họp để rà soát tình hình nhân quyền tại các nước.
Tại mỗi khoá họp của Nhóm làm việc, có 3 tài liệu chính thức được xem xét gồm:
(i) Báo cáo quốc gia (không quá 20 trang) do Quốc gia liên quan chuẩn bị;
(ii) Tài liệu tổng hợp các nhận xét, đánh giá, khuyến nghị (kể cả bình luận của quốc gia liên quan) của các Cơ quan và cơ chế chuyên môn của Liên hợp quốc;
(iii) Tài liệu tổng hợp thông tin của các thành phần khác gồm các cơ quan nhân quyền quốc gia, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, học giả, cá nhân… Hai tài liệu tổng hợp này do Văn phòng Cao ủy nhân quyền chuẩn bị và mỗi tài liệu dài không quá 10 trang.
Phiên rà soát UPR diễn ra theo hình thức đối thoại tương tác. Quốc gia rà soát sẽ trình bày báo cáo tổng quan về tình hình đảm bảo quyền con người, trả lời câu hỏi, bình luận của các nước. Tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc có quan tâm đều được phát biểu, các thành phần khác (các tổ chức quốc tế, cơ quan nhân quyền quốc gia, tổ chức phi chính phủ) được dự với tư cách quan sát viên nhưng không được phát biểu. Quốc gia được rà soát có toàn quyền cân nhắc nội dung, tính chất của các khuyến nghị để quyết định chấp nhận hoặc từ chối thực hiện các khuyến nghị do các nước đưa ra và có trách nhiệm thực hiện các khuyến nghị đã được chấp nhận, báo cáo HĐNQ việc thực hiện tại chu kỳ tiếp theo.
Theo quy định của HĐNQ, nội dung rà soát UPR chu kỳ II sẽ tập trung vào việc thực hiện các khuyến nghị đã được chấp thuận từ chu kỳ trước và những phát triển mới trên thực tế của tình hình bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người trong giai đoạn giữa hai lần rà soát. Quốc gia tiến hành rà soát cũng được khuyến khích nêu rõ những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo các quyền con người và những hướng ưu tiên và cam kết cụ thể trong lĩnh vực này.

2. Việt Nam và cơ chế UPR

Việt Nam lần đầu tiên thực hiện cơ chế UPR vào tháng 5/2009, nhận được 123 khuyến nghị từ 60 nước, trong chấp thuận 96 khuyến nghị; 5 khuyến nghị khác đã và đang được thực hiện trên thực tế tại thời điểm rà soát. Các khuyến nghị không được chấp thuận do không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Việc thực hiện 96 khuyến nghị UPR đã chấp thuận được Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 Bộ, ngành và cơ quan theo từng lĩnh vực cụ thể. Các cơ quan này định kỳ báo cáo Chính phủ việc thực hiện các khuyến nghị được phân công. Thực tiễn thực hiện các khuyến nghị UPR được thể hiện rõ nét trên tất cả các mặt đời sống xã hội như hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về quyền con người, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân, đảm bảo quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...
Từ cuối năm 2012, với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phố hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực chuẩn bị báo cáo UPR chu kỳ II. Tiếp nối những kinh nghiệm từ lần soạn thảo và bảo vệ tại vòng 1 năm 2009, báo cáo UPR chu kỳ II được soạn thảo kỹ lưỡng, chi tiết với sự tham vấn rộng rãi của tất cả các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội và cả các cơ quan LHQ, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức quan tâm cũng có thể đóng góp cho dự thảo Báo cáo Quốc gia thông qua các phương tiện gián tiếp như mạng Internet, thư tín… Ngoài ra, các hội thảo tham vấn cũng được tổ chức, trong đó Nhóm soạn thảo Báo cáo đã đối thoại trực tiếp với các tổ chức, cá nhân quan tâm, tiếp thu các bình luận về nội dung và bố cục để hoàn thiện báo cáo. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Báo cáo được lên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 11/2013.

3. Kết quả Phiên Rà Soát UPR Chu kỳ II về Việt Nam

Phiên rà soát UPR chu kỳ II về Việt Nam diễn ra ngày 5/2/2014 tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Trong phần trình bày Báo cáo, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng Đoàn Việt Nam, đã giới thiệu khái quát những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam trong 4 năm qua, kể từ phiên Rà soát chu kỳ I năm 2009 đến nay: nêu bật chíh sách nhất quán, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và dân sự, chính trị; nhấn mạnh Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả 96 khuyến nghị đã chấp thuận và chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người.
Phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định thành tựu về Quyền Con Người lớn nhất mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua là việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, trong đó toàn bộ chương II với 36 điều quy định chi tiết và đầy đủ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Bản Hiến pháp này có thể coi là một bản hiến chương về quyền con người ở Việt Nam bởi vì nó đã hàm chứa đầy đủ và toàn diện một hệ thống các quyền con người hiện đại, là một bước tiến đáng kể về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua, bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tháng 2/2013 và nhận được hàng chục triệu ý kiến đóng góp của của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự nhất quán trong chính sách của Nhà nước và sự đồng thuận của toàn xã hội trong sự nghiệp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Trong quá trình đối thoại với các nước, Đoàn Việt Nam (đại diện các Bộ ngành Tư pháp, Kế hoạch - Đầu tư, Thông tin - Truyền thông, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Toà án Nhân dân Tối cao, Ban Tôn giáo Chính phủ) đã trả lời, cung cấp các thông tin, lập luận chi tiết, có hệ thống về việc bảo đảm quyền con người của ta trên từng lĩnh vực, giải đáp các câu hỏi và quan tâm của các nước, đồng thời phản bác một số thông tin, nhận định sai lệch, thiếu khách quan về Việt Nam của một số nước phương Tây.
Phiên rà soát UPR về Việt Nam đã được các nước quan tâm cao với 106 nước đăng ký phát biểu (cao nhất trong 14 nước rà soát tại khóa họp UPR lần này), đa số là các nước đang phát triển, bạn bè, đặc biệt là 9 nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Cuba, Ấn Độ…
Uy tín và vị thế của Việt Nam được thể hiện rõ trong nội dung phát biểu của các nước, trong đó có đến 104/106 nước phát biểu ghi nhận hoặc đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người từ năm 2009 đến nay, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR, nhất là về quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… (Do thời gian bị hạn chế, Canada và Romania phát biểu chỉ tập trung nêu khuyến nghị.) Nga hoan nghênh Việt Nam đã nỗ lực cải thiện an sinh xã hội, mở rộng sự tiếp cận giáo dục và y tế cho người dân. Trung Quốc ghi nhận Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR, ban hành luật về người khuyết tật, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bình đẳng giới. Senegal hoan nghênh sự năng động và ý chí của Việt Nam về đảm bảo quyền con người. Burkina Faso cho rằng tiến bộ về quyền con người ở Việt Nam rất có ý nghĩa. Các nước châu Phi khác như Cáp-ve, Di-bu-ti, Congo, Sát… hoan nghênh các thành tựu của ta về đảm bảo các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt ấn tượng trước việc Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế cao, hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở cho người dân. Các nước ASEAN hoan nghênh Việt Nam gia nhập nhiều công ước quốc tế và đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực về quyền con người, đặc biệt trong khuôn khổ AICHR và việc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN. Brunei “cảm thấy được khích lệ” trước những tiến bộ của Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân. Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bosnia, Nigeria, Hàn Quốc… hoan nghênh các nỗ lực và ưu tiên của Việt Nam, đặc biệt trong việc ban hành nhiều đạo luật, chiến lược và chương trình quốc gia về quyền con người.
Các nước phương Tây cũng ghi nhận những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam về quyền con người: Đức, Ý, Úc, Ai-len hoan nghênh những tiến bộ của ta về bảo đảm quyền con người kể từ lần rà soát trước; Na-uy ghi nhận tiến bộ của Việt Nam nhằm xây dựng một “xã hội dân sự” năng động, cởi mở hơn; Hà Lan đánh giá cao nỗ lực của ta cải cách hệ thống pháp luật theo các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử với phụ nữ; Thụy Điển ghi nhận Việt Nam có những tiến bộ tích cực về kết nối, nhất là hàng triệu người có thể liên lạc, thể hiện quan điểm thông qua mạng xã hội như Facebook; Mỹ ghi nhận tiến bộ trong việc đăng ký, cấp phép hoạt động cho các tổ chức tôn giáo, cải thiện quyền của người đồng tính.
Các nội dung được nhiều nước hoan nghênh nhất là việc thông qua Hiến pháp với nhiều nội dung mới, tạo nền tảng vững chắc hơn để thúc đẩy và bảo đảm quyền con người (22 nước nêu, trong đó có Ấn Độ, Hàn Quốc, Đan Mạch, Brazil, Thái Lan…); coi Việt Nam là hình mẫu đã hoàn thành trước hạn nhiều mục tiêu MDGs, đặc biệt là về giảm nghèo, phổ cập giáo dục (14 nước nêu, trong đó có các nước như Đức, Nhật Bản, Ai Cập, Indonesia, Brunei, Thổ Nhĩ Kỳ…); thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, gia nhập thêm nhiều công ước quốc tế về nhân quyền (28 nước nêu, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc…); hợp tác với các cơ chế nhân quyền LHQ, đón các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (10 nước nêu, trong đó có Pháp, Bồ Đào Nha, Slovakia, Nhật Bản, Bosia…).
Các nước cũng đánh giá cao sự cởi mở, hợp tác và tích cực của Việt Nam, khẳng định cộng đồng quốc tế hoan nghênh và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp to lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên phạm vi quốc tế.
Kết thúc phiên đối thoại, Việt Nam nhận được 257 khuyến nghị. Qua thảo luận với nhóm Troika, ta đã thuyết phục được nhóm đồng ý ghép một số khuyến nghị có nội dung trùng lặp, nhờ vậy rút xuống còn 227 khuyến nghị. Trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các nước khuyến nghị Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách tư pháp, pháp luật, thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo… Nhiều nước cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm… trong điều kiện kinh tế khó khăn; tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc. Các nước ASEAN khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN và hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR).
Sơ bộ nhận thấy khoảng 75-80% khuyến nghị có nội dung tích cực và ta có thể xem xét chấp nhận được. Khoảng 40 khuyến nghị ta cần cân nhắc thận trọng hoặc không thể chấp nhận. Các khuyến nghị này tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như yêu cầu ta huỷ bỏ việc áp dụng án tử hình; thả các đối tượng “bất đồng chính kiến” và ”người bảo vệ nhân quyền”; thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia theo nguyên tắc Paris; phê chuẩn Quy chế Rome về Toà án Hình sự quốc tế, sửa đổi các điều 79, 88, 258 của BLHS, đưa ra lời mời ngỏ đến với tất cả các thủ tục đặc biệt của HĐNQ, yêu cầu ta đón một số báo cáo viên/ chuyên gia độc lập về những lĩnh vực nhạy cảm (tự do ngôn luận, mất tích cưỡng bức, tự do báo chí...).

4. Vị thế mới của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người

Có thể nói, qua Phiên rà soát UPR chu kỳ II, ta đã đề cao vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, sẵn sàng đối thoại và đóng góp tích cực về mọi vấn đề quyền con người mà quốc tế quan tâm. Có được điều đó là nhờ chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và những thành tựu của ta trong công cuộc Đổi mới toàn diện đã tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người tại Việt Nam. Đây là thực tế được các nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận và coi là một hình mẫu phát triển của thế giới. Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn và chủ chốt và được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất, Việt Nam đã được quốc tế nhìn nhận là một nước đang có nhiều chuyển biến tích cực, một đối tác xây dựng và có trách nhiệm.
Cùng với vị thế đang lên, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy và đảm bảo thực hiện quyền con người ở cả trong nước và trên quốc tế ngày càng gia tăng. Để có thể thực hiện một cách đầy đủ nhất các trách nhiệm quốc tế của mình, trong thời gian tới, trên phạm vi quốc gia, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực triển khai chính sách của Đảng về quyền con người, tăng cường các biện pháp, chính sách và nguồn lực nhằm bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Trên phạm vi quốc tế, với vai trò thành viên HĐNQ, Việt Nam cam kết tham gia tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng theo hướng nâng cao hiệu quả, tăng cường tính minh bạch, khách quan. Chúng ta sẽ có đóng góp trên các vấn đề lớn, được các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, chống biến đổi khí hậu… Chúng ta cũng sẽ tăng cường hợp tác với các cơ chế, thủ tục của HĐNQ, sẵn sàng cùng các nước thành viên và đối tác quốc tế khác đưa ra các sáng kiến, thúc đẩy các vấn đề mới vì lợi ích chung.
Trước mắt, những ưu tiên và cam kết trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người của sẽ tập trung vào những lĩnh vực sau:
+ Đẩy mạnh kiện toàn hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp 2013, đảm bảo hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế;
+ Đẩy mạnh các chương trình cải cách hành chính nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, mở rộng dân chủ và nâng cao hiệu lực của Nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người;
+ Tiếp tục triển khai các chương trình, chiến lược quốc gia trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm tăng khả năng tiếp cận của các nhóm xã hội bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số vào hệ thống an sinh xã hội;
+ Phấn đấu đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ về phát triển của LHQ;
+ Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và triển khai các chính sách của Nhà nước.
+ Thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm học hỏi những kinh nghiệm phù hợp và tranh thủ các nguồn lực phục vụ thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam.

  •  
  •  
  • Hoàng Chí Trung, 
    Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao
    Chia sẻ bài viết này

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét