Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Câu chuyện “viển vông”

 

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông. Nhận định này là hoàn toàn hợp lý nếu xét kỹ chính sách láng giềng mới của Trung Quốc.

Cuối tháng 10-2013, đảng Cộng sản Trung Quốctriệu tập một hội nghị toàn quốc để bàn về công tác ngoại giao với các nước láng giềng.


 Là một quốc gia rộng lớn, Trung Quốc có đường biên giới đất liền với 14 quốc gia với tất cả những sự phức tạp và đa dạng trong quan hệ. Hội nghị này được đánh giá là lịch sử vì có mặt cả 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Chỉ ít ngày sau thông báo triệu tập hội nghị, Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (China Institute of Contemporary International Relations - CICIR) đã tổ chức một cuộc bàn tròn với chủ đề: “Tình hình hiện nay trong các vùng láng giềng của Trung Quốc và chiến lược của Trung Quốc”.

Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á tại Philippinestuần trước, nơi Thủ tướng trả lời báo chí rằng Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông. Ảnh AP

Theo đánh giá của giới nghiên cứu quốc tế, cuốn kỷ yếu của bàn tròn này được xem là một trong những tài liệu quan trọng nhất giúp nắm bắt được các tư tưởng chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thế hệ lãnh đạo mới. Nó xuất hiện ngay trước Hội nghị trung ương 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc và các tranh luận của các học giả đương đại Trung Quốc trong cuốn kỷ yếu này là điều mà mọi quốc gia láng giềng của Trung Quốc cần đọc.

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn thận trọng và tránh làm rõ đâu là mục tiêu chính của họ, đâu là cách thức họ phải phản ứng trong chính sách đối ngoại nhưng dưới thời ông Tập, tất cả những điều này đã thay đổi. Trung Quốc lần đầu tiên sau nhiều năm, trở lại với những “shouyao – ưu tiên” trong chính sách đối ngoại, đặc biệt với từng láng giềng cụ thể.

Các học giả hàng đầu Trung Quốc tranh luận về những điểm chính sau:

+ Nên xác định láng giềng ở quy mô nào? Là láng giềng trực tiếp có đường biên giới hay kể cả “láng giềng hành động”, tức là Mỹ, nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực?

+ Đường biên giới của chính sách lân bang của Trung Quốc sẽ kéo dài đến đâu? Một số người giới hạn trong khu vực châu Á (Châu Á-Thái bình dương và Trung Á), có người kéo dài đến tận Nga, Trung Đông và thậm chí cả châu Âu, dưới thuật ngữ được gọi là “mở rộng hợp pháp”.

+ Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ theo hướng nào? Có người vẫn muốn “giấu mình chờ thời” nhưng đa số xác định Trung Quốc phải hành xử như một cường quốc hồi sinh, dựa trên “3 vòng tròn ngoại giao” là láng giềng, khu vực và thế giới.

Có những ý kiến rụt rè, như của ông Lin Limin, Tổng biên tập Tạp chí CICIR cho rằng tham vọng của Trung Quốc không được vượt quá tiềm lực của nước này, nếu không sẽ dẫn đến thảm họa như Nga, Đức hay Nhật Bản trong quá khứ nhưng tinh thần chung của giới học giả Trung Quốc là phải trỗi dậy mạnh mẽ.

Ý tưởng này thực ra không mới bởi từ hai thập kỷ trước, khi ông Giang Trạch Dân mới lên nắm quyền, giới nghiên cứu Trung Quốc đã đưa ra thuật ngữ “chủ nghĩa nạn nhân” để lý giải việc Trung Quốc vươn lên. Theo lý giải này, các chính trị gia và các học giả Trung Quốc cho rằng sau hơn một thế kỷ bị hạ nhục, đất nước bị xâu xé, chiếm đóng, trở thành nạn nhân của phương Tây và Nhật Bản, Trung Quốc giờ đây phải lấy lại vị thế của họ.

Điều này không có gì sai, Trung Quốc xứng đáng có vị thế lớn so với tầm vóc của họ, nhưng điều nguy hiểm là thứ “chủ nghĩa nạn nhân” này luôn có xu hướng bị các học giả Trung Quốc đẩy đi đến cực đoan, trở thành một trạng thức của “tâm lý báo thù” bằng mọi giá.

Thực tế, quan điểm cho rằng Trung Quốc phải vươn lên bằng mọi giá, phải đòi lại những gì thuộc về mình, đang là áp đảo tại Trung Quốc. Ở Trung Á, Trung Quốc đã tính trước việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan nên đẩy mạnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và đề xuất dựng nên một “vùng kinh tế của con đường tơ lụa”. Tương tự, ở phía Nam, đầu tháng 10-2013, ông Tập Cận Bình đã đưa ra ở Balinhân Thượng đỉnh APEC khái niệm đầu tiên về một “con đường tơ lụa trên biển” với ASEAN. Tham vọng và giấc mơ Trung Quốc vượt xa khuôn khổ lân bang.

Tương thích với tham vọng đó, kiểu quan hệ “cường quốc chi phối láng giềng”  được Trung Quốc thay thế bằng chiến lược “láng giềng mới đến cường quốc”, tức Trung Quốc cho rằng trọng tâm chính sách của họ giờ đây phải là với từng láng giềng cụ thể và từ đó mới tác động đến quan hệ của họ với các cường quốc như Mỹ hay Nga.

Quan điểm đó được đích thân Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị đúc kết không lâu sau đó bằng một câu nói: “Tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau nhưng tuyệt đối không chấp nhận yêu cầu vô lý của các nước nhỏ. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của mình”. Nói cách khác, Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình đã rất rõ ràng: các nước láng giềng chỉ là các nước nhỏ, không có quyền đòi hỏi và Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ trong các tranh chấp chủ quyền. Đương nhiên, khi đó Trung Quốc không bận tâm chuyện tranh chấp đó có phi lý hay không, thậm chí là có tồn tại hay không.

Hiểu rõ được Trung Quốc trong thời đại mới, nơi hiện thân cho một thứ chủ nghĩa dân tộc không thể lay chuyển, thì sẽ thấy rằng việc các xung đột nối tiếp nhau nổ ra trong khu vực là điều không thể tránh khỏi, với Nhật, với Philippines, với Việt Nam rồi có thể tiếp tục với một nước khác...

Khi một quốc gia với sức mạnh vượt trội về kinh tế và quân sự mà lại luôn cho rằng họ đúng, không bao giờ nhượng bộ, coi các nước khác chỉ là tiểu quốc không được đòi hỏi thì sự tồn tại của một quan hệ hữu nghị, hòa bình chỉ là trên lý thuyết. Hòa bình không đến từ một phía, một bàn tay không thể vỗ lên tiếng. Nếu không nghĩ được thế thì quả đúng là viển vông.

Nhưng, sự viển vông cũng đến từ nhận thức của chính chúng ta, ở đây là Việt Nam và rộng ra là ASEAN. Rất khó tin rằng các nhà chiến lược của Việt Nam không ý thức được sự “trỗi dậy không hòa bình” của Trung Quốc nhưng việc bao lâu nay theo đuổi một chính sách quá hòa nhã, đôi khi cảm tính phi lý trí, cũng đáng phải xem như là một sự viển vông. Dù sao muộn cũng hơn không, thức tỉnh là điều cần thiết.

Với ASEAN, thì sự viển vông phản chiếu qua tâm lý chối bỏ thực tế. Cách đây hai tháng, tại một hội thảo quốc tế lớn ở Paris với chủ đề “Gia tăng bất ổn tại Đông Á và cơ hội cho hòa bình lâu dài”, khi có người hỏi học giả Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS) rằng liệu bộ Quy tắc ứng xử (COC) có phải là một cơ chế hiệu quả cho giải quyết các tranh chấp ở biển Đông hay không, ông Ian Storey đã hỏi ngược lại: “Câu hỏi phải là liệu COC có ra đời hay không?

Liệu bạn có tin Trung Quốc tự bắn vào chân mình khi chấp nhận một văn bản trói tay, trói chân họ không? 12 năm nay (từ 2002), nếu Trung Quốc đã không thúc đẩy COC sau khi có Tuyên bố ứng xử -DOC thì điều gì làm bạn tin rằng hôm nay họ sẽ chấp nhận điều đó? Câu trả lời là Không, Không, Không”. Cả hội trường ở Viện quan hệ quốc tế Pháp - IFRI, với rất đông học giả đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… đã vỗ tay ầm ầm tán thưởng.

Việc ASEAN vì chia rẽ quyền lợi mà không dám đối mặt với thực tế rằng mình đang theo đuổi một thứ hữu nghị không thực chất với Trung Quốc, như vậy, cũng chính là một thứ viển vông. Nói thế tất nhiên không phải là để loại bỏ các mối quan hệ kinh tế quý giá với Trung Quốc mà là để nhìn nhận lại ASEAN như một thực thể với đúng năng lực của nó.

Nếu ASEAN không tìm ra được một cơ chế an ninh hữu hiệu để ứng phó với các xung đột tiềm tàng với Trung Quốc tại biển Đông thì cũng nên nghĩ đến một kịch bản khác về một ASEAN chia đôi, nơi các nước thực sự có tranh chấp với Trung Quốc lập thành một nhóm có đủ sự liên kết vững vàng và yếu tố “đồng thuận” truyền thống không bị biến thành trở lực như đã từng xảy ra ở Campuchia.

Nếu không làm được thế và môi trường an ninh đổ vỡ, các dự án tương lai mà ASEAN hướng đến cũng chỉ là thứ viển vông.

Bùi Nguyễn Quang Dũng, 
từ Paris

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét