Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Nhiệm vụ của trí thức là phê phán


NQL: Một nhận định rất hay, chỉ cần nhà cầm quyền ý thức được điều đó thì cuộc sống không nghẹt thở như bây giờ. Vì hiểu sai, hoặc cố tình hiểu sai, nặng thì phê phán là  nói xấu, là bôi nhọ, nhẹ thì phê phán là phủ nhận, là bất mãn, là " thiếu tính xây dựng"... nên giữa nhà cầm quyền và trí thức luôn căng thẳng với nhau. Để tránh căng thẳng, nhờ đó tránh được sự trừng phạt của nhà cầm quyền, trí thức đa phần hoặc mũ ni che tai hoặc bợ đỡ, xu nịnh. Đây là bi kịch nước Việt đương thời. Hu hu.


Đối với đất nước, đóng góp lớn nhất có thể làm được, từ các chuyên gia, là xây dựng; từ các trí thức, là phê phán. Đất nước cần cả hai. Không có chuyên gia, không thể phát triển được; không có trí thức, sự phát triển ấy, nếu có, chỉ què quặt và có nguy cơ trở thành một bộ máy độc tài nghiền nát nhân dân, và cuối cùng, có khi đẩy đất nước xuống vực thẳm. 

Ngay cả khi người ta phê phán sai (mà ai lại không có lúc sai nhỉ?) thì bản thân sự phê phán của họ cũng là một bằng chứng của dân chủ đồng thời là chất dinh dưỡng của dân chủ: Nếu nó không làm lợi cho chính phủ thì ít nhất nó cũng làm lợi cho việc bảo vệ những giá trị căn bản của con người và góp phần đa dạng hoá nhận thức của con người, qua đó, bảo vệ cho con người.

 Hơn nữa, đúng hay sai, mọi sự phê phán đều trở thành những thách thức đối với quyền lực; và khi quyền lực bị thách thức, nó cũng bị hạn chế; khi quyền lực bị hạn chế, nó cũng tránh được nguy cơ trở thành độc tài. Chính vì thế, Tổng thống Mỹ, John F. Kenedy, có lần nói: “Không có tranh luận, không có phê bình, không một tổ chức hay quốc gia nào có thể thành công và không có một nền cộng hòa nào có thể sống sót” (Without debate, without criticism no administrationand no country can succeed and no republic can survive). 

 Ước gì giới cầm quyền Việt Nam có thể hiểu được điều đó.

Nguyễn Hưng Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét