Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Ý kiến trao đổi với các đại biểu QH chưa đồng ý ban hành luật biểu tình


Kính gửi:

-         Đại biểu Quốc hội Lê Hiền Vân - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

-         Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thanh – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

-         Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Son – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội


Kính thưa quý đại biểu Quốc hội,
Tôi tên Trịnh Minh Tân, hành nghề luật sư, Văn phòng luật sư Trịnh Minh Tân – Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ Văn phòng   : 22 đường 53, phường Bình Thuận, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT                               : 090 3709 078                     E-mail: advminhtan@gmail.com
Sau khi đọc ý kiến của quý ngài được đăng tải trên các phương tiện thông tinđại chúng về việc chưa cần thiết ban hành luật biểu tình. Là một cử tri, tôi xin được trao đổi quan điểm của mình với quý ngài về vấn đề hệ trọng này và sẵn sàng tranh luận sâu hơn nếu tôi nhận được phản hồi từ quý ngài.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII được tiến hành trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với sự xâm lấn của nhà cầm quyền Trung Quốc bởi giàn khoan HD 981 với hàng trăm tàu các loại, có cả tàu chiến, máy bay chiến đấu hộ tống. Đây là hành động trắng trợn xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Phải gọi đúng tên của hành động này là XÂM LƯỢC !
Hành động tự phát biểu tình ngày 11/5/2014 của các tầng lớp nhân dân ở hai thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của việt Nam là một minh chứng cho lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam. Mặc dù tự phát, khẩu hiệu phản đối mạnh mẽ nhưng không có những hành vi quá khích, gây rối, đập phá. Người biểu tình tuần hành trên đường phố trong trật tự và an ninh. Các lực lượng chức năng đã làm tốt việc giữ gìn trật tự, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân thể hiện lòng yêu nước của mình trước họa xâm lăng.
Việc lợi dụng biểu tình để thực hiện hành vi đập phá, cướp tài sản của nhiều doanh nghiệp xảy ra trong chiều 13/5 (ở Bình Dương) và chiều 14/5 (ở Vũng Áng, Hà tĩnh) do các phần tử quá khích bị “kẻ xấu” kích động đã và đang được các cơ quan tiến hành tố tụng sàng lọc để xử lý thích đáng. Nhân dân cả nước cũng đang ngóng chờ các cơ quan chức năng sẽ tìm ra được những kẻ đứng đằng sau những hành động phá hoại đó, động cơ xúi giục, kích động phá hoại của chúng là gì?
Thông tin chính thức từ các cơ quan nhà nước cho thấy những phần tử đập phá, chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp hầu hết không phải công nhân. Do đó không có lý do gì để nghi ngờ đa số công nhân có những hành động cực đoan như vừa qua để làm lý do chưa ban hành luật biểu tình.
 Cơ quan chức năng đã bắt hàng trăm người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Còn những kẻ chủ mưu, tổ chức việc thực hiện tội phạm là ai cũng cần phải có lời giải để có đối sách thích hợp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn.
Biểu tình là quyền của công dân do Hiến pháp quy định
Trong 5 bản Hiến pháp: HP năm 1946, HP năm 1959, HP năm 1980, HP năm 1992 và HP năm 2013 thì chỉ duy nhất HP năm 1946 là không có điều luật quy định về biểu tình. Tuy nhiên, trước đó chỉ sau mười một ngày đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ công hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh về biểu tình. Toàn văn Sắc lệnh như sau:
“SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 31 NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà;
Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;
Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý;
RA SẮC LỆNH:
Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.
Điều thứ 2: Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này.
Hồ Chí Minh
(Đã ký)”
            Bốn bản Hiến pháp sau này đều quy định người dân có quyền biểu tình. Cụ thể:
Hiến pháp năm 1959, tại Điều 25 quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội vàbiểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.”
Hiến pháp năm 2013, tại Điều 25 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Như vậy, tính từ năm 1959 đến nay đã 55 năm Quốc hội vẫn còn “nợ” dân văn bản luật rất quan trọng là luật biểu tình. Hiến pháp đã quy định công dân có quyền biểu tình, nhưng 55 năm đi qua người dân không được thực thi quyền hiến định này là do đâu? Việc không có luật cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi thực thi công vụ, không có căn cứ để xác định đâu là biểu tình, đâu là tập trung đông người, tụ tập gây rối trật tự công cộng.
Đã trải qua 13 khóa Quốc hội, nhưng chưa khóa Quốc hội nào giải mã lý do chưa ban hành luật biểu tình.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ 13 chiều 28/9/2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất xây dựng Luật Biểu tình để điều chỉnh vấn đề thực tế đang đòi hỏi. Thủ tướng đã giao Bộ Công an soạn thảo luật này.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2011), khi trả lời chất vấn của các ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Hiến pháp đã quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, nên cần xây dựng luật để thực hiện Hiến pháp. Và thực tế cho thấy, do không có văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh về vấn đề này, nên chính quyền các cấp lúng túng trong quản lý biểu tình.
Như vậy, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng đã rất quan tâm đến việc ban hành luật biểu tình, dù khi đó chưa có Bộ nào đề xuất với Thủ tướng việc này.
            Tại phiên thảo luận ngày 21/5/2014, đại biểu Quốc hội Lê Hiền Vân lại cho rằng: “ở nước ta hiện nay luật này chưa cần thiết. Chúng ta cần quay trở lại vấn đề Bình Dương - Vũng Áng để xem xét việc cho biểu tình hay chưa biểu tình. Nếu như có Luật Biểu tình thì không phải chỉ có Bình Dương, Vũng Áng mà sẽ còn nhiều nơi biểu tình. Luật Biểu tình giải quyết những vấn đề gì, quân đội quản lý hay công an quản lý hay cả hệ thống chính trị quản lý về tổ chức biểu tình, nội dung biểu tình ra sao… Trong khi chúng ta chỉ có một đảng duy nhất. Biểu tình như Thái Lan vừa rồi, đa đảng, một phe ủng hộ chính phủ, một phe chống chính phủ, cứ kéo dài suốt như vậy làm cho hệ thống chính trị của Thái Lan rất khủng hoảng”.
            Xin thưa với đại biểu Vân, nếu có luật biểu tình thì chắc chắn là không có “vấn đề Bình Dương – Vũng Áng” như ngài nhắc đến. Vì luật biểu tình quy định chặt chẽ nội dung biểu tình, địa điểm biểu tình, cách thức biểu tình …. Việc biểu tình chắc chắn phải có sự giám sát của cảnh sát. Không một nhà nước nào ban hành luật biểu tình lại có nội dung cho phép chống đối dẫn tới lật đổ chế độ cả. Bản chất của biểu tình là ôn hòa nên biểu tình chỉ hàm chứa nội dung phản đối hay ủng hộ. Nếu xuất hiện bạo lực hay cuộc biểu tình đi ra ngoài nội dung đăng ký đã được chính quyền cho phép thì lực lượng chức năng sẽ có quyền đình chỉ việc biểu tình trái phép đó, kể cả việc dùng vũ lực khi cần thiết theo quy định của pháp luật. Chính vì chưa có luật biểu tình nên trong cuộc biểu tình tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh ngày 11/5 vừa qua khi đa số người dân hô khẩu hiệu, giương biểu ngữ phản đối Trung Quốc xâm lược thì lại có nhóm người người “tranh thủ” chen vào các khẩu hiệu, biểu ngữ tung hô, tụng ca không hợp cảnh, và có nhóm người đưa ra những khẩu hiệu yêu sách với chính quyền không phải lúc. Cả hai đối tượng đi “biểu tình” này đều trở nên lạc lõng và vô duyên trước khí thế của số đông phản đối Trung Quốc.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh cho rằng: “Luật Biểu tình được đề xuất rất nhiều nhưng trong tình hình hiện nay không nên đưa ra vì nó rất nhạy cảm. Biểu tình quy định trên giấy tờ là đi đứng thế nào, biểu ngữ ra sao… nhưng khi ra đấy biểu ngữ trong người họ đưa ra, rồi lời nói ra, ai kiểm soát được”.
Thưa đại biểu Nguyễn Văn Thanh, nếu Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật biểu tình thì các nhà soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp không khó để giải đáp băn khoăn trên của ngài bằng kỹ thuật làm luật.
Đại biểu Nguyễn Bắc Son cho rằng: “Nhu cầu cuộc sống là có nhưng bộ phận soạn thảo Luật Biểu tình chưa sẵn sàng. Hơn nữa chương trình luật cũng khá nhiều, chúng ta cố gắng xây dựng cũng được nhưng chất lượng sẽ không cao. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng vẫn có văn bản pháp luật nữa để vận dụng cho hoạt động này đó là Nghị định số 38/2005 của Chính phủ (quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng). Nếu có Luật Biểu tình thì ở mức cao hơn nhưng cũng không ngoài nội dung bảo vệ trật tự nơi công cộng, thể hiện quyền tự do dân chủ của người dân trên cơ sở tôn trọng pháp luật”.
Thưa đại biểu Nguyễn Bắc Son, Nghị định số 38/2005 ngày 18/3/2005 của Chính phủ không có nội dung biểu tình, không hề có hai từ “biểu tình” trong văn bản quy phạm pháp luật dưới luật này nên không thể vận dụng nó để điều chỉnh hành vi biểu tình của công dân. Còn về chất lượng văn bản luật thì ngài khỏi lo. Luật đất đai khó thế mà cuối cùng Quốc hội còn thông qua được kia mà.
Thưa ba vị đại biểu Quốc hội, những lo lắng, băn khoăn của các ngài giới luật sư chúng tôi cũng có thể thông cảm và hiểu được, vì cả ba ngài đều không phải là những chuyên gia về luật, và càng không phải là những nhà soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam không thiếu những chuyên gia giỏi về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đâu. Chỉ có điều họ không phải là đại biêu quốc hội. các ngài nên sử dụng khả năng của họ để giúp quý ngài thực hiện tốt trách nhiệm người đại biểu nhân dân.
Đã có quy định mỗi đại biểu Quốc hội được cấp mỗi năm 50 triệu đồng để thuê chuyên gia tư vấn và giúp đại biểu soạn thảo văn bản trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các nên ngài nên vận dụng quy định này để nâng cao hiểu biết về lâp pháp mà chính các ngài là một thành viên ngoài việc có quyền biểu quyết thông qua các văn bản quy phạm pháp luật còn “có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.” như quy định tại quy định tại Khoản 2 Điều 84 Hiến pháp năm 2013.
Nhu cầu biểu tình của người dân là có thật. Nội dung của biểu tình rất đa dạng, nếu không có luật để điều chỉnh hành vi biểu tình thì từ chỗ bức xúc, biểu  tình rất dễ biến thành bạo lực từ cả hai phía: phía chính quyền và phía người biểu tình. Không có luật biểu tình nên chính quyền phải đưa ra các mệnh lệnh hành chính để ngăn cản vì sợ không kiểm soát được. Như vậy, cực chẳng đã, chính quyền đã phải làm một việc vi hiến. Suy cho cùng thì việc lợi dụng biểu tình để kích động và thực hiện hành vi bạo lực, hủy hoại tài của doanh nghiệp vừa qua là do lỗi của cơ quan lập pháp, vì đã không ban hành luật biểu tình.
Không thể trì hoãn việc soạn thảo và ban hành luật biểu tình lâu hơn nữa.
Cùng với việc làm luật biểu tình, Quốc hội cần thực hiện chức năng giám sát tư pháp đối với những trường hợp đã bị xét xử về hành vi biểu tình tự phát chống Trung Quốc trước đây, nếu trường hợp nào chỉ đơn thuần phản đối Trung Quốc thực hiện hành động xâm lấn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, phản đối đường lưỡi bò 9 đoạn “liếm” trọn 80% diện tích biển Đông mà không có hành vi phạm tội nào khác thì phải yêu cầu Tòa án tiến hành giám đốc kiểm tra nhằm xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm để minh oan cho họ.
Trân trọng kính chào!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 5 năm 2014




Luật sư Trịnh Minh Tân
 
                                                


                                                                                                           

                                                                                                                                               
P/S: Vì không có địa chỉ e-mail của quý ngài nên tôi gửi trực tiếp qua đường bưu điện. Đồng thời tôi cũng gửi ý kiến này đến những người bạn đồng môn với tôi cách đây gần 40 năm, hiện cũng đang là đại biểu Quốc hội khóa XIII là bà Tòng Thị Phóng, ông Hà Công Long và gửi tới một đồng nghiệp cũ khác là đại biểu Đỗ Văn Đương.

Ls Trịnh Minh Tân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét