Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Những sai lầm của người Việt về chính trị và đấu tranh chính trị

1. Đấu tranh cho dân chủ là “lật đổ đảng cộng sản”!
Do ảnh hưởng của văn hóa Khổng Giáo suốt 2000 năm qua nên cứ nói đến “đấu tranh”, kể cả “đấu tranh chính trị” thì ai cũng nghĩ rằng đây là một cuộc đấu tranh dùng bạo lực để lật đổ chính quyền hiện tại và thay thế bằng một chính quyền khác. Đúng là lịch sử của dân tộc Việt Nam đã diễn ra như vậy thật, trừ một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình đó là sự nhường ngôi của Thái hậu Dương Vân Nga cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành). Trần Thủ Độ cũng làm một cuộc đảo chính cung đình trong êm thấm khi ép công chúa Lý Chiêu Hoàng (vua Chiêu Hoàng Đế) nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông).
Tuy nhiên sau đó Trần Thủ Độ đã lập mưu giết toàn bộ tôn thất nhà Lý, chỉ có duy nhất hoàng tử Lý Long Tường là trốn thoát sang được Cao Ly (Hàn Quốc), những người họ Lý sau đó đều phải đổi thành họ Nguyễn để tránh sự bắt bớ và truy sát của nhà Trần, vì thế đây cũng là một cuộc lật đổ bằng bạo lực. Hồ Quí Ly cũng làm một cuộc đảo chính cung đình ôn hòa nhưng do văn hóa Khổng Giáo lúc đó đã ăn sâu vào xã hội Việt Nam nên người dân và giới sĩ phu cương quyết không thờ hai vua, thà mất nước cho quân Minh còn hơn thờ vua mới. Hồ Quí Ly thất bại cũng vì văn hóa Khổng Giáo. Mới đây nhất là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc “chống Mỹ cứu nước” do đảng cộng sản lãnh đạo thì cũng diễn ra bằng bạo lực, chiến tranh và chết chóc.
Di chứng của các cuộc chiến đó vẫn còn đến tận hôm nay. Chính quyền thì luôn cho rằng những người đấu tranh cho dân chủ là “phản động” và là “thế lực thù địch” này nọ, trong khi một số người dân Việt Nam (thậm chí là đa số) cho rằng chỉ có bạo lực mới lật đổ được cộng sản… Đấu tranh trong hòa bình, bất bạo động với tinh thần Dân chủ đa nguyên, Bao dung và trong sáng là một khái niệm mới mẻ đối với người dân lẫn chính quyền. Chúng ta đang bàn về “thoát Trung”, tức là thoát khỏi văn hóa Khổng Giáo bằng cách thay đổi hoàn toàn tư duy và nhận thức của chúng ta.
Đấu tranh bạo động và lật đổ là sản phẩm của quá khứ vì vậy chúng ta hãy chia tay với nó và thay bằng phương pháp đấu tranh kiểu mới. Giải pháp “Dân Chủ Đa Nguyên” là một phương pháp đấu tranh mới. Giải pháp này không nhằm lật đổ hay tiêu diệt bất cứ một ai. Nó mang lại một cơ hội mới, một sự lựa chọn mới cho người dân Việt Nam. Dân chủ đa nguyên, có nghĩa là tôn trọng mọi sự khác biệt trong sự bao dung và cởi mở. Trên cơ sở tư tưởng đó thì giải pháp này đưa ra là để cạnh tranh lành mạnh với “giải pháp cộng sản”. Hãy để người dân cái quyền lựa chọn cho mình một giải pháp thích hợp. Các đảng chính trị cần hoạt động và cạnh tranh nhau một cách công khai và minh bạch.
“Giải pháp dân chủ đa nguyên” chủ trương thay đổi đường lối phát triển chung của đất nước, hướng tới sự hội nhập với thế giới để Việt Nam có thể phát triển lành mạnh và bền vững. Giải pháp này là vĩ mô, nó không nhằm loại bỏ bất cứ ai ra khỏi công việc họ đang làm. Mọi người sẽ tiếp tục làm công việc của mình với một tinh thần và trách nhiệm cao hơn để nhận được một mức thù lao xứng đáng hơn. Chúng ta hay nghe nói về “lỗi cơ chế” vì vậy dân chủ là thay đổi cơ chế để đặt mỗi người vào đúng vị trí và năng lực của mình. Như vậy, quan điểm cho rằng đấu tranh dân chủ nhằm lật đổ đảng cộng sản là một suy nghĩ sai lầm và phiến diện, nông cạn và hời hợt. Không lẽ đấu tranh dân chủ lại giống kiểu bạo loạn lật đổ như thời phong kiến trước đây hay kiểu cộng sản mới đây hay sao? Nếu ai còn suy nghĩ như vậy thì hãy nhận thức lại vì sự thực không phải như vậy.
2. Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải là đấu tranh giữa các cá nhân.
“Giải pháp dân chủ đa nguyên” là một phương pháp đấu tranh ôn hòa và văn minh nhằm thay đổi hoàn toàn xã hội về hướng dân chủ, nó không nhằm tiêu diệt bất cứ ai hay loại bỏ bất cứ một người nào ra ngoài rìa xã hội, đó là một giải pháp và một dự án tương lai chung mà đa số đều có thể chấp nhận được vì mọi người đều có chổ đứng của mình trong đó. Chính vì vậy nó cần một sự đồng thuận chung trên những vấn đề cốt lõi về thể chế và định hướng chính trị. Muốn tạo được sự đồng thuận chung cho cả dân tộc thì giải pháp chính trị đó phải là một giải pháp chung, xuất phát từ các tổ chức chính trị dân chủ. Nó không thể nào là những giải pháp cá nhân đơn lẻ. Nếu chúng ta đồng ý như vậy thì trước tiên chúng ta phải hiểu để đồng thuận với nhau rằng: Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị. Trong tương lai “sân chơi” của các tổ chức chính trị sẽ là nghị trường (quốc hội) chứ không phải trên đường phố với gậy gộc và gạch đá.
Một tấm gương của tiền nhân rất đáng để học hỏi đó là từ người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới: Nguyễn Trãi. Ông từng làm quan dưới triều Hồ Quí Ly, sau khi Việt Nam mất nước vào tay nhà Minh, dù là một người tài năng kiệt xuất nhưng ông biết sức mình không làm gì được quân thù. Ông đã lặn lội từ kinh đô Thăng Long vào tận núi rừng Lam Sơn để kết hợp với Lê Lợi, đưa cuộc kháng chiến chống giặc Minh đến thắng lợi hoàn toàn. Ông là khai quốc công thần của nhà Lê nhưng rồi ông vẫn bị hại chết bởi chính văn hóa Khổng Giáo. Vì bảo vệ ngai vàng cho họ Lê nên những người tài giỏi như ông đều bị tiêu diệt. “Vắt chanh bỏ vỏ” là một lối hành xử và nhân sinh quan bệnh hoạn của văn hóa Khổng Giáo. Một cá nhân dù xuất chúng và tài giỏi đến đâu đi nữa nhưng mà đơn thương độc mã thì cũng chẳng làm được gì. Lục Vân Tiên là người hành động giang hồ nghĩa hiệp và là anh hùng cá nhân, ông chỉ cứu được duy nhất người đẹp Kiều Nguyệt Nga chứ ông không thể nào lay chuyển, dù chỉ là một sợi lông chân của chế độ phong kiến dưới thời đại của ông. Vậy chúng ta hãy đoạn tuyệt với hình mẫu Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” bằng tinh thần kết hợp giữa những người cùng chí hướng như Nguyễn Trãi. (Nên nhớ Nguyễn Trãi đã sống cách đấy gần 600 năm).
3. Nhiệm vụ của giới trí thức Việt Nam là hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng
Có một ngộ nhận rất lớn trong giới đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam (trong đó có nhiều người rất nổi tiếng và quan hệ thân thiết với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) cho rằng: Phải có quần chúng. Quần chúng là tất cả. Chỉ cần đi sâu vào quần chúng, động viên họ đứng dậy là cuộc cách mạng dân chủ có thể thành công. Lộ trình để một tổ chức dân chủ đi đến thành công, theo Tập Hợp, phải trải qua 5 giai đoạn:
1. Xây dựng cơ sở tư tưởng và dự án chính trị;
2. Xây dựng lực lượng và đội ngũ cán bộ nòng cốt;
3. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện;
4. Xây dựng cơ sở quần chúng;
5. Vận động quần chúng tiến công giành thắng lợi.
Giai đoạn năm, có nghĩa là kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, gây áp lực lên đảng cộng sản buộc họ chấp nhận dân chủ, ấn định ngày bầu cử quốc hội một cách tự do và dân chủ dưới sự giám sát của quốc tế. Theo Tập Hợp thì đây là giai đoạn cuối cùng, sau khi đã hoàn thành và chuẩn bị xong bốn giai đoạn đầu. Trong đó hai giai đoạn đầu tiên là cực kỳ quan trọng và mất nhiều thời gian: Xây dựng một cơ sở tư tưởng và một dự án chính trị để làm kim chỉ nam dẫn đường cho mọi người, thứ hai là xây dựng lực lượng và một đội ngũ cán bộ cán bộ nòng cốt, là những người có khả năng thu hút quần chúng và có khả năng lãnh đạo quần chúng. Vận động kêu gọi người dân xuống đường là hành động thu hoạch mùa màng sau khi công việc gieo trồng, vun xới và chăm bón đã chuẩn bị tốt trước đó. Chỉ cần kêu gọi một lần và chỉ kêu gọi khi sự tình đã chín muồi, chiến thắng đã nắm chắc trong lòng bàn tay. Không nên kêu gọi người dân xuống đường khi chưa nắm chắc được là có thành công hay không. Đó là sự manh động.
Bất cứ cuộc cách mạng nào, dù ôn hòa như đấu tranh dân chủ thì cũng cần có một đội ngũ tinh hoa và ưu tú đi trước để dẫn đường cho quần chúng. Quần chúng tuy rất quan trọng nhưng quyết định sự thành bại là do một nhóm nhỏ trí thức tinh hoa đi tiên phong.
Cuộc đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu tranh ôn hòa và bất bạo động nên không cần bạo lực mà cần những cái đầu tỉnh táo và những tấm lòng. Trí thức Việt Nam phải đi đầu phong trong cuộc đấu tranh này. Phải hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân và sau đó trí thức phải lãnh đạo người dân. Đây là một cuộc đấu tranh “từ trên xuống” chứ không nên là một cuộc đấu tranh “từ dưới lên”. Từ trên xuống có nghĩa là đi từ tầng lớp trí thức xuống đến người dân. Tất nhiên nếu trí thức Việt Nam từ chối trách nhiệm của mình thì sẽ đến lúc người dân nghèo khổ bị áp bức đứng lên làm cách mạng theo hướng “từ dưới lên” (như đảng cộng sản đã làm năm 1945) và đây sẽ là một tai họa thật sự cho đất nước.
4. Đừng trông chờ vào những phép màu
Có người suy nghĩ đơn giản và hời hợt rằng Mỹ hay một thế lực nào đó có thể đem lại dân chủ cho Việt Nam. Đây là một ảo tưởng rất là viển vông. Đúng là Mỹ cần Việt Nam để ngăn chặn sự bàng trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Vì suy nghĩ này nên Mỹ đã can thiệp quân sự vào Miền Nam Việt Nam và cuối cùng Mỹ đành bỏ rơi Miền Nam như Mỹ đang bỏ rơi Iraq hiện nay vì sự bất tài của lãnh đạo Miền Nam lúc đó. Mỹ cũng đã từng hết mình ủng hộ Cách mạng Cam ở Ukraina để giúp đưa Yushenko, một người thân Mỹ lên làm tổng thống nhưng rồi Mỹ cũng phải buông tay khi Yushenko ngày càng bất lực lực và kém cỏi. Cuối cùng người Mỹ đành chấp nhận sự đăng quang của tổng thống thân Nga, Yanukovich và Mỹ chỉ quay lại Ukraina khi ông này bị lật đổ. Như vậy quyền năng của Mỹ không phải là vô tận. Họ chỉ có thể ủng hộ cho một đối tác có khả năng thực sự. Nếu không có một tổ chức dân chủ đối lập có tầm vóc thì Mỹ vẫn sẽ hợp tác (cầm chừng) với chính quyền cộng sản để bảo vệ và duy trì những ảnh hưởng của mình trên lãnh thổ Việt Nam và khu vực.
Cũng có người cho rằng, chính quyền cộng sản thối nát thế này thì rồi đến lúc nó sẽ sụp đổ và Việt Nam ắt có dân chủ. Đây cũng là một ngộ nhận lớn. Dù thối nát và kém cỏi đến đâu đi chăng nữa thì đảng cộng sản vẫn đứng đó (dù liêu xiêu) nếu trước mặt nó không có một đối thủ nào. Ngay cả khi nó sụp đổ dưới sức nặng của nó thì cũng cần có một tổ chức chính trị dân chủ dọn dẹp đống đổ nát mà nó để lại.
Như vậy thì dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù thuận lợi hay không thì Việt Nam cũng cần đến một tổ chức chính trị dân chủ thật sự để tiếp nối vai trò dẫn dắt và lãnh đạo đất nước.
Vậy, tham gia và ủng hộ cho một tổ chức dân chủ đối lập nên là ưu tiên và là nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước trong lúc này.

Việt Hoàng
Theo Thông Luận

Khách Kẹt Đường (khách viếng thăm) gửi lúc 05:53, 30/06/2014 - mã số 121850
Khách Lê Văn Mọi viết:
Chắc là khi viết bài này thì me sừ Việt Hoàng đang ngồi trong 4 bức tường phòng lạnh. Ngồi thế thì làm sao thấy được không khí nóng ngoài trời nên văn chương tuôn ra cũng êm ái quá. Ngồi trong phòng một mình thì làm sao biết được mình đối đầu với đối thủ ra sao?
Có cách để kiểm chứng lý thuyết bài này đúng hay sai là ông VH hãy trao đổi những ý tưởng như trong bài này với mấy tên công an thường thường đi đàn áp đồng bào hay với mấy lão thường ngày tụng niệm ở trường Nguyễn Ái Quốc hoặc mấy ông ở Hội đồng lý luận TƯ hay mấy gã trong Ban tuyên giáo TƯ đã.
Cái lý thuyết ông nêu ra đã được học giả Nguyễn Văn Bông ở miền Nam dưới thời cụ Ngô Đình Diệm nêu lên từ nửa thế kỷ trước rồi. Mặc dù học giả Nguyễn Văn Bông chỉ làm công tác giảng dạy nhưng đã bị CS dùng biệt động Sài Gòn ám sát. Họ sợ cái lý thuyết đa đảng, chấp nhận các quan điểm đối lập. Họ sợ lý thuyết GS Bông đưa ra hơn là sợ máy bay ném bom đấy Việt Hoàng ạ
VH viết: "Phải hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân và sau đó trí thức phải lãnh đạo người dân." thế thì Việt Hoàng hãy làm như ông Kísinger của Mỹ ấy, tức là vừa đưa ra ý tưởng, vừa là người thực hiện. VH hãy làm người lãnh đạo và "hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân" đi. Nói mà không làm thì đúng là tác phong của CS rồi.
VH lại viết: " Có người suy nghĩ đơn giản và hời hợt rằng Mỹ hay một thế lực nào đó có thể đem lại dân chủ cho Việt Nam. Đây là một ảo tưởng rất là viển vông."
Nhiều người nhìn lại những sự kiện xảy ra ở nước ta trên nửa thế kỷ nay thì thấy mọi biến động ở nước ta đều có yếu tố nước ngoài chi phối. Đất nước chia đôi thì có hiệp định Genève, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc thì sau khi có đàm phán ở Paris.
Còn tình hình hiện nay thì chưa biết thế nào, nhưng nguy cơ mất nước còn Đảng thì rõ ràng do chính quyền Bắc Kinh dính vào rồi. Trước mắt thì ai cũng thấy Trần Khải Thanh thủy, Cù Huy Hà Vũ được trả tự do là do "đế quốc Mỹ can thiệp."
Có lẽ ta muốn đấu tranh cho dân chủ, có đa đảng đa nguyên thì phải chờ cái đảng độc quyền này thực hiện dân chủ trước đã, tức là cho phép dân chủ đa dảng đa nguyên và cho tự do biểu tình trong ôn hòa trước đã. Kiểu này cũng giống như khi nào no thì hãy ăn cho khỏi đói, khi nào khỏi bệnh hãy đến bệnh viện khám và xin thuốc để chữa bệnh. Hay đáo để.
Bạn Lê Văn Mọi nói thực chí lý. Tôi đồng ý và thành thật cám ơn ý kiến đơn giản nhưng rất gần với thực tế này của bạn. Ông VIỆT HOÀNG và các "chí hữu" của ông luôn mạnh mẽ kêu gọi mọi người gia nhập một TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ (ngầm hiểu là tổ chức cỡ như TẬP HỢP ĐA NGUYÊN của các ông). Tiếc thay, đã mấy thập niên trôi qua mà số người gia nhập vào tổ chức này của quý ông VIỆT HOÀNG, NGUYỄN GIA KIỂNG, xem ra cũng VÔ CÙNG HẠN CHẾ. Tôi theo dõi thường xuyên mấy chục năm nay nên biết khá rõ. Tại sao? Câu trả lời gần như đã nằm sẵn trong ý kiến trên đây của bạn Lê Văn Mọi. Nói ngắn gọn, chủ trương của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nặng về lý thuyết, nhẹ về thực tiễn, yếu về hành động, mang nhiều tính KHÔNG TƯỞNG và do đó kém về mặt thuyết phục và hiệu quả.
abcd (khách viếng thăm) gửi lúc 23:43, 29/06/2014 - mã số 121834
Trích dẫn:
Cuộc đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu tranh ôn hòa và bất bạo động nên không cần bạo lực mà cần những cái đầu tỉnh táo và những tấm lòng. Trí thức Việt Nam phải đi đầu phong trong cuộc đấu tranh này. Phải hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân và sau đó trí thức phải lãnh đạo người dân. Đây là một cuộc đấu tranh “từ trên xuống” chứ không nên là một cuộc đấu tranh “từ dưới lên”. Từ trên xuống có nghĩa là đi từ tầng lớp trí thức xuống đến người dân. Tất nhiên nếu trí thức Việt Nam từ chối trách nhiệm của mình thì sẽ đến lúc người dân nghèo khổ bị áp bức đứng lên làm cách mạng theo hướng “từ dưới lên” (như đảng cộng sản đã làm năm 1945) và đây sẽ là một tai họa thật sự cho đất nước.
Tôi cho rằng cuộc đấu tranh cần theo cả hai huớng cùng một lúc "từ trên xuống" và "từ dưới lên" thì mới có thể thúc đẩy và bổ sung cho nhau.
Nếu không thì "bên dưới" cứ ù lì đứng chờ; còn "bên trên" chẳng thấy quần chúng của mình động đậy gì cả thì hướng dẫn ai? Như vậy cả hai bên cứ chờ nhau cho đến vô tận, hoặc rề rề chỉ thấy bắt đầu và khởi hành nhưng cứ dậm chân tại chỗ.
Trí thức muốn vận động quần chúng thì cần đi đây đó, tiếp xúc với dân, giảng giải, thuyết phục họ. Chứ viết dăm ba bài quẳng lên mạng thì sẽ được gì?
Khách Ngô Văn Gạch (khách viếng thăm) gửi lúc 19:51, 29/06/2014 - mã số 121815
Nguyễn Thọ viết: "Không hiểu tại sao rất nhiều người Việt "ghét" hoặc sợ chính trị, thậm chí chỉ "nói chuyện" chính trị cũng đã là điều gì đó ghê gớm và cần xa lánh rồi.?"
Thú thật là tôi nghe cái từ "chính trị" như cơm bữa, nhưng tôi chẳng hiểu chính trị là cái gì. Bác nào biết thì giải thích giùm. Có nười lại bảo các sách gạy xã giao trước kia thì khuyên người ta khi nói chuyẹn với người kahcs thì nên tránh 2 ván đề là chính trị và tôn giáo, nhưng người mình hay nói chính trị quá, mà nói cái gì cũng là động đến chinh trị, đi chợ than phiền giá cả tăng nhanh cũng là chính trị, than thở gí xăng dầu cứ tăng liên tục cũng là chính trị, rồi chê ông thủ tướng y tá bằng gải, chê ông tổng bí đỏ bí đao lú lẫn cũng là chính trị, nói chuyện xưa ôn lại những gì trong CCRĐ cũng lại bảo là chính trị...Có lần tôi chứng kiến có một ông cụ thấy bọn dân phòng có công an đi kèm cướp cái hộp xốp đựng cá của người bán cá liền lấy máy ảnh ra chụp, thế là bị ngay công an tóm đưa vào đồn, hỏi lý do thì họ cũng bảo sợ ảnh hưởng chính trị. Chuyện chụp ảnh như thế ở nước ngoài là chuyện bình thường, sao ở ta thì lại bảo "sợ ảnh hưởng chính trị" tôi chẳng hiểu chính trị là cái gì và cái gì cũng là chính trị.
Những điều ông Việt Hoàn gviết trong bài thì "rằng hay thì thật là hay" thế nhưng thực hiện tống ngay vào tù. Muốn đưa ra biện pháp gì thì đưa, đấu tranh thế nào thì đấu tranh, nhưng phải xem chúng ta đang sống trong lòng một xã hội độc tài cực đoan, không có pháp luật, chính quyền soi mói từng ly từng tí, hơi một tí là vào tù, hai cái bao cao su cũng vào tù, chốn thuế cũng vào tù, còn như ông nhà báo hiền lành Trương Duy Nhất chẳng làm gì cũng vào tù.
Trí thức lãnh đạo thì đúng rồi, những người lao động thì biết gì mà lãnh đạo, chỉ biết tham gia thôi. Thế nhưng lãnh đạo thế nào thì chính các nhà trí thức còn đang lấn bấn chưa tìm ra, mà chưa tìm ra nhưng mới có ý tưởng trong đầu thì đã vô khám.
Có hai tia hy vọng cuối cùng:
Một là cái nhà mục nát, dột quá rồi, không cần dẩy cũng đổ.
Hai là lại nhờ các yếu tố bên ngoài tác động như những biến cố lịch sử đã xẩy ra ở nước ta trên nửa thế kỷ. Quần chúng chỉ có tác dụng hò reo thôi.
Việt Hoàng gửi lúc 19:14, 29/06/2014 - mã số 121810
Xin cám ơn Dân Luận và anh Nguyễn Công Huân đã chọn đăng bài viết của tôi.
Cũng xin cám ơn các độc giả của Dân Luận đã dành thời gian đọc và bình luận về bài viết.
Có những ý kiến đồng tình và không đồng tình, điều này là bình thường trong một xã hội dân chủ và đa nguyên mà tất cả chúng ta đang muốn hướng tới.
Tôi đã lắng nghe và đọc kỹ các ý kiến phản hồi của độc giả.
Chúng ta vẫn còn vài chổ chưa hiểu nhau. Một bài viết không thể nào đầy đủ được vì vậy nếu độc giả nào có thiện chí, muốn tiếp tục tìm hiểu thì xin mời ghé thăm trang nhà:www.ethongluan.org hoặc http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_taxonomy&tag=Vi%E1%BB%87t+Ho%C3%A0ng.
Hoặc: www.ethongluan01.blogspot.com
Xin cám ơn tất cả các độc giả của Dân Luận.
Khách phì phò (khách viếng thăm) gửi lúc 13:49, 29/06/2014 - mã số 121787
Ông tác giả chir giỏi đưa những sự việc chép trong sách cách nay cả maaays trăm năm, lvoons là những đieeeuf thực chất rất yếu giá trị chứng thực, để làm dẫn chứng mà lờ đi nhuwwwwwngx suwwwj việc ngay trong hiện tại. Hiện tại thì chẵng có trường hợp nafo tụi độc tài chịu xuống nếu không có sức ép của dân, điều mà ông thích gọi là 'bạo động'. Ngay cả Myanmar, một chế độ độc tài, tuy 'khá' hơn VN rất nhiều mà bà San Su Ky 'bất bạo động' mấy chục năm cũng vẫn chưa đi tới đâu, thì so không thấy tác giả đá động ?
Ông tác giả bảo rằng CQ bị 'lỗi cơ chế' thì chỉ cần thay đổi cơ chế chứ 'không loại bỏ bất cứ ai ra khỏi công việc đang làm'. Ở điểm này, ông tác giả đã lập lờ giữa 'đảng viên' và 'công chức'. Một bộ máy nhà nước, tức CQ chỉ cần công chức làm việc chứ không cần 'đảng viên'. Khi cần thiết có thể rũ bỏ đảng phái mà bộ máy vẫn chạy tốt, thậm chí tốt hơn.
Ông tác giả khuyên nên 'đấu tranh từ trên xuống', tức là để Trí thức cầm trịch chư đừng 'từ dưới lên', tức là dùng nhân dân gây sức ép với CQ ( mà ông gọi là bạo lực ) và ông nhấn mạnh"như cộng sản đã làm năm 1945 " thì rất nguy hiểm cho đất nước. Ở điểm này, ông tác giả lại tiếp tục lập lờ đánh lận con đen; Giai đoạn trước 1945, đẩng CSVN đã diệt hết các trí thức không theo CS để tự mình kích động dân nghèo bạo động chứ không phải tầng lớp trí thức 'từ chối trách nhiệm' khi 'tôr quốc lâm nguy'.
Ông tác giả tự cho rằng kiểu đấu tranh gây sức ép với CQ là 'bạo động', là sản phẩm của quá khứ và ông khuyên nên thay thế bằng kiểu mới 'tôn trọng mọi sự khác biệt, bao dung, cởi mở, công khai minh bạch cạnh tranh lành mạnh với giải pháp Cộng sản ...bla bla, nghe sướng cái lỗ tai lừa. Nhưng ông cố tình quên răng muốn cạnh tranh lành mạnh thì trước tiên, các đảng phái phải đứng cùng vạch xuất phát; Có nghĩa là đarng CSVN hiện tại phải giải tán, trả lại toàn bộ quyền lực cũng như tài sản vật chất lẫn tinh thần cho nhà nước. Rồi sau đó nếu muốn 'chơi' tiếp thì lập đảng CS mới dể cạnh tranh, thế mới là công băng lành mạnh. Lúc đó, nhân dân có tín nhiệm hay không, hãy nhìn đảng Cộng sản Nga hiện tại thì rõ.
Có một điều lạ là, trong khi ông Việt Hoàng- Thông Luận khuyên mọi người nên chấp nhận đảng CSVN thì ông Nguyễn Gia Kiểng-Thông Luận lại đua ra lời cảnh báo khi thấy dư luận có chiều hướng nghiêng về ông Nguyễn Tấn Dũng là người nhièu lần công khai phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất ( thực giả xét sau ) trong số các ông CSVN to đầu trong Bộ Chính trị. Vậy, thực ra các ông Thông Luận muón gì ?!
Đằng sau những việc làm với bề ngoài đẹp đẽ của Cộng Sản luôn ẩn giấu một dã tâm
Hà Vương Minh (khách viếng thăm) gửi lúc 05:05, 28/06/2014 - mã số 121688
Hình như khi viết bài này tác giả Việt Hoàng còn đang ngái ngủ nên quên điều 4 Hiến pháp 2013 . Ai cho phép bạn thực hiện thể chế chính trị Dân chủ đa nguyên đa Đảng ở VN . Ai đã cho phép bạn lập các tổ chức chính trị đối lập với ĐCSVN để dấu tranh , cạnh tranh với ĐCSVN . Có lẽ tác giả tưởng rằng hiện nay Việt Nam đã có quyền tự do lập Hội ,tự do ngôn luận , tự do biểu tình , báo chí tư nhân như Hoa Kỳ , Pháp , Đức , Phần Lan rồi chăng ?
Đấu tranh nhằm thay đổi từ thể chế chính trị Độc Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền sang một thể chế chính trị Dân chủ tự do đa nguyên đa Đảng chính là làm một cuộc cách mạng . Xin đùng ảo tưởng . Phải chuẩn bị đày đủ mọi điều kiện cho một cuộc cách mạng để khi có thời cơ thì hành động đúng lúc để giành thắng lợi . Điều này phải học ông Hồ Chí Minh trong bối cảnh năm 1945 . Phải học từ sự kiện Thiên An Môn . Phải học ở sự kiện Ukraine gần đây nhất . Phải học trí khôn của ông lão đánh cá trả lời Khuất Nguyên " Nếu Đời là đục chỉ có một mình ông trong thì sao không khuây nước cho thêm đục để mà rửa chân" và học ở câu chuyện " Con sư tử hung dữ ăn thịt bất kể loài động vật nào nhưng nó chết bởi chính những con vi trùng đã ẩn sâu trong ruột gan nó ". Bây giờ nó đang sắp chết vì con vi trùng tha hóa , tham nhũng đấy .
Giới trẻ bây giờ thông qua Internet đã có hiểu biết nhiều hơn lớp cha anh . Họ không thờ ơ với vận mệnh Tổ quốc như một số vị đã hiểu lầm . Đấu tranh mà không biết tự bảo vệ mình thì không thông minh chút nào Đấu tranh có khi công khai , có khi không thể công khai . Không nên giáo điều , xa rời thực tiễn . Năng lực tổ chức là điều không thể thiếu của người thủ lĩnh . Đấu tranh bất bạo động có phải là cách duy nhất không . Tùy tình thế và thời cơ . Có thể là đúng nhưng cũng có thể là chưa đúng .
Trước mắt hãy đấu tranh để nhanh chóng luật hóa quyền lập Hội , quyền tự do ngôn luận , quyền biểu tình . Có những quyền này thì mới mong thực hiện giấc mơ của tác giả được
Hà Vương Minh
Bea Young Jun (khách viếng thăm) gửi lúc 08:23, 27/06/2014 - mã số 121599
Người viết bài này còn nhầm lẫn Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới thì cũng chưa hiểu được cộng sản đâu. Thử hỏi đảng cộng sản hiện nay có để cho ông đứng ra đối lập và nêu lên chính kiến không? Nếu ông nói ra, nhẹ thì gây khó nhiễu, nặng thì trả thù. Vậy thì ông nói khuyên bảo họ đưa đất nước đến dân chủ thế nào đây? Nếu làm được thì ngày nay VN ta ko như thế này đâu ông VH ạ. Cồn 5 nhiệm vụ mà ông nói tui thấy giống như ông ở trong lò đào tạo của họ ra vây.
Pol (khách viếng thăm) gửi lúc 05:33, 27/06/2014 - mã số 121592
Đi sâu đi sát vào quần chúng, giác ngộ, tuyển mộ thành viên còn chẳng ăn ai, đằng này các đồng chí ngồi một chỗ mong dụ người ta tham gia, mơ giữa ban ngày. Chưa nói xây dựng lực lượng chính trị theo cách "tình nguyện ra nhập tổ chức" kiểu này cực thiếu chuyên nghiệp, dễ bị những Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ cho ăn đòn.
Hãy vứt bỏ cái giáo điều 5 bước thứ tự trước sau này đi. Không tiến hành song song thì còn lâu mới thành công.
chuckn (khách viếng thăm) gửi lúc 23:58, 26/06/2014 - mã số 121577
VH viết:
VH viết: "Phải hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân và sau đó trí thức phải lãnh đạo người dân." thế thì Việt Hoàng hãy làm như ông Kísinger của Mỹ ấy, tức là vừa đưa ra ý tưởng, vừa là người thực hiện. VH hãy làm người lãnh đạo và "hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân" đi. Nói mà không làm thì đúng là tác phong của CS rồi.
Ơ thế cứ nêu ra ý kiến thì phải thực hiện thì mới đáng tôn trọng hay sao? Ngay cả cụ Phan Chu Trinh cũng mới chỉ nói (nêu ý kiến) là chính chứ đâu đã làm được.
"Nói mà không làm thì đúng là tác phong của CS rồi" - SAI! Thời chống Pháp trước đây sở dĩ CS giành được lòng dân là vì họ nói đi đôi với làm (vận động thực hiện với phương châm 3 cùng: 'cùng ăn', 'cùng ở', 'cùng làm' với dân.)
Với tôi, bài viết của Việt Hoàng rất hay, rất đáng suy ngẫm.
Nguyễn Thọ (khách viếng thăm) gửi lúc 23:20, 26/06/2014 - mã số 121576
Ngoài ra, khi "tập" làm chính trị, có lẽ người Việt chúng ta nên học cách chấp nhận lẫn nhau đã. Chấp nhận sự khác biệt, mặc dù vẫn tích cực đấu tranh cho chính kiến của mình.
Đấu tranh bằng cách tranh luận, thuyết phục, chứ không phải bằng cách chửi bới, móc mỉa, chụp mũ...
Mèo Mực (khách viếng thăm) gửi lúc 22:25, 26/06/2014 - mã số 121567
"“Vắt chanh bỏ vỏ” là một lối hành xử và nhân sinh quan bệnh hoạn của văn hóa Khổng Giáo." tôi không đồng ý với điều này. cho dù ở châu á hay châu âu, châu mỹ thì tất cả những nguời "khai quốc công thần" hay những người có công lao to lớn với triều đình, với chính quyền đều ở tình thế sẽ bị bỏ đi lúc nào ko biết, bởi vì ko nhà cầm quyền nào muốn ng của mình "công cao trấn chủ" cả. điều thứ 2, tại sao "tham gia và ủng hộ cho một tổ chức dân chủ đối lập nên là ưu tiên và là nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước trong lúc này"? chúng tôi yêu nước, chúng tôi không thích tham gia mấy cái tổ chức dân sự vớ vẩn của mấy người thì sao mà lại nói đó là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi? ông nghĩ ông là ai mà đòi ra lệnh cho chúng tôi phải làm thế này thế nọ? a dieu! chúng tôi không cần những tổ chức 2 mặt bán nước cầu vinh của mấy ông!
Nguyễn Thọ (khách viếng thăm) gửi lúc 16:59, 26/06/2014 - mã số 121548
Không hiểu tại sao rất nhiều người Việt "ghét" hoặc sợ chính trị, thậm chí chỉ "nói chuyện" chính trị cũng đã là điều gì đó ghê gớm và cần xa lánh rồi. Trên rất nhiều diễn đàn, người ta quy định "không nói chuyện chính trị".
Tôi nghĩ rằng nên tạo ra một cuộc vận động người VN tham gia vào chính trị, bắt đầu chỉ là những cuộc tranh luận về chính trị trước đã. Đặc biệt là vận động giới trẻ như là một hành động thiết thực chống lại chủ trương ngầm của Nhà nước ru ngủ giới trẻ bằng những hoạt động nặng về giải trí ăn chơi trác táng hiện nay.
Trích dẫn:
Vậy, tham gia và ủng hộ cho một tổ chức dân chủ đối lập nên là ưu tiên và là nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước trong lúc này
.
Tôi rất tán thành ý kiến này.

Khách Lê Văn Mọi (khách viếng thăm) gửi lúc 16:52, 26/06/2014 - mã số 121547
Chắc là khi viết bài này thì me sừ Việt Hoàng đang ngồi trong 4 bức tường phòng lạnh. Ngồi thế thì làm sao thấy được không khí nóng ngoài trời nên văn chương tuôn ra cũng êm ái quá. Ngồi trong phòng một mình thì làm sao biết được mình đối đầu với đối thủ ra sao?
Có cách để kiểm chứng lý thuyết bài này đúng hay sai là ông VH hãy trao đổi những ý tưởng như trong bài này với mấy tên công an thường thường đi đàn áp đồng bào hay với mấy lão thường ngày tụng niệm ở trường Nguyễn Ái Quốc hoặc mấy ông ở Hội đồng lý luận TƯ hay mấy gã trong Ban tuyên giáo TƯ đã.
Cái lý thuyết ông nêu ra đã được học giả Nguyễn Văn Bông ở miền Nam dưới thời cụ Ngô Đình Diệm nêu lên từ nửa thế kỷ trước rồi. Mặc dù học giả Nguyễn Văn Bông chỉ làm công tác giảng dạy nhưng đã bị CS dùng biệt động Sài Gòn ám sát. Họ sợ cái lý thuyết đa đảng, chấp nhận các quan điểm đối lập. Họ sợ lý thuyết GS Bông đưa ra hơn là sợ máy bay ném bom đấy Việt Hoàng ạ
VH viết: "Phải hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân và sau đó trí thức phải lãnh đạo người dân." thế thì Việt Hoàng hãy làm như ông Kísinger của Mỹ ấy, tức là vừa đưa ra ý tưởng, vừa là người thực hiện. VH hãy làm người lãnh đạo và "hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân" đi. Nói mà không làm thì đúng là tác phong của CS rồi.
VH lại viết: " Có người suy nghĩ đơn giản và hời hợt rằng Mỹ hay một thế lực nào đó có thể đem lại dân chủ cho Việt Nam. Đây là một ảo tưởng rất là viển vông."
Nhiều người nhìn lại những sự kiện xảy ra ở nước ta trên nửa thế kỷ nay thì thấy mọi biến động ở nước ta đều có yếu tố nước ngoài chi phối. Đất nước chia đôi thì có hiệp định Genève, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc thì sau khi có đàm phán ở Paris.
Còn tình hình hiện nay thì chưa biết thế nào, nhưng nguy cơ mất nước còn Đảng thì rõ ràng do chính quyền Bắc Kinh dính vào rồi. Trước mắt thì ai cũng thấy Trần Khải Thanh thủy, Cù Huy Hà Vũ được trả tự do là do "đế quốc Mỹ can thiệp."
Có lẽ ta muốn đấu tranh cho dân chủ, có đa đảng đa nguyên thì phải chờ cái đảng độc quyền này thực hiện dân chủ trước đã, tức là cho phép dân chủ đa dảng đa nguyên và cho tự do biểu tình trong ôn hòa trước đã. Kiểu này cũng giống như khi nào no thì hãy ăn cho khỏi đói, khi nào khỏi bệnh hãy đến bệnh viện khám và xin thuốc để chữa bệnh. Hay đáo để.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét