Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Thư gửi bạn ta (06/21/14)

tapghivannghe01
Ngày 9 tháng 6 năm 2014
Bạn ta,
Chuyện ăn nói tục tĩu, hành vi thô lỗ của các cán bộ và công chức nhà nước đã trở thành một đặc sản của bọn Việt Cộng từ nhiều năm nay. Không ăn nói mất dậy không phải là cán bộ và công chức nhà nước.
Mấy năm trước, năm 2007 Nguyễn Tấn Dũng đã phải đưa ra khuyến cáo về chuyện này, cấm sử dụng những thứ ngôn ngữ bưng biền cách mạng trong các giao tiếp với người dân. Chính Hồ Chí Minh cũng đã phải đề cập tới tệ nạn này khi nói rằng cán bộ, công chức phải là công bộc, là đầy tớ phục vụ nhân dân, phải lễ độ với dân chúng. Nhưng rõ ràng là điều ngược lại mới là thực tế mà người dân phải đối mặt.
Một cuộc điều tra mới đây cho thấy 88% dân Hà Nội cho rằng cán bộ lãnh đạo có những hành vi ứng xử không phù hợp. Nói rõ hơn là cán bộ công chức luôn luôn có lối ăn nói hành xử rất mất dậy trong những giao tiếp với người dân.
Mà đó là ở thủ đô, và đó cũng lại là những nhận định của người dân đối với các thành phần cán bộ lãnh đạo. Ở những cấp dưới và ở những nơi khác ngoài thủ đô thì tệ nạn này còn khiếp đảm đến mức độ nào nữa thì khỏi cần phải nói ra, ai cũng biết.
Và đây là một vụ.
Chuyện xẩy ra ngay tại tòa án ở Sài Gòn hồi cuối tháng 9 năm 2012, hôm xử ba bloggers được đài BBC tường thuật lại. Bà Dương thị Tân, vợ cũ của ông Điếu Cầy, cho biết khi thấy bà và con trai mặc áo có hàng chữ “Tự Do Cho Những Người Yêu Nước”, thì một sĩ quan công an thuộc phường 6, quận 3 đã đòi bẻ cổ bà và bình luận về hàng chữ trên áo của bà bằng câu nguyên văn: “Tự do cái con cặc”.
Người đàn ông này mang lon trung tá tên là Vũ Văn Hiển, chỉ huy phó công an phường. Như vậy, Vũ Văn Hiển là một cán bộ cao cấp, không phải là thứ tép riu đứng đường thổi còi xin tiền mãi lộ. Chuyện anh ta công khai đòi bẻ cổ một công dân vô tội là chuyện không thể chấp nhận được. Trong một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc thì không ai được phép hăm dọa tính mạng của người dân như thế. Đòi bẻ cổ một người phụ nữ không hề đe dọa chế độ như vậy là không được, là đi ngược lại tinh thần ý nghĩa của mấy chữ ở đâu cũng thấy nhắc. May ra trên mấy tờ giấy chùi đít là không thấy ghi mặc dù có ghi thì cái đít chắc cũng hạnh phúc hơn được một chút.
Kế đó là câu chửi bố câu nói của bác Hồ. Bác nói rằng không gì quí hơn là độc lập và tự do. Thế nhưng độc lập thì không có. Tập Cận Bình nắm cả nước trong tay nó rồi chỉ còn hy vọng còn chút tự do cho đúng với lời bác dậy, thì trung tá công an Vũ Văn Hiển đem cái món đó dìm xuống ngang hàng với cái bộ phận ở dưới thắt lưng của nó: “Tự do cái con cặc”.
Trung tá Hiển đưa tự do vào vị trí cái háng của y. Hay vì vậy mà bọn Hán gian đã nhốt cái tự do vào cái háng của chúng. Hán này háng nọ, háng nọ ngó Hán kia, nhìn một hồi hoa (?) mắt thì tự do thành ra cái con cặc hay sao!
Chắc là vậy nên sau vụ này, nhà nước không thấy cho áp dụng một biện pháp trừng phạt nào nhắm vào tên trung tá này hết. Từ đó đến nay.
Chưa hết.
Một người khác cũng hay văng tục và chửi thề thuộc hàng cao thủ là Phan Văn Khải, nguyên là thủ tướng trước cả Nguyễn Tấn Dũng. Khải có biệt danh là Khải Đờ Mờ vì hễ mở mồm ra là lại nhắc tên viết tắt của Đỗ Mười. Phan Văn Khải, theo Lê Nhân, một người cùng lớp, cùng tuổi với Khải trong lớp học về chính trị Mác xít do ông Hoàng Minh Chính phụ trách, là một người mở miệng ra là phải chửi thề như thể không chửi thề thì không ăn nói nên lời được. Theo Lê Nhân, có lúc Khải tưởng như đã bỏ được cái trò chửi thề văng Đê Em đó nên đã được nhà trường cấp cho một bằng khen vì đã làm sạch được cái mồm, bỏ được thói đem thân mẫu ra làm chuyện mây mưa. Nhưng sau đó, chứng nào vẫn tật ấy. Lê Nhân kể là tại một buổi lễ khai mạc khóa chính trị Mác Lê cao cấp, Khải được giao trách nhiệm hô chào cờ cho quan khách tham dự buổi lễ. Trong số khách có mặt, có cả Sáu Búa Lê Đức Thọ. Khải có thể xúc động quá nên trước chân dung của Mác, Lê Nin, Stalin, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông, nên Phan Văn Khải đã dõng dạc, bằng giọng Củ Chi Nam Bộ hô lớn, nguyên văn: “Đù má nghiêm! Chào cờ, chào!”
Sau đó cũng không thấy Khải bị bất cứ một biện pháp chế tài hay kỷ luật nào.
Hay là cứ nhìn thấy cái cờ đó, phải chào nó thì Khải lại ba chân bốn cẳng chạy về nhà để mây mưa với thân mẫu của mình và thân mẫu của hết cả bọn trong bộ chính trị nên đảng và chính phủ cũng không làm gì chàng cả, mà lại còn thăng chức nữa đấy chứ.
Vậy thì sức mấy mà cán bộ, công chức nhà nước ăn nói tử tế cho được.
* * *
Ngày 10 tháng 6 năm 2014
Bạn ta,
Tôi có cảm tưởng như hồi gần đây, tôi được nghe thấy câu này thường hơn, và thấy nó có lý hơn hồi xưa: life is too short.
Ðời sống ngắn quá. Rồi kế đến, ngay sau câu đó, bao giờ cũng là mấy câu với những toan tính làm cái này, cái nọ, quên đi những bực bội, muộn phiền, sống cho đầy đủ, muốn gì làm nấy vân vân.
Câu này trước đây tôi cũng có nghe nhiều lần, nhưng không thấy ý nghĩa thúc bách như gần đây. Hay bây giờ sự ngắn ngủi của đời sống mới được thấy rõ hơn?
Hôm nay, một người bạn gửi cho xem bức ảnh chụp một tấm quảng cáo ở Chicago, trên tường của một tòa cao ốc mỗi ngày chàng đi làm qua. Tấm quảng cáo nghe vừa thúc bách, lại vừa đầy những khuyến khích, mời gọi ở nửa sau.
Nửa trước là “Life’s short”, đời sống thì ngắn. Câu tiếp theo sau là “Get a divorce”, nghĩa là ly dị đi.
Ðó là quảng cáo của một văn phòng luật chuyên về các vụ ly dị. Phía dưới có số điện thoại để liên lạc.
Chuyện không có gì lạ. Bán xe thì mời mua xe. Bán nhà thì mời mua nhà. Sửa sắc đẹp thì mời bơm, hút, căng, kéo. Tương tự, văn phòng chuyên lo về các vụ ly dị thì quảng cáo, mời ghé vào ly dị một cái là chuyện dễ hiểu.
Bên trái của tấm quảng cáo là bức hình chụp thân hình của một phụ nữ mặc bikini, và bên phải là bức hình chụp một người đàn ông cởi trần, bầy ra tất cả những bắp thịt cần có trên một thân hình lực sĩ.
Ðó là những mời gọi, khuyến khích đầy thuyết phục.
Ra đường trông thấy tơ người
Về nhà trông thấy tằm tôi, tôi buồn
Người đàn ông ở nhà có hóp cái bụng lại cũng không thể bằng người đàn ông trong bức hình. Ở ngoài người ta như thế chứ. Trong khi ở nhà, chẳng thấy bắp thịt đâu, nhưng bữa nào cũng hạch sách phải nấu cho đủ ba món, nấu xong bưng lên thì còn chê ỏng chê eo chứ đã chịu ăn ngay đâu.
Life is short!
Ðã vậy, đổ hết cái mâm cơm lên đầu coi có còn kén cá chọn canh nữa không. Rồi gọi điện thoại cho văn phòng luật sư, xin cái hẹn. Không nhịn được nữa. Con giun xéo lắm cũng phải quằn. Bước ra để coi hoạnh họe với ai, cho cơm đường cháo chợ cho biết thân.
Rõ ràng là cái quảng cáo muốn viết ra những điều đó.
Ngó bên tay mặt coi. Cái ngực ấy, cái bụng ấy, bắp thịt cuồn cuộn chứ đâu có bèo nhèo một thùng mỡ gầu, lông mũi một búi, răng cải mả, chân ống sậy còn đánh cái quần shorts, rồi lại còn giở thói ra đi đôi giầy jogging nữa Giời ạ… Phải can đảm. Bước ra, bên ngoài người ta… thế ấy chứ.
Nhưng tấm quảng cáo lập tức bị một số người phản đối, cho rằng nó chỉ làm được một công việc là khuyến khích những cặp vợ chồng có vấn đề giải quyết ngay bằng biện pháp chia tay thay vì tìm cách hòa giải để ở lại với nhau.
Những ý kiến khác thì nói là khi hai phía đã đi tới một khúc quanh không thể hàn gắn được thì cho dù không có những khuyến dụ đó, họ vẫn chia tay như thường.
Tấm bảng quảng cáo có hai bức hình chụp hai cái cơ thể hấp dẫn nhưng thực ra lại là những bức hình chụp hai quả đồi. Ngó xa thì cỏ trên đồi mướt lắm.
Nhưng cứ thử băng đèo, lội suối qua bên kia đồi coi. Ðến nơi mới thấy cỏ ở đó cũng chẳng khác gì cỏ ở đồi bên này. Cũng cháy, cũng cụt, cũng… đắng ngắt.
Lại nữa, cỏ mùa xuân tháng ba trong tiết Thanh Minh thì mới non xanh rợn chân trời, mới cành lê trắng điểm một vài bông hoa chứ cỏ tháng mười, tháng mười một thì chán biết là chừng nào.
Cỏ tháng mười một, mười hai thì ở đâu, ở đồi nào đâu cũng bệu rệu như nhau, cỏ đồi nào trông cũng Việt Nam bi thảm Ðông Dương (bản dịch của Ðường Bá Bổn) cả mà thôi.
Coi vậy mà hổng phải vậy. Qua bên kia đồi là biết nhau ngay.
Có cái ao sao không về mà tắm, trong hay đục thì cũng vậy. Hơn nữa, tục ngữ Anh còn có câu hay đáo để: một con chim (?) trong tay còn giá trị hơn là hai con trong bụi rậm (?): a bird in the hands is worth two in the bush.
* * *
Ngày 11 tháng 6 năm 2014
Bạn ta,
Một người bạn vừa gửi cho tôi, qua internet, một số ảnh chụp cảnh những con đường ở Sài Gòn trước năm 1975.
Xem lại những bức ảnh này, tôi mới thấy tôi là người bất công hết sức. Mỗi lần nhớ lại cái thành phố nơi tôi lớn lên, tôi chỉ nhớ lại những con đường, những nơi chốn, những căn nhà, những người bạn… mà không bao giờ nhớ đến nó.
Trong những bức ảnh đó, gần như không một bức nào chụp ngoài đường phố là không có nó.
Nó có mặt từ lúc gia đình tôi di cư vào Sài Gòn, và nó vẫn còn ở Sài Gòn cho đến tận sau tháng 4 năm 1975.
Những chiếc taxi sơn hai mầu xanh và vàng nhạt của hãng xe Renault sản xuất từ thời những cái tên Honda, Toyota, Nissan chưa có ở trong đầu của người dân Sài Gòn.
Phải nói nó thật là xinh. Cái máy bốn ngựa gắn phía sau, phía đầu ngắn ngủn, bốn cửa, vừa đủ chỗ cho ba người lớn.
Nó có mặt từ khi có bài hát tả cảnh ăn chơi Sài Gòn Trần Văn Trạch hát kể ban đêm muốn đi chơi “… là có taxi phóng ngay vào trong Chợ Lớn…”.
Nó chạy ở Sài Gòn suốt mấy chục năm, và tiếp tục chạy cả trong những năm chính phủ không cho nhập cảng các sản phẩm của Pháp vào Việt Nam. Cái cửa mở trên mui xe được gắn cái khăn vải để lùa gió vào trong xe trong mùa nóng. Cái nắp máy xe ở phía sau được chống lên bằng cái lon guigoz cho máy mát. Sàn của nhiều cái đã mục, ngồi trong xe ngó xuống thấy được cả mặt lộ ở dưới. Không cần phụ tùng mua ở Pháp, nó vẫn chạy.
Có lẽ bộ phận duy nhất còn hoạt động trong những chiếc taxi đó là cái đồng hồ chỉ giá tiền. Nhưng khi giá những cuốc taxi không đuổi kịp được mức lạm phát, thì một chiếc khăn lông được vắt lên cái đồng hồ và chúng tôi trả giá thay vì dùng cái đồng hồ.
Những chiếc Renault 4 đã đưa tôi đi thi tiểu học ở trường Cầu Kho, đưa chị em chúng tôi đi xi nê những cuối tuần, rồi lại đưa tôi đi những chuyến hẹn hò trong mùa mưa thời ấy, rồi lại trong chuyến đón hai đứa con từ bệnh viện về.
Những chiếc Renault 4 trông rất hiền lành ấy đã ở với tôi trong suốt những năm lớn lên trong thành phố tôi đã ở gần hai mươi năm.
Nó có cái nét hiền hơn cái Peugeot 203 đã đành, nó còn hiền hơn cả những chiếc xe Nhật được đưa vào Việt Nam hồi những năm 1970.
Nó đưa chúng tôi đi trên những con đường mưa lướt thướt, mây đen vần vũ trên trời, rồi lại qua những trưa hè đổ lửa xuống thành phố trong những lần chúng tôi bỏ xe ở Sài Gòn vào Chợ Lớn ăn mì. Lúc nào nó cũng kín đáo, ngồi ở trong, người ngoài không bao giờ ngó thấy.
Những chiếc Renault 4 ấy bây giờ ở đâu? Chắc chắn mấy năm sau 1975, chúng không còn được lưu hành làm xe taxi nữa. Và bây giờ thì chúng đã được thay thế bằng những loại xe mới hơn của Nhật.
Chúng đi đâu? Chúng có được yên nghỉ ở một chỗ nào bình yên không, hay chúng đã bị để cho nằm chết ở một xó góc nào đó như một chiếc Morris Mini một hôm được kéo tới đầu đường nhà tôi và bỏ lại để lũ trẻ phá phách một hồi sau không còn gì ngoài cái sàn và cái sườn?
Chúng có bị đem ra ngoài Bắc như nhiều thứ khác không? Thế nào chẳng có những cái bỏ xác ở Hòa Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, đâu đó ngoài Bắc.
Nhìn mấy bức ảnh của người bạn gửi cho, tôi bỗng nhớ nó. Không biết cái xe chở tôi và người bạn trong buổi tối trời mưa trước khi tôi rời Sài Gòn lần cuối đang ở đâu? Sợi dây thép dùng để mở cửa làm rách tà áo người bạn bây giờ nằm ở chỗ nào?
Những chiếc Renault 4 của một thời trẻ tuổi ở Sài Gòn thỉnh thoảng vẫn trở lại với tôi.
Nhất là trong mấy ngày hôm nay, khi nhìn lại những bức ảnh chụp những con đường Sài Gòn.
Ðó là thời gian đẹp nhất của đời tôi. Nó đã ở với tôi trong những năm đó.
Những chiếc taxi Renault 4. Tôi nhớ nó vô cùng.
* * *
Ngày 12 tháng 6 năm 2014
Bạn ta,
Lâu lắm tôi không đi garage sale, một trong những trò giải trí ít tốn kém nhất nhưng lại thú vị nhất trong những ngày cuối tuần. Cái máy Fujica kiểu nhà nghề tôi mua được hồi còn ở Virginia có hai chục trong khi giá trong tiệm là gần một ngàn bạc. Cái Yashica 124 chụp phim lớn tôi cũng mua được với giá có vài chục.
Mấy hôm trước ở Elmira tiểu bang New York chắc thế nào cũng có một người hí hửng vì đã mua được một món quá rẻ: chỉ có 50 xu một cái bình sứ làm giống một con rùa. Cái bình về giá trị tiền bạc chắc không có bao nhiêu nhưng giá trị về mặt tinh thần thì có thể là vô giá.
Bà chủ bán nó xong, người mua đi mất thì mới biết trong cái bình chứa cái gì.
Hôm ấy có thể ông chủ nhà đi vắng hay không để ý, nên bà mang một số đồ vật tìm thấy trong nhà nhưng không nghĩ ra được công dụng của chúng, bèn đem ra bầy ngoài cửa bán.
Ðó là tiết lộ của chính bà.
Nhưng khi người chồng về, thì bà mới biết trong cái bình làm giống con rùa đó là tro cốt bà vợ cũ của ông.
Ít người tin là bà không biết cái bình ấy đựng những thứ ấy. Rất có thể bà biết, nên đem bán quách. Bán để ông khỏi ngày ngày nhìn thấy nó, thỉnh thoảng ngồi ngó nó mà thẫn thờ, mắt nhòa lệ.
Như thế thì để lại trong nhà thế nào được. Bán quách cho rồi.
Mà ông chồng cũng là người kỳ cục. Chuyện xong rồi, mang về nhà làm gì. Nếu có mang về, khi có đệ nhị phu nhân thì cũng phải đem đệ nhất phu nhân đi chỗ khác chứ.
Ra biển, xuống sông, ngoài hồ… thiếu gì chỗ để cho bà số một siêu thoát. Ðem về nhà làm gì? Hay là bà dặn phải để ở nhà không thì chết với bà rồi sợ quá, không dám bỏ đi chỗ nào khác?
Thử hỏi nếu bà số hai cũng giữ trong nhà một cái hũ to hơn cái hũ của ông. Ngày nào đi qua bà cũng xoa cái hũ một cái, thỉnh thoảng lại lôi nó ra, đặt lên bàn rồi nói chuyện với nó, gọi nó là “honey” thì ông thấy có được không?
Thế nên người ta tin là bà chủ nhà có biết, nhưng đem bán tống bán tháo đi cho đỡ ngứa mắt. Mà lại bán với giá quá rẻ mới là đau chứ.
Kìa như con cò bị bắt, trước khi bị bỏ vào nồi xáo măng cũng vẫn còn cố gắng năn nỉ có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục mà đau lòng nó lắm.
Xáo nước trong tức là còn quí nó, còn tôn trọng nó, còn cho nó ân huệ cuối cùng là một nồi nước trong. Chứ đã giết, đã xáo nó mà lại dùng nước không trong để xáo nó thì đau đớn cho da thịt nó biết là bao nhiêu.
Trong trường hợp cái bình thì cứ bán, nhưng bán với giá ba, bốn chục đô la thì còn đỡ đau. Ðằng này bán lấy có 50 xu thì đau biết là chừng nào.
Nhưng phải bán với cái giá rẻ mạt ấy thì mới đỡ… tức.
* * *
Ngày 13 tháng 6 năm 2014
Bạn ta,
Các tiệm ăn ở đây nên cập nhật hóa bản danh sách đen với cái tên Duane L. Williams và áp dụng triệt để ý nghĩa của tấm bảng viết câu WE RESERVE THE RIGHT TO REFUSE SERVICE TO ANYONE.
Cứ làm đúng những chữ viết trên bảng: chúng tôi dành quyền từ chối không tiếp bất cứ ai chúng tôi không muốn tiếp.
Nguyên do là vì Duane L. Williams tuần qua đã hành hung một phụ nữ làm việc tại một nhà hàng bán thức ăn nhanh (fast food) tại Penn Hills thuộc tiểu bang Pennsylvania.
Chuyện ông ta lần mò sang tận California để đến ăn ở các nhà hàng tại đây thực ra thì khó xẩy ra, nhưng các nhà hàng vẫn phải đề phòng để có biện pháp ngay: trông thấy ông ta thì đuổi ra cửa ngay lập tức, từ chối tiếp ông ta, dứt khoát không cho ông ta ăn ở tiệm của mình.
Chuyện đầu đuôi là hôm thứ Năm tuần trước, ông ta lái xe tới một tiệm fast food để mua vài thứ mang về nhà ăn. Nhưng người nhận order của ông, theo ông, đã không biết nói “please” với ông, lại cũng không biết cả câu “thank you” nên ông giận lắm. Ông đậu xe lại rồi vào đòi gặp manager của tiệm. Nhưng trước khi manager gặp được ông thì ông lại chạy ra ngoài, đến tận cửa sổ nơi người phụ nữ này làm việc lấy order của khách, và đấm cho cô một quả vào mặt.
Chao ôi, chỉ có thiếu mấy tiếng “please… thank you” mà nỡ lòng nào đấm người ta. Người như thế thì không bao giờ cho đến ăn ở bất cứ tiệm ăn nào, miền đông cũng như miền tây.
Chúng tôi không có cái lối hành xử như vậy.
Chúng tôi đi ăn, trả tiền sòng phẳng. Những người phục vụ cũng chỉ làm đúng công việc của họ là mang thức ăn đến bàn của chúng tôi. Chúng tôi không thấy cần phải có mấy tiếng “please… thank you” gì hết.
Chuyện ăn tiệm của những người như Duane Williams phải học hỏi từ phía chúng tôi rất nhiều.
Thí dụ ngồi xuống bàn ở các tiệm ăn, chúng tôi được quăng cho cái menu đã là quí rồi; ngó lên thì liền thấy một khuôn mặt khó chịu hất hàm hỏi “Kêu gì…” rồi bằng tất cả thái độ thiếu kiên nhẫn, cầm cái bút và cuốn sổ nhỏ chờ chúng tôi đọc thực đơn và gọi thức ăn. Chúng tôi cũng chỉ lễ phép yêu cầu cho được thêm vài phút để đọc menu. Hồi sau, chàng cũng có thể là nàng trở lại, ghi xuống các món khách gọi rồi quầy quả ra đi. Lát sau, chai bia cùng với cái ly được đem tới bàn, đặt cái kịch xuống. Tay của chàng và nàng không bao giờ biết cầm ở phía dưới của cái ly, mà bao giờ cũng cầm vào miệng ly cho khách phải lau lại… chơi.
Khi các món ăn được đưa ra, thì chúng cũng được đặt mạnh xuống bàn khiến khách không biết đã làm gì để đến nỗi bị giận và đối xử một cách thô lỗ như thế. Nhưng chúng tôi vẫn ăn uống như thường, không một lời ta thán.
Không dám đòi hỏi mấy câu “please” với “thank you” bao giờ.
Xin cái ly không có đá, hay vài miếng ớt tươi… được cho đã là mừng gần chết. Chúng tôi không hề dám đòi hỏi gì khác hơn.
Vẻ mặt chúng tôi lại cũng phải luôn tươi cười. Cau mặt lại với… tang thương là không nên chút nào. Làm sao biết được sau khi đòi cái này, cái nọ, mặt mũi nhăn nhó khó khăn với các chàng và các nàng thì làm sao biết chắc được là đĩa thức ăn từ trong bếp đem ra không có thêm một bãi nước bọt miễn phí nhổ vào đĩa?
Có bao giờ nghe câu hăm dọa này chưa? You will never eat lunch in this town again… Khó khăn như thế thì đừng có mà vác mặt trở lại nghe không?
Muốn có chỗ ăn cho bõ những ngày cơ cực thì phải bắt chước chúng tôi. Không được nghe mấy tiếng “please” và “thank you” thì sao không tự nói lấy cho mình nghe để cho xong bữa rồi còn tính chuyện khác.
Muốn được yên cái đời “cơm đường, cháo chợ” thì phải biết điều như chúng tôi, nghe chưa ông Duane Williams!
Bầy đặt như mấy câu căn dặn trong cuốn Trà Sớ, cuốn sách dậy nghệ thuật uống trà của người Trung Hoa ngày xưa thì chỉ có đói rã họng ra mà thôi.
Cuốn sách khuyên không nên uống trà nếu trà đồng thô lỗ hay người ở gái gắt gỏng.
Cứ làm đúng như thế thì chỉ có hoặc là chết khát, hoặc là đừng bao giờ héo lánh tới tiệm nữa.
Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét