Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Hàng Việt Nam "thua đau" Trung Quốc: Tiên trách kỷ!

"...Biện pháp tốt nhất là chấp nhận sự thải loại của doanh nghiệp nhà nước, thay đổi chính sách tỷ giá mạnh mẽ để làm sao xuất khẩu có lợi, nhập khẩu về lỗ thì lúc bấy giờ sản xuất trong nước mới mạnh còn nhập hàng về dứt khoát rẻ hơn sản xuất trong nước thì không ai tự sản xuất mà sẽ nhập hàng về để bán..."


nhandante03
Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ để chiếm lĩnh
thị trường quốc tế
Nguyên nhân sâu xa khiến hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt là do Trung Quốc đã từng phá giá đồng Nhân dân tệ khiến hàng hóa xuất khẩu giá cực rẻ.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết nguyên nhân hàng Trung Quốc giá rẻ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Cũng theo Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trung Quốc không cần những chính sách trợ giá cho doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam vì bản thân giá của các mặt hàng đã ở mức thấp nhất và chỉ thẳng những điểm doanh nghiệp Việt cần học hỏi thương nhân Trung Quốc.
Quả ngọt từ điều chỉnh chính sách tỷ giá
PV: Hàng hóa buôn bán tại chợ Đồng Xuân có thời điểm tới 90% là hàng Trung Quốc, gần đây theo báo cáo còn khoảng 60-70%. Các hộ tiểu thương tại chợ cho biết sở dĩ như thế vì giá cả, mẫu mã hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn so với các sản phẩm doanh nghiệp trong nước sản xuất. Liệu ông có thể lý giải thực tế này? Chiến lược hàng Trung Quốc giá rẻ cụ thể như thế nào, thưa ông?
Bùi Ngọc Sơn: Thực tế, vào năm 1994, sau thời gian gây dựng năng lực sản xuất hùng mạnh Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ trong khi tỷ giá Việt Nam vẫn gắn vào đồng USD khiến đồng tiền quá cao so với đồng Nhân dân tệ. Việc làm này từ phía Trung Quốc đã đưa hàng hóa do Trung Quốc sản xuất về mức giá rất rẻ, rẻ hơn nhiều so hàng Việt Nam nên hàng hóa của Trung Quốc tràn lan thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu.
Trên thực tế vì chúng ta vẫn cố leo vào đồng USD và không có thay đổi gì nhiều trong chính sách tỷ giá nên đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cho đến bây giờ nếu tính ra giá thành vẫn rẻ vì vậy họ vẫn thâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam.
Khi đã thâm nhập trong thời gian dài, doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc có thời gian để sản xuất nhiều, tích lũy kinh nghiệm, công nghệ, chú trọng vấn đề mẫu mã đẹp, có nhiều cách thức quảng cáo sản phẩm, tiếp cận và lấn chiếm thị trường thông minh vì vậy thương nhân, tiểu thương Việt Nam thấy thu được lợi nhuận lớn từ việc nhập hàng hóa Trung Quốc để bán tại thị trường Việt Nam nên hàng hóa Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây hàng hóa trên toàn thị trường nói chung và chợ đầu mối Đồng Xuân nói riêng hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc giảm vì sau một thời gian dài tích lũy và việc thay đổi trong cấu trúc kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi phải nâng chi phí của họ. Họ không thể sản xuất rẻ như trước đây vì giá nhân công lao động tăng cao, các vấn đề lạm phát... khiến chi phí tăng cao.
hangtrungquoc02
Hàng Trung Quốc đã từng chiếm tới 90% lượng hàng hóa
tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội)
PV: Có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể sản xuất hàng hóa với giá thành thấp nhất có thể do Trung Quốc sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, các phân khúc khác nhau hỗ trợ cho nhau, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không thể làm tương tự để đưa giá thành về mức thấp hơn, thưa ông?
Bùi Ngọc Sơn: Qua quá trình tích lũy công nghệ hiện công nghệ sản xuất của Trung Quốc tương đối mạnh, đồng thời Trung Quốc quá am hiểu thị trường nên có thể sản xuất được những hàng hóa rất rẻ phục vụ cho thị trường có nhu cầu hàng giá rẻ đồng thời vẫn sản xuất được hàng cao cấp. Trung Quốc có thể bán với giá từ hàng nghìn, hàng trăm đến hàng triệu. Ví dụ, Trung Quốc có thể sản xuất một chiếc áo khi bán tại thị trường Việt Nam có thể có mức giá chỉ 30. 000 đồng/chiếc, 300. 000 đồng/chiếc đến ba triệu đồng/chiếc.
Hiện Trung Quốc vẫn nắm được lợi thế giá cả do chính sách tỷ giá khôn ngoan trước kia song Việt Nam không làm được điều đó. Việt Nam đã tự đánh mất cơ hội của mình, chúng ta để đối tác ngay bên cạnh hưởng cơ hội đó, đến khi Trung Quốc lấn át chúng ta mới thấy chúng ta không thể nào ngóc đầu lên được.
Trung Quốc không cần trợ giá
PV: Hàng Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh, đằng sau đó liệu có câu chuyện Trung Quốc trợ giá cho các doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc khi xuất khẩu vào Việt Nam không, thưa ông?
Bùi Ngọc Sơn: Theo tôi lập luận này không chắc chắn vì Trung Quốc không cần trợ giá vì bản thân doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc đã bán hàng sang Việt Nam với mức giá quá rẻ.
Điều này chúng ta tự hại mình, không phải do Trung Quốc hại mình chỉ đến khi mình thấy hậu quả lớn mới đổ tội cho người ta. Trên thương trường, người khôn ngoan hơn thì nghiễm nhiên sẽ thắng cuộc.
PV: So sánh với doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc, tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho biết, doanh nghiệp Việt Nam kém hơn doanh nghiệp Trung Quốc trong việc tiếp cận thị trường, doanh nghiệp Trung Quốc đến từng sạp hàng giới thiệu sản phẩm, bán với số lượng chỉ 3-4 đôi với sản phẩm giày dép, còn doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu số lượng lớn, doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ về vốn cho tiểu thương còn doanh nghiệp Việt Nam lại không làm được điều đó. Xét về những mặt này phải chăng doanh nghiệp thương nhân Việt Nam phải học hỏi Trung Quốc, thưa ông?
Bùi Ngọc Sơn: Với thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc họ có lượng hàng hóa hùng hậu, mẫu mã đa dạng, cấp độ giá cả thấp hơn nên có đủ chi phí và khôn ngoan trong tiếp cận thị trường vì đã đi trước Việt Nam một thời gian dài. Nắm trong tay tiềm lực lớn như vậy nên họ chấp nhận trả chi phí cho việc giao hàng tận nơi, chi phí tiếp thị... còn doanh nghiệp Việt muốn đi làm như vậy cũng không thể làm được vì chi phí sẽ tăng, khâu trung gian sẽ lớn.
Nguyên nhân mấu chốt nằm ở chính sách của Việt Nam nhưng để tháo gỡ tình trạng này sẽ không dễ dàng. Biện pháp tốt nhất là chấp nhận sự thải loại của doanh nghiệp nhà nước, thay đổi chính sách tỷ giá mạnh mẽ để làm sao xuất khẩu có lợi, nhập khẩu về lỗ thì lúc bấy giờ sản xuất trong nước mới mạnh còn nhập hàng về dứt khoát rẻ hơn sản xuất trong nước thì không ai tự sản xuất mà sẽ nhập hàng về để bán. Kể cả nhà sản xuất trong nước cũng nhập hàng Trung Quốc về để đóng mác và bán dưới hình thức là hàng sản xuất trong nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên Thảo (thực hiện)
Theo Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét