Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Thư gửi bạn ta ( 10/24/14) Học thi

woman-writing-letter

Bạn nhớ chứ, những lớp học tư chúng ta học thêm sau những giờ học ở trường thời ấy, những lớp dậy thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, những lớp toán, lý hóa một thời ở Sài Gòn. Có một danh từ dùng để gọi những lớp học thêm như thế: cours particulier mà người ta gọi tắt là “cua pạc”. “Cua pạc” không phải là những lớp học ở tiếng Pháp ở trung tâm văn hóa Pháp, hay những lớp tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ, tiếng Đức ở trung tâm Goethe… mà là những lớp dậy để sửa soạn cho những kỳ thi Trung Học Phổ Thông, Tú Tài I, Tú Tài II.
Học sinh học thêm các môn hệ số cao, để hy vọng kiếm được nhiều điểm, giúp có thêm cơ hội dễ dàng vượt qua các cuộc thi, kiếm những cái “râu ria” bình thứ hay bình để còn kiếm học bổng đi du học.
Các “cua pạc” như thế lúc nào cũng đông học sinh, và các ông thầy dậy các môn toán lý hóa, Pháp và Anh ngữ kiếm được rất nhiều tiền.
Ở sân trường trong những giờ ra chơi, những bài toán khó được đem ra giải ở ngay những gốc cây, những khuôn mặt tự mãn càng thêm tự mãn nhờ giải được những bài toán khó trong “lơ bốt xê”. Bọn dốt toán như tôi chỉ đứng nghệt mặt ra mà xem, nghiêm và buồn suốt cả buổi.
Bây giờ, những cảnh làm buồn lòng bọn dốt toán như tôi không còn diễn ra nữa. Những thứ “cua pạc” như thế không còn nữa. Nhưng thay vào đó, là những thứ “cua pạc” khác. Những “cua pạc” ngày nay cũng nhan nhản thấy ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn… Thành phần đi học tại các lớp học này học những thứ không thấy tại các “cua pạc” trước đây. Họ đến để học làm sao được tuyển làm vợ của những người đàn ông ở Hoa lục, Đài Loan, Nam Hàn, tìm cơ hội thoát ra khỏi cái đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc mà nhà cầm quyền bắt phải khoe ở trên đầu bất cứ một thứ đơn từ, giấy má nào mà người dân viết xuống, cho dù đó là những lá đơn trình báo mất chó, bị cướp, bị hiếp dâm, bị xã hội đen trấn áp, vân vân.
Đọc bản tin viết về những lớp “luyện thi lấy chồng ngoại” trên một tờ báo trong nước hồi tuần qua tôi mới biết được rằng các phụ nữ trẻ bị bọn buôn người dụ dỗ lên thành phố để được giới thiệu lấy chồng nước ngoài, sau khi phải cởi quần áo cho những người đàn ông ngoại quốc xem hàng, lại còn phải qua một cửa ải khác nữa mới có thể được những người đàn ông đến Việt Nam kiếm vợ chịu đưa về nước. Họ còn phải học qua một lớp dậy làm vợ của những người đàn ông mà đa số là những thứ đui què mẻ sứt nhưng có tí tiền mua về (nói là để làm vợ).
Thế là phát sinh ra những thứ “cua pạc” mới.
Những “cua pạc” đó dậy những phụ nữ này những gì? Các thầy (ma) cô có bắt đầu khóa học bằng câu này không? “Này con học lấy làm đầu…”
Có đứa nào trông mặt “lờn lợt mầu da, ăn gì to lớn đẫy đà”… không?
Chao ơi, chúng nó, bọn Tú Bà và Mã Giám Sinh này dậy những người phụ nữ khốn khổ ấy những gì? Chúng nó lôi những chữ nghĩa, những ngón nghề gì? Vành ngoài, vành trong… bao nhiêu thứ?
Trò mua bán nô lệ tưởng là không còn trên mặt đất này từ cả hai thế kỷ trước thì nay vẫn còn thấy ở cái nước độc lập, tự do, hạnh phúc ấy chứ có biến mất hồi nào đâu!
Những người phụ nữ từng được cha mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa đó bị lôi ra dậy “vỡ lòng (học lấy) toàn những nghề nghiệp hay” đó. Những câu căn dặn Nguyễn Trãi viết xuống trong Gia Huấn Ca chắc không có trong các bài giảng…
Không lẽ cứ ra rả: “phận con gái ở nhà thi lễ, lắng mà nghe kể truyện tam cương… tấm lòng trời đất chứng tri, dâu hiền có hiếu tiếng ghi để đời… ở trên đời gái ở nết na… con hiền đẹp mặt mẹ cha, chồng hòa yêu chuộng, họ hòa kính chung…”
Thôi thì dậy những chuyện khác, vài ba câu tiếng Anh, hay tiếng Hàn, bơm hút căng kéo cho bắt mắt, khâu vá, mượn mầu chiêu tập sao cho như còn nguyên… Không biết có dậy cho những người phụ nữ này cách chạy đến sứ quán cầu cứu (dẫu là vô ích), hay chỉ cho vài ba thế võ để tự vệ không. Hay thủ tục đưa xác về Việt Nam như đã nhiều người (tình đã dở dang mà không đón được đò ngang để về) phải về nước bằng những chiếc hũ đựng tro cốt?
Bọn Tú Bà và Mã Giám Sinh thì chỉ cốt ăn chặn trước tiền, quăng cho gia đình những cô dâu một số tiền nhỏ là phủi tay. Cha mẹ của các cô cầm được trong tay những đồng tiền đầy máu huyết của con thì đã quá muộn.
Trời ơi nghĩ chỉ muốn chửi thề tục tĩu là vậy.
Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét