Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Xem phim 'Những ngày cuối ở Việt Nam'

usmarines-help-evacuation
Thuỷ quân lục chiến Mỹ đang giúp người Việt lên trực thăng cạnh tòa đại sứ Mỹ- 29 tháng tư, 1975

Trở về ký ức khó quên

Tôi ở trên một trong những chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào cuối tháng tư 1975.
Làm phóng viên tường trình chiến tranh ở Việt Nam, Campuchia cho báo The Christian Science Monitor trong khoảng đầu thập niên 1970, trước đó mấy năm đã làm cho UPI tại Việt Nam, tôi không ngạc nhiên khi một cuốn phim tài liệu mới về Việt Nam đã kéo tôi trở lại giòng thác ký ức, mà tôi ước gì có thể xóa đi một số hình ảnh đó trong tâm tư.
Những ngày cuối ở Việt Nam (Last Days in Vietnam), do nhà làm phim Rory Kennedy (con gái út của Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy, đạo diễn và đồng sản xuất hai tác phẩm điện ảnh Những bóng ma của Abu Ghraib (Ghosts of Abu Ghraib), nói về sự lạm dụng nhục hình ở trại tù Abu Ghrib do quân đội Mỹ cai quản, và Ethel,về thân mẫu của bà, Ethel Kennedy), đã kể lại theo thời biểu một số chuyện của nhiều cá nhân đằng sau cuộc di tản năm 1975 ở Sài Gòn.

Xoay như chong chóng

Là chứng nhân của sự kiện, tôi cần loại bỏ những thiên kiến và trải nghiệm của riêng mình ngay từ đầu. Tôi đã không tin rằng Cộng Sản sẽ đem biển máu vào Nam Việt Nam, như tin đồn đãi. Nhưng tôi quả có cảm thấy nhiều người Việt miền Nam sẽ bị đối xử tệ hại dưới chế độ mới. Vì thế tôi ở lại Sài Gòn vào những ngày cuối, cố gắng dàn xếp cho môt số người Việt mà tôi quen biết để họ lên được những phi cơ quân sự hay dân sự, khi những chiếc máy bay này còn bay được, hay giúp họ lên một trong những chiếc trực thăng của thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ sắp cất cánh vào giờ phút cuối cùng.
taking-tsn-airport
Quân CSBV chiếm phi trường Tân Sơn Nhứt, 30 tháng tư, 1975- AFP photo
Tôi sống ở Việt Nam khá lâu, đủ để biết thương cảm cho những người Việt miền Nam mà tôi biết là bị mắc kẹt không lối thoát, quân đội Bắc Việt vây quanh và đang nhanh chóng tiến vào. Tôi hiểu nỗi sợ hãi của một số người và mối hy vọng ngây thơ của những người khác. Tôi đã, vào phút cuối, dàn xếp được cho một cựu viên chức cao cấp của Việt Nam ra đi. Nếu không ông ấy rất có thể đã mất mạng trong một cái chết chậm, từ từ, trong một "trại cải tạo". Tôi cũng giúp được một giáo sư đại học đi thoát vào ngày cuối của cuộc chiến tranh, khi ông gọi tên tôi qua hàng rào bao quanh Tòa Đại sứ Mỹ.  Nhưng tôi đã không thành công với những người quen biết khác. Tôi khuyên cô giáo dạy tiếng Việt của tôi hãy ở lại, vì tôi cảm thấy chế độ mới có thể sẽ không làm gì ác đối với bà, và vì người mẹ của bà cần có bà. Nhưng tôi không thuyết phục được một người thông dịch viên làm việc với tôi ra đi, anh tin rằng sẽ không ai trừng phạt anh, vì anh khá nghèo. Thật sai lầm!

Lòng nhân đạo

Vì thế một tác phẩm điện ảnh về những nỗ lực cứu nạn để đưa càng nhiều người Mỹ và Việt ra khỏi nước đã lôi cuốn sự chú ý của tôi. Và tôi cần nói thêm là tôi biết một viên chức Mỹ đã lấy phép để tự mình trở lại Sài Gòn, trái với quy tắc của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, nhắm mục đích giúp một tay cho nỗ lực cứu người vào phút cuối. Tôi còn nhớ một viên chức tòa đại sứ đã lái xe buýt quanh các đường phố Sài Gòn để "gắp" lên vào phút chót những người Việt sắp lâm vào nguy hiểm.
Nhưng tài liệu ấy có thêm một cách đáng kể vào những gì tôi đã biết về những công cuộc cứu nạn mà nhiều lần đã phải tiến hành trong những điều kiện tai hại? Những sự cố gắng ấy, cũng như cung cách lạ thường của Graham Martin, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vào thời điểm đó, đã được ghi nhận đầy đủ trong nhiều cuốn sách. "Những ngày cuối ở Việt Nam" tiết lộ những điều không gây kinh ngạc về những sự kiện này.
Nhưng cuốn phim thật thành công trong việc nhân đạo hóa câu chuyện qua những cuộc phỏng vấn nhiều người Mỹ có dự phần và một số người Việt Nam thoát kịp hay bị bỏ lại.
Khung cảnh hoảng loạn ở Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn  trong 24 giờ cuối của cuộc chiến - được dựng lại một cách sống động bằng những đoạn phim và phỏng vấn các viên chức Hoa Kỳ, các thuỷ quân lục chiến, phi công trực thăng, cùng một số người Việt- đã rung lên thật sống thực trong tôi, vì tôi có mặt ở nơi đó, vào ngay lúc đó.
Đại sứ Martin đã miễn cưỡng nhìn nhận rằng sau khi quân đội Nam Việt Nam sụp đổ nhanh chóng ở một số tỉnh thành, kể cả Đà Nẵng vào ngày 30 tháng 3, 1975, việc Sài Gòn thất thủ là điều không thể tránh khỏi.
Do đó, một số viên chức tòa đại sứ, hiểu ra rằng Đại sứ Martin sẽ không chấp thuận, đã bí mật đưa những người Mỹ và Việt Nam có thể gặp nguy hiểm ra khỏi xứ sở. Martin đã không biết tất cả sự thật cho đến những giờ cuối trong ngày cuối cuộc chiến tranh, khi chính ông thấy phi cơ và trực thăng không thể đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt vì quân Bắc Việt pháo kích. Martin cũng sợ rằng công khai nhìn nhận kế hoạch di tản người Mỹ quá sớm sẽ gây hoảng loạn giây chuyền khiến người Việt Nam cản trở chiến dịch di tản. Nhưng hoảng loạn đã lan truyền khắp nước, kể cả Sài Gòn.

Những tấm gương

Điềy gây ấn tượng cho tôi là cuốn phim đã ghi nhận thật hay những nỗ lực của Hải quân Hoa Kỳ để đem hằng ngàn người di tản Việt Nam trên những chiếc tàu hải quân Việt Nam ra khơi. Đến nay tôi cũng đã không biết được hết về những thách đố với tàu USS Kirk, chiến hạm Hoa Kỳ trở thành điểm đến của những chiếc trực thăng Việt Nam quá tải chở những phi công cùng cả gia đình của họ trốn chạy khỏi xứ. Một trong những cảnh gây thương cảm nhiều nhất của tác phẩm điện ảnh này là cảnh một phi công Việt Nam đưa gia đình anh cùng nhiều người khác ra khơi trên một chiếc trực thăng vận tải CH-47 Chinook, bay lơ lửng sát trên phần đuôi tàu Kirk, để những người đàn ông, đàn bà, trẻ em, và cả một bé thơ 1 tuổi trong "phi hành đoàn" của anh đến được vòng tay của thủy thủ đoàn chiến hạm Kirk. Rồi người phi công đã chạm xuống mé tàu chiến cho chiếc trực thăng "lăn" sang bên phải rớt xuống biển, và anh phóng mình ra khỏi cửa tàu xuống mặt nước, an toàn!
uss-kirk-ch-47
Thủy thủ tàu USS-Kirk đang ra hiệu cho chiếc CH-47 của VNCH đáp vào boong tàu - Photo courtesy of Hugh Doyle, Apr 29, 1975
Cuốn phim cũng kể câu chuyện về Richard Armitage, khi đó 30 tuổi, sĩ quan cố vấn của hải quân Việt Nam, về sau đảm nhiệm những chức vụ  cao cấp trong Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời các Tổng thống Reagan và Bush.
Armitage làm việc chặt chê vời hạm trưởng tàu Kirk cùng các sĩ quan hải quân khác để đưa 30 chiếc tàu của Hải quân Việt Nam cùng với mấy chục tàu đánh cá và tàu vận tải đầy người tị nạn trốn chạy khỏi Việt Nam. Đài Truyền thanh Quốc gia (NPR của Hoa Kỳ) trong phóng sự riêng về chiến hạm USS Kirk, đã viện dẫn thống kê cho thấy có tới 30 ngàn người chen chúc nhau trên những con tàu này. Một số tàu không thể nhúc nhích được, tàu khác phải kéo đi. Nhiều chiếc khác bị vô nước. Thật là một phép lạ khi đoàn tàu ấy, với sự giúp đỡ của người Mỹ, đã vượt được cả  ngàn dặm về hướng đông để đến được bờ bến Philippines an toàn.

Thông điệp về trách nhiệm

Đại sứ Martin, không muốn đầu hàng trong cuộc chiến đấu của ông, vào giờ cuối đã gia hạn cuộc di tản để đưa đi được càng nhiều người Việt Nam càng tốt, đã được đối xử công bằng. Henry Kissinger, được nói đến ngắn ngủi trong phim, theo quan điểm của tôi có lẽ đã được đối xử quá mức công bằng. Kissinger là người đã thương lượng cho được Thỏa ước Hòa bình 1973 đầy khuyết điểm, bảo đảm cho Bắc Việt sự hiện diện ở Nam Việt Nam sau ngưng bắn. Tổng thống Gerald Ford được tán dương nhờ đã nhìn nhận – sau khi ông được thông báo đầy đủ nhưng quá muộn trong cuộc chơi - rằng Hoa Kỳ cần phải di tản những người Việt miền Nam từng làm việc chặt chẽ với Hoa Kỳ trong chiến tranh.
Mọi tòa đại sứ Mỹ, theo quy định, đều có kế hoạch di tản. Nhưng kế hoạch của tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn không ấn định việc di tản những người Việt cộng tác chặt chẽ với Hoa Kỳ.
Cuốn phim ngụ ý một thông điệp, được nhà làm phim chuyển lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây: Bất cứ lúc nào liên can đến một cuộc chiến tranh, chúng ta đều có trách nhiệm với những người đối diện nguy cơ của Tử thần nếu họ bị bỏ lại đằng sau.


****************************************************************
dan-southerland
Dan Southerland

Dan Southerland là Tổng biên tập của đài Á Châu Tự Do, Radio Free Asia. Ông đã trải qua gần 20 năm làm công việc phóng viên nước ngoài tại châu Á, tại Tokyo, Sài Gòn, Hong Kong và Bắc Kinh, và là Trưởng Văn phòng báo Washington Post tại Bắc Kinh từ 1985 đến 1990, tường thuật vụ đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989.




Tình người trong những ngày cuối cuộc chiến 

Việt Nam 


Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Chiếc trực thăng trên một chiến hạm bị đẩy xuống biển. Một dòng người bất tận chờ leo lên một máy bay trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã đầy ắp người trên một sân thượng. Ðám đông xô đẩy nhau tìm cách trèo qua tường để vào Tòa Ðại Sứ Mỹ. Người tị nạn chồng chất lên nhau như cá mòi trên những con tàu lênh đênh trên biển. Ðó là những hình ảnh người ta thường nghĩ đến khi nhắc đến kết cục của chiến tranh Việt Nam.


Poster phim tài liệu “Last Days in Vietnam” do Rory Kennedy đạo diễn. (Hình:ww.lastdaysinvietnam.com)
Ðã 40 năm, cuộc chiến đã là câu chuyện của quá khứ, những tưởng chẳng ai nghĩ còn điều gì để nói.

Thế nhưng khi đạo diễn Rory Kennedy, “nữ hoàng” của phim tài liệu, với hơn 30 cuốn phim, và từng đoạt giải Emmy về loại phim này, tìm hiểu về cuộc chiến này, thì kết quả là “Last Days in Vietnam,” một cuốn phim vừa trình chiếu đã nhận được biết bao nhiêu lời khen ngợi của mọi nơi, mọi giới.

Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, ông Mark Bailey, chồng của đạo diễn Rory Kennedy, cũng là người viết kịch bản cho phim “Last Days in Vietnam,” kể, “Ý tưởng làm cuốn phim này đến từ ông Mark Samels, người điều hành của chương trình lịch sử nổi tiếng “American Experience” của PBS (Public Broadcasting Service).

Cách đây hơn một năm, ông Samels tìm đến Rory và đề nghị nhà tôi làm một phim về cuộc chiến Việt Nam. Thoạt đầu họ e ngại đã có quá nhiều tài liệu và phim ảnh nói về cuộc chiến này, và sợ không tìm được gì mới để nói, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng về những ngày cuối Tháng Tư, 1975, thì Rory khám phá ra nhiều điều ít ai biết, và điều này làm nhà tôi hứng khởi. Và thế là chúng tôi bắt tay vào việc.”

Người viết kịch bản sát cánh với Mark Bailey, ông Keven McAlester, thì chia sẻ, “Ðiều mà Rory thích làm là kể những câu chuyện về con người, tập trung vào con người và những nhân vật tham dự trong sự kiện bà muốn tường trình. Cách thực hiện phim (tài liệu) của Rory, ngay từ đầu đã được định hướng là phải để cho các nhân vật kể chuyện của họ.”

Trong khi đó, đạo diễn Rory Kennedy thổ lộ với Người Việt, càng tìm hiểu, bà càng ngạc nhiên khi biết được “những câu chuyện rất cảm động, đầy tình người mà rất ít ai biết đến,” và thấy là “những điều này cần phải được ghi lại.”

Hơn một năm sau, “Last Days in Vietnam” ra đời.
Ôn lại quá khứ
Căng thẳng, bi thương, nhưng cũng hào hùng và đầy cảm hứng, cuốn phim tài liệu của đạo diễn Rory Kennedy không xét xem sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam đúng hay sai, mà kể lại tỉ mỉ cuộc di tản hoảng loạn của người dân Việt Nam vào những ngày cuối Tháng Tư, khi ngày thất thủ của miền Nam Việt Nam đã gần kề.


Trên boong tàu của USS Kirk, các thủy thủ ra dấu cho chiếc trực thăng Chinook thả người xuống tàu. (Hình: Hugh Doyle)

Bằng cách pha trộn những khúc phim tài liệu sống động, nhiều chi tiết chưa từng được phổ biến, phối hợp với hồi ức của những người Mỹ và Việt Nam từng có mặt ở Sài Gòn những ngày cuối cùng, đạo diễn Rory vẽ nên một bức tranh tình người sống động, giữa những người Việt đang tìm cách ra đi, và người Mỹ tìm cách giúp họ lánh nạn. 

Hãy cùng nhau bước chân vào một rạp Edward Theaters ở Irvine, hiện đang chiếu “Last Days in Vietnam” cho đến hết ngày 2 Tháng Mười. 

Khán giả ở đây gồm nhiều thành phần. Ða số, không ít thì nhiều, dính dáng đến Việt Nam hay cuộc chiến Việt Nam. Có những cựu chiến binh Việt Nam, trông đã lớn tuổi lắm, và cũng có những người trẻ tò mò đi xem vì “có bạn là người Việt Nam.” Trong số khán giả gốc Việt, có những gia đình cả ba thế hệ cùng dẫn nhau đi xem.

“Có phải hồi đó bố mẹ đi từ chỗ này không?” 

Khi cảnh một số người tìm cách đưa nhau lên những chiếc tàu của Hải Quân Việt Nam bên bến Bạch Ðằng trong một đêm tối trời vừa hiện lên màn ảnh, một cậu bé trẻ tuổi thì thầm hỏi người đàn bà ngồi cạnh.

Người đàn bà lặng yên, xiết tay cậu bé, gật đầu xác nhận, mắt không rời màn hình.

Trước đó, hình ảnh của những cuộc pháo kích dữ dội nhắm vào phi trường Tân Sơn Nhất sáng sớm 29 Tháng Tư, 1975, khiến bà và nhiều người khác âm thầm nhỏ lệ. Cùng lúc, một cuốn phim khác, lồng lộng ký ức tưởng đã ngủ yên, cũng đang kéo họ vượt thời gian trở về với những ngày cuối cùng ấy. 

Quang cảnh trên màn ảnh lúc rõ mồn một, lúc nhạt nhòa cũ kỹ, như biến cố xảy ra đã 40 năm. 

Màn hình lại có cảnh nhiều người với những đôi mắt thất thần, đang chen chúc nhau cố gắng trèo lên, vượt qua hàng rào kẽm gai để lọt vào khuôn viên tòa Ðại Sứ Mỹ, mọi hy vọng đặt vào con đường duy nhất có thể giúp họ rời khỏi Việt Nam. 

Khi ống kính phóng to vào khuôn mặt một thanh niên, trong rạp có tiếng kêu nhỏ: “Trời ơi trời, đó là tôi, là tôi...” 

Và tiếp theo câu nói ngắn ngủi đó là tiếng khóc vừa bật lên đã nghe âm u như bị bàn tay ai vội vàng bịt lại.

Ở một đoạn phim khác, phóng viên Bruce Dunning của đài CBS kể lại cảnh những chiến sĩ và người dân Việt Nam tìm cách trèo lên các chiến hạm đang chạy đi, trong đoạn tường trình nổi tiếng: “Ở đây có cả biển người, chúng ta đang kéo đi, bỏ họ ở lại, họ đang rơi xuống các bậc thang giữa lưng trời.”

Không khí trong rạp chùng xuống theo từng tiếng thở dài, và đọng lại trên những nét mặt căng thẳng của khán giả khi màn hình điểm từng giờ, từng giờ, của ngày 30 Tháng Tư, 1975, với những tiếng súng nổ xa xa và những đoàn xe tăng của quân đội Bắc Việt ngày càng kéo gần vào thành phố. 


Ðại Tá Stuart Herrington trong buổi phỏng vấn cho phim “Last Days in Vietnam.” (Hình: Moxie Firecracker Films)
Giữa người và người
Sài Gòn cuối Tháng Tư, 1975 ở tình trạng bi đát lắm. Những đợt pháo kích và xe tăng CSVN ồ ạt kéo vào, sự thất thủ của miền Nam là điều không thể tránh khỏi.

Nhưng ông Graham Martin, vị Ðại Sứ Mỹ có toàn quyền quyết định về việc di tản, nhất định không chấp nhận viễn ảnh đen tối này, tiếp tục bám giữ một hy vọng mong manh là sẽ có một giải pháp nhiệm màu nào đó cho phần đất mà con trai ông đã hy sinh tính mạng để bảo vệ.

Trước hoàn cảnh đó, những viên chức và chiến binh Hoa Kỳ các cấp đối diện với một lựa chọn khó khăn: Hoặc tuân lệnh Tòa Bạch Ốc, chỉ di tản người Mỹ, hoặc bất tuân lệnh trên, cố gắng cứu tối đa mạng sống của hàng trăm ngàn người Việt làm việc mật thiết với chính phủ Hoa Kỳ, những người mà nếu kẹt lại tính mạng sẽ bị đe dọa.

Và họ đã chọn con đường thứ hai, bất chấp nguy hiểm và nguy cơ có thể bị buộc tội phản quốc, để làm điều mà họ cho là đúng.

Giải thích sự chọn lựa đó, Ðại Tá Stuart Herrington, bày tỏ, “Cũng có lúc vấn đề không phải là hợp pháp hay bất hợp pháp, mà là đúng hay sai.”

Nếu Ðại Tá Stuart Herrington và một số đồng đội của ông giúp người di tản bằng cách phát động một chiến dịch lén đưa từng nhóm người Việt rời đất nước bằng những chuyến bay chở hàng đến Philippines, thì Ðại Sứ Graham Martin, sau khi đã nhận lệnh phải di tản trong vòng 24 giờ đồng hồ, đã cố tình ở lại Việt Nam cho đến giờ phút chót. Chiến thuật của ông là chỉ cho 1, 2 người Mỹ lên mỗi chuyến trực thăng chứa được 40 người đến đón người Mỹ ra khỏi tòa đại sứ, đưa thẳng ra đệ thất hạm đội. Trong khi đó, ông Richard Armitage (sau này trở thành thứ trưởng Ngoại Giao, dưới quyền Ngoại Trưởng Colin Powell), thuộc tình báo Hải Quân Hoa Kỳ, “bắt tay” với Ðại Tá Hải Quân Việt Nam Đỗ Kiểm để đón hơn 30,000 người Việt lên những chiến hạm Mỹ mà không cho bộ quốc phòng biết.

Nén giọt nước mắt khi tả lại cảnh làm lễ hạ cờ Việt Nam trên chiến hạm USS Kirk để được vào Philippines, Ðại Tá Ðỗ Kiểm kể lại, “Chúng tôi đứng nghiêm hát quốc ca và cử hành lễ hạ cờ. Ai cũng khóc. Tôi 42 tuổi đời, lúc ấy cũng là một con cáo già trên biển rồi, đã từng dự biết bao nhiêu lần lễ hạ cờ, nhưng không bao giờ buồn bằng hôm ấy, thấm thía nỗi mất mát, mất nước, mất tất cả.”

Ông Miki Nguyễn, con trai một phi công lái chiếc Chinook, lúc ấy mới 6 tuổi rưỡi, nhớ lại cảnh gia đình mình nhảy ra khỏi chiếc máy bay Chinook sắp hết xăng, nhưng vì lớn quá không thể đáp xuống boong tàu USS Kirk:

“Từng người một, chúng tôi nhảy ra ngoài. Tôi nhảy ra, anh trai tôi nhảy ra. Mẹ tôi đang ôm đứa em gái nhỏ. Vâng, hiển nhiên là chúng tôi rất sợ. Và mẹ tôi chỉ biết phó thác, với một tay - với bàn tay phải, còn tay trái để giữ cho mình khỏi sợ, thả em gái tôi xuống.”

Một lính thủy quân lục chiến kể, sau hơn 40 giờ đồng hồ không ăn không ngủ, đánh điện đi xin trợ giúp vì “đã quá mệt mỏi,” nhận được câu trả lời, “Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ không bao giờ mệt.”

Còn ông Phó Bình, lúc ấy là một sinh viên trẻ thuộc nhóm 420 người bị kẹt lại tại Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ sau khi chuyến trực thăng cuối cùng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ rời Việt Nam, kể lại, “Sáng hôm sau tôi thức dậy thì vẫn thấy người ta từ bên ngoài cố gắng trèo vào bên trong, nhưng điều đầu tiên tôi chú ý là không thấy những người lính Mỹ đâu cả? Một lúc thì tôi đoán họ đã bỏ đi hết rồi.”

Trước đó, sinh viên Phó Bình đã được Ðại Tá Herrington hứa là sẽ không bao giờ bỏ rơi họ.

Và tâm trạng của Ðại Tá Herrington khi nhận lệnh phải lập tức cùng 10 người lính thủy quân lục chiến cuối cùng rời Việt Nam trong chuyến bay cuối cùng: “Một chiếc trực thăng CH-46 đáp lên nóc, hạ thang xuống và chúng tôi leo lên. Khi trực thăng cất cánh, cửa còn mở. Nhìn xuống bãi đậu xe, tôi có thể nhìn thấy nhóm 420 người bị bỏ lại bên đám cỏ. Tôi cảm thấy hết sức bất nhẫn trước sự phản bội này.”

Trung Úy Phạm Hữu Ðàm nhớ lại “giây phút lịch sử” vào trưa ngày 30 Tháng Tư, sau khi lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh vang trên đài phát thanh, ông và nhiều người lính đủ binh chủng cởi bỏ quân phục đang mặc ngay trên đường phố, trong khi màn hình chiếu cảnh nhiều thanh niên trẻ tuổi, ngơ ngác, cởi trần hay mặc áo lót, đi lang thang trên phố và những đôi ủng nhà binh nằm la liệt giữa lòng đường: “Tôi tự hỏi các bạn tôi đã hy sinh nằm xuống để làm gì, có phải để được ngày hôm nay? Tôi tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra cho họ, và cho bản thân tôi nữa. Tôi không có câu trả lời.”


Tổng Thống Gerald R. Ford và Ngoại Trưởng Henry A. Kissinger bàn luận về cuộc di tản khỏi Sài Gòn hôm 29 Tháng Tư, 1975. (Hình: Gerald R. Ford Presidential Library)

Dù không chủ tâm phê phán chính sách, hay bào chữa cho ai, nhưng biến hóa tài tình, và cái nhìn đầy ắp tình người của Rory nằm ở chỗ, qua hình ảnh và lời kể trong phim, bà cho khán giả thấy được một hình ảnh tận tụy hy sinh của Ðại Sứ Graham Martin, bên cạnh ấn tượng trước đó của khán giả về ông - một con người bướng bỉnh đến mù lòa trước thực tại.

Còn Tổng Thống Gerald Ford, qua lời kể của các nhân chứng, cũng được thấy đã vì lo lắng cho người dân miền Việt Nam mà hết lòng “xin tiền” Quốc Hội để cứu họ, bất chấp hậu quả chính trị với bản thân.
Một cuốn phim cần xem
Phim hết, mọi người ra khỏi rạp, nhiều khán giả Việt còn nấn ná với nhau để bàn tán.

Họa sĩ Ann Phong, đôi mắt đỏ hoe, cho biết bà khóc vì “lại một lần phải sống lại cảnh Tháng Tư, đến khi thấy cảnh trong phim lá cờ Việt Nam hạ xuống để treo cờ Hoa Kỳ vào Phi Luật Tân, tôi khóc òa, vì cảm xúc mất nước tôi đã trải qua nay lại phải đối diện một lần nữa!”

Nhưng bà cũng nói: "Cám ơn Last Days in Vietnam cho tôi nhìn lại những phút đau lòng trong lịch sử bằng những đoạn phim nói về tình người. Từ những người có quyền lực tại Hoa Kỳ đến những người lính Mỹ đứng gác tòa đại sứ. Một số họ ray rứt vì không giữ được lời hứa.”

Một khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng ở quân Cam, muốn được gọi là “Facebooker” Lạc Việt, cho rằng đây là cuốn phim rất đáng xem, “không chỉ cho những thế hệ sau này để tìm hiểu về Việt Nam, mà còn cho cả người lớn đã từng sống qua những ngày đen tối nhất của giai đoạn lịch sử này.”

Bà nói, “Tôi đã biết những chính sách của Hoa Kỳ để giúp người Việt di tản, nay tôi biết thêm được những cố gắng riêng lẻ của những quân nhân Hoa Kỳ. Họ, bằng mọi cách, ở lại để cứu giúp người Việt Nam, đưa đi được người nào hay người đó. Tình người trong lúc lâm nguy thật cảm động.”

Em Uyên Thao Trần, 21 tuổi, theo gia đình đi xem phim, tâm sự, “Cả bố mẹ của em đều thực sự trải qua 'những ngày cuối ở Việt Nam,' vì thế em được biết nhiều về sự kiện lịch sử trong cuốn phim này qua chuyện bố mẹ kể, và những bài học lịch sử khác. Vì thế phần đầu của phim với em hơi chán. Nhưng khi xem đến cảnh người dân miền Nam Việt Nam phải đối diện với bao khó khăn để tìm cách rời đất nước, những khó khăn mà chính bố mẹ em đã phải đương đầu, em thấy người mình như dính trên ghế, hồi hộp theo dõi. Nửa phần sau của cuộn phim với em rất cảm động và gây tác động mạnh.”

Bà Phạm Kim Duyên, một người di tản từ Tòa Ðại Sứ sáng 30 Tháng Tư, nói, “Phim hay quá, thoạt tiên tôi do dự không muốn đi xem vì không muốn nhắc lại những kỷ niệm buồn, nhưng phim buồn mà không làm mình thấy tuyệt vọng."

Mới được trình chiếu sang tuần thứ tư, “Last Days in Vietnam” đã nhận được không biết bao nhiều điểm phim, đa số đều là những lời khen ngợi.

Ðược hỏi về thông điệp chính của mình trong phim, đạo diễn Rory Kennedy trả lời, “Bất kể chính sách có tốt hay xấu, trong hoàn cảnh đau thương nhất, tình người vẫn chiến thắng, đó là khía cạnh mà tôi nhận thấy và muốn ghi lại trong những ngày cuối của cuộc chiến này. Còn thông điệp, nếu có thì có lẽ trước khi mình dấn thân vào một cuộc chiến, phải nghĩ cách làm sao để chấm dứt chiến tranh đó.”

Bà Rory Kennedy là ái nữ của cố Nghị Sĩ Robert F. Kennedy. Bà gọi cố Tổng Thống John F. Kennedy bằng bác ruột.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét