Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Trả lời một số nghi vấn và thắc mắc (phần 3 và 4)


matdang_conminh03
Vấn đề 3 - Thầy là một trí thức tuổi đã cao.
Thầy nên theo như những đồng nghiệp khác chỉ hoạt động khoa học và xã hội. Về chính trị hãy để cho những người khác lo. Thầy có uy tín với nhiều bạn trẻ. Những ý kiến mang “ tính phản động” của thầy sẽ có tác dụng xấu đến tư tưởng các bạn ấy. Thầy, nếu có năng lực thì nên nghiên cứu những biện pháp hữu ích đóng góp cho Đảng hơn là việc vạch ra những sai lầm rồi để đó. Mà rồi những ý kiến của thầy chỉ như ném hạt cát xuống bể, chẳng có tác dụng gì. Thật là dại dột khi làm một việc mà đã biết rõ là vô ích. Trước nhiều tệ nạn của đất nước trong đó có nguy cơ từ Trung cộng, cần củng cố khối đại đoàn kết toàn Đảng toàn dân, việc làm của thầy liệu có ảnh hưởng xấu đến sự đoàn kết đó.

Trả lời
Đây là một lời khuyên xuất phát từ lòng tốt, mới nghe qua thì thấy rất hợp lý, nhưng nghĩ kỹ thì không thích hợp. Trí thức là người biết thế nào là tốt xấu, đúng sai. Giá trị của trí thức là ở chỗ làm được cái đúng, cái tốt, phát hiện và phản biện cái xấu, cái sai. Phản biện chính xác là việc rất cần cho sự phát triển đúng hướng. Đảng và Nhà nước rất quan tâm, kêu gọi mọi người, đặc biệt là trí thức thực hành phản biện. Quốc hội, Mặt trân Tổ quốc nhận trách nhiệm phản biện các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước.
Để có thể phản biện, ngoài trình độ kiến thức cao, có phương pháp đúng, cần có lòng trung thực và dũng cảm. Phản biện là việc làm không bắt buộc, chủ yếu là tự giác. Khi thấy một việc được cho là “ có vấn đề” là xấu, là sai, người ta, tùy thuộc vào phẩm chất của mình mà lựa chọn một trong các cách: phản biện hoặc chống lại, không có ý kiến gì, ủng hộ hoặc lợi dụng nó để kiếm lợi. Mỗi cách lại trải rộng ra trên nhiều mức độ. Đất nước đang có những vấn đề về chính trị và xã hội đáng quan tâm, bạn biết tôi là một trí thức, bạn khuyên tôi chỉ nên làm khoa học mà để việc đó cho người khác lo, như vậy là bạn muốn tôi theo nhóm người “ không có ý kiến gì”. Tôi xin cám ơn bạn vì lòng tốt nhưng tôi từ chối lời khuyên đó.
Trước một vấn đề của dân tộc, của đất nước, khi không có ý kiến gì thì cần phân biệt 3 trường hợp: không thể, không muốn, không dám.

Không thể có ý kiến phản biện vì không biết, không quan tâm hoặc tuy có biết, có quan tâm nhưng tự thấy là chưa đủ thông tin và kiến thức. Tự nhận mình không thể có ý kiến, nếu đúng như thế thì chỉ mới là trung thực chứ chưa chưa phải là điều đáng mong đợi. Không muốn có ý kiến phản biện khi xét về khả năng là có biết, có đủ trình độ để làm nhưng vì một lý do chủ quan nào đó mà không thích thú với công việc đó. Không muốn phản biện các vấn đề của đất nước là một nhược điểm bình thường, chứng tỏ chưa có đủ dũng cảm chứ cũng chưa vi phạm đạo lý. Nhưng khi thực chất là không muốn mà lại nhận là không thể thì đã phạm vào sự thiếu trung thực. ( riêng việc không muốn phản biện vấn đề của cá nhân khi không được hỏi lại là cần thiết ). Không dám có ý kiến khi phải sợ một thứ gì đó. Sự sợ này là do kết hợp giữa tính chất hèn yếu bên trong với sự đàn áp, dọa nạt đến từ bên ngoài. Sợ là một tính cách bình thường của những con người bình thường. Sự sợ sẽ được giảm bớt, bị loại bỏ trong một chế độ thật sự tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, nó sẽ trầm trọng hơn dưới thể chế cai trị tàn bạo, đàn áp. Biết mà không dám phản biện dễ bị mang tiếng là hèn. Sẽ không những chỉ hèn mà còn phạm tội dối trá khi thực chất là “không dám” nhưng lại nói là “ không muốn hoặc không thể”. Sự đàn áp tàn khốc những người “dám cả gan phản biện lãnh đạo” đã làm hủy hoại biết bao cá nhân tài giỏi và gia đình họ, làm thui chột dũng khí của nhiều người, làm tiêu tan nhiều ý tưởng sáng tạo, làm vùi dập nhiều tư tưởng tiến bộ, tuy vậy không thể đàn áp được ý chí của những người dũng cảm, không thể dập tắt được phong trào dân chủ. Nhiều người tự rút ra bài học vô cùng khôn ngoan là khi bị thống trị đàn áp thì hãy bưng tai, bịt mắt, ngậm miệng trước mọi tội ác, bất công, sai lầm, trước mọi oan trái của người khác để giữ yên cho bản thân và gia đình. Đó là sự khôn ngoan của những người hèn. Những kẻ thống trị đang muốn tạo ra càng nhiều người hèn càng tốt cho họ. Trong bài viết “Chó sủa ngoài đường” ( đã đăng trước đây trên trang này ) tôi tự nhận mình cũng chỉ là một người hèn nhưng không hèn đến mức không dám, không muốn, không thể phản biện, không quá hèn đến mức xu nịnh để tiến thân.

Các bạn mách là nếu tôi có ý kiến gì thì nên viết thư, viết kiến nghị gửi cho các cơ quan lãnh đạo. Thưa rằng tôi đã làm việc đó nhiều lần, bạn nào quan tâm thì chắc đã biết. Về cơ quan tôi đã 5 lần gửi cho Quốc hội, Trung ương Đảng, về cá nhân tôi đã gửi cho Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, nhiều vị Bộ trưởng, nhiều vị Chủ tịch UBND các tỉnh thảnh, nhiều lần gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tất cả những lần đó đều không nhận lại được một hồi âm nào, tất cả đều rơi vào im lặng. Mà không phải chỉ riêng trường hợp của tôi, thư và kiến nghị của nhiều cá nhân và tổ chức cũng đều rơi vào im lặng như thế cả. Tôi thấy chỉ còn một cách là viết công khai, viết để bộc lộ tâm can, viết để trao đổi với bạn bè, viết để thức tỉnh các bạn trẻ.

Các bạn sợ “những tư tưởng phản động” của tôi sẽ vô tình làm ảnh hưởng đến một số bạn trẻ. Thì chính tôi rất muốn chủ động tạo ra ảnh hưởng ấy mà tôi cho là tốt, là cần và thực tế đã được nhiều bạn hoan nghênh, còn bạn nào cho là xấu, là phản động thì hoàn toàn có quyền phản bác, chống lại. Tôi không có một chút vô tình nào trong việc này cả. Bạn mách tôi chỉ nên hướng dẫn các bạn trẻ học tập chuyên môn. Thưa rằng việc đó đã có nhiều thầy làm được, và tôi, nếu có bạn nào hỏi về chuyên môn, về tình cảm, về cuộc sống mà tôi biết thì tôi vẫn thành tâm hướng dẫn, giải đáp, không từ chối. Tôi cho là hướng dẫn các bạn trẻ có nhận thức đúng về chính trị là quan trọng mà các nhà trường, đoàn thể phần lớn đã bị bắt buộc chỉ tuyên truyền một chiều, làm cho một số bạn hiểu nhầm, các bạn đó cần biết thêm thông tin khác để tự mình tìm ra sự thật. Việc cung cấp một cách nhìn khác chỉ mới có một số ít người làm được, nhiều thầy không thể, không muốn hoặc không dám làm. Vì vậy tôi mới chọn làm, dẫu biết rằng công việc này có thể nguy hiểm.

Các bạn cho là ý kiến phản biện của những người như tôi chỉ như những hạt cát ném xuống bể, thật vô ích. Như những hạt cát là đúng phần nào, còn nói vô ích thì tôi không đồng ý. Đúng phần nào vì không phải mọi ý kiến đều là hạt cát mà trong đó có các hạt sạn, có cả đá tảng, thậm chí có cả trái núi ( thí dụ ý kiến đề nghi từ bỏ CNML ). Cho rằng các ý kiến của người dân thường là vô ích vì những người cần nghe không ai nghe, mà có nghe rồi cũng bỏ mặc. Đó là một thực tế. Tuy vậy đó cũng là một cách nhìn thiển cận vì một vài ý kiến riêng rẽ thì giá trị còn rất bé, nhưng tập hợp hàng triệu, hàng tỷ ý kiến thì sẽ thành sức mạnh lớn. Trong những người cần nghe, trừ một số ít đã mất hết lương tri, số đông còn lại vẫn còn lương tri, người còn nhiều, người còn ít, dù sao vẫn còn. Khi chỉ vài ý kiến phản biện thì chưa đủ sức mạnh để thức tỉnh lương tri đó, nhưng hàng triệu, hàng tỷ ý kiến sẽ thức tỉnh được. Mà nếu không có từng ý kiến nhỏ, riêng lẻ gộp lại thì lấy đâu ra con số hàng triệu, hàng tỷ. Lập luận coi thường các ý kiến riêng lẻ chỉ là nơi ẩn nấp của sự sợ hãi. Trong những năm 1976 – 1986 nhiều ý kiến phản biện về hợp tác xã nông nghiệp cũng được cho chỉ là những hạt cát, nhưng rồi những hạt cát ấy đã tích lũy lại để thành “ sự đổi mới” ngoạn mục trong nông nghiệp.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Điều này chỉ đúng khi đoàn kết quanh một trung tâm gồm những con người ưu tú, trong sạch. Còn khi mà trung tâm đã rệu rã, con người ở đó đã thoái hóa, biến chất thì việc quan trọng là phải củng cố và làm trong sạch trung tâm trước đã. Nếu không thể nào củng cố và làm trong sạch thì phải tạo ra trung tâm mới, còn khi chỉ biết nhắm mắt đoàn kết xung quanh những người đã thoái hóa thì càng đoàn kết càng phạm vào tội ác. Thái độ xu nịnh, cúi đầu khuất phục, ôm chân những kẻ đồi bại đang nắm quyền lực thì đó không phải là để bảo vệ sự đoàn kết mà là bảo vệ cái xấu xa. Rõ ràng là khi tôi kêu gọi từ bỏ CNML thì không thể đoàn kết với những người cố duy trì nó. Việc này tạo nên sự mất đoàn kết tạm thời để khi thống nhất được thì sẽ có sự đoàn kết mới vững chắc hơn. Sức mạnh là ở sự đoàn kết của tổ chức. Về điều này người ta hay lấy thí dụ “ bó đũa”.
Nhưng cần phân biệt hai loại bó. Loại 1 khi dùng keo để gắn từ bên trong. Loại 2 khi dùng dây để buộc bên ngoài. Với bó loại 1 keo gắn là sự chung mục đích, chung lý tưởng, là sự thương yêu, tôn trọng, đoàn kết. Chất keo cần được thường xuyên bổ sung, đổi mới đề khỏi bị rã rời. Người ta dùng bó loại 2 khi không tìm ra chất keo hữu hiệu hoặc là từ bó loại 1 nhưng chất keo đã bị tan rã. Bó loại 2 nếu được buộc bằng nhiều loại dây khác nhau có độ bền cao thì khi bị đứt một vài dây vẫn còn tạm giữ được cả bó. Khi chỉ dùng một dây chủ để quấn quanh cả bó, chỉ cần dây bị đứt một chỗ thì toàn bộ sẽ bị bung ra ngay. Bó đũa VN trước đây được gắn bởi chất keo Lòng yêu nước trộn với CNML. Tưởng rằng chất keo đó sẽ bền vững muôn đời, không ngờ nó đã bị ăn mòn dẫn đến mục nát. Để giữ được bó đũa này Đảng đã dùng một dây chủ bó chung quanh, đó là chế độ toàn trị với đội ngũ công an đông đảo. (facebook.com/ngdinhcong)
Vấn đề 4 - Lấy chủ nghĩa nào để thay vào
Đảng Cộng sản VN hơn 70 năm qua dựa vào Chủ nghĩa Mác-Lênin để lãnh đạo đất nước, nay từ bỏ nó thì sẽ lấy chủ nghĩa nào để thay vào, sẽ theo con đường nào để phát triển. Chúng ta đã theo CNML mấy chục năm qua, bao nhiêu thế hệ đã hy sinh xương máu để có thành quả CM, từ bỏ CNML có phạm phải việc phản bội sự hy sinh của ông cha.

TRẢ LỜI: Chủ nghĩa này, học thuyết kia là công việc của các nhà triết học. Những người lãnh đạo, quản lý đất nước có thể theo hoặc không theo một thứ nào cả. Phần lớn nhân dân, nếu biết được chủ nghĩa này nọ thì cũng tốt mà nếu không biết cũng chẳng sao. Cái họ cần biết, cần theo là Hiến pháp, pháp luật, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân tự do. Mà để làm ra Hiến pháp và pháp luật chỉ cần biết tôn trọng nhân quyền, dân quyền, tự do, dân chủ. Hơn nửa thế kỷ chúng ta được tuyên truyền, được nhồi sọ để hình thành thói quen là phải lấy CNML làm kim chỉ nam thì mới xây dựng được chế độ XHCN.
Chúng ta đã vì dân trí thấp mà phạm sai lầm, cứ tưởng CNML là tốt, phải theo đến cùng. Nay thấy được nó không phù hợp, phải từ bỏ nó như từ bỏ giây trói của ý thức hệ thì mới phát triển được đất nước đúng hướng. Từ bỏ CNML có nghĩa là từ bỏ việc xây dựng chế độ XHCN, một chế độ không tưởng. Phần đông thế giới không cần đến CNML, không cần đến một chủ nghĩa mới nào cả mà vẫn phát triển tốt đẹp. Thế thì tại sao khi chúng ta từ bỏ CNML lại cần đến một chủ nghĩa mới để theo. Không, trước mắt chúng ta không cần, chưa cần một chủ nghĩa mới nào cả mà chỉ cần thực hành chế độ dân chủ với “Tam quyền phân lập” như nhiều nước dân chủ khác, cần thực sự tôn trọng nhân quyền, thực sự vì ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC như tiêu đề của Quốc gia. Những điều này đã có khá đầy đủ, cả văn bản lẫn kinh nghiệm thực tế của hàng trăm quốc gia. Khi một nước nào đó muốn trở thành ngọn cờ đầu, trở thành bá chủ ( đại bá hoặc tiểu bá ) thì mới phải có học thuyết mới, chủ nghĩa mới để lôi kéo các nước khác, còn khi chỉ phát triển đất nước vì hạnh phúc của nhân dân thì không cần học thuyết mới, không cần chủ nghĩa mới nào cả. Những nguyên lý của chế độ dân chủ đã có sẵn cho chúng ta dùng. Cái mà nhân dân cần ở những người lãnh đạo và quản lý đất nước là năng lực trí tuệ, là sự liêm chính. Chúng ta đã được Đảng tạo ra một thói quen tai hại kiểu “ Định hướng XHCN” là trông chờ vào các kế hoạch ( 5 năm), trông chờ vào Nghị quyết của các kỳ Đại hội. Thói quen tai hại đó làm thui chột khả năng linh hoạt, sáng tạo của mọi cấp. Chúng ta không những cần từ bỏ các nguyên lý của CNML mà phải từ bỏ các thói quen xấu do nó tạo ra. Khi những người lãnh đạo và quản lý có năng lực trí tuệ và liêm chính thì tự họ sẽ biết, sẽ nghĩ ra những việc làm cần thiết, phù hợp mà không cần ai vạch ra nghị quyết cho họ cả. Đó là bài học mà Lý Quang Diệu đã rút ra cho chính quyền Singapo, đó là việc mà Nguyễn Bá Thanh đã làm ở Đà nẵng.

Hãy thử nhìn lại những điều mà Đảng cho là đổi mới về kinh tế trong mấy chục năm qua như khoán trong nông nghiệp, như công nhận 5 thành phần kinh tế v.v.. Thực chất là sửa sai, là cởi trói, là quay về cái cũ chứ so với lịch sử của dân tộc và của thế giới thì chưa thấy cái mới ở chỗ nào cả. Một con người đang tự do, vì thất thế mà bị anh bắt trói lại cho đến gần chết, thế rồi do một chút lương tri còn lại, anh không thể tiếp tục trói mà phải cởi cho người ta để họ tự xoay xở kiếm sống, thế mà anh kể ơn là nhờ anh đổi mới, anh bắt người ta ca tụng và nhớ ơn. Nếu chỉ nhìn một lúc khi anh cởi trói thì thấy quả anh là người tử tế, nhưng nhìn hết cả quá trình thì mới biết anh là người “ công ít, tội nhiều” ( Xét mình công ít tội nhiều- Kiều- Nguyễn Du). Sẽ là tốt hơn rất nhiều khi từ đầu anh không trói người ta.
Xin các bạn đừng băn khoăn khi dân tộc ta chưa có Chủ nghĩa mới để thay thế CNML bị từ bỏ. Xin đừng sợ sẽ phản bội lại sự hy sinh của ông cha khi từ bỏ CNML. Cái sợ đó là do bị nhồi sọ tạo nên. Xin hãy nhìn vào sự thật cuộc sống. Nền dân chủ với đa nguyên chính trị và Tam quyền phân lập là thành tựu vĩ đại của nhân loại chứ không phải là sản phẩm xấu của chú nghĩa tư bản như người ta tuyên truyền nhồi sọ một chiều.

Hãy đặt câu hỏi “ Sự hy sinh xương máu của thế hệ ông cha chúng ta là vì cái gì ( hoặc mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh CM là gì, thành quả cần đạt được là gì )

Trả lời câu này không dễ, phải suy nghĩ sâu, còn nếu chỉ suy nghĩ hời hợt, nông cạn thì dễ bị mắc vào “ bẫy tuyên truyền một chiều”.

Theo sự tuyên truyền thì: Mục đích của đấu tranh CM là giành chính quyền, là xây dựng Đảng và chế độ XHCN. Thành quả của CM là độc lập, thống nhất, toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, là tổ chức Đảng vững mạnh, là xây dựng chế độ XHCN trên toàn đất nước. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc hy sinh xương máu vì mục đích ấy, vì thành quả ấy. Vì vậy thế hệ chúng ta phải bảo vệ thành quả CM đã đạt được ( nghĩa là phải bảo vệ Đảng, Chính quyền và chế độ ), nếu không bảo vệ thành quả ấy của CM thì sẽ phạm tội phản bội lại sự hy sinh xương máu của các thế hệ trước.


Nếu các bạn tin vào những điều vừa viết thì rõ ràng là đã bị lừa, bị mắc vào vòng ngụy biện mà không biết.

Trong lập luận trên đây người ta đã dùng một phương pháp ngụy biện thuộc dạng “ đánh tráo khái niệm”. Đó là sự lập lờ giữa mục đích và phương tiện hoặc giữa mục đích cơ bản và nhiệm vụ hoặc mục tiêu trước mắt. Hãy đặt liên tiếp các câu hỏi và trả lời.
1- Vận động nhân dân, thành lập tố chức để làm gì ? Để làm CM ( vậy làm CM là mục tiêu trước mắt ).
2- Làm CM để làm gì ? Để giành chính quyền về tay nhân dân ( Vậy giành chính quyền là mục tiêu trước mắt của CM, còn CM là phương tiện để giành chính quyền ).
3- Giành chính quyền để làm gì ? Để xây dựng chế độ XHCN ( vậy chính quyền trở thành phương tiện còn mục tiêu là chế độ ).
4- Xây dựng chế độ để làm gì ? Để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. ( vậy xây dựng chế độ từ mục tiêu ở quá trình trước, trở thành phương tiện ở quá trình sau).
Đến đây tạm dừng lại, xem tự do, hạnh phúc là mục đích cần đạt. Nếu đặt tiếp câu 5- Tự do, hạnh phúc để làm gì ? Để ABC.
6- Có ABC để làm gì ? Để DHF.. Vậy ABC là gì, DHF là gì thì chúng ta chưa biết, may ra có lẽ Trời mới biết được. Như vậy nói mục tiêu của CM là giành chính quyền, là xây dựng chế độ thì cũng có phần đúng, vì đó là mục tiêu trước mắt, nhưng không đúng hoàn toàn. Phải chỉ ra mục đích cuối cùng có thể hiểu được, đó là tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đừng bao giờ nhầm lẫn phương tiện ( hoặc mục tiêu trước mắt ) với mục đích cuối cùng. Sự đánh tráo các khái niệm này là mưu mô xảo quyệt của tuyên truyền ngụy biện, vạch ra mưu mô này không phải dễ.

Mục đích cơ bản của CM VN là TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC CHO TOÀN DÂN (chứ không phải là chính quyền của công nông), thành quả cần đạt được là TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN (chứ không phải sự lãnh đạo, sự toàn trị của Đảng), sự hy sinh xương máu của ông cha cũng là vì TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC CỦA CON CHÁU (chứ không phải để công hữu hóa ruộng đất). Điều này được viết rõ ràng trên Quốc hiệu, được Hồ Chí Minh căn dặn “nếu nước được độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng để làm gì”. Tự do và Hạnh phúc của nhân dân là mục đích cơ bản, mục đích cuối cùng của CM hoặc Cải cách, của mọi hoạt động. So với mục đích cuối cùng là tự do và hạnh phúc thì việc làm CM, việc giành chính quyền, việc xây dựng XHCN chỉ là phương tiện, Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Mác Lênin cũng chỉ là phương tiện. Người ta đã đánh tráo, lấy phương tiện thay cho mục đích. Mục đích là thiêng liêng, là bất biến trong thời gian dài, còn phương tiện là tạm thời, là có thể dùng cái này hoặc cái khác, là có thể sửa đổi, có thể thay thế.

Khi đã công nhận mục đích, thành quả là TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN thì xin các bạn trả lời câu hỏi: Ai đang lợi dụng và phản bội, ai đang đấu tranh, bảo vệ mục đích ấy, thành quả ấy.

Câu trả lời của tôi cũng như của nhiều người như sau, xin nêu ra để các bạn tham khảo:

Nhân dân VN đã đấu tranh và hy sinh nhiều nhưng chỉ mới đạt được một phần của ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT, một phần nhỏ của TỰ DO, HẠNH PHÚC, còn chưa đạt được thật sự tự do và hạnh phúc như mong muốn (độc lập chưa trọn vẹn vì còn bị Trung quốc uy hiếp. Thống nhất chưa trọn vẹn vì mới thống nhất lãnh thổ, chưa thật sự thống nhất lòng dân). Khi xem ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT là thành quả quan trọng của sự hy sinh xương máu của hàng triệu người thì trên 95% dân tộc VN chỉ được hưởng một phần nhỏ thành quả đó, còn phần lớn đã bị một nhóm người dưới 5% chiếm đoạt, phục vụ cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Một số người trong số họ đã lộ mặt như Hồ Xuân Mãn, Trần Văn Truyền và còn hàng triệu người được gọi là “ một số không ít đảng viên, cán bộ các cấp, các ngành thoái hóa biến chất, mất đạo đức”. Chính số này tạo ra và nuôi dưỡng những tệ nạn như tham nhũng, mua bán quan tước, dối trá, gian lận, đàn áp tự do, gây ra thống khổ cho hàng vạn người dân bị oan sai. Chính họ mới đúng là bọn phản bội mục đích của CM, phản bội sự hy sinh xương máu của ông cha. Chúng nó ở đâu ra, làm sao tồn tại được. Chính CNML, nền chuyên chính vô sản sinh ra và nuôi dưỡng, và đến lượt mình, chúng nó tìm đủ mọi cách để duy trì sự chuyên chính ấy nhằm củng cố quyền lực và lợi ích. Ngoài miệng chúng nó nói những lời hoa mỹ là vì dân, lo cho dân nhưng trong sâu thẳm của tâm trí thì chủ yếu là lo củng cố vị thế của chúng. Khi có một số cá nhân và phong trào tự phát của nhân dân vạch mặt chúng, chống lại chúng thì bị vu cáo là phản động, là chống Đảng, là muốn lật đổ chế độ, bị đàn áp, bắt bớ, tù đày.

Những người hoạt động cho dân chủ muốn Đảng từ bỏ sự toàn trị, từ bỏ CNML, muốn xây dựng chế độ với tam quyền phân lập, muốn cho dân được tự do, hạnh phúc. Như vậy họ là những người tiếp bước ông cha để đấu tranh cho mục đích cuối cùng là TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC cho toàn dân, họ không phản bội ông cha, họ chỉ muốn từ bỏ phương tiện mà ông cha đã dùng nhầm, họ lựa chọn con đường cải cách mà trước hết là nâng cao dân trí, là đi tìm sự thật và nói cho mọi người biết sự thật để cân bằng lại sự tuyên truyền một chiều. Việc làm của họ đụng chạm đến uy thế và lợi ích của một số người có quyền lực nên bị vu cáo là phản động, bị đàn áp. Nhưng chính họ mới đúng là những người đang đấu tranh cho mục đích TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC của toàn dân.

Bài trả lời tạm chấm dứt. Bạn nào còn có vấn đề chưa rõ, còn thắc mắc xin nêu câu hỏi, nếu có điều kiện tôi xin trả lời sau.

Xin cám ơn các bạn đã chia sẻ quan điểm.
Nguyễn Đình Cống
Nguồn: facebook.com/ngdinhcong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét